08/01/2019
Khánh An-VOA
Qua loa phát thanh công suất lớn, chính quyền phường 6, quận Tân Bình,
TPHCM, thông báo sẽ tiếp tục tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ những ngôi nhà còn
lại trong khu “xóm đạo” Vườn rau Lộc Hưng sau đợt cưỡng chế lần đầu tiên vào
ngày 4/1, bất chấp phản đối của người dân, theo lời người dân địa phương nói
với VOA hôm 7/1.
Xuất thân từ một trong những gia đình đã có mặt trên mảnh đất chuyên nghề
trồng rau từ năm 1954 đến nay, ông Cao Hà Trực cho biết khu đất rộng gần 5 ha ở
quận Tân Bình là nơi cư trú của cả xóm đạo di cư từ Bắc vào Nam theo con “tàu
há mồm” của “cụ Diệm” (Tổng thống Ngô Đình Diệm).
Vào thời điểm đó, khu đất thuộc quyền sở hữu của Hội Thừa Sai Paris.
“Hội Thừa Sai Paris giao [đất] cho Tổng Giám mục để cấp cho chúng tôi.
Người thì lấy để xây nhà, người thì dùng để trồng rau sinh sống trong lúc mới
di cư vào Nam chưa biết làm gì”, ông Trực nói với VOA.
“Chúng tôi sinh sống mãi đến năm 1999, theo chủ trương của Thủ tướng chính
phủ, chúng tôi được biết là chúng tôi được kê khai đất đai. Nhưng khi chúng tôi
đi kê khai thì bị phường, quận lừa. Ông Tâm nói với chúng tôi rằng ‘Thôi, đi về
đi. Chưa có dự án gì đâu’ nên không cấp. Đến năm 2001, ông thông báo với chúng
tôi là ông thu hồi đất của chúng tôi theo Nghị định 11 của chính phủ”, vẫn theo
lời ông Trực.
“Mờ ám”?
Vào ngày 4/1, chính quyền đã tiến hành đợt cưỡng chế đầu tiên. Những hình
ảnh, video trên mạng cho thấy người dân đã phản đối mạnh mẽ việc cưỡng chế, có
người đã nằm ngay trước xe ủi để phản đối. Hàng chục người đã bị công an bắt đi
và được thả ra sau khi công việc cưỡng chế trong ngày hoàn tất.
Một số cư dân địa phương nói vụ cưỡng chế hôm 4/1 đã xảy ra rất “bất ngờ”
mà không hề có thông báo trước cho người dân.
“Đến bây giờ tôi chưa nhìn thấy quyết định thu hồi trong Nghị định 11CP”,
ông Trực cho biết.
Một người dân dùng thân mình để chặn xe ủi. |
Nhiều người dân cũng đồng ý kiến với ông Trực và cho rằng chính quyền “mờ
ám” trong việc giải quyết vấn đề đất đai ở khu vực vườn rau.
Theo họ, chính quyền đã “cố tình” gộp chung khu đất đã giao trước đó cho
Bưu điện Thành phố sở hữu (12 ha) với phần đất mà người dân đã trồng rau sinh
sống bấy lâu nay (48 ha) hòng “chiếm đoạt” đất của họ.
Cụ thể, theo một báo cáo của UBND thành phố gửi cho Thanh tra chính phủ vào
năm 2016 mà VOA đọc được, chính quyền cho rằng toàn bộ khu đất diện tích 48 ha “được
chính quyền Pháp sử dụng làm bãi Ăng-ten”, và Linh mục Đinh Công Trình đã làm
giấy “mượn đất” vào năm 1955 để cho bà con giáo dân cư ngụ.
Vì vậy, năm 1991, Ban Quản lý ruộng đất TPHCM đã trao quyền sở hữu và sử
dụng đất khu vực này cho Bưu điện Thành phố để đầu tư hạ tầng khu nhà ở dân
dụng và nhà ở cho cán bộ, công nhân viên của bưu điện.
“Vì các chủ đầu tư (Bưu điện Thành phố, Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Xây dựng
Sài Thành) không đủ năng lực thực hiện dự án, trong quá trình triển khai công
tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã làm phát sinh khiếu kiện đông người làm
cho khu vực trở thành điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn quận Tân Bình.
Do đó, ngày 25 tháng 4 năm 2008, Ủy ban nhân dân thành phố có Quyết định số
1824/QĐ-UBND thu hồi khu đất, giao cho Ủy ban nhân dân quận Tân Bình thực hiện
Dự án công trình công cộng và chung cư cao tầng phục vụ chương trình tái định
cư của Thành phố và của quận Tân Bình”, trích báo cáo.
