MÊNH MÔNG THẾ SỰ ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI SỐ 52
Tương Lai
Từ hồi cầm được cuốn sách để đọc, tôi đã ngấu nghiến cuốn “Tâm hồn cao thượng” của một tác gia người Ý được dịch sang tiếng Việt. Có những câu hơi rắc rối mà trí óc tuổi thơ tôi phải căng hết cỡ cũng chỉ nghĩ được lơ mơ, đại loại như lời của bố Erison dạy con trong bức thư ông viết cho Erison “con hãy coi sự ngu dốt là cừu địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, con phải phấn đấu luôn luôn và chớ hề làm tên lính hèn nhát”. Tuy không hiểu lắm, nhưng cũng mang máng cảm thấy đây là điều lớn lao cần phải theo. Có những câu hiểu rõ hơn và đến nay vẫn còn nhớ, như lời thầy Perbôni dạy học trò “đừng để con rắn ghen tị luồn vào trái tim, đó là một con rắn độc, nó gặm mòn khối óc và làm đồi bại trái tim”. Và rồi câu này thì in đậm trong óc tôi: “con có một trái tim cao thượng đáng khen”. Đây là cũng lời thầy Perbôni, nhưng là nhằm biểu dương Garônê, cậu học sinh quả cảm đã dám đứng lên nhận lỗi thay cho bạn trong cơn phẫn uất vì bị nhục mạ đã ném lọ mực vào kẻ dám xúc phạm đến sự nghèo khổ của mẹ mình, chẳng may lọ mực văng ngay vào ngực thầy giáo.
“Trái tim cao thượng” theo năm tháng cùng với sự trải nghiệm cuộc sống mà dẫn dắt dòng mạch cảm xúc và tư duy của mình, tôi ngày càng hiểu ra được đó chính là nền tảng của một cuộc sống có ý nghĩa.
Thế rồi vào thời thanh niên sôi nổi, “trái tim Đankô” của M. Gorki từng chiếm lĩnh tâm hồn, lay động tâm tư tôi và giục giã hành động “ta sẽ làm gì cho mọi người đây? Đankô gào to hơn sấm. Bỗng nhiên anh đưa hai tay lên xé toang lồng ngực, dứt trái tim ra và giơ cao lên đầu. Trái tim cháy rực như mặt trời, sáng hơn mặt trời, và cả khu rừng im lặng sáng lên dưới ngọn đuốc của trái tim yêu thương vĩ đại đối với mọi người… Đi thôi! Đankô thét lớn và xông về phía trước, tay nâng cao trái tim cháy rực, soi đường cho mọi người… Và Đankô sung sướng nhìn khoảng đất tự do và bật lên tiếng cười tự hào rồi gục xuống… có một người vốn tính cẩn thận sợ có điều gì không hay liền giẫm lên trái tim kiêu hãnh ấy. Trái tim lóe sáng rồi tắt ngấm…”.
Với số tuổi cứ mỗi năm mỗi nặng dần trên đôi vai không còn mang
vác được nhiều những đa đoan thế sự nên không còn đủ sức nâng cao mãi trái tim
đơn độc cháy rực của Đankô. Có lẽ vì thế mà hôm rồi, ngồi trước cuốn sổ tang tưởng
niệm John McCain tại tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ, sau phút trầm tư, ngòi bút ngập
ngừng bỗng hướng đến hình ảnh “trái tim
cao thượng”. Biểu tượng ấy lóe sáng trong đầu, đẩy ngòi bút viết một mạch
những dòng tưởng niệm con người đáng kính ấy. Phải chăng tuổi tác và sự trải
nghiệm hình như đã nhào nặn lại dòng suy nghĩ của tôi!
Sau những róc rách phun ra
từ mạch đá là những rộn rã thét gầm của suối khe tuôn chảy dội thành thác lũ
dòng nước tự khuôn mình trong lòng sông giữa hai bờ, xuôi dần về biển cả, cho
dù “chảy từ suối ra đều là nước, vọt từ
tim ra đều là máu”! Trái tim Đankô vĩnh viễn vẫn “cháy rực như mặt trời, sáng hơn mặt trời” song tình “yêu
thương vĩ đại đối với mọi người” giờ đây trầm lắng lại và giấu kín trong lồng
ngực như ý tưởng của John McCain nhắn lại cho cuộc
đời này trước khi ông mãi mãi ra đi: “tự
do, công lý bình đẳng, tôn trọng phẩm giá của tất cả mọi người – là điều đem
đến hạnh phúc tuyệt diệu hơn cả những thú vui phù du trong cuộc đời.” (Lời
vĩnh biệt của J. McCain). Khi chúng tôi “kính
cẩn nghiêng mình trước anh linh của một con người trung thực, quả cảm và cao
thượng” là chúng tôi biểu thị sự nhìn nhận những giá trị mang ý nghĩa vĩnh
hằng của một con người, một điểm hội tụ phẩm
chất người của bộ phận tinh hoa những người sống trên
trái đất này, trong đó, chúng tôi đang cố là những giọt nước trong lành giữa
mênh mông của biển cả.
