Mai Hoa
Ngày 16-1-1979, Ủy viên
Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, Phó Thủ tướng Cảnh
Tiêu đã đọc một bản báo cáo nội bộ, phân tích tình hình Đông Dương. Đây là bản
Báo cáo tuyệt mật và trước khi phát biểu, Cảnh Tiêu đã dặn dò kỹ cử tọa: “Bài
nói chuyện hôm nay sẽ không được phân phát cho các cấp dưới như một văn kiện
chính thức của Trung ương. Có những nội dung cần được giữ bí mật. Ngoài việc
lưu hành bài nói chuyện này tại các Cục, Vụ và đơn vị thích hợp, các đồng chí
có thể tóm tắt tinh thần chính và những điểm quan trọng. Còn về cách truyền đạt
tin tức như thế nào và cần truyền đạt đến Cục, Vụ và đơn vị nào, các đồng chí
sẽ được thông báo sau cuộc họp này” [1].
Bản Báo cáo của Cảnh Tiêu có nhiều nội dung liên quan đến những tính toán của Trung Quốc về chiến tranh biên giới tháng 2-1979. Dưới đây, xin tóm lược lý do Trung Quốc không đưa quân đội đến Campuchia khi Việt Nam giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ Polpot.
Bản Báo cáo của Cảnh Tiêu có nhiều nội dung liên quan đến những tính toán của Trung Quốc về chiến tranh biên giới tháng 2-1979. Dưới đây, xin tóm lược lý do Trung Quốc không đưa quân đội đến Campuchia khi Việt Nam giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ Polpot.
Ngày 4-11-1978, Ủy viên
Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc Uông Đông Hưng sang thăm Campuchia. Đón
tiếp và hội đàm với Uông Đông Hưng, Chính phủ Campuchia đã đề nghị Trung Quốc
đưa quân đội tới Campuchia giúp đỡ nước này chống lại Việt Nam. Trước đề nghị
đó, Cảnh Tiêu cho biết Chính ủy Hải quân Tô Chấn Hoa (Su Zhenghua) gợi ý “nên
phái một phân đội của hạm đội Đông Hải tới Campuchia để giúp họ bảo vệ vùng
biển của họ hoặc phái một hạm đội đến đó chỉ để viếng thăm” [2], còn Tư lệnh
Quân Khu Quảng Châu Hứa Thế Hữu (Xu Shiyou) đề nghị “đưa quân tới Quảng Tây để
thử phát động một cuộc tấn công Việt Nam” [3]. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc,
Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã bác bỏ cả hai gợi ý nói
trên và không một người lính nào được đưa đến Campuchia. Cảnh Tiêu lý giải 4 lý
do của quyết định đó như sau:
“1- Nước ta là một nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta chưa bao giờ đưa quân đội, máy bay, hay tàu chiến tới một nước nào khác và cũng chống lại việc những nước khác làm như thế. Tuy ngày nay chúng ta đồng ý để Mỹ duy trì một lực lượng quân sự nào đó trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, điều đó chỉ có nghĩa rằng chúng ta thông cảm với việc quân đội Mỹ ở lại Nhật Bản, Philippin cùng những nơi khác, nhưng không có nghĩa là chúng ta ủng hộ các nước đóng quân hay xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước khác. Chúng ta không bao giờ có thể quên bản chất của đế quốc Mỹ và chủ nghĩa bá quyền của Mỹ chỉ vì chúng ta đã bình thường hoá quan hệ với Mỹ. Chúng ta khác Mỹ rất nhiều. Nếu chúng ta đưa quân sang Campuchia, chúng ta sẽ vi phạm nguyên tắc đó và hơn nữa sẽ tạo ra một ấn tượng không tốt trước các nước Đông Nam Á cũng như trước các nước khác trên thế giới. Chúng ta không chỉ không xây dựng được mặt trận thống nhất chống bá quyền bằng cách đoàn kết với các nước trong thế giới thứ ba, mà còn sẽ trở thành một nước bá quyền mới. Một sai lầm lớn như thế thật khó mà sửa chữa được.
2- Ngày nay phần lớn các nước trên thế giới, bất kể họ có thích chế độ Polpot
hay không, vẫn công nhận Campuchia dân chủ và ủng hộ lập trường đúng đắn của
Trung Quốc bằng cách lên án Việt Nam là xâm lược. Bởi vì họ nhìn thấy rõ ràng
chỉ có quân Việt Nam ở Campuchia mà thôi. Nếu binh sĩ của chúng ta cũng có mặt
ở đó, tình thế sẽ khác đi. Ít nhất đồng chí Trần Sở cũng sẽ không thể phát biểu
một cách hoàn toàn tự tin ở Liên Hợp Quốc; đồng thời, có thể chúng ta sẽ phải
ra trước toà án và bị chất vấn. Đánh mất uy tín trong một tổ chức quốc tế thì
tất nhiên là không tốt, nhưng nghiêm trọng hơn cả là Việt Nam cùng bọn bù nhìn
của họ có thể nắm lấy cơ hội phát động phản công, đảo ngược cuộc chiến tranh
xâm lược ban đầu bằng cách tố cáo chúng ta can thiệp vào công việc nội bộ của
nước khác. Đến lúc đó Trung Quốc sẽ không dễ dàng ủng hộ Campuchia một cách
mạnh mẽ. Nhưng nếu tình hình hiện nay không thay đổi, thì toàn bộ sự ủng hộ của
chúng ta cho Campuchia là chi viện một cuộc đấu tranh chính nghĩa chống sự xâm
lược của nước ngoài. Rõ ràng là chúng ta đúng.
