08 juin 2019

Kỷ niệm 30 năm sự kiện Thiên An Môn


Vương Thuyên
 
Lời đầu

Biển người biểu tình ở quảng trường TAM  ngày 2-6-1989, Getty Images, AFP


Sự kiện Thiên An Môn (TAM) hay cuộc thảm sát đêm 3 rạng sáng 4-6-1989 đến nay (2019) là đúng 30 năm. Ba Tổng Bí thư (TBT) đảng cộng sản Trung Quốc (TQ) đà lần lượt nối tiếp. Lẽ ra chính quyền TQ đã có cơ hội đánh giá lại sự sai lầm và công khai xin lỗi quần chúng. Thế nhưng, chính quyền, ngược lại, càng siết chặt an ninh, tiếp tục đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến, sách nhiễu những người còn sống sót, kiểm soát mọi thảo luận công khai, thậm chí còn thách thức như lời tuyên bố của bộ trưởng bộ Quốc phòng Nguỵ Phụng Hoà (Wei Fenghe) ở Singapore vừa qua theo đó chính quyền đương thời đã lấy một quyết định ''đúng'' trong sự kiện TAM. Trong khi đó, dân chúng ở Hongkong, Đài Loan và bạn bè thế giới vẫn còn tưởng niệm những người bị thảm sát trong ngày 4-6.


Ai là người ra lệnh cho quân đội nổ súng vào đám sinh viên biểu tình?  Mọi người nghĩ ngay đến Đặng Tiểu Bình dưới áp lực của nhóm bảo thủ đứng đầu là thủ tướng đương thời Lý Bằng. Giang Trạch Dân cũng được xem là ngưởi có bàn tay ''đẩm máu'' ở cương vị tân TBT đảng vào cuối tháng 5-1989.

Bài viết này phác hoạ lại bối cảnh đương thời cùng diễn biến của sự kiện TAM cách đây đúng ba mươi năm.

 
 Người sinh viên dũng cảm 19 tuổi (The Tank Man) chặn xe tăng ngày 5-6.  AFP



Bối cảnh chính trị TQ trước sự kiện Thiên An Môn.

Đại hội lần thứ 13 được tổ chức trong tháng 10-1987 sau khi TBT Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang) bị nhóm bảo thủ cách chức ngày 25-12-1986 vì bị lên án quá yếu kém trước sự đòi hòi tự do dân chủ của sinh viên học sinh và trí thức ″trưởng giả''. Hai nhân vật đầu não Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) và Trần Vân (Chen Yun) ra khỏi thường vụ Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhưng ông Đặng còn tiếp tục giữ chức chủ tịch Quân ủy Trung ương và họ Trần chủ tịch ban Cố vấn. Ở thường vụ Bộ Chính trị có 5 người mới là: Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) [1], TBT Đảng, Lý Bằng (Li Peng), thủ tướng, Hồ Khởi Lập (Hu Qili), đặc trách ý thức hệ, Kiều Thạch (Qiao Shi), bí thư Uỷ ban Kiểm tra kỷ luật Đảng và Diêu Y Lâm (Yao Yilin), đặc trách kinh tế. Nếu Kiều Thạch là người ''đứng giữa'' thì Triệu Tử Dương và Hồ Khởi Lập thuộc phái canh tân, Lý Bằng và Diêu Y Lâm thuộc trường phái bảo thủ. Thế quân bình giữa các nhóm ở chóp bu, trên lý thuyết, được tôn trọng.

BChính trị, ngoài 5 ủy viên thường vụ nói trên còn có 12 ủy viên chính thức và một ủy viên dự khuyết được phân công là: Vạn Lý (Wan Li), chủ tịch Quốc hội, Điền Kỷ Vân (Tian Jiyun), phó thủ tướng, Lý Tích Minh (Li Ximing), bí thư thành ủy Bắc Kinh, Giang Trạch Dân (Jiang Zemin), bí thư thành ủy Thượng Hải, Lý Thụy Hoàn (Li Ruihuan), bí thư thành ủy Thiên Tân, Dương Nhữ Đại (Yang Rudai), bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên, Lý Thiết Ánh (Li Tieying), đặc trách cải tổ kinh tế, Dương Thượng Côn (Yang Shangkun), chủ tịch nước kiêm bí thư Quân ủy, Ngô Học Khiêm (Wu Xueqian), bộ trưởng ngoại giao, Tống Bình (Song Ping), trưởng ban Tổ chức Đảng, Tần Cơ Vĩ (Qin Jiwei), bộ trưởng quốc phòng, Hồ Diệu Bang (không được phân công), và dự khuyết Đinh Quan Căn (Ding Guan-gen), bí thư Ban Bí thư.

