13 avril 2016

Góp ý về bất tuân dân sự và luật 3,5%

Hồng Việt



“…trong nhiều trường hợp chế độ độc tài nhượng bộ chỉ vì thấy đối lập dân chủ có đủ khả năng để phát động một cuộc nổi dậy bất bạo động trên qui mô lớn. Đó đã là trường hợp của Ba Lan, Tiệp Khắc, Nam Phi, Tunisia và Ai Cập trước đây




batbaodong03


Ngày nay, đại đa số những người đấu tranh dân chủ đều đồng ý với nhau rằng phương thức đấu tranh tốt nhất để dẹp bỏ chế độ độc tài là bất bạo động. Mặt khác, đối với nhiều người đấu tranh, bất bạo đông có nghĩa là buộc chế độ đôc tài phải nhượng bộ bằng những cuộc biểu tình ôn hòa quy mô lớn. Chính vì thế mà nhiều người coi biểu tình là tất cả, cũng như coi số lần xuống đường biểu tình hay cầm biểu ngữ để chụp ảnh như một tiêu chuẩn để đánh giá thành tích của một tổ chức hay một người nào đó.
Nhân dịp báo Thông Luận cho đăng bài Bất Tuân Dân Sự Với Quy Tắc 3,5% của tác giả Erica Chenoweth - theo đó đấu tranh bất bạo động là phương thức hay nhất để đánh bại một chế độ độc tài và không một chế độ độc tài nào có thể trụ được nếu có 3,5% dân chúng đứng dậy chống lại - tôi xin đưa ra một số suy nghĩ bổ túc để mong nhận được những ý kiến khác.
Điều đầu tiên cần được nhấn mạnh là các tác giả viết về đấu tranh bất bạo động hay bất tuân dân sự đều mặc nhiên cho rằng những người đấu tranh đã có tổ chức. Điều này hiển nhiên đến nỗi họ không thấy cần phải nhắc lại, bà giáo sư Chenoweth cũng thế. Đối với họ đấu tranh chính trị mà không tham gia một tổ chức nào là điều không thể tưởng tượng được. Bởi vì khi một người thực sự muốn thay đổi hiện trạng xã hội mà mình đang sống thì phản ứng tự nhiên là tìm những người cùng mục tiêu để kết hợp, tạo sức mạnh để thực hiện mục tiêu chung. Và trong hàng trăm cuộc cách mạng trong lịch sử mà họ đã nghiên cứu, dù bạo động hay bất bạo động, tất cả đều có tổ chức. Đó là kiến thức sơ đẳng nhất mà những người đấu tranh phải biết. Ngay cả Nguyễn Tấn Dũng cũng biết điều này. Ông ta sợ nhất là các tổ chức và đã gào thét không biết bao nhiêu lần là sẽ "không để nhem nhúm hình thành các tổ chức đối lập". Hãy đọc lại một đoạn trong bài Bất Tuân Dân sự Và Luật 3,5% (người viết tô đậm một cụm từ):
(…) Hãy thử đặt mình vào những quốc gia bị đàn áp vài phút. Giả sử người hàng xóm đáng tin của bạn đến nói với bạn: "Tôi biết chị có cảm tình với lý tưởng của chúng tôi. Chúng tôi sẽ có cuộc biểu tình đại chúng tối nay lúc 8 giờ tối. Tôi hy vọng gặp chị ở đó”.Tôi không biết quý vị thì sao, nhưng tôi sẽ không có mặt lúc 7giờ 55 phút và xem chuyện gì đến. Tôi có lẽ nhìn ra ngoài cửa sổ lúc xem chuyện gì đang diễn ra. Nếu tôi thấy sáu người tụ tập tại công viên đó, tôi cứ ngồi. Nhưng nếu tôi thấy sáu ngàn người và nhiều hơn nữa từ các ngõ hẻm ùa ra thì tôi có thể tham gia (…)
