Nếu Không Có Đảng Cộng Sản
Ngay Từ Năm 1945 Dân Tộc Việt Nam
Đã Có Dân Chủ, Tự Do và Nhân Quyền
Phạm Cao Dương (*)
Do sự xuất hiện của Việt Minh, đúng hơn, Đảng
Cộng Sản Việt Nam, do đảng này cướp chính quyền ngày 19/8/1945, do sự
phức tạp của thời thế và sự nóng nảy muốn giành độc lập nhất thời của một số
người Việt, lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đã không những không biến chuyển như
mọi người mong muốn mà còn đầy rẫy những ngộ nhận, từ đó những oan khuất
cần phải được giải toả và làm sáng tỏ. Đây là một việc làm vô cùng khó khăn mà
một vài cá nhân khó có thể làm nổi. Tuy nhiên, tuy gọi là khó nhưng những
người quan tâm và hiểu biết ít nhiều vẫn phải làm để sau này sẽ có người tiếp
tục và điều chỉnh. Vì là một khoa học, sử học luôn luôn tiến bộ. Những gì
gọi là đúng ngày hôm nay có thể sẽ cần phải được ít ra là điều chỉnh và bổ
khuyết ngày mai, để phơi bầy sự thực lịch sử, không có gì gọi là chân lý
vĩnh cửu trong môn học này. Người học sử không thể chủ quan nhất định cho rằng
điều mình nói, viết ra hay được học mãi mãi là đúng, là chân lý bất di bất
dịch.
Trong bài này cũng như một số bài trước, người viết
xin gửi tới các bạn đọc, đặc biệt là các nhà tranh đấu cho một nước Việt Nam Tự
Do và Dân Chủ, một vài nhận định về những gì Hoàng Đế Bảo Đại và vị Thủ Tướng
đầu tiên của nước Việt Nam độc lập là Nhà Giáo kiêm Học Giả Trần Trọng Kim cùng
với các bộ trưởng của ông, đã làm, trong một thời gian ngắn ngủi hơn ba
tháng của năm 1945, từ ngày 8 tháng 5 đến ngày 6 tháng 8 năm 1945, để xây dựng
một chính thể dân chủ lâu dài cho đất nước và ban hành các quyền tự do cho
người dân từ cách nay trên 70 năm bằng những đạo luật phải nói là rất tiến
bộ. Đây là một việc làm mà ba phần tư thế kỷ sau, với ít nhất ba thế hệ đã
qua đi một cách uổng phí, với hàng triệu sinh mạng đã bị hy sinh cùng với máu
và nước mắt của người dân lành vô tội, người ta vẫn chưa muốn làm hay chưa làm
được.
BỐN BƯỚC TIẾN NGOẠN MỤC
BỐN BƯỚC TIẾN NGOẠN MỤC
Bốn bước tiến đã được Vua Bảo Đại thực hiện trong thời
gian này gồm có:
Thứ nhất: Ban hành dụ “Dân vi
Quý”
Thứ hai: Đích thân tham khảo
ý kiến của các quan lại, các thân hào, nhân sĩ có uy tín để thành lập một chính
phủ mới
Thứ ba: Thành lập các hội
đồng chuyên môn để mọi người có thể tham gia việc soạn thảo hiến pháp và các
sinh hoạt quan trọng của quốc gia
Thứ tư: Ban hành các đạo dụ
liên quan đến các quyền tự do cơ bản của người dân
Sau đây là những chi tiết liên hệ tới bốn bước tiến kể
trên:
Khẩu hiệu “Dân Vi Quý” của Hoàng Đế Bảo Đại
Đây là khẩu hiệu của vị vua cuối cùng của Nhà Nguyễn
mà ai đã từng học sử Việt Nam đều biết và cũng là bước tiến đầu tiên của vị
hoàng đế này trên đường thực hiện chế độ dân chủ của ông. Khẩu hiệu này
được trích dẫn từ sách Mạnh Tử, một trong Tứ Thư của các Nhà Nho ta thời xưa ,
nguyên văn là “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” có nghĩa là “Dân là
quý, sau đó là xã tắc, vua là nhẹ”, được nhà vua chính thức đưa ra trong Dụ Số
1, mở đầu cho một giai đoạn mới trong triều đại của ông. Dụ này được ban
hành ngày 17 tháng 3 dương lịch năm 1945, nguyên văn như sau:
Dương Lịch ngày 17 tháng 3 năm 1945
Nước Nhật muốn hoàn toàn thực hiện chương trình xây
nền thịnh vượng chung ở Đại-Đông-Á đã giải phóng cho nước Nam ta, và Trẫm
tuyên bố Việt Nam độc lập rồi.
