17 janvier 2020

MẶT TRÁI CHẾ ĐỘ Ở ĐỒNG TÂM


Phạm Trần

Bộ Công an Cộng sản Việt Nam đã hiện nguyên hình bản chất dã man, tàn bạo và điêu ngoa của chế độ trong cuộc tấn công vào làng Hoành khoảng 4 giờ sáng ngày 9/01/2020,để thảm sát  Cụ Lê Đình Kình, 84 tuổi, lãnh đạo chống bạo lực và cướp đất của dân ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Hành động giết người cướp của diễn ra vào dịp Đảng sinh nhật 90 tuổi (02/3/1930 - 02/03/2020)  là vết nhơ sẽ bám theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho đến cuối đời ông.


Biến cố Đồng Tâm ngày 09/01/2020 còn chứng minh tuyên truyền  Việt Nam hoàn toàn có tự do Báo chí và quyền dân được pháp luật bảo vệ là xảo trá.


Sau đây là những chi tiết  dẫn đến ba kết luận trên :



TIN GIẢ-TIN THẬT



Thứ nhất, ngày 09/01/2020, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an ra “thông báo về vụ việc gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ tại xã Đồng Tâm.”


Đây là thông tin duy nhất mà Ban Tuyên giáo đã ra lệnh cho tất cả bào đài của đảng phải sử dụng. Thông báo viết:“Từ ngày 31-12-2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn theo kế hoạch. Trong quá trình xây dựng, sáng 9-1-2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 3 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh; 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương.

Các đơn vị chức năng đã khống chế và bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Hiện nay, các đơn vị liên quan đang tiến hành xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn theo kế hoạch.”

Nhưng cuộc hành quân hỗn hợp của  Công an và Quân đội không diễn ra ở Miếu Môn mà nhắm  vào làng Hoành, nơi có gia tộc cụ Lê Đình Kình sinh sống, cách nơi xây tường từ 3 đến 5 cây số, tùy theo góc nhìn trên bản đồ giữa 2 địa điểm.

Đây là mâu thuẫn thứ nhất.


Ngay hôm sau, 10-1-2020, báo chí đảng đồng loạt đưa tin:”Lãnh đạo Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội cho biết, cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án về 3 tội danh để điều tra vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) vào ngày 9-1-2020. Cụ thể, các tội danh bị khởi tố trong vụ án gồm: “Giết người”, “Tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép” và “Chống người thi hành công vụ”.

Cuối cùng, theo Công an, có 22 người bị khởi tố "về hành giết người" và “chống người thi hành công vụ” gồm:

Lê Đình Chức, Lê Đình Công, Lê Đình Uy, Nguyễn Văn Tuyến, Bùi Văn Tiến, Bùi Văn Niên, Trần Thị La, Bùi Thị Nối, Nguyễn Thị Lụa, Bùi Viết Hiểu, Bùi Văn Tuấn, Nguyễn Quốc Tiến, Lê Đình Doanh, Bùi Thị Đục, Lê Đình Quân, Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Văn Quân và Trịnh Văn Hải.

Và hai người bị khởi tố về hành vi chống người thi hành công vụ gồm: Lê Đình Hiển và Bùi Viết Tiến.

Báo Thanh Niên còn dưa tin:"Bên cạnh đó, Công an thành phố Hà Nội đang tạm giữ hình sự các đối tượng Nguyễn Xuân Điều, Trần Thị Phượng, Đào Thị Kim để làm rõ hành vi giết người và Nguyễn Thị Dung về hành vi chống người thi hành công vụ."

Chiều 10-1, thông tin từ Bộ Công an cho biết Công an TP Hà Nội đã phối hợp với viện kiểm sát nhân dân cùng cấp tiến hành khám nghiệm hiện trường, bước đầu thu giữ tám quả lựu đạn, 38 chai bom xăng, 20 lít xăng, 12 tuýp sắt đầu gắn dao nhọn, ba hộp pháo sáng, một khẩu súng bắn điện, một thanh kiếm, một búa.


TẠI SAO LÀNG HOÀNH ?

Trong khi cả hệ thống báo chí -truyền thông của đảng, công an và quân đội bao phủ báo in, báo mạng, truyền thanh và truyển hình với thông tin, bình luận và phóng sự đổ hết tội  cho những người chống chiếm đất do cụ Lê Đình Kình lãnh đạo thì thông tin của các mạng xã hội dân sự và bloggers từ Việt Nam đã mau chóng đánh bại chiến dịch bịa tin để tuyên truyền và xuyên tạc sự thật để chạy tội của nhà nước.

