14 janvier 2020

Giấc mộng Trung Hoa trở thành ác mộng khi Đài Bắc bỏ thăm chống Bắc Kinh của Tập Cận Bình.


Vương Thuyên


''Đài Loan đã cho thế giới thấy rằng chúng tôi yêu chuộng lối sống dân chủ tự do và chúng tôi cũng yêu chuộng quốc gia mình đến thế nào''.


Lời tuyên bố của bà̀ TT Thái Anh Văn sau khi tái đắc cử.


TT Thái Anh Văn và phó TT Lai Thanh Đức, hình internet


Lời đầu


Sau cuộc thảm bại lớn trong kỳ bầu cử địa phương và hai trưng cầu dân ý về ''hôn nhân đồng giới'' và tên chọn Đài Loan thay vì ''Trung Hoa-Đài Bắc'' để tham dự Thế Vận hội 2020 ở Tokyo bị cử tri bác bỏ tháng 11-2018, nhiều quan sát viên cho rằng bà tổng thống Thái Anh Văn thuộc Dân Tiến Đảng (DTĐ) sẽ thất cử vào năm 2020 nếu bà ra tranh cử. Điều này đã có tiền lệ vì trước đây khi cựu TT Mã Anh Cửu thuộc Quốc Dân Đảng (QDĐ) bị thảm bại trong kỳ bầu cử địa phương năm 2014, QDĐ của ông không những thất cử tổng thổng mà còn mất luôn cả đa số ghế ở Viện Lập Pháp (Quốc Hội) năm 2016 [1]. Thế nhưng, lịch sử không lập lại. Bà Thái Anh Văn chiến thắng vẻ vang với đa số ghế tuyệt đối ở Viện Lập Pháp lần thứ hai. 

Thế là thêm cái tát thứ hai vỗ mặt Tập Cận Bình của dân Đài Loan sau cái tát thứ nhất của dân Hongkong.


Về tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen, 蔡英文)


Bà Thái Anh Văn sinh ngày 31-8-1956 tại huyện Phương Sơn tỉnh Bình Đông trong một gia đình khá giả. Bà tốt nghiệp ngành luật đại học quốc gia Đài Loan (1978) rồi tiếp tục học thạc sĩ đại học Cornell (Mỹ) (1980) và tốt nghiệp tiến sĩ luật trường danh tiếng London School of Economics (LSE) Anh quốc năm 1984. 

Về mặt xã hội, bà tuyên bố với tư cách cá nhân ủng hộ lập trường ''hôn nhân'' giữa người đồng tính. Bà rất kín đáo về đời tư. Người ta chỉ biết bà sống độc thân với ba con chó và hai con mèo trong một căn hộ khiêm tốn ở Đài Bắc trước khi trở thành tổng thống. 
TT Thái Anh Văn
Lý do đưa bà Thái Anh Văn đến tái đắc cử 


Khi biết kết quả bầu cử địa phương thảm bại năm 2018,  bà Thái công khai xin lỗi quần chúng. Bà nói : ''Trong cuộc bầu cử lần này, người dân đã bày tỏ sự bất mãn đối với một số cách làm trong nội bộ của chúng tôi. Điều này chúng tôi phải kiểm điểm sâu sắc'' [2]. Đúng như lời hứa, chính phủ Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang, 苏贞昌) của bà thay đổi chính sách ''thắt lưng buộc bụng'' mà dân chúng bác bỏ. Kết quả là tăng trưởng Đài Loan trong năm 2019 vượt qua các con rồng Á Châu Hàn Quốc, Singapore, Hongkong với 2,64%. Cùng theo đó, lạm phát giảm từ 1,5% xuống 0,6%, nạn thất nghiệp không tăng ở mức độ 3,6%  và lương bổng trung bình không ngừng gia tăng với gần 2%. Khách du lịch nước ngoài tăng 7% năm 2019 so với năm 2018.