Ban Bí thư lúc đó phần lớn do nhóm canh tân nắm nhưng không còn là cơ quan công tác hàng ngày của Đảng mà chỉ là một ''cơ cấu bàn giấy'' của thường vụ và BChính trị.

Dù trên nguyên tắc là nhân vật số ''một'', họ Triệu bị ông Đặng và nhóm bảo thủ với những chức vụ trọng yếu trong guồng máy của Đảng và nhà nước ( Ban Tổ chức Đảng, thủ tướng, chủ tịch và phó chủ tịch nước, ngoại giao, quân đội, kinh tế vv..) bao vây và canh chừng mọi hành động. Trong năm đầu (1988), Triệu Tử Dương không thành công ổn định kinh tế. Vật giá ờ thành phố tăng hơn 40%, lạm phát tăng 18% so với năm trước trong khi thu hoạch về nông nghiệp bị giảm sút do chính quyền trung ương không đầu tư đúng mức và chính quyền địa phương đã bỏ rơi nông nghiệp, chỉ bỏ vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp tiêu thụ để mau có lợi. Hàng triệu nông dân bỏ ruộng đi tìm công ăn việc làm ở đô thị. Đời sống công nhân và công chức ở thành phố càng thêm khó khăn.

Ở Hội nghi trung ương lần thứ 3 khoá 13 trong tháng 9-1987, ông Triệu, dưới áp lực của nhóm bảo thú, buộc phải nhường cho Diêu Y Lâm đảm trách về kinh tế. Sự thất bại về kinh tế của ông Triệu làm ông Đặng mất tín nhiệm và số phận của ông trở thành bấp bênh.

 
Biển người biểu tình ở quảng trường TAM  ngày 2-6-1989, Getty Images, AFP



Ngòi nổ là sự từ trần của Hồ Diệu Bang ngày 15-4-1989 mà dư luận cho là do có tranh cãi ở BChính trị. Đặc điểm của ông Hồ là người rất bình dân trong giới sinh viên và trí thức vì ông được coi là người có tư tưởng cởi mở và biểu tượng của cải cách dân chủ trong đảng. Sinh viên và trí thức có cảm giác là lý tưởng của họ đã bị Đảng phản bội và dân chúng thì thất vọng vì TQ đã đi vào kinh tế thị trường mà chưa có dân chủ. Họ lấy cớ tưởng niệm ông Hồ, xuống đường chiếm quảng trường TAM để đòi chế độ phải cải cách chính trị, mở rộng tự do báo chí, chống tham nhũng như họ đã đòi trong mùa đông 1986. Trong bảy tuần chiếm quảng trường, từ giữa tháng tư đến ngày 4 tháng 6-1989, họ đòi chính quyền tiếp kiến để thỏa mãn nguyện vọng. Chính quyền trả lời bằng cách gán cho họ là những phần tử ''bạo loạn phản cách mạng'' trên xã luận báo Nhân Dân ngày 26-4. Thái độ hung hăng này là do Lý Bằng và nhóm bảo thủ chủ xướng với sự đồng tình của ông Đặng trong khi Triệu Tử Dương đang công du ở Bắc Triều Tiên. Trên thực tế, ông Đặng và nhóm thủ cựu già nua muốn dẹp phong trào đòi dân chủ của sinh viên. Ông Đặng còn bị ám ảnh đến tình trạng hỗn loạn thời kỳ ''Đại cảch mạng văn hoá'' kéo dài trong 10 năm dưới thời Mao và đã đưa TQ đến tình trạng kinh tế kiệt quệ. Ông Triệu, trái lại, muốn giải quyết theo nguyên tắc dân chủ phù hợp với luật pháp. Trước sự ngoan cố của chính quyền, sinh viên bắt đầu làm tuyệt thực vào ngày 13-5. Tình hình trở nên căng thẳng vì sinh viên được các giới thành phần xã hội ủng hộ mỗi ngày càng đông trong khi chính quyền cần phải giải toả quảng trường để tiếp đón tổng bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev sang viếng thăm chính thức TQ trong hai ngày 15 và 16-5. Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đã từ lâu chuẩn bị chuyến công du quan trọng này và họ thầm kín tưởng tượng Gorbachev sẽ ''quỳ'' trước ông Đặng để xin lỗi việc Nikita Khruschev đã rút chuyên gia về nước trong năm 1960! Sinh viên không những đã làm họ mất thể diện mà còn đặt hy vọng ở Gorbachev làm áp lực họ để thực hiện sự trong sáng (glasnost). Do đó, sinh viên nhất định không rời quảng trường nếu không được chính quyền tiếp kiến. Tình hình hoàn toàn bế tắc trong khi số người biểu tình lên đến gần một triệu người vào ngày 17-5 và 1,2 triệu người ngày 19-5. Ngày 18-5, Lý Bằng miễn cưỡng chịu tiếp đón sinh viên nhưng một mực từ chối thoả mãn những yêu sách của họ. Sáng hôm sau, Triệu Tử Dương đến quảng trường nghẹn ngào phát khóc thành khẩn kêu gọi sinh viên đình chỉ tuyệt thực và rời khỏi quảng trường nhưng thực sự ông và Hồ Khởi Lập đã bị Bộ Chính trị lên án và cuối cùng cách chức ngày 21-5. Ngày 20-5, Lý Bằng ký sắc lệnh ban bố thiết quân luật và cho 22 sư đoàn quân đội tiến vào Bắc Kinh. Bộ Chính trị hoàn toàn bị chia rẽ và không còn đóng vai trò chủ đạo. Nhóm bô lão do ông Đặng đứng đầu hoàn toàn thao túng thay BChính trị và Ban Chấp hành Đảng chỉ định Giang Trạch Dân thay Triệu Tử Dương ngày 27-5. Vào đêm 3-6 rạng ngày 4-6, quân đội được lệnh cho nổ súng vào sinh viên làm nhiều ngàn người chết và bị thương. Cần nói thêm rằng, lúc ban đầu, quân đoàn 38 của thủ đô có nhiệm vụ thi hành lệnh thiết quân luật nhưng bất tuân lệnh. Người ta thấy cảnh quân đội và sinh viên thân thiện như tình nghĩa anh em. Cuối cùng, ông Đặng buộc phải gọi quân từ các tỉnh xa về thủ đô để đàn áp sinh viên. Đặc biệt quân đoàn 27  từ Thạch Gia Trang kéo về được xem là hung hăn nhất vì binh lính gần như thất học chì biết mù quáng tuân lệnh cấp trên.


