Nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp NGUYỄN ĐÌNH LỘC
NGUYỄN ĐÌNH LỘC |
Thời quân chủ, chỉ cần nhân danh nhà vua thì bất cứ ai cũng không được
chống lại, không ai được hỏi lệnh vua đúng hay sai.
Thuở ban đầu của nhà nước quân chủ lập hiến, thực thi công vụ được hiểu là
mọi hoạt động nhân danh nhà nước. Quá trình phát triển nhà nước pháp quyền chỉ
ra rằng bản chất của hoạt động công vụ là sử dụng quyền lực nhà nước. Trong nhà
nước pháp quyền, bất kỳ hình thức sử dụng quyền lực nhà nước nào cũng phải được
luật pháp cho phép. Nói một cách khác, một hành vi, một hoạt động công vụ nào
cũng phải căn cứ vào ít nhất một điều luật. Hoạt động sử dụng quyền lực nhà
nước mà không có cơ sở pháp lý (không căn cứ trên một điều luật cụ thể nào)
không những không phải là hoạt động công vụ, mà còn là hành vi lợi dụng quyền
lực nhà nước.
Có thể nói trường phái theo chủ nghĩa răn đe trong luật hình sự vẫn thuyết
phục được nhiều người khi lập luận rằng khi chống lại người thi hành công vụ,
“thủ phạm” đã hiểu rằng đó là công vụ và vì vậy rõ ràng là có chủ đích chống
lại người thi hành công vụ. Luật hình sự phải trừng phạt chủ đích này để răn
đe. Tuy nhiên, ngày nay lập luận “Nhà nước pháp quyền hiện đại với trọng tâm là
bảo vệ, bảo đảm phẩm giá con người, không thể đặt việc răn đe công dân lên trên
nghĩa vụ và trách nhiệm tự ràng buộc mình vào luật pháp” đã trở thành lập luận
được đa số ủng hộ. Vì vậy nhiều nước, trong đó có CHLB Đức, đã bổ sung vào luật
hình sự điều khoản không trừng phạt người chống lại “người thi hành công vụ”
nếu công vụ đó không có cơ sở pháp lý, ngay cả khi “thủ phạm” ngộ nhận đó là
công vụ thật sự.
Như vậy, nếu một vụ cưỡng chế thu hồi đất sai pháp luật bị chống trả xảy ra
tại một nhà nước pháp quyền như CHLB Đức chẳng hạn, thì các bị cáo trong vụ án
không bị truy tố tội “chống người thi hành công vụ”, mà cao nhất chỉ có thể
truy tố tội “tự vệ vượt quá giới hạn”. Ngược lại, các quan chức ra quyết định
cưỡng chế sai sẽ bị truy tố về tội lợi dụng quyền lực nhà nước gây hậu quả
nghiêm trọng với bản án vài năm tù và bồi thường thiệt hại cho gia đình người
bị cưỡng chế cũng như cho những người trong lực lượng cưỡng chế bị thương tật.
Các nhà lập pháp đang nợ nhân dân việc sửa đổi điều 257
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia viết rằng:
“Công vụ là một hoạt động do công chức nhân danh nhà nước thực hiện theo
quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của nhân
dân và xã hội”.
Nội dung này cũng phù hợp với cách giải nghĩa trong Từ điển học và Bách
khoa thư Việt Nam.
Rõ ràng, công vụ phải là việc công, do công chức nhân danh Nhà nước thực
hiện. Nếu lợi dụng chức quyền để triển khai những việc nhằm trục lợi cho bản
thân, không nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội, thì không thể ngụy
biện là công vụ.
Khi công vụ được thi hành một cách đúng đắn thì người chống lại cần bị
trừng phạt. Nhưng khi công vụ được thực hiện không đúng với quy định của pháp
luật thì không thể đòi hỏi người dân phải im lặng chấp thuận, và không thể đơn
giản kết tội chống đối nếu người dân có phản ứng tự vệ.
Bộ luật hình sự của nước Đức được ban hành vào năm 1871, với tội chống
người thi hành công vụ được quy định ở điều 113, trong đó viết rõ điều kiện áp
dụng là công vụ được thực hiện đúng pháp luật (rechtmäßige Ausübung). Tức là
không thể mặc nhiên kết tội này cho người chống lại nếu công vụ được thực hiện
sai pháp luật. Điều kiện “thực hiện đúng pháp luật” được duy trì trong điều 113
suốt 98 năm, “sống sót” qua bốn lần chỉnh sửa bộ luật hình sự, kể cả lần chỉnh
sửa vào năm 1943 dưới thời phát xít. Đó là một yếu tố pháp lý quan trọng để bảo
vệ người dân trước khả năng lạm dụng quyền lực của bộ máy công quyền. Chưa yên
tâm với điều kiện đó, năm 1970 các nhà lập pháp Cộng hòa Liên bang Đức đã thay
nó bằng một điều khoản rõ ràng hơn, có tác dụng bảo vệ người dân triệt để hơn,
đó là:
“Hành động (chống người thi hành công vụ) không thể bị xử phạt theo quy
định này (tức là quy định trong điều 113) nếu việc thực hiện công vụ không đúng
pháp luật”.
Dù xã hội văn minh đến đâu thì cũng vẫn xảy ra việc người thi hành công vụ
vô tình hay cố ý vi phạm pháp luật, khiến người dân phải tự vệ một cách chính
đáng. Cho nên, những quy định pháp lý như trong bộ luật hình sự của Đức để bảo
vệ người dân trước khả năng công quyền bị lạm dụng là thật sự cần thiết. Ở Việt
Nam, khi mà có tình trạng sự tha hóa và tham nhũng làm ô nhiễm bộ máy công
quyền thì những quy định để bảo vệ dân oan lại càng bức thiết. Rõ ràng, các nhà
lập pháp đang nợ nhân dân việc sửa đổi điều 257 (về tội chống người thi hành
công vụ) của Bộ luật hình sự hiện hành, để đáp ứng đòi hỏi cấp bách của cuộc
sống.