Ỷ Lan
2020-01-11
Hai Dân biểu Nghị viện Châu Âu: Saskia Bricmont và Iuliu Winkler - Photo RFA |
Trong
giai đoạn Nghị viện Châu Âu họp bàn việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do
(EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) ký kết từ năm ngoái, thì tình trạng
nhân quyền tại Việt Nam ngày càng xuống dốc. Sau vụ bắt giam nhà báo Phạm Chí
Dũng vì lên tiếng kêu gọi Nghị viện Châu Âu hoãn phê chuẩn Hiệp định cho đến
khi nhân quyền được tôn trọng, hay các vụ xử các nhà hoạt động nhân quyền gần
đây, mới nhất, sáng ngày 9 tháng giêng vừa qua, công an thành phố Hà nội bao
vây và tấn công thôn Hoành, xã Đồng Tâm. Lực lượng công an đã bắn vào dân gây
thương tích một số người và giết chết ít nhất một người dân. Đây là vụ tranh
giành đất giữa chính quyền và nhân dân kéo dài từ năm 2017.
Để
tìm hiểu về ảnh hưởng của vụ việc ở Đồng Tâm và những vụ tương tự trong việc
Nghị viện Châu Âu phê chuẩn Hiệp định EVFTA, chúng tôi tìm gặp và phỏng vấn hai
vị Dân biểu: Bà Saskia Bricmont, Trợ lý Uỷ viên Phụ trách Báo
cáo về Việt Nam, thuộc Đảng Xanh, và ông Iuliu Winkler, Trợ lý Uỷ
viên Phụ trách Báo cáo về Việt Nam, thuộc Đảng Nhân dân Châu Âu. Xin mời quý
thính giả theo dõi sau đây.
Ỷ Lan : Thưa Dân biểu Saskia Bricmont, tin từ Việt Nam
cho biết công an thành phố Hà Nội tấn công xã Đồng Tâm sáng ngày 9 tháng giêng
vừa qua, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng. Vào lúc Quốc hội Châu Âu đang thảo
luận việc phê chuẩn hiệp định EVFTA, qua đó, chứa đựng những điều khoản nhân
quyền. Bà nghĩ sao về cuộc bạo hành này ?
Dân
biểu Saskia Bricmont : Hiển nhiên đây là điều quan ngại, vì nó góp thêm vào các vụ khác
mà chúng tôi được báo động thông qua các tổ chức bảo vệ nhân quyền. Sự kiện
tranh cãi đất đai, hiển nhiên cần mở ngay cuộc điều tra – độc lập và minh bạch
– trên hiện trường để xem sự thực xẩy ra như thế nào. Điều cần thiết là nhà cầm
quyền cần ôn tồn đối thoại thay vì sử dụng bạo lực để giải quyết trong
hoàn cảnh như thế. Sự vụ này cho thấy chính sách thực hiện đang áp đặt lên đầu
người dân, không thích ứng cho việc giảm thiểu căng thẳng, giữa chế độ và dân
chúng.
Ỷ Lan : Nhất là sự kiện Đồng Tâm xẩy ra vào lúc Nghị
viện Châu Âu đang thảo luận việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA, đặc biệt quan điểm
của bà rất cương quyết trong việc bảo đảm các điều khoản nhân quyền ghi trong
Hiệp định. Bà có nghĩ rằng những gì xẩy ra ở Đồng Tâm sẽ tác động lên việc phê
chuẩn không ?
Dân
biểu Saskia Bricmont : Đối với chúng tôi ở Đảng Xanh, vụ Đồng Tâm chắc chắn là yếu tố
bổ sung cho những chi đã xẩy ra gây vấn nạn cho tình trạng nhân quyền Việt Nam.
Trong
hoàn cảnh như thế, đối với chúng tôi, Liên Âu không nên thắt chặt quan hệ với
Việt Nam.
Để
kết thúc Hiệp định EVFTA với Việt Nam, theo chúng tôi, chính quyền Việt Nam cần
minh chứng ý chí cộng tác trên một loạt tham số, như tình trạng nhân quyền
chẳng hạn ; bởi vì chúng tôi nhận quá nhiều những thông tin bắt bớ có tính
tuỳ tiện, trái ngược với sự tự do biểu đạt và hội họp.
Ỷ Lan : Được biết Nghị viện Châu Âu vừa đề xuất Việt Nam một lộ trình
(Roadmap) thực hiện các điều kiện nhân quyền trước khi Nghị viện có thể phê
chuẩn Hiệp định. Xin bà cho biết Việt Nam hồi âm ra sao ?
