11 janvier 2017

Xin gạo cứu đói, câu chuyện về lòng tự trọng


 Câu chuyện 12 tỉnh xin trung ương cấp gạo cứu đói cho dân dịp Tết đang làm nóng dư luận xã hội. 

Mi An: " Địa phương muốn thoát đói, thoát nghèo thì người lãnh đạo phải có trách nhiệm, phải năng động, tìm ra kế sách giúp cho người dân làm ăn. Và quan trọng nhất là tỉnh ấy phải biết chi tiêu căn cơ, đừng đổ tiền vào xây những công trình trăm tỷ, ngàn tỷ lãng phí. Mồ hôi nước mắt của người đóng thuế nộp ngân sách, không thể tiêu xài vô cảm."

Mâm cơm mùa giáp hạt của người dân Bảo Lạc, Cao Bằng.  Ảnh : vnexpress.



Bộ Công thương cho biết, ngày 20/1 mới là ngày chốt danh sách xin gạo cứu đói nên con số chưa dừng lại ở 12 tỉnh xin gạo cứu đói cho dân dịp Tết Nguyên đán. Danh sách 12 tỉnh này gồm: Cao Bằng 625 tấn, Tuyên Quang 310 tấn, Yên Bái 397 tấn, Lào Cai 247 tấn, Thanh Hóa 650 tấn, Nghệ An 1.766 tấn, Quảng Trị 1.486 tấn, Quảng Ngãi 1.718 tấn, Bình Định 1.992 tấn, Ninh Thuận 1.134 tấn, Đăk Nông 400 tấn, Kon Tum 577 tấn. 

Dư luận trên mạng xã hội bàn tán xôn xao, người thì bảo các tỉnh này làm ăn thế nào mà năm nào cũng đi xin gạo cứu đói cho dân trong dịp Tết, trong khi những công trình hoành tráng vẫn mọc lên. Người thì bảo chuyện xây dựng công trình với chuyện dân đói là không liên quan, bởi tiền nào ra tiền đấy, không ai dám lấy tiền xây dựng công trình ra mua gạo cho dân cả, nên đói vẫn hoàn đói.

Người thì đặt những phép tính so sánh GDP của tỉnh này với tỉnh kia, chẳng hạn tại sao người dân TP. Hồ Chí Minh nộp ngân sách thật nhiều, được trích lại ít, tiền ấy có phải đem đi đầu tư cho những tỉnh nghèo hay không. Nói chung là một cuộc bàn luận rất sôi nổi.

Nhưng nói qua nói lại, rất ít người đề cập đến chuyện, lãnh đạo của các địa phương hàng năm cứ phải đi xin gạo trung ương về cứu đói dịp Tết cho dân, họ có thấy ngại không. Có thấy cảm giác ngượng như cái ngượng của một người nhà nghèo, năm hết tết đến phải vác rá đến nhà cha mẹ xin gạo về nuôi bầy con đang đói?

Thôi thì mỗi người mỗi phận, có tỉnh được thiên nhiên ưu đãi, kinh tế khá giả dồn góp lại từ nhiều năm nên đời sống người dân khấm khá. Có tỉnh đất cát khô cằn, lại hay phải chịu thiên tai nên dân đói quanh năm tứ mùa, Tết đến lại phải xin gạo cứu dân khỏi đói. Nói chung cũng phải thông cảm cho nhau.

Nhưng tốt nhất là mong sao, các vị lãnh đạo địa phương xin cứu đói làm sao càng ngày càng thấy “ngại” hơn mỗi khi cuối năm lại lâm vào cảnh “vác rá đi xin”, phải biết tính toán căn cơ để lo cho người dân của mình. Đấy là kỳ vọng của người dân khi họ cầm lá phiếu bầu chọn lãnh đạo.

Tôi tin rằng, con người ai cũng có lòng tự trọng, đó mới là thứ đáng giá nhất của mỗi cá nhân. Lòng tự trọng sẽ giúp người ta biết xấu hổ nếu thấy mình “thua bè kém bạn” để từ đó có sức lực và khát vọng mà vươn lên. Lòng tự trọng sẽ ngăn không cho con người lười biếng, dựa dẫm, ỷ lại vào người khác, khi mình vẫn còn đôi bàn tay để lao động.

Mong sao sang năm sau, con số tỉnh phải đi xin gạo cứu đói sẽ ít đi. Địa phương muốn thoát đói, thoát nghèo thì người lãnh đạo phải có trách nhiệm, phải năng động, tìm ra kế sách giúp cho người dân làm ăn. Và quan trọng nhất là tỉnh ấy phải biết chi tiêu căn cơ, đừng đổ tiền vào xây những công trình trăm tỷ, ngàn tỷ lãng phí. Mồ hôi nước mắt của người đóng thuế nộp ngân sách, không thể tiêu xài vô cảm.

Một người bạn tôi vừa đi cứu trợ lũ lụt miền Trung về kể lại: “Tôi không thể hình dung một xã chúng tôi tới thăm người dân lam lũ đến thế. Hầu hết người đến nhận cứu trợ đều điểm chỉ, vì họ không biết chữ. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của họ khi nhận số tiền ít ỏi mà thấy chua xót. Họ nói lâu lắm rồi mới thấy mưa nhiều như thế, may mà được Trung ương, lãnh đạo tỉnh, các doanh nghiệp và đồng bào trong cả nước giúp đỡ, chứ không thì khổ lắm. Những người dân nơi chúng tôi tới không ai trách các nhà máy thuỷ điện xả lũ không đúng quy trình, không ai trách những cơ quan có trách nhiệm để rừng đầu nguồn bị tàn phá đến cạn kiệt, không ai trách các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu làm gia tăng hiệu ứng nhà kính... Họ chỉ trách trời mưa”.

Vậy đấy, người dân nghèo khắp nơi còn nhiều, không thể họ tết nhất đến nơi mà còn đứt bữa nên chuyện trung ương cấp gạo cứu đói là chuyện “chẳng đặng đừng”. Nhưng làm sao để chấm dứt tình cảnh này, chỉ có 1 cách duy nhất, đó là chính địa phương phải khơi dậy lòng tự trọng, phải biết thương lấy người dân.

Mi An 

Nguồn: Theo VNE