11 juin 2019

Vì sao người Hong Kong ồ ạt biểu tình? - Không đơn thuần vì dự luật dẫn độ


Nhiều người Hong Kong nói rằng họ tham gia cuộc biểu tình quy mô lớn hôm qua không chỉ là nhằm phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, mà là để bảo vệ quyền tự do, nói lên tiếng nói của mình và điều này như đã ăn vào máu của họ.


Người biểu tình Hong Kong mang thông điệp phản đối dẫn độ sang Trung Quốc ngày 9/6 (Ảnh: Reuters)


Theo Thời báo Hoa nam Buổi sáng, Anna Chan Wah, một thiếu niên, đã xuống đường hòa vào biển người biểu tình bất chấp cái nóng gay gắt, địa điểm chật hẹp và thậm chí là nỗi sợ hãi đấu tranh thất bại.


“Chúng tôi biết cuộc biểu tình đường phố hôm nay sẽ không thay đổi được gì, nhưng chúng tôi ở đây để đấu tranh cho nền dân chủ tại Hong Kong và để chứng tỏ rằng chúng tôi vẫn có tiếng nói”, Chan nói.


Đó là vào năm 2003, khi Chan, khi đó là một học sinh lớp 6, trò chuyện với Thời báo Hoa nam Buổi sáng trong cuộc biểu tình phản đối dự luật an ninh quốc gia, vốn thu hút khoảng nửa triệu người xuống đường.


Và hôm qua, tâm lý tương tự cũng diễn ra ở Hong Kong, khi hàng trăm người đổ ra đường trong một cuộc biểu tình quy mô lớn, được cho là lớn nhất trong vòng 20 năm qua. Lần này, cuộc biểu tình là nhằm phản đối một dự luật dẫn độ, có thể cho phép dẫn độ các nghi phạm tới những nơi có hệ thống luật pháp kém mạnh, trong đó có Trung Quốc đại lục.

Nhiều người biểu tình hôm qua nói rằng họ không kỳ vọng dự luật sẽ bị hủy bỏ. Nhưng họ vẫn không từ bỏ các nỗ lực. Nhiều người muốn chứng tỏ điều đã ăn vào máu của người Hong Kong, khẳng định tự do và xuống đường để gửi đi một thông điệp.


Aniken Pang Hoi-tin, một sinh viên 21 tuổi, có thái độ giống Chan vào năm 2003. “Tôi không quan tâm liệu hành động của mình sẽ ảnh hưởng gì tới quyết định của chính quyền. Tôi chỉ biết rằng tôi phải làm điều gì đó để bảo vệ nơi tôi đang sống”, Pang nói. “Những người nắm quyền lực cần bảo vệ người dân”.


Hong Kong đã được Anh trao trả cho phía Trung Quốc quản lý vào năm 1997 trên mô hình “một quốc gia, hai chế độ”. Đặc khu này được cam kết về quyền tự trị rộng rãi và các quyền tự do khác, trong đó có một hệ thống pháp lý riêng. Hong Kong và Trung Quốc đại lục cũng không có thỏa thuận dẫn độ.


Janus Wong, 40 tuổi, một người làm công tác xã hội, thừa nhận khả năng chính quyền có thể phớt lờ các kêu gọi của những người biểu tình, dù các nhà tổ chức ước tính hơn 1 triệu người đã xuống đường để nói lên tiếng nói hôm qua.


“Nhưng người Hong Kong vẫn phải đứng lên để thể hiện tiếng nói của họ và cho thế giới thấy rằng Hong Kong khác Trung Quốc đại lục”. Janus nói. “Người đại lục có thể không dám đứng lên để thể hiện quan điểm liên quan tới những điều mà chính phủ của họ làm, còn người Hong Kong thì có”.
Người biểu tình đối đầu cảnh sát trong biểu tình ở Hong Kong
 
Cuộc biểu tình hôm qua bắt đầu ôn hòa vào đầu giờ chiều và tiếp tục tới đêm. Đến giữa đêm qua, “biển” người biểu tình đã đi qua trung tâm thành phố và tập trung bên ngoài khu trụ sở chính quyền thành phố ở quận Admiralty. Làn sóng biểu tình đã làm gợi nhớ tới cuộc biểu tình lịch sử vào năm 2003.

Nhưng sau nửa đêm, tình hình đã xấu đi. Các cảnh tượng bạo lực đã bùng phát bên ngoại trụ sở Hội đồng Lập pháp, khi những người biểu tình xô đổ các hàng rào cảnh sát. Cảnh sát đã phải đáp trả bằng dui cui và hơi cay. Các camera đã quay được cảnh các vụ xô xát, ẩu đả dữ dội trong đêm.