Vai trò quyết định của tám bô lão trong sự kiện Thiên An Môn.

Vào đầu năm 2001, ông Trương Lương (Zhang Liang), bí danh của một đảng viên cao cấp ĐCSTQ đưa ra ngoài nước một bản tường thuật ngoài 500 trang còn được gọi là ''TAM Papers'' của những cuộc thảo luận giữa tám bô lão bảo thủ và giữa các thành viên thường vụ Bộ Chính trị đương thời từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 6-1989 trong sự kiện TAM. Bản tường thuật này được dịch ra Anh ngữ và in thành sách và được hai giáo sư chuyên về TQ ông Andrew J. Nathan của đại học Columbia và ông Perry Link của đại học Princeton duyệt y. Một bản tóm lược 17 trang sau đó được tạp chí Foreign Affairs Mỹ đưa lên mạng và được báo chí trên thế giới trích dẫn và đăng tải. Nhưng có lẽ giới báo chí Hoa ngữ đăng tải đầy đủ nhất vì nguồn tư liệu là tiếng Hán và vì sự kiện nói trên có liên hệ đến tương lai vận mạng của họ. Do đó, bản tường thuật của ngày 21 và ngày 27-5 được chép lại rất tỉ mỉ, theo đó 8 bô lão mà đa số không còn chức vụ chính thức đã áp đặt, trái với điều lệ của Đảng, ông Giang Trạch Dân ở chức TBT Đảng. Họ Giang, như theo bản tường thuật, được xem là người ''dễ bảo''.

Theo bản tường thuật của ông Trương Lương, tám bô lão nhiều lần họp nơi tư thất của ông Đặng ở phía sau Trung Nam Hải là: Đặng Tiểu Bình, Trần Vân, Lý Tiên Niệm (Li Xiannian), Vương Chấn (Wang Zhen), Bành Chân (Peng Zhen), Bạc Nhất Ba (Bo Yibo), bà Đặng Dĩnh Siêu (Deng Yingchao) và Dương Thượng Côn.

Như đã nói trên, ngoài ông Đặng là chủ tịch Quân ủy , Dương Thượng Côn và Vương Chấn chủ tịch và phó chủ tịch nước, những người kia không có chức vụ nào trong Đảng và nhà nước. Trần Vân và Bạc Nhất Ba dù là chủ tịch và phó chủ tịch Ban Cố vấn nhưng không còn ở Ban Chấp hành trung ương Đảng cũng như ông Đặng và Vương Chấn. Lý Tiên Niệm là cựu chủ tịch nước (1982-1987), bà Đặng Dĩnh Siêu, goá phụ của cựu thủ tướng Châu Ân Lai, có lúc vào Bộ Chính trị ở Đại hội thứ 12 (tháng 9-1982) đã ra khỏi cơ quan này trong năm 1985 trong khi Bành Chân là cựu chủ tịch Quốc Hội (1982-1987).

