15/01/2020
Thông báo thành lập của nhóm "Hành Động Vì Đồng Tâm". |
Một nhóm các nhà báo, nhà hoạt động, nạn
nhân mất đất… tại Việt Nam vừa công bố thành lập nhóm “Hành Động Vì Đồng Tâm”
với mục tiêu thu thập, kiểm chứng và công bố các thông tin liên quan đến vụ
đụng độ ở Đồng Tâm hôm 9/1. Hậu quả của vụ này là ít nhất 3 công an và 1 người
làng Đồng Tâm thiệt mạng.
Một trong những người sáng lập nhóm, nhà
báo-blogger Phạm Đoan Trang, nói với VOA rằng kể từ khi xảy ra vụ việc, toàn bộ
thông tin đưa ra trước công luận đều chỉ xuất phát từ phía công an và điều này
“vi phạm rất nhiều nguyên tắc báo chí”.
Bà nói: “Công an chiếm độc quyền cung cấp
thông tin. Tất cả thông tin đều từ công an ra hết, thì đương nhiên nó không đảm
bảo tính công bằng, trung thực, khách quan của báo chí. Hoàn toàn không có một
chút nào công bằng, khách quan ở đây cả. Rất thiếu nhân văn. Vi phạm rất nhiều
nguyên tắc của báo chí. Thế nên chúng tôi mong muốn có một nhóm để cung cấp
thông tin chính thức từ phía những người không thể lên tiếng, là những người
yếu thế trong cuộc chiến với hệ thống cả một guồng máy như thế này”.
Ngoài ra, trong thông báo thành lập,
nhóm Hành Động Vì Đồng Tâm cho biết nhóm sẽ hoạt động trên cơ sở trung tâm điều
phối các hoạt động về thông tin của các bên liên quan, cả trong nước lẫn hải
ngoại, trở thành nguồn thông tin đáng tin cậy nhằm “mưu tìm sự thật và công lý
cho tất cả các bên liên quan”, kể cả người dân làng lẫn nhân viên công lực.
Vụ việc ở Đồng Tâm diễn ra vào đêm khuya
tới rạng sáng 9/1 khi lực lượng hàng trăm công an ập vào làng Đồng Tâm để “bảo
vệ công trình từ xa” (tức việc xây dựng tường rào quanh sân bay Miếu Môn khi
việc xây dựng chưa tiến hành đến khu vực này) vì “biết được nhóm quá khích
chuẩn bị vũ khí để đốt trụ sở UBND xã Đồng Tâm”, theo lời Tướng Lương Tam Quang
– Thứ trưởng Bộ Công an – thông tin cho báo chí ngày 14/1.
Theo thông tin từ người dân có liên lạc
trực tiếp với người làng Đồng Tâm cung cấp cho VOA, cho đến nay, Đồng Tâm vẫn
trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Các nhà báo độc lập hay người
dân bên ngoài đều chưa thể tiếp cận trực tiếp với người dân làng.
Một số tổ chức quốc tế và các nhà hoạt
động kêu gọi Việt Nam cho phép các cuộc điều tra độc lập được diễn ra trong bối
cảnh xuất hiện quá nhiều thông tin mâu thuẫn giữa nguồn tin chính thức đưa ra
từ Bộ Công an và thông tin từ phía người dân đưa lên mạng xã hội.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ
trách khu vực châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nhận định với VOA
rằng: “Chúng
ta không biết chi tiết chuyện gì đã xảy ra ở đó. Cũng có thể là người dân ở
Đồng Tâm đã tấn công bạo lực và nếu là như vậy thì chúng tôi cũng lên án chuyện
đó. Nhưng thực tế cho thấy là người dân làng đã bị dồn vào đường cùng và họ
không có lựa chọn nào khác. Đây mới là vấn đề mà chính quyền Việt Nam cần phải
trả lời”.
“Để
xảy ra đối đầu như thế là một thất bại của chính quyền Việt Nam”, Phó giám đốc HRW nói với VOA, vì theo ông,“luôn luôn có cách để thương lượng một cách ôn hòa” và chính quyền “không nên để bất cứ người nào thiệt
mạng chỉ vì tranh chấp đất đai”.
Nhà báo Phạm Đoan Trang cho biết, chỉ
một ngày sau khi thành lập, nhóm Hành Động Vì Đồng Tâm đã nhận được rất nhiều
ủng hộ từ người dân. Từ những nguồn tin trực tiếp và “hàng kilogam tài liệu” mà
người dân làng cung cấp.
Nhà báo này cho biết nhóm sẽ công bố bản
báo cáo đầu tiên về vụ này vào ngày mai (16/1).
“Thông
tin mà chúng tôi thiếu nhất là thông tin từ phía chính quyền, từ phía công an.
Không bao giờ những người làm báo cáo hay nghiên cứu độc lập ở Việt Nam có thể
có đầy đủ thông tin từ phía chính quyền, nhất là phía công an cả. Nói chung,
chúng ta rất khó biết họ đang làm gì, họ mưu tính gì và họ định làm gì tiếp
theo”.
Ngoài việc kêu gọi tham gia, gửi thông
tin, nhóm còn kêu gọi các thành viên tham gia bảo vệ các nhân chứng còn sống
sót và chưa bị bắt, cũng như đóng góp sáng kiến để bảo vệ các nạn nhân và đòi
công lý cho họ.