3- Do điều kiện địa lý, bối cảnh chính trị, kinh tế và tư tưởng của Đông Dương và nhiều yếu tố phức tạp khác, nên nếu Trung Quốc đưa quân vào Campuchia sẽ không thể nào dùng chiến tranh chớp nhoáng theo kiểu Hít-le để giải quyết toàn bộ vấn đề trong vòng vài ba tháng được. Người Mỹ đã có kinh nghiệm cay đắng trong vấn đề này và có lẽ đã hiểu rõ điều đó. Chiến đấu ở Đông Dương quả thật là một nhiệm vụ không đơn giản. Quân Việt Nam đã tiến vào một bãi lầy như thế, nhất định họ sẽ sa lầy, nếu chúng ta đưa quân đội tới đó, chúng ta cũng sẽ sa lầy và khó nói trước kết cục. Hiện nay, chúng ta chưa đủ mạnh để tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu hao như thế, trừ khi từ bỏ bốn hiện đại hoá hay đã sẵn có những điều kiện kinh tế và sức sản xuất như Hoa Kỳ, Nhật Bản. Không đem quân tới Campuchia có lợi cho chúng ta về mọi mặt; đồng thời, điều đó cũng là một dịp rèn luyện cho Đảng cộng sản Campuchia. Với sự ủng hộ mạnh mẽ của chúng ta, với việc người Campuchia quyết tâm, tin tưởng, dám đấu tranh cũng như biết cách đấu tranh, Liên Xô và Việt Nam sẽ không gặp may.
4- Nếu các đồng chí nghĩ rằng Việt Nam dám xâm lược Campuchia vì họ biết rằng chúng ta sẽ không đem quân chi viện Campuchia thì các đồng chí không hoàn toàn đúng. Thật ra, Liên Xô mong muốn chúng ta đem quân tới Campuchia. Đối với Việt Nam, Việt Nam muốn sự tàn phá diễn ra ở Campuchia chứ không phải ở Việt Nam. Đối với Liên Xô, hễ Trung Quốc tham gia chiến tranh là họ sẽ nhanh chóng tạo ra những luồng dư luận thế giới tố cáo chúng ta; đồng thời, công khai chi viện Việt Nam chiến đấu đến cùng. Việt Nam cũng nghĩ rằng một khi chúng ta dính líu vào Campuchia, họ có thể tự do tiến hành chiến tranh ở cả hai phía, còn ở trong nước, họ có thêm cớ để động viên nhiều lực lượng hơn nữa cho cuộc chiến tranh này. Việt Nam và Liên xô đã lập ra một kế hoạch với mục tiêu trước mắt là gây trở ngại cho việc thực hiện chương trình hiện đại hoá của chúng ta. Họ cũng có một kế hoạch dài hạn là nếu quân đội Trung Quốc xung đột trực tiếp với Việt Nam và gây ra chiến tranh trên lãnh thổ Việt Nam, thì theo Hiệp ước đã ký giữa Liên Xô và Việt Nam, Liên Xô sẽ có lý do để đem quân tới biên giới phía Bắc nước ta, cùng với quân Việt Nam tấn công chúng ta cả hai phía. Lúc đó các nước Mỹ, các nước Tây Âu và Nhật Bản sẽ nói Việt Nam hay là chúng ta đang tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược Campuchia. Campuchia chỉ là một nước nhỏ, có diện tích bằng Bắc Kinh và số dân không bằng Bắc Kinh, song những gì diễn ra ở nước này có liên quan tới rất nhiều vấn đề quốc tế. Một chuyển biến nhỏ trong một bộ phận có thể ảnh hưởng tới tình hình toàn cục” [4].
Tiếp đó, Cảnh Tiêu nhấn mạnh thêm: “Chúng ta phải hết sức thận trọng, nếu chúng ta tham gia chiến tranh và đánh một trận thắng lợi chống Liên Xô thì dĩ nhiên nhân dân ta sẽ rất hài lòng. Song như thế liệu có còn hy vọng nhận được những vốn đầu tư, cho vay và mọi loại viện trợ khác của Mỹ, các nước Châu Âu và Nhật Bản cho bốn hiện đại hoá của chúng ta hay không? Đây không chỉ là vấn đề chúng ta có sợ tham gia chiến tranh hay không, mà là vấn đề cân nhắc cái lợi cái hại” [5]. Cảnh Tiêu kết luận: “Về vấn đề này, quyết định của chúng ta gồm ba điều : l - Chúng ta sẽ không đem quân tới Campuchia ; 2 - Chúng ta sẽ không ngừng viện trợ cho Campuchia; 3 - Chúng ta sẽ chi viện Campuchia chiến đấu đến cùng” [6].
