Ngô Nhân Dụng trong
phần giới thiệu Đèn Cù có viết: “Đèn Cù
đưa chúng ta vào một xã hội điên đảo: sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng. Voi
giấy (ối a) ngựa giấy, tít mù nó chạy vòng quanh” (trang 15). Nhận xét này không chỉ đúng với bức tranh xã
hội trong Đèn Cù mà còn đúng với những “tít mù” đang xảy ra với ngành giáo dục.
Tranh luận con gà và chuồng
gà để xem cái nào đứng trước, cái nào đứng sau là một ví dụ. Bài toán tưởng cực
kì đơn giản hóa ra lại phức tạp, khiến ngay cả phó giáo sư, tiến sĩ, nhà viết
sách, nhà quản lí giáo dục cũng phải vào tranh luận. Ai cũng có cái giải thích,
cái lí luận riêng, đến giờ tít mù nhưng chưa có lời ngã ngũ. Đúng là: bài toán
con gà khiến những nhà lí luận phải chạy vòng quanh.
Ví dụ rộng hơn về cái
tít mù của ngành giáo dục có lẽ ở những đề án đổi mới. Chưa bao giờ ngành giáo
dục lại có nhiều đề án đổi mới đến vậy: đề án thay sách giáo khoa với giá mấy
chục ngàn tỉ, đề án rút ngắn thời gian học phổ thông, đề án thi cử, đề án nâng
cao năng lực ngoại ngữ cho thanh niên Việt nam. Cả xã hội dường như phải thót
tim theo những đổi mới tít mù của ngành giáo dục. Có đề án dưới sức ép của xã
hội, phải bỏ giữa chừng. Cũng có những đề án, dù không nhận được sự đồng tình
nhưng vẫn gấp gáp triển khai, ví dụ đề án thay đổi thi cử. Mấy hôm trước vẫn
còn gửi công văn xin ý kiến các chuyên gia và dư luận thì hôm nay đã có ngay
quyết định thay đổi. Hậu quả của việc tít mù này có lẽ là các em học sinh tốt
nghiệp năm tới.
Đổi mới là cần thiết và
là tất yếu trong một thế giới luôn thay đổi. Nhưng những chính sách đổi mới mà
có ảnh hưởng và tác động tầm quốc gia thì phải thận trọng. Trước khi thực hiện
một chính sách thay đổi, cần phải có thời gian và lộ trình để xã hội thích ứng.
Chính sách phải được xây dựng dựa trên những bằng chứng khoa học lí luận và
thực tiễn, trong đó phải sự tham gia của những đối tượng mà chính sách tác động.
Tuy nhiên, với những gì
đang xảy ra trong ngành giáo dục hiện nay, cả xã hội sẽ phải chạy vòng quanh
theo cái tít mù dài dài.
Tác giả gửi Quê Choa