Cuộc thương chiến Mỹ Trung cũng giúp Đài Loan bớt tuỳ thuộc Bắc Kinh nhờ gia tăng xuất cảng sang Mỹ và giảm bớt nhập cảng với lục địa (quan hệ thương mại Trung-Đài lên đến 226 tỷ $ năm 2018). Song song đó, một số các nhà đầu tư Đài Loan do lo ngại tình trạng bang giao căng thẳng giữa hai bờ eo biển, rút xí nghiệp về đầu tư trong nước (đầu tư của Đài Loan ở TQ gần 100 tỷ $). Tình trạng khá báo động đến nỗi Quốc hội Bắc Kinh cho thông qua, vào cuối năm, đạo luật đơn giản hoá thủ tục hành chính đối với các xí nghiệp Đài Loan. 

Nói tóm lại, kinh tế Đài Loan trên đà phát triển tốt so với thời kỳ của ông Mã Anh Cửu 2008-2016. Một điểm sáng cho bà về phương diện kinh tế.

Nhưng hai nhân tố chính đưa bà Thái Anh Văn đến thắng lợi vẻ vang là do thái độ hung hăng của Bắc Kinh và phong trào phản kháng chống mô hình ''một nước, hai thể chế'' với các cuộc biểu tình sôi động kéo dài hơn 6 tháng ở Hongkong. 

Đầu tháng giêng 2019, Tập Cận Bình (Xi Jinping, 习近平)nhân dịp ''chúc mừng năm mới'' ngang ngược gửi ''tối hậu thư'' cho người dân Đài Loan nói rằng họ có hai cách lựa chọn: một là thống nhất trong hoà bình theo mô hình ''một nước, hai thể chế'' đã áp dụng ở Hongkong từ tháng 7-1997, hai là thống nhất bằng vũ lực!. Tập Cận Bình không dự đoán là sáu tháng sau dân chúng Hongkong hoàn toàn bác bỏ mô hình này với lý do là Bắc Kinh không ngừng xén gọt quyền tự do dân chủ cơ bản mà họ đã ký với chính quyền Anh quốc theo đó người dân Hongkong vẫn tiếp tục hưởng các quyền này trong 50 năm. Đạo luật dẫn độ là giọt nước tràn ly mà người dân Hongkong không thể chấp nhận. Ngoài ra, bộ trưởng Quốc phòng của Bắc Kinh Nguỵ Phượng Hoà (Wei Fenghe, 凤和) còn đổ thêm dầu vào lửa khi ông phát biểu tại diễn đàn đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 2-6-2019. Ông Nguỵ tuyên bố:'' TQ sẽ chiến đấu tới cùng nếu ai đó cố tách TQ khỏi Đài Loan''. Toàn là những lời hăm doạ bằng vũ lực. Song song đó, hàng triệu người dân Hongkong xuống đường đòi chính quyền của bà Carrie Lâm huỷ bỏ luật dẫn độ mà thực sự là do Bẳc Kinh đề xướng để tránh những vụ bắt cóc những người chống đối mà dư luận quốc tế lên án. Đạo luật này cho phép Bắc Kinh dẫn độ người từ Hongkong về lục địa.

Sau nhiều tháng do dự, chính quyền Hongkong cuối cùng tuyên bố huỷ bỏ luật dẫn độ trong tháng 9 nhưng người dân Hongkong lại đòi phải trừng phạt những hành vi thô bạo của cảnh sát đối với người biểu tình cũng như đòi phổ thông đầu phiếu đại biểu Viện Lập Pháp và trưởng khu hành chính của đảo. Điều này khó được Bắc Kinh chấp nhận vì đã ''quen'' chỉ định.

Trong kỳ bầu cử hội đồng lập pháp cấp quận ngày 24-11-2019, người dân Hongkong ồ ạt tham gia đi bầu với tỷ lệ 71% so với 47% năm 2015 và họ chiến thắng vẻ vang chiếm 392 trên 452 ghế của 17 trên 18 quận. Lại thêm một thất bại lớn cho lãnh đạo Bắc Kinh vì họ tin rằng ''đa số thầm lặng'' sẽ xuất hiện sau nhiều tháng xung đột ngày càng bạo lực.

