22 janvier 2020

Ai khủng bố ai?

Thứ Hai, 01/20/2020 - 01:40 — canhco

Bài viết của TS Nguyễn Sĩ Dũng trên Tuổi Trẻ đã bị gỡ
 https://tuoitre.vn/vao-tam-bao-dong-tam-1300827.htm

Ngày 2 tháng 5 năm 2011, lúc 1 sáng giờ địa phương Pakistan, Osama bin Laden, người sáng lập tổ chức al-Qaeda và chủ mưu các vụ tấn công ngày 11 tháng 9 tại Hoa Kỳ, đã bị lực lượng biệt kích của Hoa Kỳ giết chết bằng các phát súng bắn vào đầu và ngực. Lực lượng Navy Seal của Mỹ đã ghi hình toàn bộ cuộc đột kích này trong khi Tổng thống Barack Obama được chứng kiến trực tiếp toàn bộ chiến dịch cùng các quan chức hàng đầu như Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates truyền từ Pakistan về Nhà Trắng. Giám đốc sắp mãn nhiệm của Cục Tình báo Trung ương khi đó là Leon Panetta thuyết minh chiến dịch thông qua một màn hình video từ một nơi khác ở Washington.


Vào lúc gần nửa đêm 1/5, Tổng thống Obama tuyên bố với toàn thể người dân Mỹ rằng trùm khủng bố Osama bin Laden đã bị các lực lượng Mỹ tiêu diệt và "công lý đã được thực thi".

Tám năm sau, rạng sáng ngày 3 tháng 1 năm 2019, tướng Qasem Soleimani - chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã bị tên lửa Hellfire từ Drone của Mỹ hạ sát khi đang đi trên đoàn xe tại sân bay Baghdad. Đích thân Tổng thống Donald Trump phê chuẩn vụ tấn công với lý do "nhằm ngăn chặn một mối nguy tức thời đối với nước Mỹ".

Theo CNN, ông Donald Trump đã kể lại sự việc tại một sự kiện gây quỹ của phe Cộng hòa cuối tuần qua, và cho biết ông theo dõi vụ tấn công từ Phòng Tình huống ở Nhà Trắng. Cái chết của Qasem Soleimani được quay phim và xác chết của ông ta được xác định qua việc thử DNA.

Osama bin Laden và Qasem Soleimani đều là những tay tổ khủng bố của thế giới. Tiêu diệt hai tay tổ này là bổn phận và trách nhiệm của những người đứng đầu Nhà Trắng, tuy nhiên cả hai cuộc tấn công đều được quay phim để lấy chứng cứ và không có bất cứ báo cáo láo nào có thể để cho dư luận phanh phui và đặt câu hỏi. Chỉ một chiếc máy quay phim đơn giản người Mỹ đã cho thế giới biết thế nào là sự công chính trong khi thực thi công lý.

Trong khi đó tại Việt Nam, ông Lê Đình Kình trước khi chết chưa bao giờ bị nhà nước hay tòa án nào của Việt Nam khẳng định là khủng bố. Cũng không ai trong chính quyền Hà Nôi tuyên bố ông và gia đình có tên trong danh sách phản động và cần phải truy quét. Trước khi xảy ra biến cố Đồng Tâm cả gia đình họ vẫn tiếp xúc với người bên ngoài và nhiều người đấu tranh vẫn thường xuyên về nhà của ông để quay phim, trò chuyện với ông khi muốn tìm hiểu thêm về tình hình đất đai tại Đồng Tâm. Trước khi ông chết không ai tin ông là người chủ trương khủng bố, sau khi ông chết người ta lại càng không tin vào những gì mà nhà nước chụp mũ ông và gia đình bởi cách hành xử mà lực lượng công an trực tiếp tấn công vào Đồng Tâm không giống như Mỹ giết Osama bin Laden và Qasem Soleimani.

Nếu công an tấn công vào Đồng Tâm có trang bị những thiết bị quay phim thì sẽ không lúng túng khi có tới ba lần tường trình vụ Đồng Tâm nhưng không lần nào giống lần nào. Sự bất nhất ấy chứng tỏ Bộ Công an đã xem thường nhân dân lẫn cấp trên của họ khi báo cáo vụ việc mà họ đã lãnh lệnh thi hành. Không ai nghĩ rằng Công an tự ý bắn chết ông Kình vì phía sau những viên đạn đó là chỉ thị nghiêm khắc của một nhân vật nào đó có đủ thẩm quyền ra lệnh. Nhưng người ta cũng không tin người ra lệnh chỉ yêu cầu tiêu diệt ông Kình bất kể ông có chống cự hay không.

