12/01/2020
Làng Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), nơi xảy ra vụ can thiệp của lực lượng an ninh, ngày 09/01/2020. Copy d'ecran |
Trọng Thành
Bạo lực bùng nổ tại xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, sớm 09/01/2020 - liên
quan đến tranh chấp đất đai – khiến nhiều người tử vong, cả về phía người dân,
cũng như về phía công an. Nhiều người hết sức bất ngờ trước kết cục bi thương
này. Giáo sư Hoàng Dũng, một nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam, cho biết vụ
Đồng Tâm là một ''cú sốc'', tạo một tiền lệ ''hết sức nguy hiểm'', trong hành
xử của chính quyền với người dân.
Từ một tranh chấp dân sự chuyển thành một vụ án hình sự, tranh chấp tại
Đồng Tâm giờ đây đã biến thành một xung đột thảm khốc. Theo thông báo chính
thức từ phía công an, ba nhân viên an ninh thiệt mạng cùng một dân làng. Hiện
không thể biết chính xác về những gì diễn ra vào lúc tảng sáng ngày 09/01 tại
làng Hoành (xã Đồng Tâm), do truyền thông và điều tra độc lập không được phép tiếp
cận hiện trường. Chính quyền, một mặt khởi tố vụ án giết người thi hành công
vụ, mặt khác phong tỏa hiện trường. Báo chí chính thức trong nước về cơ bản
không có cơ hội tiếp cận địa phương, chủ yếu đăng tải các thông tin từ cơ quan
công an, hoan nghênh cuộc can thiệp.
Đối với nhiều người, vụ Đồng Tâm chắc chắn rồi đây sẽ trở thành một sự kiện
lịch sử, một bước ngoặt trong cách thức chính quyền xử lý tranh chấp với người
dân tại Việt Nam.
Trả lời RFI tiếng Việt, Giáo sư - nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng (từ Sài Gòn)
nhận xét : cách hành xử của chính quyền, trong vụ can thiệp thảm khốc tại Đồng
Tâm và sau đó, cho thấy chính quyền đang trên con đường khuyến khích bạo lực,
''ca ngợi'' việc sử dụng bạo lực chống lại người dân. Quyền lực không
được kiểm soát thường đi đôi với độc quyền chân lý - sử dụng bạo lực mù quáng.
Có một điều đầy nghịch lý đáng lưu ý là phương cách hành xử chưa từng có với
dân này, như kiểu ''thời chiến'' của chính quyền, lại diễn ra đúng vào lúc
mà xã hội Việt Nam đang trong cơ hội hội nhập mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế.
***
RFI: Xin Giáo sư biết cảm nhận chung của ông về vụ bạo lực thảm khốc tại
Đồng Tâm vừa xảy ra.
GS Hoàng Dũng: Tôi nghĩ là tôi cũng như mọi người đều sốc. Chỉ còn chừng hai tuần
nữa là Tết. Mà Tết của người Việt Nam, khỏi phải nói là nó thiêng liêng như thế
nào. Nhà nước, dù giả sử là lẽ phải về phía mình, cũng nên dời lại việc đem
lính về Đồng Tâm, sau Tết chừng một tháng chẳng hạn. Tôi không hiểu người nào
đưa ra quyết định bất chấp truyền thống của đất nước như vậy. Năm ngoái đây, ở
Sài Gòn, (vụ cưỡng chế) Vườn rau Lộc Hưng cũng diễn ra trước Tết như thế. Dường
như người ta không biết rút kinh nghiệm gì cả, dường như người ta bất chấp. Cái
đau khổ dường như là của người khác, chứ không phải của đồng bào mình.
Điểm thứ hai là cái giá trả đắt quá! Cả các chiến sĩ công an, lẫn người
dân. Tôi thấy đoạn video quay cụ Kình mà tôi không cầm được nước mắt. Ở trên
ngực, ở vị trí của trái tim, có một vết đạn. Và từ trên xuống dưới là một đường
mổ chạy dài. Từ trên ngực xuống bụng. Mà nghe đâu cụ còn bị đánh gãy hẳn một
cái chân. Tôi nghe lời chị Nhung con của cụ nói, thì cuộc tấn công ngay vào nhà
vào ban đêm. Thì tất cả những cái đó vượt quá sức tưởng tượng của người dân,
cho dù trước đây không phải là không có những việc tương tự, dầu ở một tầm mức
thấp hơn.