Hai nhân tố nói trên giúp bà Thái được người dân Đài Loan ngày càng thêm ủng hộ. Trong các buổi tranh luận với các đối thủ, bà không ngừng nhấn mạnh mô hình ''một nước, hai thể chể'' là bất khả thi vì 90% người dân Đài Loan bác bỏ, hay khi bà nói ''độc tài và dân chủ không thể sống cùng chung một nước''. Bà ngụ ý muốn nói Đài Loan là một nước tự do dân chủ không thể ''thống nhất'' với chế độ độc tài đảng trị của lục địa. Đặc biệt, bà đọc một bức thư của một thanh niên Hongkong gửi cho người Đài Loan trong đó có câu: ''Tôi mong người Đài Loan đừng tin TQ cộng sản, đừng rơi vào bẫy tiền của họ''. Những lập luận sắc bén này giúp bà vượt xa đối thủ QDĐ ông Hàn Quốc Du (Han Kuo-yu, 韩国瑜). Theo một thăm dò vào cuối năm 2019, bà Thái Anh Văn sẽ thắng ông Hàn với khoảng cách 20-30%. Trong khi đó, ông Hàn phạm từ sai lầm này đến sai lẩm khác chẳng hạn như khi ông tuyên bố ''Đài Loan là một bộ phận không thể tách rời của nền văn minh TQ''. Bắc Kinh không nói khác hơn với lập luận ''Đài Loan là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời TQ''. Ông còn đi gặp ông Vương Chí Dân (Wang Zhimin, 王志民), người đại diện Bắc Kinh ở Hongkong (vừa bị Bắc Kinh cách chức) trong tháng 3-2019 trước khi sang Thâm Quyến (Shenzhen) gặp giám đốc Tân Hoa xã đặc trách về Đài Loan. Điều này cho thấy rõ ràng ông Hàn là ''ứng cử viên'' của Bắc Kinh. Cũng như hồi bầu cử TT năm 2016, ông Mã Anh Cửu tổng thống đương thời, trong cơn tuyệt vọng, đi xin gặp Tập Cận Bình ở Singapore ngày 6-11-2015. Cuộc đi đêm với Bắc Kinh không những không giúp QDĐ đảo ngược thế cờ mà còn phản tác dụng. Hình như ông Hàn chưa tiếp thu được bài học vọng ngoại này.

Cuối cùng, để ngăn mối đe doạ từ TQ như trong lần bầu cử TT và Quốc hội năm 2016, Viện Lập Pháp Đài Loan cho thông qua, vào cuối năm, đạo luật chống xâm nhập bằng cách cấm chỉ những hoạt động tài trợ, quyên tiền cho đảng phái chính trị, vận động hành lang, can thiệp bầu cử. Hình phạt có thể lên đến từ 200.000 đến 10 triệu Đài tệ ( từ 6.000 đến 300.000 $).


Các liên danh ứng cử và kết quả bầu cử TT và Viện Lập Pháp theo công bố chính thức


Hệ thống chính trị Đài Loan tổ chức bầu cử TT và bầu đại biểu Viện Lập Pháp (Quốc hội) cùng ngày.

Cũng như năm 2016, lần này có ba liên danh hợp lệ ra ứng cử là :

-Thái Anh Văn (蔡英文)-Lai Thanh Đức (William Lai, 赖清德) của Dân Tiến Đảng (DTĐ), 

-Hàn Quốc Du (韩国瑜)-Trương Thiện Chính (Simon Chang,张善政) của Quốc Dân Đảng (QDĐ),

-Tống Sở Du (James Soong, 宋楚瑜)-Dư Tương (Sandra Yu, 余湘) của Thân Dân Đảng (TDĐ).

Người ta để ý bà Thái lần này chọn cựu thủ tướng Lai Thanh Đức của bà ở chức vụ phó TT thay ông Trần Kiến Nhân. Ông Lai từ chức sau vụ thảm bại bầu cử địa phương và cũng là một trong những người ra tranh cử TT trong nội bộ (primaire) với bà Thái.

Ông Hàn Quốc Du trước đây bị cho là người phá rào (outsider) của QDĐ và còn được mệnh danh là ''Trump Đài Loan'' là thị trưởng tỉnh Cao Hùng (Kaohsiung), thành phố lớn thứ hai của Đài Loan. Trong lần bầu cử địa phương năm 2018, ông trúng cử với tỷ số khá cao (64,9%) nhờ những khẩu hiệu dân tuý như ''Make Kaohsiung great again'' và nhờ Bắc Kinh đứng sau cổ vũ. Ông được QDĐ chính thức đề cử ứng cử viên sau khi thắng với tỷ số 44,8% trước ông Quách Đài Minh (Terry Gou, 郭台) với 27,7%. Người đứng liên danh với ông là Trương Thiện Chính nguyên bộ trưởng Khoa học và Công nghệ rồi thủ tướng từ tháng 2 đến tháng 5-2016. 