Có một cụm từ mà chúng ta cần lưu ý trong đoạn trên. Đó là “lý tưởng của chúng tôi”. Đó rõ ràng là nói về một tổ chức chính trị có lý tưởng, nghĩa là một kết hợp để thể hiện một tư tưởng chính trị và để thực hiện một dự án chính trị. Nếu không có dự án chính trị thì không thể có hậu thuẫn của quần chúng bởi vì quần chúng sẽ không thể biết tổ chức sẽ làm những gì và làm như thế nào. Một điểm khác cần lưu ý chính là phương thức vận động biểu tình. Phần lớn những người tham gia biểu tình là vì được vận động trực tiếp chứ không phải vì hưởng ứng một lời kêu gọi qua phương tiện truyền thông. Người hàng xóm của bà Chenoweth chỉ có thể là thành viên hoặc cảm tình viên của tổ chức. Chỉ cần chúng ta xây dựng được một tổ chức có khoảng 500 đến 1.000 người và chuẩn bị để chờ đợi một biến cố xã hội thuận lợi, khi thời cơ đến mỗi thành viên vận động vài chục người mà mình biết là bất mãn với chế độ thì chúng ta sẽ có một cuộc biểu tình quy mô ít nhất vài chục ngàn người.
Trong 4 năm qua, có ít nhất 2 lần mà chính quyền cộng sản không ngăn cản những người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội và Sài Gòn, thậm chí công an còn chặn xe để cho đoàn biểu tình đi qua. Một lần năm 2012 khi Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh và một lần năm 2014 khi Trung Quốc đem giàn khoan vào vùng biển Việt Nam. Tôi đã tham gia cả 2 cuộc biểu tình tại Sài Gòn và nhận thấy năm 2012 số người tham gia không quá 3.000 người, đến năm 2014 thì số người còn ít hơn, mặc cho hàng chục “tổ chức xã hội dân sự” cùng kí tên dưới lời kêu gọi bởi vì các tổ chức đó không có lực lượng để vận động quần chúng. Nếu lúc đó chúng ta đã xây dựng được một tổ chức dân chủ mạnh - nghĩa là có một dự án chính trị đúng đắn và một đội ngũ nòng cốt - thì các cuộc biểu tình sẽ khác hẳn.
Thứ hai, quần chúng không kiên nhẫn và cũng không lãng mạn. Nếu một cuộc biểu tình đòi dân chủ chỉ có vài trăm người thì họ sẽ không tham gia vì ít tác dụng và có thể bị đàn áp một cách dễ dàng. Họ sẽ quan sát và chờ đợi đến khi số lượng người biểu tình lên đến vài ngàn bởi vì số đông tạo ra cảm giác an toàn và giúp mọi người can đảm hơn lúc bình thường. Nhưng nếu ai cũng chờ thì đến khi nào mới có một số đông lúc ban đầu? Muốn thoát vòng luẩn quẩn này thì phải có một tổ chức có tầm vóc với khoảng 500 thành viên nòng cốt và 5.000 thành viên cơ sở và cảm tình viên, và một kế hoạch chu đáo. Và cũng phải biết tận dụng cơ hội thuận lợi thì mới tạo ra được một cuộc biểu tình có vài ngàn người từ những phút đầu tiên và sau đó thu hút được thêm nhiều người khác. Thắng lợi của dân chủ lúc đó mới ló dạng. Ló dạng thôi chứ chưa có gì chắc chắn vì quần chúng không kiên nhẫn và cần được liên tục động viên, điều mà chỉ có một tổ chức chính trị có kỷ luật và có dự án chính trị nghiêm túc mới hy vọng làm được.