J. McCain nhắc nhủ người Mỹ rằng “nếu chúng ta nấp mình sau những bức tường thay vì phá bỏ chúng” thì
đó là làm tổn thương chính mình, tiếp tay cho đường lối gieo rắc sự bất bình,
lòng thù hận và bạo lực ở khắp nơi trên thế giới. Với ý đó, ông đã kín đáo phê phán
hành động và đường lối của đương kim tổng thống mà ông yêu cầu không được có
mặt trong tang lễ của ông. Đó là một ý tưởng đẹp. Nhưng còn đẹp hơn, từ ý tưởng
và hành động của J. McCain trong cả cuộc đời của mình, ông đã gợi lên một cách
tư duy. Hãy đọc ý nghĩ của ông vào giờ phút bi thương vĩ đại của một đời người:
“Tôi cảm nhận rằng ngay cả lúc này khi
tôi chuẩn bị từ giã cõi đời, tôi vẫn trân quý cuộc sống của mình – trân quý hết
thảy cuộc đời đó. Tôi đã có những trải nghiệm, những cuộc phiêu lưu và tình
bằng hữu đủ cho mười kiếp sống viên mãn, và tôi tràn đầy lòng biết ơn…”
Riêng đối với người đang viết những dòng này khi ngồi ghi sổ
tang cho một người Mỹ từng lái máy bay ném bom vào Hà Nội, một ý nghĩ nặng nề
chợt thoáng gợi gợi trong đầu: Hồ Trúc Bạch mà người Mỹ ấy được vớt lên cách
mục tiêu Nhà Máy điện Yên Phụ khoảng 100m và chỉ cách hầm trú ẩn của chúng tôi
khoảng 500m đường chim bay. Chính ngày 26 tháng10 năm 1967 ấy, tôi cùng vợ và
đứa con trai đầu lòng mới 4 tháng tuổi phải nhảy xuống hai cái hầm cá nhân
không có nắp khi đèo hai mẹ con cháu đi khám ở Bệnh viện C để xin cấp phiếu mua
sữa. Mẹ cháu phải cúi người che kín cho con đề phòng mảnh đạn rơi. Tai họa của
chiến tranh ập xuống bất kỳ, không kiêng dè một ai. Phải bắn rơi máy bay của kẻ
thù để cứu lấy sự sống khi mà Hà Nội đã trở thành mục tiêu bắn phá, đó là câu
trả lời dứt khoát và duy nhất đúng của người biết tự trọng với lòng “trung thực và quả cảm”!
Trung thực và quả cảm với chính mình, với Tổ quốc của mình! Đó
là giá trị vĩnh hằng mang tính chân lý mà mỗi con người, không là con người
trừu tượng, mà là “con người này” như
Hegel, nhà triết học Đức từng lưu ý, con người cụ thể của một đất nước cụ thể,
đứa con của một Tổ quốc cụ thể mà John McCain, “người khổng lồ trong nền chính trị Mỹ” đã “tự hào
là đã cố gắng phục vụ đất nước với danh dự”, những điều rất cụ thể mà cũng
rất thiêng liêng. Thiêng liêng không chỉ riêng đối với chúng ta, những người
Việt Nam của Tổ quốc được tạo lập, bảo vệ và phát triển từ nhiều thế hệ ông
cha, mà đối với tất cả những con người cụ thể sống trên trái đất này, tất cả
đều có một quê hương, một Tổ quốc để mà yêu thương, mà tôn quý và đổ máu để bảo
vệ khi Tổ quốc lâm nguy. Mơ hồ hoặc làm phôi pha tình cảm mãnh liệt và nghĩa vụ
cao quý ấy là tự tước bỏ phẩm tính làm
người của mỗi một con người. Đấy là chưa tiện nói ra đây tội ác của những
chủ trương và hành động trấn áp, bỏ tù những người quả cảm biểu tỏ lòng yêu
nước bằng những ứng xử cụ thể có tính ôn hòa. Vì thế mà hoàn toàn dễ hiểu tâm
trạng của những người dân Hà Nội buổi đó hàng ngày phải điều chỉnh nhịp sống
của mình theo tiếng loa “Đồng bào chú ý,
máy bay Mỹ cách Hà Nội… cây số. Rồi “Đồng
bào chú ý, máy bay địch đã đi xa”. Và cái ngày 26 tháng 10 năm 1967 ấy thì
tiếng loa gấp gáp giục giã “đồng bào phải
xuống ngay hầm trú ẩn” hòa vào trong gầm gào tiếng nổ chát chúa của các
loại pháo phòng không, của tên lửa. Mặt đất và bầu trời Hà Nội rung lên trong
tiếng nổ và khói đạn mù trời không còn phân biệt nổi đâu là từ trên trời máy
bay Mỹ dội xuống hay từ dưới quân dân ta bắn lên, quật rơi máy bay địch.