Tuy nhiên, theo lời ông Trực nói với VOA: “Vào năm 1954, tôi được biết Tổng
nha Viễn thông của Pháp đã mượn của ông bà chúng tôi 12.000 m2 để
làm phát tín [bãi Ăng-ten]. Sau đó, năm 1975, Cộng sản vào và đánh vào các đồn
bốt, nghĩa là 12.000 m2 đó. Còn chúng tôi bên này là 48.000 m2 vẫn
trồng rau như thường. 12.000 m2 đó mấy ông đánh nhau rồi lấy. Lấy
xong rồi chia nhau. Chia nhau hết rồi thì bây giờ đòi lấy đất của chúng tôi”.
Ông Trực khẳng định người dân vẫn còn lưu trữ giấy tờ chứng minh việc mượn
đất của Tổng nha Viễn thông Pháp.
VOA Tiếng Việt đã cố gắng liên lạc với các lãnh đạo phường 6 và quận Tân
Bình để xác minh vấn đề, nhưng không ai trả lời. Một lãnh đạo đã cúp điện thoại
ngay khi biết cuộc gọi đến từ VOA Tiếng Việt.
“Nhà nước cố tình không xác nhận cơ sở pháp lý cho chúng tôi nhằm chiếm
đoạt tài sản của chúng tôi. Chà đạp lên pháp luật luôn. Khi chúng tôi đến các
cơ quan chức năng, họ đều đánh lừa chúng tôi. Họp thì không lập biên bản, còn
nếu có lập biên bản thì lại không giao cho chúng tôi. Quyết định cũng không
giao cho chúng tôi. Tất cả những tờ thông báo đều thảy như truyền đơn, lượm
được thì người ta đưa cho chúng tôi đem về nhà”, ông Trực nói.
Bị “dồn đến đường cùng”
Vẫn theo lời ông Trực, người dân khu vực phường 6 là khu vực nghèo, chuyên
sống bằng nghề trồng rau từ năm 1954. Nhưng vài năm gần đây, họ bị “cắt đường
sống” khi toàn bộ khu vực thường xuyên rơi vào tình trạng ngập nước, khiến cây
cối chết hết.
“Nhà nước đang triệt đường sống của chúng tôi. Đầu tiên, họ công bố quy
hoạch. Chúng tôi đi tìm công lý không được. Rồi các đường cống thoát nước xung
quanh thì họ không moi móc, cải thiện, cố tình để nước ở các nơi chảy vào vườn
rau chúng tôi, gây ngập lụt. Mỗi lần ngập cả mét, đến cả nửa tháng, một tháng
mới rút. Cây cối, gà, chó, rau cỏ đều chết hết. Chúng tôi muốn cải thiện đời
sống mà họ lại tiếp tục giết chết chúng tôi”, ông Trực nói, đồng thời cho biết
đợt cưỡng chế hôm 4/1 đã san phẳng khoảng 40 phòng trọ cấp 4, hàng quán mà
người dân xây dựng để kiếm sống sau khi không thể sống bằng nghề trồng rau, và
một vài căn nhà của người dân.
Một băng rôn phản đối cưỡng chế ở Vườn rau Lộc Hưng. |
Người dân nói họ “hoàn toàn mất lòng tin vào chính quyền” sau hàng chục năm
“gõ cửa quan” để xin được giải quyết vấn đề đất đai.
“Tôi chẳng còn tin tưởng vào việc nhà nước sẽ giải quyết cho chúng tôi. Đơn
chúng tôi đưa lên, Trung ương đề nghị thành phố có câu trả lời mà họ im luôn,
không thèm trả lời. Ông Lê Hoàng Quân có công văn gửi chúng tôi cam kết sẽ họp
với tập thể bà con chúng tôi nhưng tới bây giờ có họp đâu? Đánh lừa, bảo chờ.
Đến nay đã 10 năm rồi. Trốn biệt tăm”, ông Trực nói.
Qua thông báo trên loa phát thanh, chính quyền nói sẽ tiếp tục tiến hành
cưỡng chế tháo dỡ những ngôi nhà “xây dựng bất hợp pháp” còn lại trong khu vực.
Theo lời ông Trực, các trường học lân cận đã được thông báo cho nghỉ vào ngày
8/1 để thuận tiện cho việc cưỡng chế.