Nay Trẫm có trách nhiệm đối với lịch sử và thần dân,
nên tự cầm lấy quyền để bảo vệ lấy quyền lợi cho Tổ-quốc và giáng dụ rằng
1. Chế độ chính trị từ nay
căn cứ vào khẩu hiệu “DÂN VI QUÍ’
2. Trong chính giới sẽ
chiêu tập các nhân tài đích đáng để chỉnh đốn lại nền tảng Quốc gia cho xứng
đáng là một nước độc lập chân chính có thể hợp tác với Đại-Nhật-Bản trong công
cuộc kiến thiết Đại-Đông-Á.
3. Trẫm sẽ tài định và
tuyên bố các cơ quan chính trị để ban hành những phương pháp hợp với nguyện
vọng của Quốc dân.
Nhận định về đạo dụ này, Nguyễn Tường Phượng trong bài “Một
Đạo Dụ, Một Chế Độ” đăng trên Tri Tân Tạp Chí số ra ngày 20 tháng 4 năm 1945,
trên trang đầu, đã viết như sau:
“Ba điều ban bố trên đáng ghi vào lịch sử xứ này, thật là
trên thuận lòng giời, dưới đẹp lòng dân, quốc dân rất trông mong ở sự thi hành
triệt để khác nào như đói mong ăn và khát mong uống vậy.
“Nếu một khi nhà nước dùng được người tài, đức vẹn hai ra
gánh vác, đảm đương những trọng trách, lại thêm vào đấy cái chính sách thân
dân, thể tất đến dân nguyện thời nền tảng quốc gia xứ này có thể phục
hưng.
“Được như vậy, đạo dụ ngày 17 tháng ba đáng ghi vào trang
đầu lịch sử của nước Việt-Nam độc lập.”
Còn Luật Sư Bùi Tường Chiểu, trong bài “Đạo Dụ Số 1 Của Đức
Bảo Đại Hoàng Đế” đăng trên Thanh Nghị, số 107, “Số Đặc-San Chính Trị”, ra ngày
5 tháng Năm 1945, cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng đặc biệt của đạo dụ này.
Ngay những dòng mở đầu ông viết:
“Đạo dụ trên đối với chế độ chính trị nước ta sau này có
một tính cách quan trọng đặc biệt mà ta có thể nói rằng đạo dụ này đã nêu lên
một cách tóm tắt những quả quyết rõ ràng những nguyên tắc kiến thiết chính thể
nước Việt-Nam sau này.”
rồi nhấn mạnh hơn đến ba
chữ Dân Vi Quý, ông phân tích:
“Nay đạo Dụ số 1 đã nêu lên khẩu hiệu Dân vi quí có nghĩa
là đức Bảo-Đại đã hủy bỏ cái lý thuyết cũ mà đến nay hầu hết các nước văn minh
đã cho là không hợp thời. Đã lấy dân làm trọng, đã lấy quyền lợi dân để
trên tất cả thì vua tất chỉ là một cơ quan tối cao trong nước điều khiển những
cơ quan chính trị khác để phụng vụ quốc gia, tìm những phương pháp hợp với
nguyện vọng của cả quốc dân mà thi hành. Như thế là trong nền chính trị
đức Bảo-Đại Hoàng-Đế đã định đặt quốc dân ta đi vào một con đường mới.”
Cuối cùng đi xa hơn nữa, vị luật gia này còn nói tới hiến
pháp. Ông viết:
“Xong chúng ta có thể căn cứ vào điều thứ 3 của bản Dụ mà
nói rằng đức Bảo-Đại sẽ tuyên bố các cơ quan chính trị mới mà trong câu cơ quan
ấy sẽ có một cơ quan có quyền lập pháp. Muốn tổ chức một cách phân minh các cơ
quan hành chính, lập pháp và tư pháp, tất nhiên phải có một đạo hiến-luật để ấn
định rõ ràng những quyền hành của các cơ quan chính trị.”