Sự bất tín của dư luận người Việt trong và ngoải nước đối với thông tin độc quyền và một chiều của Công an đã khiến Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn Bộ Công an phải cảnh báo trong cuộc trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) ngày 10/01/2010.

Nguyên văn trao đổi:


(TTXVN) : Qua vụ việc này, Bộ Công an có khuyến cáo gì đối với người dân, nhất là khi tham gia mạng xã hội?

Tô Ân Xô:” Qua công tác nắm tình hình, Bộ Công an phát hiện, liên quan vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm, trên mạng xã hội và một số đài báo nước ngoài xuất hiện thông tin xuyên tạc, kích động làm nóng tình hình, gây hoang mang dư luận, thậm chí lợi dụng vụ việc để kích động chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bộ Công an khuyến cáo người dân không tin, không nghe theo những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, nhất là trên các trang mạng xã hội. Mọi thông tin có liên quan Bộ Công an sẽ kịp thời thông báo để nhân dân cả nước biết, đồng hành với lực lượng Công an nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, bảo đảm cuộc sống an toàn, lành mạnh, hạnh phúc của nhân dân.”

Nhưng dư luận chung ở Việt Nam vẫn nghi ngờ, nhất là khi Công an không minh bạch lý do tại sao phải hành quân ban đêm, giữa lúc dân đang ngủ để giết cụ Kình. Cũng tại sao mà ba Công an đã tử vong trong cuộc đột kích vào nhà cụ Kình. Công an nói cả ba đều rơi xuống hố kỹ thuật  (hay còn được gọi là giếng trời) giữa hai nhà và bị tưới xăng đốt theo lệnh của cụ Kình, nhưng không trưng hình ảnh để chứng minh.

Báo chí nước ngoải ở Hà Nội đã không được phép đến Đồng Tâm điều tra trắng đen, trong khi báo đài nhà nước chỉ đăng tin duy nhất do Công an đưa ra.

Vì vậy, bốn ngày sau (14/01/2010) tại hội nghị giao ban báo chí, Thứ trưởng Bộ Công an, ông Lương Tam Quang đã dựng lên một bản kịch mới với những chi tiết tấn công vào làng Hoành, đích thị mục tiêu là nhà cụ Lê Đình Kình, nhưng hoàn toàn khác với tin ngày 09/01/2020 của Bộ Cộng an.

TỪ BẠO ĐỘNG ĐẾN PHẢN ĐỘNG

Trước hết báo chí Việt Nam trích lời Trung tướng Lương Tam Quang nói:”Theo nguồn tin của trinh sát, số đối tượng "tổ đồng thuận" do nhóm ông Lê Đình Kình đứng đầu tổ chức phản đối kết luận thanh tra, tuyên bố sẵn sàng hy sinh, đổ máu để giữ đất, chống đối việc xây tường rào. Đồng thời chuẩn bị lựu đạn, bom xăng, vũ khí tự chế với ý đồ bắt cán bộ, gây cháy nổ UBND xã Đồng Tâm, gây cháy nổ cây xăng Đồng Tâm, để gây tiếng vang với dư luận bên ngoài, đồng thời sẽ bắt giữ người già và trẻ em để gây áp lực với cơ quan chức năng."

“Trinh sát” nào, có là con người bằng xương bằng thịt hay chỉ là chuyện bịa trên giấy ? Tại sao đã có tin của “trinh sát” về kế hoạch chống phá, hại người nghiêm trọng này mà Công an không đưa ra bằng chứng cho Thanh tra bắt giữ trước để bây giờ mới nói ?

Đây là mâu thuẫn thứ hai.

Thứ trưởng Quang kể tiếp rằng:”Từ ngày 31/12, Bộ Quốc phòng đã triển khai xây dựng tường rào quanh khu vực sân bay Miếu Môn, nằm trên ba xã thuộc hai huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ. Việc xây dựng được bắt đầu từ khu vực đất Chương Mỹ và ngay từ đầu đã bị những người cực đoan ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức chống đối.

