04 janvier 2020

Bloomberg: ‘Là TQ tiếp theo? VN chỉ trông đẹp trên giấy tờ’


Thị trường chứng khoán Việt Nam không khởi sắc bằng các nước khác trong thời gian qua


Tổng bí thư-Chủ tịch nước Việt Nam hôm 30/12 dẫn lại lời của Ngân hàng Thế giới nói “mây đen phủ lên toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang toả sáng ở Việt Nam”.

Tuy nhiên, trong một bài bình luận đăng trên Bloomberg và Washington Post cũng vào ngày 30/12, cây viết Shuli Ren chuyên mảng các thị trường châu Á cho rằng “Việt Nam chỉ trông đẹp trên giấy tờ”.


Nữ bình luận gia Shuli Ren của Bloomberg viết Việt Nam gần đây được khen là nước hưởng lợi nhiều nhất khi Mỹ và Trung Quốc xảy ra chiến tranh thương mại. Việc các hãng lớn, nổi tiếng di dời nhà máy củng cố cho quan điểm kể trên, theo tác giả bài bình luận.

Đó là Google đang chuyển đi dây chuyển sản xuất điện thoại thông minh Pixel, trong khi Samsung Electronics đã đóng cửa nhà máy điện thoại thông minh cuối cùng của họ ở Trung Quốc. Ngay cả các công ty Trung Quốc, như Goertek Inc., nhà cung cấp tai nghe AirPods của Apple, cũng đang di chuyển. 

“Giờ là thời điểm vàng cho Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ”, bà Ren viết. Việt Nam cũng đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) xấp xỉ 7%, thuộc hàng nhanh nhất thế giới, cây bình luận của Bloomberg cho biêt thêm.

Tuy nhiên, không khí phấn khởi đó lại không được phản ánh qua thị trường chứng khoán, theo nữ bình luận gia của Bloomberg. Chỉ số chứng khoán chính tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng 7,3% từ đầu năm đến nay, kém xa so với mức tăng 32% của CSI 300 Index, là chỉ số của thị trường chứng khoán Thượng Hải-Thâm Quyến, Trung Quốc. Trong khi các thị trường mới nổi tăng điểm vào tuần cuối của tháng 12, chứng khoán Việt Nam lại đi đường khác.
Các ngân hàng Việt Nam có tỉ lệ cho vay vượt quá mức GDP



Về nguyên do thị trường chứng khoán Việt Nam không khởi sắc, nữ bình luận gia Shuli Ren chỉ ra sự méo mó trong “rổ hàng hóa” của các quỹ hoán đổi danh mục, là một nguồn vốn nước ngoài đáng kể, chiếm 44% dòng luân chuyển của thị trường trong năm 2019.

Bà Ren chỉ ra rằng thị trường bị chi phối bởi các ngân hàng, và chỉ có một nhà phát triển bất động sản, là tập đoàn Vingroup. Tuy Vingroup đã chuyển sang sản xuất ô tô và điện thoại thông minh, hoạt động kinh doanh chính mang lại lợi nhuận vẫn là bất động sản.

Với lợi nhuận trung bình trên vốn chủ sở hữu ở mức 15%, các ngân hàng tại Việt Nam là nhóm đáng ghen tị về mọi mặt. Nhưng các khoản cho vay của ngân hàng đã vượt quá mức GDP của quốc gia, là mức cao đối với một quốc gia chỉ có thu nhập đầu người là khoảng 2.500 đô la, bà Ren viết. Vì vậy, các ngân hàng cần tăng vốn để dự phòng cho vấn đề nợ xấu trong tương lai. Gần một nửa các ngân hàng trong nước không thể đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%, hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings đưa ra cảnh báo. 

Việc tăng vốn thật khó ngay cả khi đối tác nước ngoài muốn mua, vì chính phủ Việt Nam đặt ra quy định nghiêm ngặt là sở hữu nước ngoài chỉ được chiếm 30% đối với ngân hàng. Nếu không nâng giới hạn, chỉ có hai kết cục cho khu vực này: Hoặc là bị khủng hoảng nợ giống Trung Quốc, hoặc là giảm quy mô cho vay doanh nghiệp. Cả hai đều không phải là tin tốt lành cho các nhà đầu tư, theo bài bình luận của bà Ren trên Bloomberg.
Một dự án của tập đoàn Vingroup bị chỉ trích khi trong quá trình san lấp



Vingroup và các công ty con, chiếm gần 15% trong chỉ số chứng khoán, cũng đang có vấn đề, vẫn theo bài viết. Đất đai trở nên khan hiếm - rất khó tìm được những lô lớn ở các siêu đô thị như Hà Nội và TP.HCM. Do đó, chính phủ đã giảm tốc độ phê duyệt các dự án mới, làm giảm tiềm năng tăng trưởng của các hãng bất động sản.

Về mặt này, Việt Nam thực sự đang đi theo con đường Trung Quốc, đó là gieo hạt giống cho một thị trường chứng khoán không lành mạnh bị chi phối bởi các ngân hàng mang đầy nợ nần và không có các cổ phiếu của các ngành công nghệ gắn với nền kinh tế mới, cây viết của Bloomberg nhận xét. 

Tuy Việt Nam có không ít người ngưỡng mộ, nền kinh tế nước này “chắc chắn sẽ đi chậm lại”, nữ bình luận gia Shuli Ren viết. 

“Khi thời điểm đó đến, các ngân hàng sẽ cần nhiều vốn hơn và các công ty khởi nghiệp sẽ muốn bán cố phiểu ra công chúng”, bà viết.

“Đến lúc đó, sẽ không ai quan tâm đến một hệ thống bị hỏng, một điều mà Trung Quốc đã biết rõ. Vì vậy, trước khi người nước ngoài mất hứng thú, giờ là lúc Việt Nam cần gỡ bỏ các chính sách bảo hộ và mở cửa kinh tế thực sự”, nhà bình luận Shuli Ren chuyên về các thị trường châu Á viết trên Bloomberg.


(Bloomberg, Washington Post)
31/12/2019