Nhảy lên khỏi hầm cá nhân bước vội đến miệng hầm cách đó 3m kịp
đón con trai từ tay mẹ cháu đầu tóc phủ kín bụi đất, áp bé vào ngực để nghe
được nhịp đập của trái tim nhỏ nhoi khiến lòng cuộn lên niềm xúc động và nỗi
căm hờn. Niềm xúc động và nỗi căm hờn ấy cũng rất cụ thể, và từ một chiều sâu
góc cạnh nào đó, cũng rất thiêng liêng. Điều ấy giúp tôi giải thích được tâm
trạng của một người tham gia vào việc cứu phi công Mỹ rơi trên hồ Trúc Bạch,
ông Lê Trần Lụa “Với một con dao trong
tay, tôi định đâm ông ấy. Nhưng mọi người đứng gần đó đã hét lên ngăn tôi lại”
như CNN đã dẫn lời. Giờ đây, hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ sau cuộc chạm mặt
kịch tính đầu tiên và duy nhất đó, cũng CNN cho biết: “ông Lụa tiếc thương cho sự ra đi của ông John McCain. “Tôi rất buồn.
Tôi luôn mong muốn gặp lại ông ấy vì sự kiện đó là một dấu mốc trong cuộc đời tôi”, ông Lụa nói về
người từng là kẻ thù ở bên kia chiến tuyến”. Đã có một bức phù điêu được đặt gần hồ Trúc
Bạch để đánh dấu sự kiện bắn rơi máy bay của John McCain, và những ngày qua,
nơi đây phủ đầy hoa của người Hà Nội tưởng niệm một cựu thù nay trở thành một
người bạn cao quý mà sự ra đi mãi mãi của ông để lại niềm tiếc thương chân
thành của người Việt Nam đối với “một
chính khách vĩ đại và là một người bạn của Việt Nam” như lời của cựu Đại sứ
tại Washington Phạm Quang Vinh (Trí thức Trẻ. 30.8.2018) còn đại tá Trần Trọng
Duyệt, nguyên là trại trưởng trại tù binh Hỏa Lò, người có nhiều duyên nợ với
John McCain thì trầm tĩnh nhận xét: “Ông
ấy là một người cứng rắn và mạnh mẽ. Ông ấy trung thành với lý tưởng của mình”!
(Trí thức Trẻ. 30.8.2018). Và rồi hôm nay, ngồi trước sổ tang của người vừa từ
biệt thế giới này khi “đã sống và chết
trong cuộc đời của một người Mỹ kiêu hãnh”, tôi cố nén nỗi xúc động dâng
trào nhằm ngăn giọt nước mắt cảm phục, để đủ tỉnh táo ghi lời tưởng niệm người
vừa nằm xuống. Cảm phục phẩm tính làm
người của một người can trường, giàu lòng vị tha và tính cách cao thượng.
Phải chăng đó là “biện chứng của tâm hồn”
được diễn giải một cách giản đơn. Vì đó là biện chứng của lòng dân. Nó khác xa
với tự tăm tối thiển cận đáng xấu hổ của một hành vi được dàn dựng của những bộ
óc lú lẫn bởi đường lối “đu giây” trong việc chọn ra tặng phẩm để một chính
khách cỡ lớn đem một thông điệp ngoại giao đến Mỹ bằng một tấm hình chụp bức
phù điêu kia!