Thậm chí, những người từ "tổ đồng thuận" do ông Lê Đình Kình cầm đầu còn tự lột quần áo giữa đường để gây rối. Họ dựng lều bạt, cử người cảnh giới trước cửa khu huấn luyện Miếu Môn, dọa gây nổ cây xăng Miếu Môn, dọa nổ nhà Chủ tịch xã, dọa bắt cóc…”

Ô hay, tại sao biết nhóm cụ Kình “dọa” nhiều thứ có thể gây ra án mạng và thiệt hại tài sản như vậy mà nhà cầm quyền Thành phố Hà Nội nói chung, Công an nói riêng không ra tay hóa giải để vãn hồi trật tự ?

Nhưng “bằng chứng dọa” của nhóm cụ Kình đâu không thấy ông Quang đưa ra, ngoài lời nói buông ?

Đây là mâu thuẫn thứ ba.


BẢO VỆ HAY GIẾT DÂN ?


Hãy nghe ông Quang kể tiếp:”Trước tình hình trên, Bộ Công an lập phương án, từ cấp độ thấp đến cấp độ cao. Phương án cao độ nhất là khi tiến hành xây dựng đến phần đất trên đồng Sênh, thuộc địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

Theo kế hoạch, sáng 9/1 sẽ xây tới khu vực xã Đồng Tâm nên Công an Hà Nội phối hợp với các lực lượng của Bộ tiến hành triển khai các chốt nhằm đảm bảo an toàn cho trụ sở xã, cán bộ xã, cán bộ thôn. Xác định 20 đối tượng trọng điểm để ngăn ngừa.

Trong khi thực hiện nhiệm vụ, tổ công tác bị các đối tượng trong "tổ đồng thuận" tấn công bằng lựu đạn và bom xăng cùng nhiều vũ khí khác. 

Mặc dù đã dùng loa để tuyên truyền nhưng nhóm đối tượng này vẫn manh động tấn công và cố thủ ở nhà ông Lê Đình Kình, Lê Đình Công và Lê Đình Chức. Trong quá trình truy đuổi đối tượng trực tiếp cầm lựu đạn chạy về nhà Lê Đình Chức và sang nhà ông Hợi, đã có một tổ công tác gồm 3 chiến sỹ bị rơi xuống hố kỹ thuật với chiều cao 4m. Ngay lập tức, các đối tượng đã đổ xăng và đốt các chiến sỹ dưới sự chỉ đạo của Lê Đình Kình.”

“Trước tình huống đó, tổ công tác buộc phải nổ súng và trong 30 phút đã bắt giữ hơn 30 đối tượng, thu giữ tại hiện trường 8 quả lựu đạn, 3 súng bắn điện, nhiều côn nhị khúc, dao mác, liềm... Khi lực lượng chức năng tiến vào trên tay Lê Đình Kình vẫn còn một quả lựu đạn.”


Theo lập luận của ông Quang thì lý do Công an “tiến hành triển khai các chốt” “nhằm đảm bảo an toàn cho trụ sở xã, cán bộ xã, cán bộ thôn…
cảnh sát phải lập chốt tại thôn Hoành, ngăn "mang vũ khí, lựu đạn đi ra khu vực Đồng Sênh".

Nhưng nhóm cụ Kình có manh động nào hay có lý do gì để sử dụng vũ lực chống “trụ sở xã, cán bộ xã, cán bộ thôn”  không ?

Và tại sao nói là bảo vệ các mục tiêu khác mà lại quay súng tấn công vào nhà cụ Kình ? Câu hỏi khác cũng muốn biết là nếu không bị tấn công thì liệu nhóm cụ Kình có dám tự ý tấn công lực lượng đàn áp để tự mang họa vào thân không ? Bụt không trêu tòa thì có bị gà mổ mắt không ?

Đây là mâu thuẫn thứ bốn.


TƯỜNG THUẬT TẠI CHỖ

Nhưng nếu cứ nghe miệng lưỡi Công an “còn Đảng còn mình” nói mãi cũng phát mệt nên hãy đọc diễn biến ở Đồng Tâm, theo lời kể của Blogger
Trịnh Bá Phương:

Lúc 23h40p các xe chở cảnh sát cơ động đang tiến về Đồng Tâm.
Cập nhật: lúc 2h54 sang ngày 9/1, bà con ĐT báo hơn một nghìn CSCĐ đã tập kết tại Ba Thá, gần ĐT
.

