23 juin 2014

Chiến lược xoay trục quan hệ kinh tế Việt Trung

Trần Văn Thọ



Sau khi Giàn khoan HD981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền khai thác của Việt Nam và kéo theo là tình trạng khẩn trương trong quan hệ hai nước, đã có nhiều ý kiến cho đây là cơ hội để Việt Nam thoát Trung. Đúng là như thế. Nhưng phải hiểu bản chất của quan hệ kinh tế Việt Trung và phân tích nguyên nhân dẫn tới quan hệ bất bình thường trong thời gian qua mới đề ra được chiến lược, đối sách có hiệu quả. Lý luận về địa kinh tế và kinh nghiệm một số trường hợp tương tự (hai nước lân cận có quy mô và trình độ phát triển không đối xứng) trong lịch sử kinh tế thế giới cũng cần được tham khảo.



Đàng sau những hiện tượng bất bình thường


Quan hệ kinh tế hai nước Việt Trung trong khoảng 20 năm qua phát triển rất bất bình thường, tiềm ẩn nguy cơ lệ thuôc về kinh tế và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Việt Nam. Có thể tóm tắt mấy điểm chính về hiện tượng bất bình thường nầy :

Thứ nhất, cơ cấu ngoại thương giữa hai nước ngày càng phát triển bất bình thường và bất lợi cho Việt Nam. Không những Việt Nam nhập siêu ngày càng tăng lên mức bất thường (từ năm 2006 kim ngạch nhập siêu với Trung Quốc lớn hơn cả xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường đó) mà cơ cấu cũng có tính chất buôn bán giữa một nước chưa phát triển và nước đã phát triển (xuất khẩu hàng nguyên liệu thô hoặc sơ chế và nhập hàng công nghiệp). Hơn 10 năm trước (năm 2002) trên TBKTSG tôi có viết bài “ Tính chất Bắc-Nam trong quan hệ kinh tế Việt Trung ” để cảnh báo vấn đề này. Nhưng những người có trách nhiệm hầu như không quan tâm đúng mức để có biện pháp điều chỉnh, thậm chí có người còn cho rằng hàng nhập từ Trung Quốc chủ yếu là máy móc và sản phẩm trung gian là những mặt hàng cần thiết cho sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đầu năm 2009 trên trang mạng Diễn Đàn và trên TBKTSG tôi có đăng bài “ Xác lập tinh thần Nguyễn Trãi trong quan hệ kinh tế Việt Trung ”  và đưa vấn đề lên thứ nguyên chính trị. Lãnh đạo đất nước chủ trương đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 nhưng không có chiến lược đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Thứ hai, đầu tư trực tiếp (FDI) từ Trung Quốc theo thống kê chính thức thì chưa nhiều (Trung Quốc chỉ chiếm độ 3 % tổng vốn đầu tư đăng ký trong các dự án FDI còn hiệu lực đến cuối năm 2013 và xếp thứ 9 trong các nước đầu tư ở Việt Nam), nhưng rất có khả năng nhiều doanh nghiệp đầu tư trên danh nghĩa là của Singapore, Hong Kong, British Virgin Islands,… nhưng trên thực tế là vốn của doanh nghiệp Trung Quốc. Nhiều thông tin tuy còn tản mạn nhưng đã cho thấy có hiện tượng đó. Ngay cả FDI tại Trung Quốc tuy trên danh nghĩa là của Hong Kong và British Virgin Islands nhưng nguyên là của tư bản Trung Quốc (ra khỏi nước rồi đầu tư ngược trở về). Thêm vào đó, doanh nghiệp Trung Quốc mua hoặc thuê dài hạn (nhiều trường hợp tới 50 năm) nhiều đất rừng và các khu vực ven biển, những nơi nhạy cảm về an ninh quốc gia. Điều bất bình thường ở đây là, khác với những nước đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam như Nhật Bản và Hàn Quốc, chỉ có Trung Quốc mới nhắm đến những lãnh vực nhạy cảm đó. Điều bất bình thường nữa là quan chức Việt Nam, nhất là ở chính quyền địa phương, quá ngây thơ, thiếu cảnh giác hoặc dễ dàng bị mua chuộc.

Thứ ba, doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu hầu hết các dự án trọng điểm trong các ngành quan trọng của Việt Nam cũng là hiện tượng bất bình thường. Tuy được các giới có trách nhiệm giải thích là do tiêu chuẩn quan trọng nhất của ta là giá rẻ. Nhưng đã có nhiều báo cáo cho thấy các dự án của Trung Quốc sau khi thắng thầu đã phải điều chỉnh giá và thương lượng lại, nhiều dự án không xây dựng đúng tiến độ và nhiều trường hợp công trình mới xây xong đã bị hỏng hoặc xuống cấp. Tại sao để tình trạng ấy kéo dài nhiều năm, tại sao vẫn để cho Trung Quốc tiếp tục thắng thầu ? Trách nhiệm và năng lực của quan chức Việt Nam thấp đến thế sao ? Đó cũng là hiện tượng bất bình thường.