Tôi đã đọc Hồi ký của ông. Tôi biết những gì ông phải trải qua
trong thân phận một tù binh khi cuộc chiến đang trong những ngày tàn khốc nhất.
Càng trung thành với lý tưởng phục vụ
tổ quốc mình trong thách thức về thái độ ứng xử của một quân nhân giàu lòng tự
trọng để bảo toàn danh dự quân nhân, nhất là khi John McCain là cháu nội và con
trai của hai Đô đốc Hải quân, từng là Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa
Kỳ, những thách thức đó càng nghiệt ngã. Càng cứng rắn và mạnh mẽ thì sự nghiệt ngã ấy lại càng tăng lên theo cấp
số nhân. Đó là quy luật tàn nhẫn của chiến tranh. Những ai đã từng trải qua
chiến tranh, từng đối diện với những khảo nghiệm về sự can trường, tinh thần
quả cảm và ý thức danh dự sẽ càng hiểu hơn cái quy luật tàn nhẫn ấy, và càng
kính trọng phẩm tính cao thượng của
John McCain. Điều này càng được khẳng định với nhận xét của Tom Patterson, giáo
sư của Đại học Harvard: “Sự việc khiến
ta hiểu sâu hơn về con người này bắt đầu khi Việt Nam đồng ý trả tự
do cho ông nhờ vị thế của cha, McCain đã nói rằng ông sẽ vẫn ở lại nếu
các phi công người Mỹ khác cùng tham chiến vẫn chưa được thả… Khi chiến
tranh kết thúc, ông được trả về Mỹ. McCain đã không dùng sự cay đắng
để đáp trả thời gian bị cầm tù, mà đáp lại bằng một quyết tâm giải
quyết nguyên nhân chia rẽ giữa Việt Nam và Mỹ dẫn tới chiến tranh.
Cùng với người bạn thượng nghị sĩ và cũng là một cựu binh trong
cuộc chiến tranh ở Việt Nam John Kerry, McCain đã làm nhiều hơn bất kỳ
người Mỹ nào có thể làm để thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa
hai nước. (Tuần VN 27/08/2018). Nhưng rồi cơ hội một lần nữa bị bỏ qua với
một đường lối lập lờ trong cách tìm chọn đồng minh từ cách “đu giây” dưới sức
đẩy của ý thức hệ “lý tưởng tương đồng,
vận mệnh tương quan” đậm đặc giả trá và lừa mị. Lịch sử đã phải trả giá cho
một thời đoạn đen tối của sự lú lẫn cam phận chư hầu để giữ bằng được cái ghế
quyền lực!
Trong suy ngẫm của một người ngoài tuổi tám mươi với những bước
thăng trầm qua những sóng gió phũ phàng và tàn khốc của ba cuộc kháng chiến
chống thực dân, đế quốc và lũ bành trướng tôi thật thấm thía ý tưởng tuyệt vời
của John McCain trước lúc ra đi: “Bản sắc
và giá trị của chúng ta không hề bị giới hạn mà là được nâng tầm khi chúng ta
cống hiến đời mình cho những chính nghĩa vượt khỏi bản thân mỗi chúng ta. Cũng
như hết thảy mọi người, tôi cũng có những hối tiếc. Nhưng tôi sẽ không đánh đổi
một ngày nào trong đời tôi, cho dù trong lúc vui hay lúc buồn, để lấy ngày hạnh
phúc nhất của bất kỳ người nào khác”.
Tự khẳng định cuộc sống có ý nghĩa của chính mình, tự vượt lên
mình để “cống hiến đời mình cho những
chính nghĩa vượt khỏi bản thân” chính là một phẩm tính cao thượng của một con người biết trân trọng cuộc sống
của bản thân mình, và đó cũng chính là nền
tảng vững bền nhất để tạo ra bản sắc và giá trị của một đời người.