Điều mà tôi muốn nói là Nhà nước dường như không biết rút kinh nghiệm gì
cả. Sau vụ tấn công vào nhà Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng - Hải Phòng năm 2012), thì
ông Giám đốc sở Công An Đỗ Hữu Ca ca ngợi là ''một trận đánh đẹp'', không những
không bị kỷ luật mà còn được phong lên tướng (vụ Đoàn Văn Vươn là một vụ được
coi là đỉnh điểm về xung đột về đất đai, tại Việt Nam, với kết quả là 4 công an
và 2 người thuộc quân đội bị thương. Sau này, việc thu hồi đất bị hủy bỏ, một
số cán bộ địa phương liên quan bị đình chỉ công tác và bị cách chức).
Việc đó nó khuyến khích những người có công cụ chuyên chính trong tay, súng
ống trong tay, khiến cho họ không suy nghĩ gì nhiều khi muốn dùng vũ lực, nhất
là dùng vũ lực với người dân. Trong một xã hội tử tế hơn, nghĩa là trong một xã
hội mà người dân thực sự có quyền lực, thì những lạm dụng quyền lực như vậy,
không phải tuyệt nhiên không thể xẩy ra, nhưng những người nào lạm dụng quyền
lực, ngay sau đó chắc chắn sẽ nhận lại hậu quả. Chính điều đó khiến cho ở một
xã hội tử tế, những lạm dụng bạo lực theo kiểu này rất hiếm, xảy ra ít hơn rất
nhiều, và mức độ ít gay gắt hơn.
Đó là điều tôi muốn nói. Vì chuyện thương vong, dù đau đớn, nhưng đã xảy
ra. Vấn đề là làm sao trong tương lai phải tránh những vụ tương tự. Tôi sợ rằng
trong tương lai cũng sẽ không tránh được. Bởi vì ngay cách xử lý của vụ Đồng
Tâm, ta thấy là người ta không biết rút kinh nghiệm.
Một ngày sau khi vụ Đồng Tâm xảy ra, đã thấy Quyết định phong huân huy
chương cho những chiến sĩ hy sinh. Và điều kỳ quái là trong Quyết định đó ghi
rõ những người này đã có đóng góp trong ''sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã
hội và bảo vệ Tổ quốc''. Lẽ nào 4 giờ sáng tấn công vào làng, rồi để cho
xảy ra chuyện người dân chết, mà cái đó lại góp phần vào ''sự nghiệp xây
dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc''? Người ký, ông chủ tịch Nước, khi
đọc vào đó, ông có đọc cái văn bản ông ký không? Hay là cấp dưới đưa lên rồi
ông ký thế?
Nhưng dù có đọc hay không đọc, khách quan mà nói họ đã ca ngợi ứng xử bạo lực
như vậy. Mà điều này cực kỳ nguy hiểm.
Trong những trường hợp khác, tôi thấy người ta làm chậm hơn rất nhiều.
Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 (chống Trung Quốc xâm lược), bao
nhiêu người hy sinh. Mà cho đến nay, đã có bao nhiêu người được huân huy
chương? 40 năm qua, thậm chí có người chiến công của họ còn bị quên lãng. Tên
tuổi họ không được nhắc nhở đến. Thế mà chỉ một ngày, sau khi xảy ra vụ Đồng
Tâm, có ngay huân huy chương?!
Vấn đề không phải là đối xử với người đã hy sinh, tôi không nói chuyện đó.
Tôi nói việc nhanh nhẩu quá như thế, về mặt khách quan, là ca ngợi một hành
động bạo lực đối với người dân. Mà đó là một chuyện hết sức nguy hiểm.
RFI: Ông nghĩ sao về vấn đề đất đai đằng sau xung đột này?
GS Hoàng Dũng: Đất đai là điểm nóng. Điểm nóng này bắt nguồn từ Hiến pháp, khi cho rằng
đất đai thuộc về toàn dân. Trên thực tế, thuộc về toàn dân cũng có nghĩa là
không thuộc về ai cả, hay nói một cách khác, thuộc về một ai đó nắm quyền lực,
trong điều kiện quyền lực quá tập trung như ở Việt Nam. Thành thử không phải
ngẫu nhiên mà với cả Việt Nam lẫn Trung Quốc cái chuyện đất đai đều là điểm
nóng.