Thứ tư, tôi thật sự khó hiểu khi đọc những thông tin về số lượng lao động người Trung Quốc làm việc tại Việt Nam. Lao động chui quá nhiều chứng tỏ bộ máy quản lý ở trung ương và địa phương quá kém. Vấn đề đâu khó đến nỗi không xử lý ngay được và để kéo dài nhiều năm. Nhưng ngạc nhiên không kém là số lao động được cấp giấy phép cũng nhiều một cách khó hiểu. Thông thường trong những dự án FDI hay dự án xây dựng cơ sở hạ tầng do doanh nghiệp nước ngoài trúng thầu thực hiện, người nước ngoài chỉ có thể giữ những vị trí mà người trong nước không đảm nhận được (như kỹ sư có kinh nghiệm và chuyên viên quản lý cao cấp có năng lực đặc biệt liên quan dự án) và sau một thời gian nhất định những chức vụ ấy cũng phải lần lượt chuyển giao cho người bản xứ. Do đó dù ở giai đoạn đầu, số lượng người nước ngoài chỉ có thể bằng vài phần trăm trong tổng lao động của một dự án án.

Do đâu mà có hiện tượng bất bình thường nầy ? Một là, như đã thấy qua khảo sát ở trên, bộ máy quản lý của nhà nước Việt Nam kém hiệu suất và năng lực, đạo đức và tinh thần trách nhiệm của quan chức các cấp có vấn đề lớn cần phải được cải thiện ngay. Hai là, từ khi gia nhập WTO và tham gia các Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam có khuynh hướng mở rộng cửa thị trường trong nước cho hàng hóa và tư bản nước ngoài nhưng thiếu các chính sách, biện pháp kiểm soát hữu hiệu để loại trừ những dự án FDI thiếu chất lượng hoặc có vấn đề về an ninh quốc gia, loại bỏ những doanh nghiệp tham gia đấu thầu không có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc có tiền án vi phạm các cam kết. Riêng đối với Trung Quốc, Việt Nam còn chịu ảnh hưởng bởi phương châm 4 tốt16 chữ vàng, trong đó có 4 chữ “ hợp tác toàn diện ”. Những quan chức thiếu tinh thần dân tộc khi bị mua chuộc có thể dựa vào phương châm đó để dễ dàng cấp phép các dự án theo yêu cầu của phía Trung Quốc.

Từ phân tích ở trên rất tiếc phải nói lên sự thật rằng bộ máy hành chánh, cơ chế quản lý và tư chất, trình độ của quan chức của ta không bằng Hàn Quốc hay Thái Lan 30-40 năm trước. Không thay đổi được tình hình nầy thì mọi chính sách thoát Trung đều sẽ thất bại.

Những vấn đề ở tầm chiến lược


Ở một thứ nguyên cao hơn, Việt Nam thiếu một tầm nhìn chiến lược trong quan hệ với một nước láng giềng khổng lồ và đang trong quá trình trỗi dậy rất mạnh. Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới chỉ trong thời gian vài mươi năm. Việt Nam không chủ động có chiến lược phát triển mạnh mẽ và đặc biệt có biện pháp đối phó thì bị làn sóng công nghiệp từ phương bắc đè bẹp là dễ hiểu.

Lý thuyết địa kinh tế cho thấy trung tâm (center) phát triển mạnh mẽ sẽ lôi cuốn các khu vực ngoại vi (periphery) vào quỹ đạo của mình nếu khu vực ngoại vi không thay đổi được các điều kiện kinh tế để xác lập cho mình một trung tâm riêng. Nếu có sự chênh lệch quá lớn về quy mô và về thời điểm cũng như tốc độ phát triển, các hoạt động sản xuất có khuynh hướng tập trung về trung tâm. Nếu hàng rào quan thuế và phí tổn giao thông đủ lớn sẽ làm yếu lực dẫn đó và các khu vực ngoại vi cũng có thể phát triển độc lập với trung tâm. Nhưng với trào lưu tự do ngoại thương ngày nay và phí tổn giao thông không lớn do sự tiếp giáp địa lý giữa trung tâm và ngoại vi, nguy cơ lệ thuộc của vùng ngoại vi có khả năng cao. Nguy cơ đó chỉ được khắc phục nếu lãnh đạo của vùng “ ngoại vi ” có ý thức độc lập và tìm mọi cách khắc phục lực dẫn từ “ trung tâm ”.

Kinh nghiệm của Canada vào cuối thế kỷ 19 khi đối phó với sự trỗi dậy của miền đông bắc nước Mỹ là bài học gợi nhiều ý hay. Để miền đông nam của mình không bị cuốn vào quỹ đạo phát triển của miền đông bắc Mỹ là vùng đã phát triển trước với tộc độ nhanh, Canada đã khẩn trương xây dựng hạ tầng giao thông nối kết hai miền đông nam và tây nam tạo thành một nền kinh tế quốc dân thống nhất đủ mạnh để giảm ảnh hưởng của sự trỗi dậy từ phía Mỹ.