Đúng như vậy, Hoàng Đế Bảo Đại sau đó đã từng bước tiến hành
những biện pháp mang tính cách dân chủ để xây dựng một thể chế mới với sự đóng
góp của nhiều người thay vì của một thiểu số quan lại trong triều. Sau
đây là những nét chính của những nỗ lực này.
Đích thân tham khảo ý
kiến của các quan lại, các thân hào, nhân sĩ có uy tín để thành lập một chính
phủ mới
CHÍNH PHỦ MỚI
CHÍNH PHỦ MỚI
Nhằm thành lập một chính phủ mới, ngay từ chiều ngày
19 tức mười ngày sau khi Nhật đảo chánh Pháp và tám ngày sau khi tuyên bố Việt
Nam độc lập, Bảo Đại đã họp với Phạm Khắc Hoè, lúc này là người thân cận duy
nhất bên cạnh nhà vua, để “bàn việc chiêu tập nhân tài một cách cụ thể.”
Phạm Khắc Hoè, sau khi đã trao đổi ý kiến với Tôn Quang Phiệt, Tạ Quang Bửu,
Bùi Bằng Đoàn và Ưng Úy, đã đề nghị lên nhà vua một danh sách 14 nhân vật sau
đây:
•
Nhà cách mạng lão thành Huỳnh Thúc Kháng
(Huế)
•
Giáo Sư Tôn Quang Phiệt (Huế)
•
Bác Sĩ Trần Đình Nam (Đà Nẵng)
•
Giáo Sư Lê Ấm (Qui Nhơn)
•
Bác Sĩ Hồ Tá Khanh
(Phan Thiết)
•
Kỹ Sư Cầu Cống Lưu
Văn Lang (Saigon)
•
Luật Sư Vương
Quang Nhường (Saigon)
•
Ô. Ngô Đình Diệm,
nguyên Thượng Thư Bộ Lại (Saigon)
•
Giáo Sư Thạc sĩ
Toán Học Hoàng Xuân Hãn (Hà Nội)
•
Luật Sư Vũ Văn
Hiền (Hà Nội)
•
Luật Sư Phan Anh
(Hà Nội)
•
Ô. Trịnh Văn Bính,
tốt nghiệp Cao Học Thương Mại Pháp (Hà Nội)
•
Ô. Hoàng Trọng
Phu, nguyên Tổng Đốc Hà Đông
•
Ô. Trần Văn Thông,
nguyên Tổng đốc Nam Định
Sau
gần một giờ bàn thảo, 8 người đã được Bảo Đại lựa chọn. Tám người này gồm
có:
•
Trần Đình Nam (bác
sĩ)
•
Hồ Tá Khanh (bác
sĩ)
•
Lưu Văn Lang (kỹ sư)
•
Hoàng Trọng Phu (nguyên tổng đốc
Hà Đông)
•
Trần Văn Thông (nguyên tổng đốc
Nam Định)
•
Hoàng Xuân Hãn (giáo sư thạc sĩ
toán Học)
•
Phan Anh (luật sư)
•
Vũ Văn Hiền (luật sư) hay Trịnh
Văn Bính (tốt nghiệp Cao Học Thương Mại Pháp) tùy theo Hoàng Xuân Hãn lựa chọn
vì Bảo Đại chỉ quen Hoàng Xuân Hãn trong số những người ở Pháp về.
Điều cần để ý ở đâylà tất cả các vị này đều là những
cựu quan lại hay những trí thức hay chuyên viên nổi tiếng đương thời và có gốc
từ cả ba miền Nam, Trung, Bắc, thay vì chỉ có hai miền Trung và Bắc theo đúng
như thẩm quyền của nhà vua ở thời điểm này vì xứ Nam Kỳ chưa được người Nhật
trao trả. Các nhà hoạt động chính trị, kể cả những người được coi là thân
Nhật đều không có tên trong danh sách này. Sự kiện này cho phép người ta nghĩ
rằng quyết định và sự lựa chọn các nhân vật để tham khảo ý kiến kể trên của Vua
Bảo Đại và phía người Việt là hoàn toàn do nhà vua quyết định, không có sự can
thiệp của người Nhật vì chỉ có hai người hiện diện là chính nhà vua và Phạm
Khắc Hoè. Không những thế, tinh thần và ý chí thống nhất ba miền đã luôn
luôn được nhà vua tôn trọng. Ngoài ra ta cũng nên để ý tới nhận xét của Luật Sư
Bùi Tường Chiểu về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc tham khảo ý kiến này khi
ông viết trong bài tham luận kể trên.