04h00
Đồng Tâm lúc 4h quân cướp đất bắt đầu tràn vào tấn công bà con Đồng Tâm.
Tiếng kẻng báo động bắt đầu vang lên.

Nhà các thủ lĩnh Đồng Tâm đang bị bao vây, quân cướp với hàng nghìn tên đã phong toả tất cả các lối ra vào làng. Những tiếng khóc thảm thiết của bà con trong cuộc gọi đến.

lúc 5h13p
nhiều người cả phụ nữ bị đánh đập dã man, súng đạn hơi cay vẫn tiếp tục nổ. nhà cụ kình vẫn đang bị vây chặt bởi hơn 1 nghìn tên.

Quân cướp đất không đến khu Đồng Sênh mà tấn công thẳng vào làng

Lúc 5h20 một người bị bắn gãy tay là con anh Lê Đình Công, cháu trai cụ Kình.
CSCĐ bắn khi đang cố phá cửa nhà cụ Kình.

Người dân quanh làng bị cô lập không thể di chuyển đến ứng cứu. Hiện chỉ còn một số cố thủ trong nhà.

lúc 5h50p quân cướp vẫn đang tấn công nhà ...

Tuyên truyền của Bộ Công an, một số báo nhà nước được lịnh đăng nguyên văn. Các phóng viên không được bén mảng vùng Đồng Tâm.

Ngày 12 tháng 1 năm 2020, Facebook mang tên Võ Tuyền Long loan tin, nguồn tin nội bộ của Tổng cục 2 được rò rỉ ra ngoài cho biết, trong đợt tấn công vào xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 vừa qua để tấn công gia đình cụ Lê Đình Kình, 84 tuổi đời và gần 60 tuổi đảng, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam  huy động  trung đoàn cảnh sát cơ Động Hà Nội là lực lượng chủ lực.

Theo video clip trên facebook Trịnh Bá Tư được loan truyền vào ngày 11 tháng 1 thì tường nhà cụ Kình chằng chịt các vết lủng do súng đạn của Công an Cộng sản bắn vào. Trong cuộc tập kích này, nhà cầm quyền Cộng sản tuyên bố có 3 Công an đã chết.

LÝ DO CHẾT


Và nguyên nhân chết được facebook Võ Tuyền Long thông tin như sau: Sau khi đập vở kính và quăng lựu đạn khói, hơi cay qua đường cửa sổ từ nhà bên cạnh vào nhà cụ Kình. Tiếp đến Công an Cộng sản xâm nhập vào nhà cụ Kình bằng đường sân thượng với nhiều hướng khác nhau. Do thời điểm trời còn tối, cộng với khói mù mịt do đội quân  tạo ra đã khiến một viên Công an đã chết vì lọt xuống giếng trời nhà cụ Kình trong lúc nhảy từ cửa sổ sang bên kia không thành công.

Còn công an thứ 2 chết vì trúng nhầm làn đạn đồng bọn của mình bắn ra như mưa trong bối cảnh khói trái nổ mù mịt nên không nhìn ra ai là ai. Công an thứ 3 chết vì trong lúc trèo lên nóc nhà nghiêng thì nghe thấy tiếng nổ từ đồng bọn bắn ra và bị té.

Sau 3 cái chết này, truyền thông nhà cầm quyền đã dựng lên đủ kịch bản về cái chết của 3 viên Công an này, và cho rằng nhà cụ Kinh có hố chông để bẫy người. Nhưng hình ảnh thực tế thì đó là giếng trời, lỗ thông gió nhà cụ Kình.”

Thứ trưởng Lương Tam Quang lại nói khác :”Khi bị nhóm 3 cảnh sát do thượng tá Nguyễn Huy Thịnh (Phó trung đoàn trưởng trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô) chỉ huy truy đuổi, những người chống đối chạy vào nhà Lê Đình Chức, rồi sang nhà Lê Đình Hợi. "Giữa hai nhà có một hố kỹ thuật, sâu khoảng 4 m, không nắp, cảnh sát đã ngã xuống và bị tưới xăng, châm lửa đốt theo chỉ đạo của Lê Đình Kình.” (theo Vietnam Express, ngày 14/01/2020)
Như vậy là cả 3 người đều “ngã xuống hố” một lượt, không phát ra tiếng kêu nào, và không có hình ảnh 3 Công an bị chết thiêu được đưa ra để chứng minh.