Việc giầu lên của các cán bộ cao cấp cho đến cấp thấp, chỉ cần nhắc lại vụ
mấy quan chức ở Đà Nẵng vừa bị kỷ luật, rồi những quan chức ở Sài Gòn, trong vụ
Thủ Thiêm bị kỷ luật. Tất cả đều liên quan đến đất đai. Cho nên ngày nào còn
duy trì điều ''đất đai thuộc về toàn dân'', thì ngày đó còn cho những
người cầm quyền cái công cụ để mà tước đoạt đất đai… Phải đặt chuyện Đồng Tâm
trong bối cảnh những chuyện tương tự. Ta biết rằng, theo thừa nhận của chính
Nhà nước Việt Nam, một số lượng rất lớn, khoảng 70 – 80% các vụ kiện liên quan
đến đất đai. Thành ra xử lý đất đai cho tử tế, bắt nguồn ngay từ trong luật,
thì sẽ giải quyết được các vụ tương tự như Đồng Tâm.
Nhưng, như tôi đã nói, đó là bí mật mà ai cũng biết: Đây là nguồn gốc của
sự giàu có bất thường của nhiều quan chức. Sửa rất khó. Mà họ lại giương cao
ngọn cờ là như thế mới là chủ nghĩa xã hội… Chừng nào họ không sửa được Hiến
pháp như thế, không vụ ''Đồng Tâm này'' sẽ có vụ ''Đồng Tâm khác''.
Việc xử lý khéo hay không khéo chẳng qua thực ra chỉ là cái ngọn. Cái gốc, cái
để nẩy sinh ra chuyện cướp đất, mà nhân danh là chuyện thu hồi là bắt nguồn từ
trong luật pháp, từ trong thể chế.
RFI: Chuyện đất đai là gốc rễ, còn cách hành xử của chính quyền trong vụ
này như ông cho biết tạo thêm một tiền lệ ''rất nguy hiểm'' trong quan hệ chính
quyền - người dân. Về cách truyền thông của chính quyền trong vụ này, ông
có nhận xét gì ?
GS Hoàng Dũng: Tôi thấy mặc dù hiện nay, ''lực lượng 47'' (tức các ''dư luận
viên'' của chính quyền) – mà theo lời thừa nhận của những người có trách
nhiệm, riêng trong quân đội là 10.000 người - lên trên mạng thì biết là họ chửi
bới rất nặng nề, thì càng thấy tính chất phi nghĩa của cái hành động tấn công
vào Đồng Tâm.
Và việc xử lý không tốt giai đoạn ''hậu Đồng Tâm'', như việc ngay
tức khắc phong cấp tốc huân huy chương, thì tôi sợ rằng sẽ kéo nhà cầm quyền đi
đến một xu hướng khẳng định làm với Đồng Tâm như thế là đúng. Kéo đi quá xa,
đến mức sau này muốn xin lỗi người dân cũng đã khó. Họ không thấy cái đó.
Tôi dùng chữ ''xu hướng'' là vì ở các nước khác, tôi không biết thế
nào, nhưng ở Việt Nam cần đọc dưới những con chữ. Những cái mà truyền
thông Nhà nước nói đôi khi rất mạnh bạo, rất là quyết liệt thì vài hôm sau có
thể thay đổi hết. Bởi vì, cái thể chế Việt Nam có dân chủ gì đâu, tất cả truyền
thông trên báo chí họ được chỉ đạo, mà được chỉ đạo, thì hôm nay chỉ đạo kiểu
này, thì hôm khác chỉ đạo kiểu khác. Cho nên nó sẽ thay đổi nhanh.
Chỗ riêng tư, tôi đã tiếp xúc khá nhiều người, trước đây có những chức vụ
khá lớn, họ đau xót, thậm chí có người phẫn nộ. Tôi tin rằng với lương tri của
con người bình thường, họ sẽ tác động đến những người có trách nhiệm. Vấn đề là
họ càng tỉnh ngộ sớm, họ càng thấy cách làm đó là không đúng đắn, họ đi tìm
cách làm như thế nào để hợp lòng dân hơn. Thì cái vụ Đồng Tâm sẽ thúc đẩy theo
cái hướng ít đau xót hơn, theo hướng tốt đẹp cho tương lai hơn.