Cũng nên để ý thêm là những cuộc tiếp xúc kể trên chỉ
là những cuộc tiếp xúc với những nhân vật tên tuổi, có chức vị đương
thời. Ngoài những người này, Bảo Đại, cũng qua Phạm Khắc Hoè, còn mời gặp
thêm nhiều nhân vật khác nữa trong đó có Tôn Quang Phiệt, Tạ Quang Bửu, Đào Duy
Anh, Hoàng Sử, Nguyễn Lân…Tất cả, theo hồi ký của Trần Thị Như Mân (Bà Đào Duy
Anh), đều đã “có vào”và Tôn Quang Phiệt có được cử “nói lên lời chúc mừng nước
nhà độc lập và hứa nếu cần gì thì chúng tôi sẽ giúp không công cho nhà
vua”. Phạm Khắc Hoè không nói tới chuyện có vào này. Nói là giúp không
công cho nhà vua như vậy nhưng sau này trong hồi ký của mình, Tôn Quang Phiệt
lại ghi thêm là “Cũng nói thế thôi, chứ trong bụng thì đã có kế hoạch.” Tuy
nhiên dù thế nào đi chăng nữa đây cũng là một bằng chứng cụ thể của thiện chí
dân chủ hoá đất nước của Hoàng Đế Bảo Đại.
Cuối cùng thì Học Giả Trần Trọng Kim đã được
lựa chọn để lập chính phủ mới và ngày 8 tháng 5 năm 1945,
chính phủ này đã được chính thức trình diện.
BƯỚC TIẾN THỨ BA
BƯỚC TIẾN THỨ BA
Đặt
nền tảng cho việc xây dựng chế độ mới và sửa soạn cho những công trình tái dựng
đất nước lâu dài (sửa lại chính thể và toàn bộ guồng máy chính quyền)
Đây là bước tiến quan trọng thứ ba trong tiến trình
xây dựng chế độ dân chủ bằng cách tạo dịp cho người dân mà đại diện là các nhân
sĩ, trí thức và chuyên viên các ngành được tham gia việc nước, đồng thời thực
hiện khẩu hiệu Dân Vi Quý của Hoàng Đế Bảo Đại. Với bước tiến thứ ba
này, vào khoảng từ trung tuần tháng sáu đến thượng tuần tháng bảy, vừa nhằm
chiêu dụ nhân tài, vừa nhằm tạo cơ hội cho người dân được góp phần vào việc đặt
nền tảng và thiết lập các cơ chế căn bản cho mọi phạm vi sinh hoạt lâu dài của
đất nước, bốn hội đồng đã được thành lập qua ba đạo dụ và một đạo sắc với đầy
đủ nhân sự để ngay lập tức có thể thực thi. Bốn hội đồng này gồm
có:
Hội Đồng Dự Thảo Hiến Pháp, do Phan Anh, Luật Sư, Bộ
Trưởng Bộ Thanh Niên, người từ lâu đã nghiên cứu về hiến pháp và các
thể chế đương thời làm Thuyết Trình Viên gồm có các ông Phan Anh,
Hoàng Đạo tức Nguyễn Tường Long, Vũ Đình Hoè, Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Tá Khanh,
Nguyễn Huy Lai, Đặng Thái Mai, Vương Quang Nhường, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Văn
Sâm, Nhượng Tống, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Văn Thinh và Nguyễn Trác (Dụ số 60 ngày
7 tháng 7 năm 1945. Dụ này được đăng trong Việt Nam Tân Báo số ra ngày 7 tháng
7 năm 1945).
Hội Đồng Cải Cách Cai Trị, Tư Pháp và Hành Chính, do
Vũ Văn Hiền, Luật Sư, Bộ Trưởng Bộ Tài Chánh, tác giả của nhiều bài nghiên
cứu liên hệ, làm Thuyết Trình Viên, gồm có các ông Vũ Văn Hiền, Trần Văn Ân,
Trần Văn Chương, Phạm Khắc Hoè, Lê Quang Hộ, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn
Khoát, Trần Văn Lý, Trần Đình Nam, Nguyễn Khắc Niêm, Đặng Như Nhơn, Dương Tấn
Tài, Nguyễn Hữu Tảo, Trịnh Đình Thảo và Phan Kế Toại (Dụ số 70 ngày 30 tháng 6
năm 1945. Dụ này được đăng trong Việt Nam Tân Báo số ra ngày 9 tháng 7 năm
1945).
