Trong lúc đó,
một luật sư Singapore nói gia đình ông Anh Vũ cho hay ông "là sĩ quan cao
cấp ngành tình báo Việt Nam".
Cũng trong
ngày, một luật sư khác của ông Anh Vũ từ Frankfurt nói đã nộp đơn xin Đại Sứ
quán Đức tại Singapore cấp visa cho thân chủ mình để "bảo vệ lợi ích của Đức",
tuy nhiên đó "không phải là đơn xin tị nạn".
Luật sư người
Singapore Remy Choo nói với hãng tin AFP hôm 2/1 rằng ông đã gặp gia đình ông
Vũ, và họ xác nhận:
"Ngoài
việc là nhà đầu tư bất động sản, ông ấy cũng là sĩ quan cao cấp trong ngành
tình báo Việt Nam," luật sư này nói.
Còn bản tin
chiều ngày 2/01 đánh đi từ Berlin của hãng Reuters lại dẫn lời luật sư người Đức,
ông Victor Pfaff cũng tuyên bố ông Anh Vũ là sĩ quan an ninh cao cấp bên cạnh
việc kinh doanh nhà đất.
Luật sư
Victor Pfaff nói với Reuters rằng là sỹ quan an ninh, chắc hẳn ông Anh Vũ sẽ biết
về vụ Trịnh Xuân Thanh "mất tích" khỏi Berlin.
Ông Trịnh
Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty PVC, bị truy tố trong vụ án ngành
dầu khí.
Hiện có các
câu hỏi trên các trang mạng xã hội về vai trò kép nếu có của 'doanh nhân Vũ
'nhôm' và sỹ quan an ninh Phan Văn Anh Vũ trong các vụ làm ăn.
Các báo
Việt Nam, sau khi ông Anh Vũ trốn sang Singapore trước Giáng Sinh 2017, đã đồng
loạt chạy các bài mô tả ông là một thế lực ghê gớm ở Đà Nẵng, khuynh đảo cả thị
trường bất động sản ở đây.
Các tờ báo
do nhà nước Việt Nam kiểm soát cũng đặt ra câu hỏi 'Đằng sau ông Vũ 'nhôm'
còn có thế lực nào khác?'
Luật sư
Victor Pfaff cho rằng sĩ quan an ninh Anh Vũ có thể cung cấp thông tin về cáo
buộc của Đức nói ông Thanh bị bắt cóc ở Berlin.
Từ Việt
Nam, nguồn tin chính thức duy nhất nói ông Phan Văn Anh Vũ làm việc cho Bộ
Công an đến từ chính Bí thư Đà Nẵng, ông Trương Quang Nghĩa.
Tờ Thanh Niên hôm 21/12/2017 trích ông Nghĩa
trả lời cử tri nói: "Công an hiện phải trả lời câu hỏi về Vũ 'nhôm',"
người mà tân Bí thư Đà Nẵng nói "cũng là thượng tá" trong đoạn ông
Nghĩa so sánh vụ việc với một thượng tá khác thuộc Bộ Quốc phòng.
Ông Anh Vũ muốn sang Đức?
Luật sư người
Singapore Remy Choo nói:
"Gia
đình thân chủ tôi lo lắng có nguy cơ bị hồi hương."
"Tôi
xác nhận ông ấy đã xin tị nạn ở một nước châu Âu nhưng tôi không thể tiết lộ là
nước nào."
Tuy thế, từ
Đức, luật sư Victor Pfaff cũng nói ông đã nộp đơn cho nhà chức trách Đức để xin
Đại Sứ quán Đức ở Singapore cấp visa cho thân chủ của mình.
"Tôi đã
làm đơn xin Đức chấp nhận," ông Pfaff nói. Ông nói rõ đây chưa phải là đơn
xin tị nạn mà là đơn xin cho công dân nước ngoài vào Đức để "bảo vệ lợi
ích của Đức".
Bản tin
Reuters nói theo luật của Đức, một cá nhân không được phép xin tị nạn khi đang ở
ngoài nước Đức.
Bộ Ngoại
giao Đức chưa có bình luận.
Dẫn độ hay không?
Singapore
không có hiệp định dẫn độ với Việt Nam.
Nhưng giới
chức di trú Singapore có quyền cho hồi hương trong một số trường hợp.
Các luật sư
của ông Anh Vũ ở Singapore nói rằng đến nay họ chưa hề được tiếp xúc với ông
Vũ.
Hôm 2/1, các
luật sư này đã nộp đơn cho tòa án Singapore để xin gặp thân chủ.
Giới chức
Singapore lần đầu tiên xác nhận với BBC Tiếng Việt họ đã 'bắt giữ' ông Phan Văn
Anh Vũ vì 'vi phạm Luật Di trú'.
Trong thư hồi
âm tối ngày 2/1 giờ Singapore, Cục Di trú Singapore (ICA) chính thức nói với
BBC rằng ông Anh Vũ "bị bắt ngày 28/12/2017 vì có vi phạm theo Luật Di
trú".
Mạng xã hội nói gì?
Tin tức về
ông Vũ "nhôm" được chia sẻ và bình luận rộng rãi trên mạng xã hội.
Blogger Nguyễn
Chí Tuyến bình luận trên Twitter bằng tiếng Anh hôm 2/1: "Các tờ báo The
Straits Times, Reuters, Bangkok Post, Chanel NewsAsia đã đưa tin về vụ doanh
nhân đào tẩu Phan Văn Anh Vũ bị bắt ở Singapore nhưng truyền thông nhà nước
Việt Nam vẫn im tiếng. Tự do báo chí như vậy đấy! "
Facebooker
Phan Trí Đỉnh viết trên trang Facebook cá nhân: "...Theo đánh giá chung, nếu
Bộ Ngoại giao Đức không cứu xét đơn tị nạn chính trị của Vũ, không can thiệp bất
cứ điều gì, phần việc giải quyết sẽ chỉ thuộc phía Việt Nam và Singapore. Nếu
Vũ bị trao trả để dẫn độ về VN, tội của Vũ sẽ không dừng lại ở "cố ý làm lộ
bí mật nhà nước" như đã truy tố ban đầu."