Ông Tống Sở Du trước đây là người của QDĐ, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ cao như phát ngôn viên, TBT đảng, thống đốc đảo vv..Do bất mãn, ông đứng ra thành lập ''Thân Dân Đảng'' năm 2000. Đây là lần thứ tư ông ra tranh cử dù biết triển vọng trở thành TT không cao. Dù vậy, ông chiếm phiếu cử tri của ông Hàn vì quan điểm của hai người đối với Bắc Kinh không nhiều khác biệt. Năm 2016, ông chỉ được 12,83% phiếu cử tri. Bà Dư Tương đứng liên danh với ông là một doanh nhân truyền thông. 

Sau đây là kết quả chính thức bầu cử tổng thống và Viện Lập Pháp:


Tổng thống


-Liên danh Thái Anh Văn: 57,1% với 8,17 triệu phiếu so với 56,1% 2016.

-Liên danh Hàn Quốc Du: 38,6% với 5,52 triệu phiếu so với 31,04 % của ông Chu Lập Luân 2016.

-Liên danh Tống Sở Du: 4,3% với 0,61 triệu phiếu so với 12,83%  2016.

Số cử tri đăng ký 19,3 triệu, tỷ số tham gia đi bẩu: 7 4,9%.

Tổng số phiếu hợp lệ : 14.464.571.


Viện Lập Pháp (Quốc hội) (113 ghế) 


-Dân Tiến Đảng với 53,98% chiếm 61 ghế (-7 so với 2016)

-Quốc Dân Đảng với 33,60% chiếm 38 ghế ( + 3 so với 2016)

-Thân Dân Đảng chiếm 0 ghế (-3 so với 2016)

-Nhân Dân Đảng với 4,42% chiếm 5 ghế (đảng này mới thành lập của ông Kha Văn Triết (Ko Wen-je, 柯文哲) thị trưởng Đài Bắc.

-Tân Đảng với 2,65 % chiếm 3 ghế (-2 so với 2016)

-Các đảng phái khác chiếm 6 ghế.

Tổng số phiếu hợp lệ: 14.456.293.

Dân Tiến Đảng dù mất 7 ghế vẫn còn có đa số ghế tuyệt đối ở Viện Lập Pháp.


Lời kết


Bà Thái Anh Văn, trái với dự đoán sau cuộc thảm bại bầu cử địa phương tháng 11-2018, đã chiến thắng vẻ vang. Bà đã làm nên lịch sử không tái diễn. Bà tuyên bố muốn giao hảo với Bắc Kinh, không muốn thay đổi tình trạng nguyên trạng nhưng cương quyết không nhân nhượng các hăm doạ của Bắc Kinh.

Bắc Kinh sẽ làm gì trước sự đã rồi? Phản ứng đầu tiên của Bắc Kinh là nói  ''không thay đổi quan điểm''. Đây là cách nói ''lịch sự'' để tránh khỏi mất thể diện. Tập Cận Bình đã tự bắn vào chân mình như ngạn ngữ Pháp thường nói. Ngoại trừ mạo hiểm dùng vũ lực để chiếm đóng Đài Loan, Bắc Kinh như đã từng làm sẽ tăng gia áp lực kể cả các tập trận bằng đạn thật, cô lập Đài Loan về ngoại giao bằng cách mua chuộc các nước còn có quan hệ (chỉ còn 15 nước nhỏ) hoặc tăng cường các hoạt động xâm nhập để chia rẽ xã hội Đài Loan. 

Thế là giấc mộng Trung Hoa của Tập Cận Bình trở thành ác mộng ít nhất trong bốn năm sắp tới.


Paris, đầu tháng giêng 2020.


Chú thích

[1] Xem cùng tác giả bài ''Thấy gì qua cuộc bầu cử TT ở Đài Loan vừa qua'', DQVN ngày 6-2-2016.

[2] Xem cùng tác giả bài ''Phong bão ở chính trường Đài Loan'', DQVN ngày 17-12-2018.