Hội Đồng Cải Cách Giáo Dục, do Hoàng Xuân Hãn, Giáo
Sư, Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục và Mỹ Nghệ làm Thuyết Trình Viên, gồm có Bà Hoàng Thị
Nga, các ông Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Kha Vạng Cân, Nguyễn Văn Chi, Hoàng
Minh Giám, Nguyễn Thành Giung, Ngụy Như Kontum, Bùi Kỷ, Hồ Văn Ngà, Nguyễn
Quang Oánh, Ưng Quả, Nguyễn Mạnh Tường, Hồ Đắc Thắng, Nguyễn Văn Thích, Hoàng
Đạo Thúy và Nguyễn Xiển (Dụ số 71 ngày 30 tháng 6 năm 1945. Dụ này được đăng
trong Việt Nam Tân Báo số ra ngày 10 tháng 7 năm 1945).
Hội Đồng Thanh Niên. Hội Đồng này gồm có
Chủ Tịch: Hoàng Đạo Thúy, Huynh Trưởng Hướng Đạo
Phó Chủ Tịch: Trần Duy Hưng, Bắc Chi Bộ
Phó Chủ Tịch: Tạ Quang Bửu, Nam Chi Bộ
Cố Vấn Bắc Chi Bộ: Bà Nguyễn Thị Thục Viên, các
ông Nguyễn Xiển, Phạm Thành Vinh, Vũ Văn Cẩn, Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Mạnh Hà,
Vũ Xuân Phương, Trần Văn Quý, Phan Huy Quát, Ngụy Như Kon-tum, Phạm Ngọc Khuê,
Nguyễn Tường Bách.
Cố Vấn Nam Chi Bộ: Bà Nguyễn Đình Chi, các ông Phạm
Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thủ, Tôn Quang Phiệt, Kha Vạng Cân, Nguyễn Tư Vinh,
Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Văn Thích, Nguyễn Kinh Chi và Thái Can (Sắc số 65 ngày 15
tháng 6 năm 1945)
Khi đọc danh sách các hội viên được đề nghị tham gia
các hội đồng kể trên để trình lên Hoàng Đế Bảo Đại phê duyệt, Phạm Khắc Hoè tỏ
ý thắc mắc là có tên những người ông “chưa từng thấy bao giờ” nên đã hỏi Trần
Trọng Kim và được Trần Trọng Kim cho biết là các danh sách này “đã được toàn
thể Nội các và nhất là các ông bộ trưởng thuyết trình viên đồng ý cả rồi, tuy
chưa hỏi được ý kiến của tất cả những người hữu quan, song chắc họ vui lòng
nhận cả, vì lúc này ai mà chẳng sẵn sàng ra thờ vua giúp nước” và nói thêm “Vậy
ông chịu khó xin Hoàng Đế phê chuẩn đi cho kịp thời, đừng nên hỏi đi hỏi lại
nữa.” Kết quả, theo lời Phạm Khắc Hoè, là “chỉ mấy phút sau, bốn dự thảo
của nội các trở thành ba đạo dụ và một đạo sắc chính thức.” Những lời đối
thoại này cho ta thấy khả năng, tính cách hữu hiệu và làm việc chạy theo thời
gian của Trần Trọng Kim và nội các của ông dù đó mới chỉ là ban hành được những
đạo dụ hay đạo sắc, những văn kiện có giá trị như những đạo luật được
quốc hội thông qua trong một nước dân chủ hiện đại, để làm nền tảng pháp
lý cho những bước kế tiếp trong tương lai. Nó cũng nói lên tính cách hữu
hìệu của chế độ quân chủ chuyên chế và sự tin tưởng của Hoàng Đế Bảo Đại vào vị
thủ tướng và nội các đương thời, vì bình thường những quyết định liên hệ đến
thể chế và những cơ chế tương lai trong một quốc gia dân chủ không thể nào có
thể thực hiện được trong vòng trên dưới hai tháng tính từ ngày Nội Các Trần
Trọng Kim họp phiên họp đầu tiên, ngày 8 tháng 5, đến ngày 10 tháng 7,