Cũng trong bản Báo cáo này, Cảnh Tiêu thừa nhận rằng, dù không đưa quân đội tới Campuchia, song tại thời điểm đó, Trung Quốc có khoảng hơn 1.500 chuyên gia quân, dân sự làm việc tại đó. Người Trung Quốc không chỉ làm công việc xây dựng mà còn “trực tiếp giúp nhân dân Campuchia chiến đấu trên các chiến trường” [7]. Cảnh Tiêu cho biết thêm một thông tin: Trước nguy cơ chiến tranh giữa Việt Nam và Campuchia, tháng 12-1978, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thông báo cho Đại sứ Tôn Hạo tại Campuchia về việc sẽ không tham gia cuộc chiến tranh này; đồng thời, ra lệnh cho tất cả các nhân viên Trung Quốc rời đi từng nhóm một, song do tình hình thay đổi đột ngột, nên nhiều người trong số đó đã không kịp đi khỏi Campuchia. Số bị mắc kẹt này đã “tự nguyện từ bỏ quốc tịch Trung Quốc, lấy quốc tịch Campuchia” và “tình nguyện tham gia cuộc chiến tranh cứu nước chống Việt Nam” [8].
Cảnh Tiêu nhấn mạnh đi, nhấn mạnh lại “sự tự nguyện”, “tình nguyện” của chuyên gia Trung Quốc khi quyết định như vậy, giải thích rằng, Nhà nước Trung Quốc “không có cách nào cấm họ làm việc đó, vì thế, sự việc này không thể bị coi là xuất khẩu cách mạng” và “việc làm của họ là một lời giải thích sinh động về sự tố cáo sai trái của Việt Nam nói rằng nhân viên quân sự Trung Quốc đã tham gia cuộc chiến tranh này” [9].
Về thái độ của Trung Quốc đối với chế độ Polpot và việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia, cuối cùng Cảnh Tiêu đi đến ba kết luận:
“1- Chúng ta phải kiên quyết tiếp tục ủng hộ chính phủ Campuchia dân chủ. Đó không chỉ là nghĩa vụ quốc tế không thể thoái thác, nó còn cần thiết để bảo vệ hoà bình và an ninh trên thế giới. Nếu những sự khiêu khích của chủ nghĩa bá quyền không bị phản kích mạnh mẽ thì các thế lực phản động sẽ càng trở nên ngang ngược” [10].
“2- Đảng cộng sản Campuchia là đảng anh em của chúng ta và nhân dân Campuchia là những người bạn của nhân dân Trung Quốc. Cuộc đấu tranh của họ là cuộc đấu tranh của chúng ta, thắng lợi của họ là thắng lợi của chúng ta. Trong giờ phút khó khăn này, chúng ta sẽ kiên quyết làm hết sức mình để chi viện cuộc chiến đấu chống Việt cứu nước của họ. Chúng ta sẽ ủng hộ họ chiến đấu đến cùng, bất kể lâu dài đến bao nhiêu và phải trả giá cao đến bao nhiêu” [11].
“3- Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân phải sẵn sàng đối phó với hai tình huống: Ngoài việc làm tốt công tác phát triển kinh tế, còn phải chuẩn bị chiến tranh. Các tổ chức Đảng ở mọi cấp phải đặc biệt chú ý nắm vữngcông tác quản lý kinh tế lẫn công tác quân sự (…). Chúng ta cũng hoàn toàn tin tưởng rằng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân sẽ đoàn kết, thực hiện sản xuất tốt và đánh đuổi hết tất cả những kẻ dám xâm lăng nước ta” [12].
Như vậy, quyết định không gửi quân tới Campuchia, Đảng cộng sản Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn một kế hoạch “trừng phạt” Việt Nam. Việc Trung Quốc tấn công Việt Nam có thể coi như “tự vệ” thay vì đưa quân vào Campuchia sẽ tạo ra phản ứng quốc tế bất lợi; đồng thời, biện pháp trừng phạt thông qua một cuộc chiến tranh hạn chế sẽ không ảnh hưởng đến bốn hiện đại của Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình còn cho rằng, tiến đánh Việt Nam và nhanh rút chóng quân ra khi thậm chí chỉ đạt được 70 % mục tiêu quân sự thì cũng đã là thành công, đáp ứng hai mục tiêu quan trọng: Thứ nhất, tạo cơ hội cho việc cải cách quân đội; thứ hai, chứng minh cho Liên Xô và Việt Nam thấy khả năng Trung quốc có thể bẻ gãy vòng vây của họ và chiến lược toàn cầu của Liên Xô sẽ suy thoái ở châu Á [13].
----------------------
Chú thích:
- Từ số [1] đến [12]: Keng Piao's Report on the Situation of the Indochinese Peninsula, Issues and Studies, Taipei, January 1981.
- [13]. Nayan Chanda: Brother Enemy: The War After the War, Collier Books Macmillan Publishing Company, New York, 1986, p. 329