Hàn Quốc và Nhật Bản cũng là hai nước láng giềng đặc biệt. Là nước nhỏ hơn và đi sau, Hàn Quốc rất lo bị kinh tế Nhật chi phối nên các chính sách kinh tế đối ngoại của Hàn Quốc vào thập niên 1960 và 1970 đều ý thức sự tồn tại của Nhật Bản. Chẳng hạn trong hai thập niên đó Hàn Quốc có chính sách hạn chế nhận FDI vì sợ các công ty Nhật (có lợi thế về địa lý và văn hóa so với Âu Mỹ) sẽ ồ ạt đến đầu tư. Hàn Quốc học hỏi kinh nghiệm của Nhật nhưng không bị Nhật chi phối là nhờ tầm nhìn, chíến lược của lãnh đạo và nhờ có đội ngũ quan chức vừa có năng lực vừa có tinh thần dân tộc cao.

Phân tích ở trên đã đưa ra được các gợi ý cần thiết để Việt Nam chuyển trục trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Quy mô kinh tế của Trung Quốc lớn hơn Việt Nam nhiều, họ lại phát triển trước và với tốc độ cao hơn. Việt Nam phải ý thức về sự bất lợi này và tìm chiến lược bù trừ với bất lợi đó mới tránh được sức hút của “ trung tâm ” lớn này. Bài này chưa có điều kiện đi sâu vào các chiến lược cụ thể, trước mắt xin nêu lên mấy điểm sau :

Thứ nhất, phải chỉnh đốn ngay các quan hệ kinh tế với Trung Quốc, từng bước điều chỉnh để kéo các hiện tượng bất thường nói trên trở lại trạng thái bình thường, giống như quan hệ giữa Việt Nam với các nước khác. Áp dụng các tiêu chuẩn phổ quát, các quy định trong các bang giao kinh tế quốc tế, và các chính sách, các quy định của riêng Việt Nam, để loại bỏ những doanh nghiệp, những dự án kém chất lượng, những lao động nước ngoài bất hợp pháp hoặc không cần thiết của bất cứ nước nào, kể cả Trung Quốc.

Thứ hai, các chính sách kinh tế đối ngoại trước khi quyết định ban hành phải ý thức đến sự tồn tại của Trung Quốc, phải lường trước những tác động, hậu quả đến từ nước láng giềng khổng lồ phía bắc. Phương châm nầy không hàm ý nghĩa kỳ thị với Trung Quốc nếu nhìn từ lý luận về địa kinh tế và kinh nghiệm của thế giới đã nói ở trên.

Thứ ba, trong dài hạn vấn đề căn bản là Việt Nam phải từng bước vững chắc phát triển thành một nước giàu, mạnh, dân chủ, văn minh theo những chuẩn mực phổ quát mà các nước tiên tiến đã đạt được và nhiều nước khác đang hướng tới. Muốn vậy, phải thực hiện ngay cuộc cải cách thể chế toàn diện theo hướng dân chủ hóa và trọng dụng nhân tài mới động viên được các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực có cả trong và ngoài nước, hướng vào các mục tiêu ấy. Hiện nay, nội lực Việt Nam suy yếu trầm trọng, cụ thể là đạo đức xã hội suy đồi, bộ máy nhà nước yếu kém, giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học đang xuống dốc. Không mạnh dạn cải cách thể chế thì không có tiền đề để phát triển mạnh mẽ. Những cải cách này còn có hiệu quả làm giảm phí tổn hành chánh, tăng chất lượng hạ tầng, chất lượng lao động, và như vậy sẽ bù trừ những bất lợi về quy mô kinh tế so với Trung Quốc. Chạy đua với thời gian trong các cải cách này cũng là tiền đề để tránh ảnh hưởng từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tôi muốn nhấn mạnh thêm một điểm là Việt Nam phải theo đuổi một chế độ chính trị tiến bộ hơn, tốt hơn Trung Quốc thì chất lượng phát triển mới hơn nước láng giềng khổng lồ nầy và sẽ được thế giới đánh giá cao, từ đó Việt Nam sẽ có một sức mạnh mềm hơn hẵn Trung Quốc. Trong thời đại toàn cầu hóa này, chính những giá trị đó sẽ thu hút đầu tư và hợp tác từ những nền kinh tế đã phát triển với chất lượng cao như Nhật, Mỹ, Tây Âu. Kết hợp nội lực và ngoại lực theo hướng này sẽ tạo nên sức mạnh đề kháng được với sự trỗi dậy của nền kinh tế khổng lồ ở phía bắc.

Trần Văn Thọ





Đây là bản gốc và có sửa chữa, bổ sung (20/6/2014) để đăng trên Diễn Đàn.
Bản đầu tiên đăng trên
Thời báo kinh tế Saigon ngày 19/6/2014.