ngày đạo dụ cuối cùng trong bốn đạo sắc dụ này được đệ trình, rồi được vị
nguyên thủ quốc gia phê chuẩn trong có “mấy phút sau”. Một thời gian kỷ lục mà
một quốc gia dân chủ hiện đại khó có thể làm nổi. Cũng nên để ý là
các vị bộ trưởng được Trần Trọng Kim nói đến ở đây là Bộ Trưởng Thanh Niên Phan
Anh, Bộ Trưởng Tài Chánh Vũ Văn Hiền và Bộ Trưởng Giáo Dục và Mỹ Thuật Hoàng
Xuân Hãn. Cả ba, ngoài bằng cấp chuyên môn, đều là những chuyên viên hàng đầu
của Việt Nam về các vấn đề liên hệ thời đó. Họ là những người từ
lâu đã tìm hiểu, nghiên cứu và viết những những bài tham khảo bàn về những lãnh
vực riêng của mình và là những cây bút nòng cốt của tờ Thanh Nghị, một thứ
“think tank” của chính phủ đương thời. Đây cũng là dịp để các vị này thi
thố tài năng và thực thi hoài bão mà từ lâu họ đã từng thai nghén và mọi
người mong đợi. Cũng nên nhớ là thành ngữ “thờ vua giúp nước” cho đến thời
điểm này vẫn chưa trở thành lạc hậu. Điều nên để ý là trái với nhận
định của một vài tác giả, tất cả những nỗ lực kể trên, người viết
xin được nhấn mạnh, đều là những thành tích cụ thể của Hoàng Đế
Bảo Đại và Nội Các Trần Trọng Kim nhằm thiết lập những cơ chế mới
với nhân sự để chỉ còn thực thi là đầy đủ.
BƯỚC TIẾN THỨ BỐN
“Tuần lễ của các Tự Do”
Bước tiến thứ tư là ban hành một số những đạo dụ ấn
định những nguyên tắc liên hệ đến các quyền tự do căn bản của người dân.
Ba đạo dụ sau đây đã được báo Thanh Nghị số 117, ra ngày 21 tháng Bảy năm 1945
ghi nhận theo thứ tự thời gian gồm có:
1. Dụ
số 73, ngày 26 tháng 5 năm Bảo Đại thứ 20 tức ngày 5 tháng 7 dương lịch năm
1945 về tự do lập nghiệp đoàn.
2. Dụ
số 78, ngày 1 tháng 6 năm Bảo Đại thứ 20 tức ngày 9 tháng 7 năm 1945 về tự do
lập hội.
3. Dụ
số 79, ngày 1 tháng 6 năm Bảo Đại thứ 20 tức ngày 9 tháng 7 năm 1945 về tự do
hội họp.
Cả ba đạo dụ với nội dung phải nói là rất tiến
bộ này đã được ban hành trong một thời gian ngắn là thượng tuần tháng bảy năm
1945 và báo Thanh Nghị đã gọi tuần lễ này là “Tuần của các Tự Do.”
Về chi tiết, báo Thanh Nghị tóm tắt như sau:
Tự do lập hội: Từ nay phàm người công dân Việt Nam ai
nấy đều có quyền lập những hội có mục đích chính trị, văn hóa, tôn giáo hay xã
hội, ngoài những hội có mục đích kiếm lợi. Chỉ cần mục đích của hội
không trái với pháp luật, luân lý hoặc là có hại đến nền duy nhất và sự toàn
vẹn của lãnh thổ quốc gia. Nhưng cần phải báo trước với nhà chức trách ít nhất
là 30 ngày trước khi hoạt động
Muốn phân biệt các hội do đạo Dụ số 78 với các hội có
mục đích kiếm lợi phải xét xem các hội viên có chia lãi cho nhau hay không?
Nếu chia lãi thì tất phải theo những luật lệ hiện hành về các hội buôn.
Nhiều người hội họp với nhau nhiều lần cũng lại không
họp thành một hội vì không có điều lệ để hội viên theo. Cho nên trong tờ
khai phải đính theo cả bản điều lệ của hội mình định sáng lập.