Thứ ba là sự cần thiết của tinh thần hòa giải dân tộc. Nó vừa là vấn đề tình cảm giữa người trong một nước vừa là một thái độ thực tế để không kích thích bản năng tự vệ của đảng cầm quyền bằng một thái độ thách thức và thù địch. Nếu bốn triệu đảng viên cộng sản đoàn kết với nhau thì những người dân chủ không thể nào giành được thắng lợi. Phải tranh thủ được tình cảm của những người tiến bộ trong Đảng Cộng Sản và lớp con cháu của họ bằng sự hiểu biết và lòng bao dung. Erica Chenoweth đã nói rõ trong bài viết của mình:
(…) Không một kẻ trung thành với chế độ ở bất cứ quốc gia nào lại sống hoàn toàn tách biệt khỏi nhân dân. Họ có bạn, họ có thành viên gia đình, họ có những quan hệ hiện tại mà họ phải sống dài hạn bất kể lãnh đạo còn hay mất. Tại Serbiakhi hàng trăm ngàn dân Serb đến từ thủ đô Belgrade để đòi tổng thống Milosevic từ chức, công an bắt đầu bất tuân lệnh bắn người biểu tình. Khi một trong bọn họ được hỏi tại sao ông làm vậy, ông chỉ đơn giản trả lời: "Tôi biết mấy đứa con tôi có mặt trong những đám đông đó"(…)
Trong cuộc thảm sát ở Thiên An Môn, chính quyền Trung Quốc đã phải điều động các đơn vị quân đội từ nơi khác đến đàn áp những người biểu tình bởi vì các đơn vị tại Bắc Kinh từ chối thực thi mệnh lệnh. Trong hồi kí của Lý Quang Diệu, khi đề cập đến những cuộc biểu tình chống Suharto của sinh viên, một tướng lĩnh Indonesia đã nói: "Nếu số sinh viên là một nghìn thì họ sẽ bị đánh tan tành. Nếu họ có đến mười nghìn thì quân đội sẽ cố gắng kiểm soát đám đông. Nhưng nếu họ lên tới một trăm nghìn thì binh lính sẽ đứng vào hàng ngũ của sinh viên”.
Chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi là một chế độ cực kì hung bạo. Nhưng nhờ biết từ bỏ đường lối đấu tranh vũ trang để chuyển sang đấu tranh bất bạo động và theo đuổi lập trường hòa giải dân tộc mà Nelson Mandela và đảng ANC của ông đã thành công. Chính quyền da trắng đã tin tưởng vào thiện chí hòa giải của Mandela và chấp nhận bầu cử tự do. Tại Myanmar, Đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi cũng theo đuổi đường lối đấu tranh bất bạo động và hòa giải dân tộc. Mới đây, họ đã chính thức trở thành đảng cầm quyền.
Nhưng tại sao đấu tranh bất bạo động lại hiệu quả hơn đấu tranh võ trang? Nhiều nhà nghiên cứu đã giải thích rằng đó là vì đấu tranh bất bạo động cho phép mọi người tham gia trong khi đấu tranh võ trang chỉ dánh cho những người trẻ và có thể lực tốt. Tác giả Erica Chenoweth đã phân tích rõ như sau: “Phản kháng dân sự cho phép người ở mọi mức độ thể lực tham gia. Điều này bao gồm người cao niên, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em, và bất cứ ai muốn tham gia. Bà nói thêm: "Mỗi người được sanh ra với khả năng thể chất tự nhiên để chịu được trò chơi bất bạo động. Ai trong chúng ta đây có con cái đều biết thật khó bồng đứa không muốn nhúc nhích hoặc đút ăn đứa không muốn ăn".
Tinh thần hòa giải dân tộc, mà Chenoweth không nói tới trong bài này, giúp cho phe đối lập không rơi vào thế đối đầu một mất một còn với đảng cầm quyền. Nó còn giúp thu hút những thành phần tiến bộ trong đảng cầm quyền và con cháu họ bởi vì họ cảm thấy có thể đứng vào hàng ngũ dân chủ. Đấu tranh bất bạo động để chống lại chế độ độc tài phải đi đôi với tinh thần hòa giải dân tộc, nếu không muốn gặp phải sự chống trả quyết liệt của một đảng cầm quyền gắn bó trong một cuộc chiến đấu sống còn như thế giới đang chứng kiến tại Syria.