Còn nếu không thì vụ Đồng Tâm này không có ích gì cả, vì không rút được
kinh nghiệm gì cả cho chuyện tương lai. Vụ ông Đoàn Văn Vươn đã như vậy, sau đó
xảy ra vụ Đồng Tâm. Như vậy họ không rút ra kinh nghiệm gì cả.
Tôi thấy xu hướng hiện nay rất xấu: tràn ngập trên các trang mạng lời của
các dư luận viên, chửi bới nặng nề. Trên báo chí chính thức, toàn đưa theo
nguồn tin của bộ Công An. Không có một tờ báo nào có điều tra riêng. Nhiều
người nói với tôi rằng hiện nay báo chí không được tiếp cận. Ít nhất là đến
thời điểm này. Một khi mà báo chí tất cả phải đưa nguồn tin từ Công An, thì khó
lòng mà việc Đồng Tâm được xử lý để người ta tâm phục, khẩu phục. Ở Việt Nam,
ngay cả khi báo chí được điều tra, người ta còn sợ truyền thông bị chỉ đạo,
huống gì bây giờ tất cả nguồn tin đều ở bên ngành Công An.
Tóm lại, tôi muốn nói là tình hình hiện nay, đấy là kiểu xử lý thông tin
theo kiểu thời chiến. (Xử lý thông tin theo kiểu thời chiến, đi kèm với với
hành xử như kiểu thời chiến). Bốn giờ sáng tập trung hàng ngàn quân, trước đó
cắt sóng, cấm học trò đi học, rồi nội bất xuất, ngoại bất nhập. Tức là ngay từ
đầu người ta từ chối con đường thương lượng, từ chối con đường phi bạo lực.
Ngay cả chuyện cụ Kình thì bây giờ đã rõ rồi: Chết trong nhà cụ (chứ không
phải trong khi chống lại người thi hành công vụ tại khu vực xây tường rào sân
bay ở Cánh đồng Sênh, như phía chính quyền từng thông báo). Trong lúc đó việc
xây tường, theo truyền thông Nhà nước ở cánh đồng Sênh, cách đó xa đến mấy cây
số. Người ta không hiểu nổi tại sao việc xây tường ngăn lại ở xa như vậy, còn
việc bắn giết lại xảy ra ở trong làng. Thông tin trái ngược như thế, thì một
người đọc có suy luận bình thường thôi họ không tin được.
RFI : Ông có thêm chia sẻ nào với công chúng ?
GS Hoàng Dũng : Tôi nghĩ là trong tình hình hiện nay, Nhà nước tốt nhất là công khai.
Càng minh bạch thông tin càng tốt. Tờ Luật Khoa - một trang mạng - đã đưa ra
mấy chục câu hỏi, đòi ông Tô Lâm (bộ trưởng Công An) phải trả lời. Tôi nghĩ
rằng hỏi ông Tô Lâm là đúng, bởi vì Trung đoàn Cảnh sát cơ động (đơn vị tham
gia vào cuộc can thiệp tại Đồng Tâm) thuộc bộ Công An. Nhưng mà người chịu
trách nhiệm trả lời cuối cùng cũng không chỉ là ông Tô Lâm.
Và trong toàn bộ các câu trả lời, ít nhất phải cho thấy là : cuối cùng thì
Ai ra lệnh ? Người dân cần biết cái đó ! Mà nếu mà họ ra lệnh, họ cảm thấy đúng
đắn, họ cho rằng việc như thế là góp phần ''xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp
phần vào bảo vệ Tổ quốc'', tại sao họ không ra mặt ?
Nên công khai danh tính những người nào đã ra cái lệnh tiến hành trận chiến
ở Đồng Tâm như vậy !
RFI : Xin cảm ơn Giáo sư Hoàng Dũng.
http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200112-v%E1%BB%A5-%C4%91%E1%BB%93ng-t%C3%A2m-m%E1%BB%99t-ti%E1%BB%81n-l%E1%BB%87-h%E1%BA%BFt-s%E1%BB%A9c-nguy-hi%E1%BB%83m-cho-vi%E1%BB%87t-nam?fbclid=IwAR1QDEfgBQrEJlK2S9h-ftw83pu5xDnA7IBkgKF6YN4aRd3xS0aQOWtyM0s