14 janvier 2020

ĐỒNG TÂM HAY KIỂU CÔNG LÍ BÁO THÙ


Nhà báo Tâm Chánh



Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có thể đã mắc một sai lầm chính trị nghiêm trọng, trao huân chương chiến công cho các chiến sĩ tử vong trong một trận đánh có thể gây chia rẽ xã hội thành tầng lớp thống trị và bị trị.
Đành rằng mất mát sinh mạng là một tổn thất đau xót. Nhưng người lính đụng độ với đối tượng thấp và yếu hơn mình về trình độ tác chiến và trang bị vì sao phải hi sinh mạng sống?

Huống nữa, đây là lực lượng vũ trang cách mạng vốn chung nguồn gốc Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Nếu nói bài bản lí luận thì tính đảng của lực lượng vũ trang của chúng ta là ở cái gốc gác chức năng ấy.
Tôi không có ý làm tổn thương đến những người đã mất, cũng như thân nhân, đặc biệt là con cái của các cán bộ, chiến sĩ ấy.
Tôi chỉ muốn đề cập thẳng thắn tới cách nhận thức đem cái chết của họ xác định cho tính chính đáng của một cuộc tấn công vào dân thường. Nhất là nó biện minh cho sự trừng phạt bằng bạo lực lấy đi sinh mạng của người dân theo kiểu công lí báo thù.
Chúng ta có lẽ còn nhớ hình ảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan của chế độ Việt Nam cộng hoà chĩa súng bắn một người mặc thường phục. Vì sao nó đã làm công luận thế giới và nhân dân ta căm phẫn?
Trong những lí lẽ mà về sau này, khi có nhiều thông tin hơn người ta đánh giá lại, người mặc thường phục trước họng súng tướng Loan là một V.C chính cống, thậm chí là V.C dính líu tới một vụ sát hại gia đình một sĩ quan VNCH. Đó là thông tin mà bức ảnh, với tư cách là một bức ảnh báo chí, đã không đề cập tới. Nhà báo, tác giả bức ảnh, đã có lần hối tiếc vì phần sự thật còn chưa được mình tìm hiểu đầy đủ đó.
Nhưng sự tiếp nhận của công chúng với bức ảnh là ở chỗ nó trưng ra một sự thật đi ngược lại các giá trị tiến bộ của xã hội loài người. Đó là kịch tính của bức ảnh, vũ lực được chính lực lượng chức năng sử dụng để tổn hại dân thường, là bạo quyền. Mặt bằng Người của loài người không chấp nhận bạo quyền.
Chính vì vậy các thể chế phải xác lập qui tắc nhận dạng trong sắc đồng phục của lực lượng vũ trang. Hình ảnh bộ đội Cụ Hồ của lực lượng vũ trang cách mạng bị chi phối bởi nhận dạng thương hiệu này. Bản chất tiến bộ của văn minh này là sự nhất loạt nhận thức lực lượng vũ trang “ từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ”, sức mạnh vũ trang là sức mạnh được nhân dân kiểm soát.
Có thể đó là cách tiếp cận mang quan điểm của giai cấp tư sản. Tôi xin kể một câu chuyện khác về quan niệm khí tiết của người cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam.
Một người dì của tôi thuộc lớp cộng sản tiền khởi nghĩa, hoạt động trong một tôn giáo mới ở Nam Bộ. Bà bị chế độ Ngô Đình Diệm bắt giam ở nhà tù Phú Lợi, bị tra tấn đến tàn phế. Là một phụ nữ đẹp, chưa chồng, con gái của một cụ đồ gốc gác họ Bùi xứ Nghệ, để giữ khí tiết và vẻ đẹp nguyên vẹn của mình, bà quyết định tự vẫn. Người dân đã cứu sống bà khi bà đã là một thi thể, đưa bà về chùa tiếp tục cuộc đời tu hành và hoạt động cách mạng. Nhiều lần bà phải kiểm điểm với đảng về hành động tự vẫn của mình.
Khí tiết, như bà kể lại, trong chốn lao tù không chỉ là sự dũng cảm không khai báo, không khuất phục trước những đòn thù tra khảo, mà là ý thức phải giữ gìn mạng sống của mình để thực hiện nhiệm vu cách mạng đặc biệt mà bà được phân công. Sau tiếp quản, khi thấy bà Định về thăm và đưa bà sang Đức điều trị tôi mới biết bà là một đồng chí thân thiết của cô Ba Định.
Tôi trộm đem thân tàn phế của dì tôi chấp nối với hoàn cảnh của các cán bộ chiến sĩ thực hiện công vụ ở Đồng Tâm và nghĩ, một chính đảng, một lực lượng cách mạng chính đáng, phải để những người lính nhận thức sâu sắc nhiệm vụ mà mình thi hành có làm tổn hại gì đến lí tưởng, đến thanh danh, đến nhiệm vụ của người chiến sĩ cách mạng. Bằng không, chúng ta chỉ coi họ như là một công cụ của tầng lớp thống trị.
Những cái chết đau lòng ở Đồng Tâm có thể xuất phát từ một tình huống mất kiểm soát về mặt tâm lí của cả hai phía. Nhưng khi đã bùng phát thành bạo lực, không có cách gì khác, ý thức thượng tôn pháp luật phải thể hiện bằng kỉ cương thuộc về “giá trị thương hiệu” của sắc lính.
Không thể chấp nhận luận lí vì bên kia có súng mà chúng ta nổ súng. Càng không thế vì chúng ta có người bị tử vong thì biến những kẻ đối diện với nòng súng của mình thành kẻ địch mà chúng ta dễ dàng ấn cò.
Lực lượng vũ trang “do dân vì dân” hẳn nhiên không được giết dân.
Trong bất kì tình huống nào, kể cả trên truyền thông sau này, sự thật có thể cần được bổ khuyết để chúng ta có thể nhìn thấy, liệu còn có cơ hội nào để không thể tránh xảy ra ngộ nhận?
Không minh bạch, kịp thời và cầu thị trong thông tin thì xã hội còn trong mức độ mông muội, chỉ là xã hội của kẻ có quyền.
Đó khác gì xã hội của loài thú.