Ngày 21-5, sau khi thiết quân luật được ban hành, tám bô lão nói trên họp tại tư thất của ông Đặng. Cuộc họp có mục tiêu chỉ định người kế nhiệm  Triệu Tử Dương. Cuộc họp hoàn toàn trái ngược với điều lệ Đảng vì muốn cách chức TBT phải họp đại hội đảng hoặc họp hội nghị trung ương đảng.

Trong buổi họp này, các bô lão rất hoang mang không biết chọn ai làm TBT thay Triệu Tử Dương. Đặng Tiểu Bình chọn Lý Thuỵ Hoàn, Trần Vân và Lý Tiên Niệm chọn Giang Trạch Dân, Dương Thượng Côn chọn Kiều Thạch, Bành Chân chọn Vạn Lý, Vương Chấn chọn Lý Bằng. Riêng Bạc Nhất Ba không chọn ai làm TBT mà chỉ đề nghị Tống Bình vào thường vụ Bộ Chính trị. Người ta để ý ông Đặng không chọn Lý Bằng.

Do không có đồng thuận, buổi họp tiếp tục vào ngày 27-5. Lần này, Đặng Tiểu Bình, Dương Thượng Côn và bà Đặng Dĩnh Siêu nghiêng về phía Trần Vân và Lý Tiên Niệm. Thế là, Giang Trạch Dân được ''tuyển chọn'' một cách...bất hợp pháp !

Tiếp sau đó là buổi họp ngày 2-6 có mục tiêu giải toả hay ''quét sạch'' quảng trường bằng vũ lực. Buổi họp này có hai bô lão vắng mặt là Trần Vân và bà Đặng Dĩnh Siêu nhưng có thêm ba uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị là Lý Bằng, Kiều Thạch và Diêu Y Lâm. Tất cả đều tán thành giải pháp dùng vũ lực để ''quét sạch'' quảng trường. Hai người có thái độ hung hăn nhất là Lý Bằng và Vương Chấn.


Có bao nhiêu người bị thương vong và bị bắt?

Cho đến nay, chưa có thông tin chính xác về số người bị thảm sát trong sự kiện TAM. Phía chính quyền, người phát ngôn viên Viên Mộc ̀(Yuan Mu) đưa ra con số lố bịch nói theo ''thống kê sơ bộ'' chỉ có 300 người kể cả binh lính. Về binh lính, Viên Mộc thổi phòng nói có đến 5000 ''bị thương''. Làm sao sinh viên với hai bàn tay trắng có thể gây tổn thương cho nhiều binh lính như thế? Hội Chữ thập đỏ TQ đưa ra con số từ 2600 đến 3000. Theo một tài liệu mật của tình báo CIA Mỹ thu thập từ nguồn của nội bộ TQ và được tạp chí Next Magazine Hongkong đăng tải theo đó có hơn 40 ngàn người bị thương vong trong đó có 10454 bị giết (Petro Times, ngày 29-2-2016). Như vậy, số người bị thương là 28796 người. Con số 10 ngàn người bị tử vong có lẽ sát gần thực tế vì cựu đại sứ Anh Alan Donald ở Bắc Kinh năm 1989 cũng đưa ra con số này dựa theo nguồn tin của một người bạn thân của ông đương là uỷ viên của Hội đồng nhà nước TQ (BBC, ngày 25-12-2017). Số người bị bắt cũng chưa biêt rõ là bao nhiêu. Riêng người sinh viên chặn xe tăng T-59 đi tuần hành trên đại lộ Trường An được phóng viên Jeff Widener của Associated Press chụp ngày 5-6, có nguồn tin nói là Vương Duy Lâm (Wang Weilin) nhưng cũng chưa xác định chắc chắn.


Số phận của lãnh đạo sinh viên ra sao?

Sau ngày 4-6, một danh sách bao gồm 21 thủ lãnh sinh viên được đăng trên báo Nhân Dân để truy nã. Đó là: Vương Đan (Wang Dan), Ngô Nhĩ Khai Hy (Wu Er Kai Xi), Sài Linh (Chai Ling, nữ), Phong Tòng Đức (Feng Congde), Vương Siêu Hoa (Wang Chaohua, nữ), Lý Lộc (Li Lu), Trương Minh (Zhang Ming), Mã Thiếu Phương (Ma Shaofang) vv..