Thiếu bằng chứng của những thước phim quay lại hình ảnh thật tại hiện trường công an trở thành kẻ sát nhân máu lạnh trước một thi hài gầy gò với thương tích đầy mình. Nếu có bằng chứng ông Kình chống lại bằng những hung khí thì những vũ khí thô sơ được công an trưng ra sau khi vụ việc chấm dứt sẽ biện minh được gia đình ông Kình là những kẻ chống người thi hành công vụ, giống như vụ án anh em nhà Đoàn Văn Vươn tại Tiên Lãng, tuy nhiên cũng không thể chứng minh ông và gia đình là những kẻ khủng bố.

Bởi vì ông Kình và gia đình chưa có hành vi nào gây hậu quả nghiêm trọng cho cộng đồng, xã hội hay chính phủ Việt Nam khi bị một tòa án nào đó của Việt Nam hay quốc tế ra lệnh truy nã hay vào danh sách khủng bố.

Khi công an tấn công vào gia đình ông Kình cùng những người khác trong làng Hoành xã Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 1 tháng 9 nếu những người này chống lại sự trấn áp “bất hợp pháp” ấy không thể gọi họ là khủng bố mà chỉ có thể áp đặt họ vào tội “chống người thi hành công vụ”.

Vì không thề chứng minh rằng ông Kình đã có hành vi chống lại người thi hành công vụ khi đưa ra câu chuyện 3 công an rơi xuống giếng trời trong nhà ông và bị phóng hỏa giết chết, Bộ công an không thể thuyết phục dư luận trước những lý do hớ hênh và ấu trĩ chỉ có thể lừa được người nhẹ dạ cả tin huống chi là cả một hệ thống luật pháp đầy những chuyên gia về tội phạm học. Sự ấu trĩ của công an đã khiến cả guống máy bị lên án. Khi ông Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ quyết định tặng huân chương cho ba người công an tử thương thì người dân cảm thấy hai ông này đang bị Bộ Công an lừa. Có lẽ bị lừa nên Thủ tướng “biểu dương sự hy sinh của 3 chiến sĩ công an, là tấm gương về xả thân bảo vệ đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia và nêu rõ, cần xử lý nghiêm các đối tượng chống đối, vi phạm pháp luật.”

Chả có ai làm hại đất nước, an ninh quốc gia trong vụ Đồng Tâm cả. Nếu có một video quay lại toàn cảnh tấn công gia đình ông Kình chắc là Thủ tướng không nói như thế.

Và chắc rằng Vietcombank sẽ không bị nguyền rủa, tẩy chay khi ngăn cản không cho người dân gửi tiền phúng điếu cho đám tang của ông Kình sau khi ông mất. Mặc dù lệnh là do Bộ công an đưa ra nhưng tác hại thì Vietcombank lãnh đủ khi tuân theo cái lệnh mù quáng này.

Mù quáng và áp đặt vì ông Lê Đình Kình chưa bao giờ là một kẻ khủng bố nhưng bị lệnh phong tỏa tài khoản vì chủ tài khoản cung cấp tiền cho gia đình ông tức là cung cấp cho khủng bố.

Mỹ là đất nước ngăn chận dòng tiền nuôi dưỡng khủng bố mạnh nhất hành tinh nhưng chưa bao giờ một tài khoản nào bị cảnh sát phong tỏa mà không có lệnh của của án. Mọi định danh khủng bố chỉ có từ tòa án và vì vậy không ai bị chụp mũ, vu khoát hay tạo chứng cứ giả đề áp đặt người khác vào tội khủng bố. Ngay cả cơ quan quyền lực nhất như FBI hay CIA đều không qua mặt được tòa án để gán ghép công dân vào tội danh này.

Việt Nam không muốn học theo Mỹ vì chính quyền rất thông minh. Họ biết nếu mọi việc minh bạch và công khai thì chế độ có nguy cơ sụp đổ bởi những kẻ “khủng bố” chỉ vì bảo vệ đất đai như gia đình cụ Lê Đình Kình. Vì vậy một cái máy quay video tuy rẻ như bèo nhưng cơ quan công an không bao giờ mang theo trong mọi cuộc cưỡng chế.