06 septembre 2014

Không có lý do trì hoãn việc kiện Trung Quốc

Nguồn: Theo BVN

 




Lê Trung Tĩnh (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông)

Sau khi Trung Quốc đưa giàn khoa HD981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, báo chí trong nước và quốc tế đã đề cập nhiều đến việc Việt Nam sẽ sử dụng biện pháp pháp lý. Song song đó, ít nhất đã có hai yêu cầu chính thức từ người dân Việt Nam yêu cầu nhà nước Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa.

Đó là tuyên bố (1561 chữ ký) trên Bauxite lên án Trung Quốc và yêu cầu nhà nước Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa: http://www.boxitvn.net/bai/27715

Đó là lá thư yêu cầu lãnh đạo Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa ngày 26/5/2014. Thư đã gửi đến văn phòng của ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn Sinh Hùng, và ông Trương Tấn Sang cùng danh sách 3711 chữ ký:https://www.danluan.org/tin-tuc/20140528/le-trung-tinh-nguyen-quang-a-gui-thu-loi-cam-on-va-y-nghia-cua-tung-chu-ky. Đến hôm nay số chữ ký vẫn tăng lên và đang là 4435.

Tuy nhiên hơn một tháng sau ngày Trung Quốc rút giàn khoan, việc kiện Trung Quốc không còn được nhắc đến trong báo chí trong nước. Các hoạt động ngoại giao của Việt Nam gần đây, đặc biệt là chuyến thăm Trung Quốc của ông Lê Hồng Anh với mục tiêu “thúc đẩy mối quan hệ giữa hai đảng” càng cho thấy khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc thấp dần.

Có nhiều cách giải thích cho lựa chọn này của các lãnh đạo Việt Nam. Đó có thể là sự lệ thuộc sâu nặng Trung Quốc về ý thức hệ, chính trị, cách điều hành xã hội và kinh tế đến độ những người đứng đầu Việt Nam không đủ can đảm đưa ra quyết định kiện Trung Quốc. Đó có thể là sự lo lắng nếu quyết định kiện, Trung Quốc có thể tiết lộ những điều không hay của lãnh đạo Việt Nam trong quá khứ hay hiện tại.

Khi lãnh đạo Việt Nam không có những giải trình và hoạch định chiến lược rõ ràng về mối quan hệ của Việt Nam đối với Trung Quốc, cũng như đối với quốc tế, thì những suy nghĩ trên là khó tránh khỏi.

Nhà nước Việt Nam hoàn toàn có thể có những chiến thuật quan hệ khác nhau và không nhất thiết phải thông báo cho người dân. Tuy nhiên các chiến thuật trên phải mạch lạc và nằm trong một chiến lược rõ ràng, định vị mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, giữa Việt Nam và thế giới. Đó là điều mà người dân Việt Nam không thấy. Nhất là sau khi Trung Quốc đã có hành động xâm phạm vùng biển của Việt Nam.

Để biện minh cho việc trì hoãn kiện Trung Quốc, có thể những lãnh đạo Việt Nam cho rằng 1) kết cục của sự kiện giàn khoan HD981 là một thắng lợi của Việt Nam; 2) kiện nên là vũ khí để sử dụng sau cùng, và khi chưa dùng thì nó có tác dụng răn đe; 3) trong tình hình hiện nay Việt Nam nên tập trung phát triển thực lực và chưa nên kiện.

Đó là những suy nghĩ, nhận định sai lầm và không đầy đủ.

1. Kết cục của vụ giàn khoan HD981 hoàn toàn không phải là một thắng lợi cho Việt Nam

Sau hai tháng rưỡi, HD981 hoàn toàn đã có thể thực hiện xong nhiệm vụ khoan thăm dò, tức Trung Quốc đã thực hiện quyền chủ quyền của họ trên một vùng đặc quyền kinh tế của Viêt Nam. Và nếu họ có thực sự không khoan được gì đi nữa (điều đó thì không ai biết được), Trung Quốc cũng đã, đang và sẽ tuyên bố là giàn khoan đã hoàn thành nhiệm vụ thực thi quyền chủ quyền của Trung Quốc. Đó sẽ là một tiền lệ cho những xâm phạm sau nếu Việt Nam không ý thức sâu sắc đó là một sư xâm phạm và yêu cầu công lý.