Càng suy ngẫm, đối chiếu với những trải nghiệm không ít nghiệt
ngã, càng thấy ra phẩm tính cao thượng
hàm chứa trong đó tính nhân văn sâu
sắc vượt lên trên những hạn hẹp mang tính thời đoạn lịch sử của phạm trù ý thức hệ, cho dù có lúc điều
đó có sức tập hợp rộng lớn đông đảo quần chúng nhằm thực hiện một mục tiêu xác
định. Chính vì có tính thời đoạn nên ý thức hệ mà người ta đang ra sức tô son
điểm phấn mang tính hạn hẹp và thực dụng, rồi tệ hại hơn khi ý thức hệ ấy hướng vào một mục tiêu cục
bộ thì sẽ dẫn đến sự chia cắt, giằng xé
thay vì tập hợp, gắn kết người với
người, cá nhân với cộng đồng, công dân với tổ quốc. Sự khủng hoảng ý thức hệ bộc lộ rõ nhất khi mục tiêu cục bộ ngày càng
quy chiếu vào lợi ích của một phe nhóm đang thâu tóm và lũng đoạn quyền lực mà
họ giành được từ máu xương của quần chúng nhân dân được dùng làm vật lót đường
cho cuộc tranh cướp quyền lực ấy.
Phẩm tính cao thượng được thể hiện phổ quát nhất, tập trung nhất là đối với Tổ quốc,
đối với nhân dân. Tôi muốn trở lại với “Tâm
hồn cao thượng” từng khắc họa trong ký ức tuổi thơ về câu chuyện “Lòng yêu nước của cậu bé thành Pađôva”
với hình ảnh cậu bé người Ý nghèo khổ mới mười một tuổi. Cậu bé ấy đã giận dữ
và khinh bỉ ném trả những đồng tiền vàng mà những khách ngoại quốc sang trọng
thương hại cậu đã nhét vào tay, vào túi áo của cậu, nhưng rồi sau đó lại nói
xấu về người Ý, kể chuyện xấu về nước Ý của cậu. Ném trả trong tiếng thét phẫn
nộ: “Cầm lấy tiền của các người đi, ta
không thèm nhận của bố thí của những kẻ đã lăng mạ tổ quốc ta”! Ở đây, một
chú bé người Ý nghèo khổ mới 11 tuổi và một ông già tám mốt tuổi, “người khổng lồ trong nền chính trị Mỹ”
đều có cách biểu thị lòng yêu tổ quốc của riêng mình! Và có lẽ không thể và
cũng không nên, so sánh ai cao thượng hơn trong tình yêu cụ thể và thiêng liêng
đó.
Cô Meghan McCain, con gái của
người vừa nằm xuống nói với những người tham dự lễ tang cha mình rằng: “Ông ấy
là ngọn lửa vĩ đại đã cháy hết mình, và chúng tôi đã sống dưới ánh sáng, hơi ấm
của ngọn lửa đó thật lâu. Chúng tôi biết ngọn lửa của ông sẽ sáng mãi, trong mỗi
chúng tôi”. Có lẽ nhiều người có thiện chí và giàu tính nhân văn đều muốn rằng
hai tiếng “chúng tôi” mà Meghan nói
cũng hàm nghĩa của “chúng ta”. Đó
chính là ngọn lửa sáng mãi phẩm tính cao
thượng mà cuộc sống đang khao khát.
Sự
khao khát càng mãnh liệt hơn, bức xúc hơn với chúng ta khi mà cuộc khủng hoảng ý thức hệ đè nặng lên đời sống của mọi tầng
lớp nhân dân bị bầm dập với những hệ lụy trực tiếp của một bộ máy quyền lực quá
yếu kém về năng lực quản lý và vận hành guồng máy hoạt động xã hội, cả về đời sống
vật chất lẫn đời sống tinh thần! Cái thể chế toàn trị phản dân chủ đang dồn hết
tâm sức vào mọi thủ đoạn loại bỏ đối thủ nhằm chiếm giữ cái ghế quyền lực nhân
danh ý thức hệ xã hội chủ nghĩa thì sự bung bét, bất cập về mọi lĩnh vực, nhìn
vào đâu cũng thấy hư hỏng, bất an là thực trạng đang bày ra trước mắt là chuyện
dễ hiểu. Để rồi, “rốt cuộc chỉ thấy nợ nần và lệ thuộc, mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung
bình” như một vị quyền cao chức trọng
nọ, sau những trích dẫn đông tây kim cổ với những rao giảng phủ dụ cũ mèm, đã
phải thốt ra cái sự thật trần trụi không thể giấu giếm đó! Khi mà cuộc đời và sự
nghiệp không bén mảng đến được hai tiếng cao
thượng, chỉ dai sức ngụp lặn trong những toan tính cơ hội với mọi thủ đoạn
đen tối nhằm vươn tới cái ghế quyền lực cao nhất thì “rốt cuộc” chỉ có thế! Điều cần nói thêm là những toan tính cơ hội với
mọi thủ đoạn đen tối ấy đã làm ô nhiễm và đầu độc môi trường xã hội khiến cho một
bộ phận không nhỏ trong công chúng, nhất là với không ít người sống thu mình
trong sự tăm tối của sự lừa mị, cam chịu phục tùng cho yên thân, e sợ ánh lửa “cháy rực của trái tim Đankô, sợ có điều gì
không hay liền giẫm lên trái tim kiêu hãnh ấy. Trái tim lóe sáng rồi tắt ngấm”!