Bộ Công an cho biết 3 Công an tử thương trong vụ Đồng Tâm là Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh, Phó Trung đoàn trưởng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an; Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an; Trung úy Phạm Công Huy, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP.Hà Nội.

Đây là mâu thuẫn thứ năm.

Trong khi đó, BBC tiếng Việt đưa tin ngày 12/01/2020:

“Người dân, muốn giấu tên, sống ở xã Đồng Tâm, cho BBC hay một người khác, Bùi Viết Hiểu, 76 tuổi, đang ở trong bệnh viện quân y 103, Hà Nội sau vụ ngày 9/1.

'Chiều hôm 9/1, công an mở cửa vào nhà bác Kình sau khi đã bao vây, niêm phong nhà.

"Một lúc, thấy họ quấn cái gì, khuân xuống. Mình cũng ngửi thấy mùi hương. Ông hàng xóm bên cạnh bảo là bác Kình bị chết ngạt trên tầng hai".

"Con trai thứ hai của bác, Lê Đình Chức, trong lúc bị tấn công, chắc là bị đánh", người dân ở Đồng Tâm nói.

Người dân này cáo buộc công an, vào rạng sáng 9/1, "đánh đập dã man, ai mà chạy được thì họ thả chó đuổi theo".

Người dân này mô tả: "Khi họ về đến đầu làng, người dân đánh kẻng báo động, vì giờ ấy dân còn đang ngủ".

"Họ bắn đạn, hơi cay vào các ngõ xóm, quân họ kéo về đông lắm".

"Nhà tôi phải bế cháu chạy lên xóm trên để trú vì hơi cay mùi hết vào trong xóm".

Người này kể tiếp: "Họ trấn áp, không cho dân ra, trong khi đấy, họ trang bị đầy đủ vũ khí, quần áo, súng, đầy đủ".

"Người dân chống trả, nhưng ai mà ra, là họ đánh, kể cả đàn bà. Có người bị họ bắn đạn cao su vào đùi, giờ vẫn còn tím", người dân này cáo buộc.”

LƯU VONG VÀ CỤ  KÌNH

Cuối cùng, bi kịch thảm sát của Lê Đình Kình, 84 tuổi, có 60 tuổi đảng, nguyên Huyện ủy viên và nguyên Bí thư đảng bộ Xã Đồng Tâm đã xẩy ra.

Thông tin từ Đồng Tâm xác nhận cụ bị bắn “cận trực diện” vào tim (1) và 3 phát đạn khác vào đầu (2) và chân (1).
Một chân cụ bị gãy lìa. Công an nói khi chết, cụ Kình vẫn còn nắm 1 qủa lựu đạn, nhưng các cựu chiến binh bác lập luận phản khoa học này.

Hôm 13 Tháng Giêng, đám tang ông Lê Đình Kình đã diễn ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, nhưng hàng ngàn công an đã có mặt để phong tỏa, và ngăn cấm người dân quay phim, chụp hình.

Dân xã Đồng Tâm và nhiều làng bên đều đội khăn trắng đưa tang cụ Kình nên Công an sợ hình ảnh này, nếu phổ biến rộng rãi sẽ có hại cho đảng.

Trong khi đó, phía Công an không quên gài nhóm cụ Kình đã cấu kết với thế lưc lưu vong bên ngoài để chống đảng và tư lợi.

Theo cáo buộc, nhưng không có bằng chứng của Thứ trưởng Công an, Trung tướng Lương Tam Quang thì “tổ chức lưu vong nước ngoài hướng dẫn cách bạo động” cho nhóm cụ Kình.

Quang nói :”Qua tài liệu thu thập được tại nhà Lê Đình Kình cho thấy, một số tổ chức lưu vong, phần tử chống đối đã hướng dẫn "tổ đồng thuận" cách làm bom xăng, tạo quả nổ, hướng dẫn mua sắm vật tư làm vũ khí… Nhiều đối tượng tự gắn mác đại diện nhân dân Đồng Tâm, hỗ trợ nhóm đồng thuận gây thanh thế, quyên góp tiền bạc. Về tiền quyên góp được, gần một nửa chia cho bố con, anh em ông Kình. Đặc biệt hơn là trong nhóm đối tượng bị bắt giữ không có ai có đất canh tác ở khu vực cánh đồng Sênh. Toàn bộ 14 gia đình có đất ở khu vực đều đã nhận đền bù và sẵn sàng rời đi. Tuy nhiên, các đối tượng trong "tổ đồng thuận" đã thường xuyên ngăn cản, dọa dẫm 14 hộ này di dời khỏi khu vực.