Một cách so sánh đơn giản: kẻ cướp đã vào nhà, với tàu hộ tống, vũ trang bằng vòi rồng, và máy bay chiến đấu, đã làm những điều cần làm và đi ra trước thời gian hoạch định. Có lẽ do người nhà và hàng xóm hô hoán lên (như những người lạc quan suy nghĩ), nhưng có lẽ cũng chỉ vì kẻ cướp muốn đi ra. Dầu gì thì kẻ cướp cũng đã đủ thời gian để làm việc chúng cần làm.

Hơn nữa, kẻ cướp thậm chí không cần che giấu những hành vi vi phạm công pháp quốc tế, mà còn tuyên bố rõ ràng, và sử dụng như tiền lệ để làm tiếp các lần sau. Sự tăng tiến các hành vi Trung Quốc vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam trong quá khứ đã chứng tỏ rõ điều này.

Kẻ cướp ra khỏi nhà thì vẫn tốt hơn là không. Nhưng hài lòng với việc đó mà không ý thức sâu sắc rằng đó là một sư xâm phạm nghiêm trọng và tìm kiếm những phản ứng pháp lý thích hợp vừa là sự tự ru ngủ, vừa là sự đồng lõa.

2. Kiện không nên là vũ khí để dành dùng sau

Có thể lãnh đạo Việt Nam nghĩ rằng kiện là “vũ khí” chỉ dùng khi hết cách nào khác, và khi chưa dùng thì nó còn có tác dụng răn đe. Nếu họ suy nghĩ như vậy thì đó cũng là một sai lầm.

Thứ nhất, việc Việt Nam để dành việc kiện lại như một cách răn đe chỉ có ý nghĩa nếu việc đó làm Trung Quốc chùn bước trong tương lai. Thực tế hoàn toàn không phải vậy, vì Trung Quốc chắc chắn sẽ không chùn bước trong việc thực hiện tham vòng chữ U của họ, trong việc xâm chiếm thêm trên các quần đảo và vùng biển trên Biển Đông. Đó là tham vọng từ hơn 60 năm của họ, đã được ghi vào sách, viết thành luật, và gần đây trên hộ chiếu của từng công dân.

Như vậy việc để dành đó hoàn toàn không có ý nghĩa răn đe trước một đối thủ như Trung Quốc. Ngược lại Trung Quốc sẽ tận dụng thời gian đó để tiến xa hơn, bằng cách này hay cách khác: từ bàn hội nghị đến trên thực địa.Trong khi đó kiện những vi phạm trong quá khứ tăng khả năng ngăn ngừa những vi phạm đã được hoạch định cho tương lai.

Thứ nhì, việc chần chừ trong việc dùng biện pháp pháp lý sẽ gây nhiều bất lợi ngoại giao cho Việt Nam. Kiện Trung Quốc ngay từ bây giờ sẽ thu hút sự chú ý ngoại giao của quốc tế, và sẽ cho thấy sự tích cực của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của mình bằng giải pháp pháp lý. Một năm sau, tình hình thế giới, quan hệ chính trị, ngoại giao sẽ khác, và câu chuyện giàn khoan HD981 sẽ chìm vào quên lãng, không còn là đề tài nghị sự của thế giới. Khi đó có thể Việt Nam và thế giới lại phải đối phó với một loạt hành vi xâm phạm mới của Trung Quốc. Đó rõ ràng là điều không ai muốn.

Thứ ba, kiện không phải là biện pháp độc hại, nguy hiểm, không phải là một “vũ khí nguyên tử” để phải tránh sử dụng đến cùng. Biện pháp pháp lý không tàn phá, không gây chết người, không đi ngược lại hòa bình thế giới, không bị lên án. Kiện ra tòa án quốc tế là biện pháp giải quyết tranh chấp lành mạnh, tiến bộ, được thế giới đề cao và khuyến khích. Nhiều lãnh đạo các nước, học giả, tổ chức dân sự, người dân đã lên tiếng ủng hộ và kêu gọi Việt Nam sử dụng giải pháp này. Nước duy nhất không tán thành, đó là Trung Quốc.