Hội có thể tự giải tán (theo điều lệ hay theo ý muốn
toàn thể hội viên) hay bị toà án giải tán, nếu mục đích trái với pháp luật,
luân lý, hại tới quốc gia, nếu không khai báo cho đúng thể lệ (chưa kể những sự
trừng phạt về tội hình những người có trách nhiệm). Tài sản của hội khi
đó sẽ phân phát theo điều lệ của hội, theo quyết định của đại hội đồng của hội
hay theo lệnh của toà.
Có hai thứ hội: hội thường và hội được Hội Đồng Nội
Các công nhận là một hội có ích lợi chung. Hội thường có quyền tố tụng,
thu nhập tiền đóng góp của hội viên, có quyền mua, quyền sở hữu và quản lý nhà
hội quán, quản trị những bất động sản mà bộ Nội Vụ và Tài Chính cho phép
mua. Còn hội được chính quyền công nhận là có ích lợi chung thì ngoài
những quyền này còn có quyền được nhận những tặng dữ.
Tự do hội họp:
Người dân được quyền tự do hội họp nhưng Dụ số 72 phân biệt hai thứ hội họp là
hội họp trong tư gia có tính cách gia đình hay lễ nghi và các hội họp ở những
nơi công cộng.
Đối với các hội họp trong gia đình hay lễ nghi hay
những hội họp của các hội tư nhóm họp trong tư gia với số người tham dự không
quá 30 người, người triệu tập không cần phải khai báo. Các cuộc hội họp khác
cũng được tự do nhưng phải khai báo với nhà chức trách. Tất cả các cuộc
hội họp ở các nơi công cộng như họp ở ngoài đượng phố, trong các công viên hay
các thị xã đều phải xin phép trước. Giờ họp không được quá 12 giờ đêm trừ khi
có phép riêng. Ngoài ra một nhân viên hành chánh hay tư pháp cũng có quyền tới
dự.
Nghiệp đoàn:
Việc lập nghiệp đoàn cũng được coi như quyền tự do của nguời dân với những quy
luật được ấn định trong Dụ số 73, theo đó, để tránh không cho những hội kiếm
lợi giả danh làm nghiệp đoàn với mục tiêu trốn thuế, các nghiệp đoàn bị cấm
không được chia lời cho các đoàn viên và khi giải tán thì của cải không được
đem chia cho các đoàn viên. Đồng thời để bảo vệ những người trong nghề,
dụ này cấm không cho nghiệp đoàn cưỡng ép những người này phải gia nhập hay bắt
đoàn viên phải ở lại trong nghiệp đoàn vĩnh viễn nhưng ngược lại cho phép
nghiệp đoàn được từ chối không nhận một người làm đoàn viên theo điều lệ của
mình. Mặt khác, nghiệp đoàn có tư cách pháp nhân trong việc bảo vệ các quyền
lợi của mình, có quyền sở hữu các động sản hay bất động sản nếu xin phép, có
quyền liên kết với nhau để thành lập các liên đoàn và về phía chính quyền,
chính quyền có quyền cử nguời kiểm soát việc quản lý tài chánh của nghiệp đoàn
hay liên đoàn. Cuối cùng vì nghiệp đoàn là một tổ chức có thể dùng để
tranh đấu nên người sáng lập bắt buộc phải có quốc tịch Việt Nam và phải ở
trong nghề ít nhất một năm.
Vì ba đạo luật kể trên đã được ban hành trong thượng
tuần tháng 7 năm 1945 nên tác giả của bài báo gợi ý gọi tuần lễ này là “Tuần
Lễ Của Các Tự Do”. Mặt khác nếu người ta theo dõi những cuộc hội họp của
người dân ở cả hai miền Trung và Bắc đã diễn ra liên tiếp từ ngày 10 tháng 3,
sau ngày Nhật đảo chánh Pháp, đặc biệt là ở Huế và Hà Nội với hàng vạn người
tham dự một cách tự do, thoải mái, thì sự ban hành các đạo dụ này “đã làm hợp
pháp một tình trạng riêng của các tỉnh ở Bắc Bộ Việt Nam vì từ sau ngày 9
tháng 3 các hội, các đoàn mọc lên như nấm, các cuộc hội họp công khai tự do vô
cùng”.
