12 avril 2016

Thêm bằng chứng thủy điện tàn phá ĐBSCL


Bài và ảnh: MINH KHANH

Tin mới
Bài và ảnh: MINH KHANH

Một nhóm các chuyên gia của Đại học Aix-Marseille (Pháp), Chương trình thủy điện bền vững và lưu vực sông của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên hoang dã (WWF) và Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam vừa công bố nghiên cứu Liên hệ giữa xói lở nhanh ở ĐBSCL và các hoạt động của con người

Hình thành muộn hơn gần một thế kỷ so với các đồng bằng lớn khác ở châu Á, ĐBSCL của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về tính bền vững bởi tình trạng xói lở, nước biển dâng và lũ lụt từ hậu quả của việc xây dựng các đập thủy điện vào những thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước.
 
 


Mất 1,5 sân bóng đá mỗi ngày

Trên cơ sở phân tích các hình ảnh vệ tinh, trong gần một thập kỷ, các nhà khoa học đã định lượng được sự xói lở bờ biển và mất đất với quy mô lớn trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến 2012.

Cụ thể, hơn 50% trong tổng số 600 km bờ biển của ĐBSCL đang bị xâm thực mạnh. Xói lở nghiêm trọng nhất xảy ra ở vùng bờ biển Đông với tốc độ trung bình trên 50 m/năm, chiếm gần 90% trong tổng chiều dài 183 km của bờ biển này. Vùng biển phía Tây Nam, bờ vịnh Thái Lan tuy không nghiêm trọng bằng nhưng cũng đang bị xói lở trên 60% trong tổng chiều dài 200 km của đoạn bờ này. Hiện tượng này trái ngược với xu thế mở rộng mạnh mẽ do được bồi tụ của vùng bờ biển Tây Nam trong 3 thiên niên kỷ qua. Báo cáo tổng kết quá trình biển tiến mạnh mẽ đã khiến vùng ven biển ĐBSCL đã bị mất hơn 5 km2 đất, chỉ riêng giai đoạn 2007-2012, mỗi ngày vùng này mất một diện tích tương đương với 1,5 sân bóng đá.

Các vùng đồng bằng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn trầm tích ổn định để duy trì bờ biển và bù lún. Thế nhưng, lượng trầm tích trên sông ngày càng thiếu hụt do bị giữ lại sau các đập thủy điện nên nhiều đồng bằng trên thế giới đang phải đối mặt với hiện tượng lún và xói lở nhanh hơn, mất đất trên diện rộng và dễ bị tác động bởi lũ lụt và nước biển dâng. ĐBSCL cũng không nằm ngoài quy luật ấy.

Khai thác cát lậu trên sông Cổ Chiên bị lực lượng Công an Bến Tre phát hiện, xử lý Ảnh: CÔNG TUẤN

Cạn kiệt nguồn phù sa

Nhóm chuyên gia cho hay sự suy giảm đáng kể lượng bùn cấp cho vùng bờ vào mùa nước lớn đã được ghi nhận bằng hình ảnh từ vệ tinh MERIS, trong khi tốc độ biển tiến ở vùng cửa sông suy giảm lại phù hợp với tình trạng khai thác cát lòng sông quy mô lớn. Cát bị giữ lại ở các hố và lạch sâu do khai thác cát cũng được cho là nguyên nhân gây giảm lượng cát cung cấp cho các bãi biển nằm giữa các cửa sông. Việc giảm lượng phù sa ven biển dẫn đến năng lượng sóng ít bị tiêu tán hơn, hậu quả là gây xói lở bờ biển nhanh hơn.

Hiện tượng sụt lún gia tăng nhanh do khai thác nước ngầm diễn ra ở vùng bờ biển Đông, cũng là nơi được ghi nhận bị xói lở nặng nề nhất.

Vấn đề suy giảm phù sa về ĐBSCL sẽ còn gia tăng nghiêm trọng hơn khi 11 đập thủy điện tiếp tục được thực hiện ở hạ nguồn sông Mê Kông. Vào tháng 11-2012, khi đập Xayaburi (Lào, dung tích hồ chứa 225 triệu m3) được khởi công đã dấy lên mối quan ngại của cộng đồng quốc tế và sự phản đối từ phía Chính phủ Việt Nam, Campuchia và các nhà khoa học, các tổ chức về môi trường. Nếu 11 đập thủy điện được đưa vào vận hành sẽ làm tăng lượng trầm tích bị giữ lại trong các hồ chứa từ 11-12 triệu tấn/năm lên 70-73 triệu tấn/năm. Một nghiên cứu khác còn cho ra kết quả trầm trọng hơn: tỉ lệ giảm lượng trầm tích tích lũy cho vùng đồng bằng có thể lên tới 51% - 96%, tương ứng với số lượng 38 đập thủy điện dự kiến trên toàn dòng chính sông Mê Kông. Nguy cơ này có thể đến trước năm 2020 nếu tình trạng khai thác cát ở vùng đồng bằng và thượng nguồn sông vẫn tiếp tục với tốc độ như hiện tại.

Ảnh hưởng đến an ninh lương thực

ĐBSCL là đồng bằng lớn thứ ba trên thế giới, là nơi định cư của gần 20 triệu người và có vai trò rất quan trọng đến an ninh lương thực của khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, ĐBSCL cung cấp 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% thủy sản xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hàng tỉ USD/năm. Ngoài ra, ĐBSCL còn là khu vực phát triển năng động về nông nghiệp và chăn nuôi gia súc. Vùng hạ lưu sông Mê Kông cũng là nơi có mức độ đa dạng sinh học về cá với mật độ cao hơn so với bất kỳ lưu vực sông lớn nào trên thế giới. Về mức độ đa dạng sinh học nói chung, sông Mê Kông chỉ đứng sau sông Amazon.

Bài và ảnh: MINH KHANH