3. Kiện sẽ góp phần thúc đẩy việc chuẩn bị thực lực cho Việt Nam

Có thể những người hoạch định chính sách Việt Nam cho rằng Việt Nam nên tập trung phát triển thực lực và chưa nên kiện. Đó là một cách đẩy công việc về tương lai và trốn tránh trách nhiệm đối với đất nước.

Trước tiên việc chuẩn bị thực lực tốt về kinh tế, chính trị, quốc phòng là trách nhiệm của lãnh đạo đất nước trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nếu để đất nước rơi vào một tình thế yếu kém và bị nước ngoài xâm phạm thì đó là lỗi của lãnh đạo Việt Nam. Một nhà nước không thể dùng điều đó để biện minh cho việc không/chưa thực hiện một nhiệm vụ và quyền lợi cơ bản của dân tộc, của quốc gia mà họ đại diện: yêu cầu công lý thông qua các định chế quốc tế khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm. Không làm được điều cơ bản đó, nhà nước Việt Nam hiện tại không còn đại diện cho quốc gia và dân tộc Việt Nam.

Có người nói kiện sẽ làm xấu quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc và ảnh hưởng đến sự chuẩn bị thực lực kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên nếu quan sát kỹ sẽ thấy mối quan hệ này đã rất xấu và Việt Nam đang chịu vô cùng bất lợi: nhập siêu từ Trung Quốc, nhân công Trung Quốc tràn lan, Trung Quốc thắng thầu hầu hết và làm rất kém các công trình xây dựng cơ bản, năng lượng, công nghiệp… Kiện Trung Quốc, Việt Nam sẽ gặp khó khăn về kinh tế, nhưng đó cũng là cơ hội để Việt Nam tìm kiếm giải pháp nghiêm túc để thật sự thoát ra khỏi ảnh hưởng kinh tế từ Trung Quốc và xây dựng thực lực kinh tế cho chính mình về lâu dài.

Nếu tiếp tục như hiện nay, tình hình hoàn toàn không có triển vọng sáng sủa hơn: hai nước đã ký kết đẩy kim ngạch ngoại thương lên 60 tỷ USD trong năm 2015 với phần nhập siêu càng lớn cho Việt Nam, hàng nghìn công nhân Trung Quốc lại đang đến Hà Tĩnh... Nếu hiện giờ không thể kiện Trung Quốc vì lý do kinh tế, thì trong vài năm nữa, khi ảnh hưởng kinh tế từ Trung Quốc càng lớn hơn, Việt Nam càng không có cơ hội làm điều đó. Như vậy Việt Nam có còn là nước độc lập nữa không?

Về mặt chính trị và đối ngoại, kiện Trung Quốc cũng gửi một thông điệp rõ ràng về chiến lược của Việt Namđến với các quốc gia hay cộng đồng mà Việt Nam muốn tranh thủ sự ủng hộ, chuẩn bị thực lực đối ngoại hay tìm kiếm đồng minh. Không ai có thể tin một quốc gia mong muốn sự ủng hộ của quốc tế trong khi vẫn tiếp tục “thắt chặt quan hệ giữa hai đảng”, vẫn “hợp tác toàn diện” với quốc gia vừa mới xâm phạm mình. Thông điệp “quan hệ giữa hai đảng” là một cách phá hoại tốt nhất lòng tin của quốc tế về sự thực tâm của các lãnh đạo Việt Nam.

Cuối cùng, kiện Trung Quốc là một phần của nhiệm vụ bảo vệ đất nước của nhà đương cục Việt Nam, nhất là khi họ đã được yêu cầu thực hiện điều đó một cách rõ ràng và thẳng thắn trong thời gian qua.

Tác giả cảm ơn ông Dương Danh Huyông Lê Vĩnh Trương đã góp ý cho bài viết.

L. T. T.

Tác giả gửi BVN.