M. Gorky dựng lên hình tượng tàn nhẫn ấy thật đáng suy ngẫm. Đây mới chính là điều phải đặc biệt
quan tâm. Vì rằng “giữa sức ép của những
sự kiện lớn, nguyên tắc bình thường không có tác dụng” như Hegel từng phân
tích trong khi bàn về biện chứng của cuộc sống. Điều này không dành riêng cho một
ai, kể cả cho người thích rao giảng về biện
chứng!
Ấy thế mà, cũng chính Hegel đã chỉ rõ “cuộc sống chỉ có giá trị khi nó có cái gì đó
đáng giá làm mục tiêu”. Chính
vì vậy “cống hiến đời mình cho những
chính nghĩa vượt khỏi bản thân mỗi chúng ta” như John McCain tâm niệm, đó
chính là phẩm tính cao thượng, biết
đặt Tổ quốc lên trên mọi toan tính về lợi ích hạn hẹp và cục bộ được phủ bằng
tấm áo ý thức hệ lừa bịp đang đầu độc đời sống tinh thần của cả xã hội. Đã đến
lúc phải trung thực và thẳng thắn nói điều rất đáng nói về sự đảo lộn hệ thống giá trị đang làm băng hoại
nền tảng đạo lý vững bền mà thiếu nó thì đất nước sẽ ngày càng lạc hậu và lạc điệu với sự phát triển
của nền văn minh mà thế giới đang hướng tới. Càng ngoan cố duy trì mối quan hệ
lệ thuộc với người đồng chí cùng chung ý
thức hệ xã hội chủ nghĩa để được bảo kê cái ghế quyền lực đang rệu rã, thì
càng đẩy tới sự đảo lộn và băng hoại đáng sợ kia. Chính sự băng hoại ấy làm cho
Tổ quốc lâm nguy trước nanh vuốt của kẻ thù đang diễu võ giương oai trên Biển
Đông. Phải đặt lợi ích của dân tộc lên trên mọi lợi ích phe nhóm nhỏ hẹp được
ngụy trang bởi những danh xưng ý thức hệ lừa mị, những giáo điều ẩm mốc ôi thiu
đã bị thế giới vứt bỏ. Chính những điều ấy đang đánh mất lòng tin của dân. Mất
lòng dân là mất tất cả.
Vì vậy, cần gióng lên hồi chuông thức tỉnh khi đất nước đang
đối diện với những thách đố nghiệt ngã nhưng cũng đang tiềm ẩn những cơ may cần
biết tỉnh táo nắm lấy. Chỉ có thể làm được điều ấy khi dám mạnh dạn vứt bỏ sự
hạn hẹp của một ý thức hệ lạc hậu,
biết đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên
hết và trước hết, có vậy mới hun đúc được phẩm tính cao thượng, biết “cống
hiến đời mình cho những chính nghĩa vượt khỏi bản thân mình”.
Sài Gòn, ngày 2.9 - 4.9.2018
___________
Chú thích ảnh từ trên
xuống:
Ảnh 1: Bìa cuốn sách
“Tâm hồn cao thượng”
Ảnh 2: Tương Lai đang
ghi vào sổ tang John McCain tại Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh.
Ảnh 3 : từ ngoài vào Lê
Công Giàu, Huỳnh Tấn Mẫm, Tương Lai, Huỳnh Kim Báu đặt hoa tưởng niệm J.
McCain.
Ảnh 4 : Người dân Hà Nội
đặt hoa tưởng niệm John McCain tại bức phù điêu bên hồ Trúc Bạch.
Ảnh 5 : Ba thế hệ McCain: Ông nội John
S.McCain, đô đốc Hải quân Mỹ giai đoạn thế chiến 2 đang bế J. McCain, đứng sau
ông là bố mẹ của J.McCain, Đô đốc Hải quân John S.McCain, Jr, Tư lệnh Hạm đội
Thái Bình Dương.
Ảnh 6 : Cô Meghan McCain bên cạnh cha mình.