Tố cáo huyên thuyên như thế nhưng ông Tướng này lại giấu nhẹm bằng chứng “tổ chức lưu vong, phần tử chống đối”  đã tiếp tay, giúp tiền cho “tổ đồng thuận”. Ông Quang cũng không cho biết nhóm cụ Kình đã thu được bao nhiêu tiền, và gia đình cụ Kình đã nhận gần một nửa là bao nhiêu ?

Chỉ có một điều rõ, nhưng hèn hạ, tàn bạo là cụ bà Dư Thị Thành, vợ cụ Kình, mới đeo khăn tang trắng, đã kể lại chuyện bị công an tra tấn và ép cung.


Một Video tiết lộ ra ngoài ghi bà kể:”Người ta bắt khai là ở nhà cầm lựu đạn, tôi bảo là tôi không biết quả lựu đạn thế nào, tôi không biết bom xăng là thế nào, thì tôi không khai được. Thế là nó tát, cứ thế nó tát, nó đá, tát suốt, hết bên nọ sang bên kia, xong rồi nó đá vào hai bên ống chân.”

Sự tàn bạo này, nếu chẳng may xẩy ra cho các bà vợ lãnh đạo đảng và Công an khác thì ông Nguyễn Phú Trọng nghĩ sao ?


Vậy  mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và toàn Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất nước và là đại biểu của dân, vẫn ngậm miệng về vụ Đồng Tâm và hành động thảm sát cụ Lê Đình Kình của Công an.

Do đó,  trong Tuyên bố ngày 10/01/2010, các Tổ chức Xã hội Dân sự (XHDS) và cá nhân đã đặt 3 câu  hỏi:



1.  Nhà cầm quyền đã dùng một lực lượng vũ trang đông đảo hàng nghìn người trang bị tận răng tiến vào Xã Đồng Tâm trong đêm tối nổ súng, bắt người, gây thương vong. Hành động ấy có minh bạch không? Có hợp pháp không?

2.  Tường rào sân bay Miếu Môn nằm xa khu dân cư, sự phá rối không thể xảy ra trong khu dân cư, như vậy qui tội cho một số phần tử gây rối có phải là vô căn cứ, là lý do bịa đặt để che đậy hành vi bất minh?

3.  Việc tranh chấp đất Đồng Sênh đã kéo dài nhiều năm, nhưng chưa được giải quyết rốt ráo cả về mặt hành chính lẫn tư pháp. Nôn nóng sử dụng vũ lực để trấn áp phản ứng của người dân có phải là biện pháp chính đáng của “Chính quyền Nhân dân”?


Tuyên bố kết luận:”Hậu quả của vụ Đồng Tâm đã vượt khỏi dự liệu của tất cả mọi người. Đau đớn thay! Máu đã đổ, máu của chiến sĩ, máu của dân, đều là máu của người Việt Nam. Điều cực nguy hiểm là người dân đã bị đẩy thành thù địch, đối đầu với chính quyền, lòng tin của người dân với chính quyền không còn một chút nào! Vụ Đồng Tâm sẽ đi vào lịch sử như một vết nhơ không bao giờ rửa sạch. Lần đầu tiên, dưới chế độ luôn tự xưng là “của dân”, người nông dân công khai trương ra và thực hiện khẩu hiệu: “Quyết đổ máu để giữ đất!”

Như vậy thì Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và đảng CSVN có còn mặt mũi nào mà không nhớ lời tuyên bố của ông Hồ Chí Minh, tại Đại hội sản xuất tỉnh Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội), ngày 07 tháng 6 năm 1960 ?

Ngày ấy ông Hồ nói rằng :”Đảng ta là một đảng cách mạng, ngoài lợi ích của công nhân và nông dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác.”

Nay, qua nhiều cuộc cưỡng chế phi pháp của những lãnh đạo tham nhũng và lợi ích nhóm, vô số công nhân và bà con nông dân đã mất tài sản, ruộng vườn vào tay các cá nhân và tổ chức của đảng.

Vậy thì đảng này có còn xứng đáng lãnh đạo đất nước nữa không, hay mặt trái của chế độ đã phơi ra ở Đồng Tâm hết rồi ? -/-


Phạm Trần
(01/020)