Trong trường hợp Việt Nam, những người dân chủ phải hết sức tránh đưa ra những lời phát biểu mang tính mạt sát, thù hận bởi vì điều đó chỉ làm cho hố ngăn cách giữa những người dân chủ với những đảng viên cộng sản tiến bộ ngày càng lớn. Cùng một lúc với việc phát triển lực lượng, phe dân chủ phải và có thể tìm được đồng minh ngay trong hàng ngũ Đảng Cộng Sản. Đó là điều phải làm bởi vì sự chống đối ngay trong nội bộ có sức tàn phá đặc biệt; đó cũng là điếu có thể làm bởi vì đại bộ phận những người cộng sản thuộc thế hệ trẻ đều đã hiểu rằng chế độ này vừa tai hại cho đất nước vừa không có tương lai.
Chế độ cộng sản đang bị lung lay dữ dội vì những khó khăn về kinh tế và chia rẽ nội bộ. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói tới "một bộ phận không nhỏ" suy thoái đạo đức và tư tưởng chính trị. Ông Trọng hiểu suy thoái đạo đức và tư tưởng có nghĩa là không còn tin vào sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác-Lênin và tương lai của Đảng Cộng Sản. Nhưng những người này là tất cả những đảng viên cộng sản không quá u mê.
Giáo sư Erica Chenoweth chỉ mới tin vào đấu tranh bất bạo động gần đây thôi. Trước đây bà tin rằng chỉ có bạo lực mới đánh đổ nổi các chế độ bạo ngược. Tuy vậy bà đã có một đóng góp quý báu là nghiên cứu tất cả các cuộc đấu tranh thay đổi chính quyền đã diễn ra trên thế giới từ hơn một thế kỷ qua để đi đến một kết luận có chứng cứ thống kê hùng hồn là đấu tranh bất bạo động là phương thức hay nhất, bởi vì vừa có hiệu quả hơn hẳn bạo lực vừa không gây đổ vỡ lại vừa thuận lợi cho việc thiết lập một chế độ dân chủ sau đó. Luật 3,5% của bà có hai vế và cả hai vế đều đặc sắc. Một là chỉ cần động viên được 3.5% dân chúng đứng dậy đấu tranh là chế độ độc tài sẽ sụp đổ, hai là chỉ có đấu tranh bất bạo động mới động viên nổi tỷ lệ dân chúng này.
Trở lại với trường hợp của chúng ta.
Không phải chỉ 3,5% mà gần 100% trong số 100 triệu người Việt Nam đang mong đợi thay đổi. Nguyên số dân oan cũng đã vài triêu người. Nếu xây dựng được một tổ chức có tầm vóc với lập trường đấu tranh bằng phương pháp bất bạo động trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc để xây dựng thể chế dân chủ đa nguyên thì thắng lợi hoàn toàn trong tầm tay. Vấn đề chỉ là xây dựng tổ chức và đó là trách nhiệm của trí thức Việt Nam. Chế độ cộng sản vẫn còn tồn tại tới ngày nay vì trí thức Việt Nam vẫn chưa hiểu rằng đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân cả mà luôn luôn phải là đấu tranh có tổ chức.
Nhiều khi chỉ cần có tổ chức mạnh là đủ, không nhất thiết phải có biểu tình, đình công, chiếm đóng v.v. Ông Nguyễn Gia Kiểng trong bài "Kịch bản nào cho cuộc cờ này?" (1) viết cách đây gần mười năm đã nhận định là trong nhiều trường hợp chế độ độc tài nhượng bộ chỉ vì thấy đối lập dân chủ có đủ khả năng để phát động một cuộc nổi dậy bất bạo động trên qui mô lớn. Đó đã là trường hợp của Ba Lan, Tiệp Khắc, Nam Phi, Tunisia và Ai Cập trước đây, và Myanmar gần đây.

Nguồn : Thông Luận