Dân
biểu Saskia Bricmont : Hồi âm của chính quyền Việt Nam mà chúng tôi nhận được chẳng
thoả mãn chúng tôi tí nào.
Đối
với chúng tôi, thư hồi âm của Thủ tướng Việt Nam về lộ trình Nghị viện Châu Âu
đề nghị [giải quyết vấn đề nhân quyền] quá thiếu sót, vì chẳng đề cập đến viễn
ảnh sửa đổi bộ Luật Hình sự, là điểm chính yếu để Hiệp ước EVFTA được phê
chuẩn.
Chúng
tôi vừa có cuộc họp với toàn thể các nhóm chính trị trong Quốc hội Châu Âu.
Phần chúng tôi, chúng tôi nhận thấy cần trì hoãn cuộc phê chuẩn hiệp ước và
liên hệ với nhà cầm quyền Việt Nam cũng như với xã hội dân sự – đặc biệt là
giới Công đoàn – để cùng nhau tham cứu làm thế nào khi chúng tôi khởi động đầu
tư và mậu dịch với Việt Nam, các xí nghiệp Châu Âu không đồng loã với những vi
phạm nhân quyền và quyền lao động tại Việt Nam.
Ỷ Lan : Xin cám ơn Dân biểu Saskia Bricmont. Dân biểu Iuliu
Winkler phản ứng về vụ Đồng Tâm như sau :
Dân
biểu Iuliu Winkler : Đúng là chúng tôi vẫn theo dõi các diễn biến tại Việt Nam, đặc
biệt vào giai đoạn sắp có cuộc bỏ phiếu tại Ủy ban Thương mại Quốc tế của Quốc
hội Châu Âu (INTA) vào ngày 21 tháng giêng này. Chúng tôi rất lo ngại trước tin
tức bất hạnh này. Cùng lúc, chúng tôi có những liên hệ thể chế cấp cao với
chính quyền và Quốc hội Việt Nam liên quan đến hiệp ước EVFTA và IPA. Như ta đã
biết, có hai hiệp ước được ký năm ngoái, nay chờ Nghị viện Châu Âu phê chuẩn.
Việc
phê chuẩn được kèm theo một số điều kiện, nên khối dân biểu chúng tôi theo dõi
chặt chẽ sự cam kết của Việt Nam. Chúng tôi đã vạch ra một lộ trình với
thời biểu thực hiện. Ví dụ như cam kết phê chuẩn 2 Công ước của Tổ chức Lao
động Quốc tế (ILO) mà Việt Nam chưa thực hiện. Về Bộ luật Lao động, chúng tôi
bằng lòng với một số sửa đổi, nhưng chúng tôi muốn thấy các sửa đổi này thực
hiện như thế nào. Chúng tôi cũng quan tâm về quyền người lao động. Tại Quốc hội
Châu Âu, chúng tôi muốn chứng kiến quyền người lao động được thực hiện tại Việt
Nam, cũng như sự thực hiện những tôn trọng nhân quyền nói chung tại Việt Nam.
Ỷ Lan : Được biết trong thư hồi âm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
ký ngày 6 tháng giêng 2020 gửi Chủ tịch và các Dân biểu trong Uỷ ban
Thương mại Quốc tế Nghị viện Châu Âu (INTA) có một số điều quan trọng không
được đề cập hay chấp nhận. Đó là việc sửa đổi Bộ Luật Hình sự, điểm chính yếu
để Hiệp định được phê chuẩn, như bà Dân biểu Saskia Bricmont trả lời phỏng vấn
trên đây. Bởi vì Nghị viện Châu Âu đòi hỏi pháp lý phải bảo đảm cho Công
đoàn được hoạt động độc lập, nhưng Hà Nội thối thoát chữ Công
đoàn độc lập để thay bằng danh xưng « Tổ chức đại diện
người lao động tại cơ sở » trong Bộ Luật Lao động sửa đổi.
Nghị viện Châu âu cũng đòi hỏi nhằm triển khai các cam kết nhân quyền của Việt
Nam ghi trong Hiệp định EVFTA, cần có sự liên hệ cộng tác giữa Nghị viện Châu
Âu với nhà cầm quyền Việt Nam cũng như với xã hội dân sự độc lập – đặc biệt là
giới Công đoàn. Nhưng ông Phúc thối thoát khi hồi âm, biến « xã
hội dân sự độc lập, đặc biệt là giới Công đoàn » thành « Nhóm
tư vấn trong nước ». Nhóm tư vấn này ông Phúc cho biết
« Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương hoàn tất ».
Những
chữ độc lập và tư nhân đều bị ra rìa. Mọi sự nằm trong vòng tay kiểm soát của
Đảng và Chính quyền, là nội dung thư hồi âm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.