Kết Luận
Tất cả các công trình lớn lao kể trên đã được đã được
Hoàng Đế Bảo Đại, Thủ Tướng Trần Trọng Kim và các vị bộ trưởng trong chính phủ
đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn và
trong một thời gian kỷ lục chưa tới ba tháng ngắn ngủi kể từ ngày 8 tháng 5 khi
chính phủ này được trình diện đến ngày 6 tháng 8 năm 1945 khi chính phủ này từ
chức và được Hoàng Đế Bảo Đại cho phép, ngắn hơn nữa nếu tính đến ngày 9 tháng
7, ngày các Dụ số 78 về Tự Do Lập Hội và số 79 về Tự Do Hội Họp được nhà vua
chấp nhận. Đây là một phần của một cuộc cải cách rộng lớn hơn bao trùm
mọi phạm vi sinh hoạt đương thời, gọi theo Sử Gia Na Uy Stein Tonnesson là “từ
trên xuống”, còn gọi theo Vũ Ngự Chiêu thì đó là một cuộc cách mạng nhưng cũng
từ trên xuống: “cách mạng từ trên xuống”. Cả hai sử gia này đều có lý vì tính
cách nhanh chóng ít ai có thể ngờ của nó. Câu hỏi được đặt ra ở đây là làm sao
nó có thể xảy ra được trong một chế độ quân chủ chuyên chế đã từng tồn tại cả
ngàn năm như vậy? Có ba sự kiện người ta có thể nghĩ tới để trả lời câu hỏi
này. Đó là ý muốn và sự hiểu biết của người cầm đầu hay đúng hơn vị nguyên
thủ quốc gia, ước vọng và khả năng của những người lãnh nhiệm vụ thực hiện cuộc
cải cách theo ý muốn của vị nguyên thủ quốc gia ấy và cuối cùng là sự đón nhận
của dư luận đương thời. Cả ba sự kiện này, Đế QuốcViệt Nam ở thời điểm
đương thời đều có đủ. Từ Vua Bảo Đại đến Thủ Tướng Trần Trọng Kim và các vị bộ
trưởng đều là những người được huấn luyện đầy đủ, có kiến thức và nhất là có
thực tâm, tha thiết với nền độc lập và sự tiến bộ của nước nhà.
Điều đáng tiếc là biến cố 19 tháng 8 đã xảy ra, Việt
Minh Cộng Sản cướp chính quyền và tất cả đều đã bị dẹp bỏ, điển hình là ngày
22 tháng 9 năm 1945, chỉ 20 ngày sau khi tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh ký
sắc lệnh “bãi bỏ các nghiệp đoàn trong toàn cõi Việt Nam” và Bộ Trưởng Bộ Nội
Vụ Võ Nguyên Giáp ký Nghị Định ngày 14 tháng 9 giải tán Hội Khai Trí Tiến Đức
trong khi cùng ngày lại ký một nghị định khác “cấp năng lực pháp luật” cho hội
“Văn Hoá Cứu Quốc Việt Nam” (Việt Minh) . Điều này cho ta thấy chế
độ mới rất sợ các nghiệp đoàn, các hiệp hội và đặc biệt các cuộc
biểu tình hay tụ tập đông người, đồng thời muốn độc quyền hoạt động
trong mọi sinh hoạt quốc gia. Cuối cùng thì sau 75 năm, cho đến tận
ngày hôm nay khi bài này được viết, bất chấp hai cuộc chiến kéo dài cả ba
mươi năm, bất chấp mọi sự hy sinh, gian khổ, máu và nước mắt của hàng triệu
người dân, Nhân Quyền, Tự Do và Dân Chủ, từ đó thống nhất dân tộc, vẫn
nguyên vẹn chỉ là niềm mơ ước hầu như còn lâu mới đạt được của Quốc Dân Việt
Nam. Trong khi đó hình ảnh của một xã hội Việt Nam theo xã hội
chủ nghĩa vẫn tuyệt mù tăm tích hay có thì cũng chẳng có gì đáng
lạc qua như các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng Sản vẫn từng hứa hẹn,
nếu không nói chỉ là bánh vẽ.
Phạm Cao Dương
Ngày
Ông Táo lên chầu Trời,
17 tháng Giêng Dương Lịch 2020
(*) Tác giả là cựu Giáo sư Đại học, Tiến sỹ Sử học
(*) Tác giả là cựu Giáo sư Đại học, Tiến sỹ Sử học