Ngoại trừ một số nhỏ sau một thời gian trốn tránh được đưa ra nước ngoài như Ngô Nhĩ Khai Hy, Sài Linh, Phong Tòng Đức, Vương Siêu Hoa, hầu hết những người khác đều bị bắt và̀ bị kết án từ 1 đến 4 năm tù. Sau đó, một số sang định cư ở Hoa Kỳ khi tình hình trở nên ổn định. Ngô Nhĩ Khai Hy và Vương Siêu Hoa định cư ở Đài  Loan. Vương Đan hai lần bị bắt, lần đầu bị kết án 4 năm tù rồi bị bắt lại năm 1995 và bị kết án 11 năm tù nhưng đến năm 1998 thì ''được'' trục xuất sang Mỹ trước cuộc viếng thăm TQ của TT Clinton.

Trường hợp của Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), người được giải Nobel Hoà Bình năm 2010 và qua đời tháng 7-2017 khá đặc biệt. Trước đó, ông được mời làm giáo sư thỉnh giảng ở đại học Columbia và từ Mỹ trở về nước lúc sinh viên đang làm tưởng niệm Hồ Diệu Bang vào giữa tháng tư. Ông được sinh viên chọn làm trung gian giữa họ và quân đội. Khi tình hình trở nên khẩn trương, ông khuyên sinh viên rời quảng trường để tránh đổ máu. Sau ngày 4-6, ông bị kết án tù một năm rưỡi từ 1989 đến 1990 rồi bị đưa đi ''cải tạo'' từ năm 1996 đến 1999 vì đã đặt vấn đề hệ thống độc đảng. Sau khi ra tù, ông cùng một số bạn bè bí mật thảo một Hiến chương yêu cầu dân chủ hoá chế độ, tôn trọng nhân quyền, thiết lập nhà nước pháp quyền noi gương theo Hiến chương 77 của ông Vaclav Havel Tiệp Khắc. Hiến chương được mệnh danh là Hiến chương 08 với 303 chữ ký của các giới trong xã hội. Một ngày trước bản Hiến chương 08 ra đời, ông bị bắt ngày 8-12-2008 và bi kết án 11 năm tù năm 2009 về tội ''xuí giục lật đổ nhà nước''. Dĩ nhiên là chính quyền không cho phép ông xuất ngoại để nhận giải thưởng Nobel Hoà Bình cũng như đi chữa trị bệnh ung thư gan của ông ở giai đoạn cuối dù được nhiều nước chấp nhận. Điều này cho thấy thai độ thù nghịch của Bắc Kinh đối với những người có tham gia sự kiện TAM.


Lời cuối

Sự kiện TAM là vết nhơ và bi kịch lịch sử của TQ do Đảng cộng sản TQ gây ra. Bắc Kinh sau đó bị cộng đồng thế giới gắt gao lên án. Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu ra quyết định cấm vận bán vũ khí cho một chế độ không ngần ngại hạ sát sinh viên của mình. Ba mươi năm đã trôi qua, chính quyền của Tập Cận Bình còn khắc nghiệt hơn thời kỳ Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Mọi hành động, mọi thảo luận có liên quan đến sự kiện TAM đều bị dập tắt. Chính quyền của ông Tập muốn xoá sạch mọi hình ảnh xấu xa của cuộc thảm sát TAM trong ký ức của người dân.

Để kết luận, xin nhắc lại lời lên án khắt khe của cựu TT Pháp François Mitterand khi ông nói : ''Một chế độ, vì muốn được sống còn, trong bước đường cùng buộc phải xả súng vào giới thanh niên mà họ đào tạo và đứng lên chống lại vì lý tưởng tự̣ do là chế độ không có tương lai:'' [2]


Paris 4-6-2019


Chú thích

[1] Triệu Tử Dương (1919-2005) được Đặng Tiểu Bình đề cử làm thủ tướng rồi TBT đảng. Sau sự kiện TAM, ông bị quản thúc tại gia trong 15 năm cho đến khi qua đời. Trái với các TBT khác khi qua đời, ông không được hưởng lễ tang cấp nhà nước. Tệ hại hơn nữa, ông bị từ chối chôn ở nghĩa trang Bát Bảo Sơn (Ba Bao Shan), nơi dành cho lãnh tụ cao cấp.

[2] Un régime qui, pour survivre, est en réduit à faire tirer sur la jeunesse qu'il a formée et qui se dresse contre lui au nom de la liberté, n'a pas d'avenir. Trích từ quyển sách của tác giả Claude Martin: ''La diplomatie n'est pas un diner de gala''. Editions de L'Aube, 2018, 932 trang, tr. 573.