15 năm trước, những người biểu tình giận dữ xuống đường vì nhiều lý do, từ dự luật an ninh quốc gia tới dịch Sars bùng phát và nền kinh tế trì trệ. Nhưng những người tham gia cuộc biểu tình hôm qua chỉ có một lo ngại: dự luật dẫn độ có thể dẫn tới những phiên tòa không công bằng và các vụ vi phạm nhân quyền ở đại lục.

Cảnh sát xịt hơi cay vào người biểu tình tại Hong Kong tối ngày 9/6 (Ảnh: Reuters)

Matthew Ng Kwok-bun, 50 tuổi, người từng tham gia cuộc biểu tình vào năm 2003, nói ông hoàn toàn không có chút niềm tin nào vào nhà lãnh đạo đặc khu, người mà ông cho là nên đóng tốt vai trò gác cổng trong việc xử lý các yêu cầu dẫn độ từ đại lục.


“Đó là một thời khắc đáng chú ý với Hong Kong và tôi không có lựa chọn nào khác dù không phải là người hay tham gia các cuộc biểu tình”, ông nói.


Có nhận định cho rằng phản ứng mạnh mẽ từ rất đông các thành phần tham gia cuộc biểu tình hôm qua là chưa từng có, và khác hẳn với làn sóng giận dữ vào năm 2003. Mọi người thể hiện lo ngại của họ bằng việc thành lập các nhóm riêng, thay vì sử dụng các nền tảng thể chế. Hàng trăm người đã ký vào các đơn thỉnh cầu trên mạng hồi tháng trước để phản đối dự luật, bao gồm các học, các cựu sinh viên đại học và các bà nội trợ.


Dự luật dẫn độ mà chính quyền Hong Kong đang thúc đẩy đã làm dấy lên những lo ngại rằng dự luật sẽ cho phép bất kỳ người nào ở Hong Kong cũng dễ dàng bị giới chức Trung Quốc bắt giữ vì lý do chính trị hoặc những sai phạm kinh doanh và làm tổn hại đến hệ thống luật pháp độc lập của Hong Kong.


Mặc dù sự so sánh với cuộc biểu tình năm 2003 là không thể tránh khỏi, nhưng làn sóng xuống đường hôm qua cũng là một cuộc hội ngộ buồn vui lẫn lộn của phe ủng hộ dân chủ, vốn tan vỡ sau khi phong trào “Dù vàng” thất bại vào năm 2014. Cuộc biểu tình kéo dài 79 ngày khi đó là nhằm phản đối kế hoạch của Bắc Kinh nhằm cải cách bầu cử đặc khu trưởng Hong Kong. Nhưng thay vì xuống thang căng thẳng, Bắc Kinh đã có quan điểm cứng rắn với phong trào “Dù vàng” và gia tăng kiểm soát đối với đặc khu hành chính này.


Oscar Fung Chun-yu, một nghệ sĩ 38 tuổi, cho hay một số những người bạn của anh đã từ bỏ sau phong trào “Dù vàng”. “Nhưng những gì xảy ra hôm nay đã cho thấy rằng người Hong Kong không thay đổi. Họ vẫn muốn bảo vệ ngôi nhà của mình và vẫn còn cơ hội để tất cả chúng tôi sát cánh cùng nhau”.


Edmund Cheng Wai, một nhà khoa học chính trị tại Đại Baptist, cho rằng cuộc biểu tình hôm qua là một chương đáng chú ý trong lịch sử Hong Kong. Ông cho rằng người Hong Kong, dù trẻ hay già và ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đã cùng nhau xuống đường để đấu tranh cho chỉ một lý do, trái ngược so với cuộc tuần hành năm 2003.


“Người biểu tình vẫn muốn đưa ra một tuyên bố dù Bắc Kinh đã kêu gọi ủng hộ dự luật. Họ lo ngại sẽ mất quyền lên tiếng sau khi dự luật được thông qua. Họ muốn thực thi và trân trọng quyền đó và đó là điều khiến Hong Kong trở nên khác biệt”, Cheng nói.


Cheng cho rằng một ai đó trong chính quyền trong chính quyền Hong Kong phải chịu trách nhiệm cho sự tranh cãi của dự luật, nói thêm rằng sự tranh cãi đã gây tổn hại cho chính sự lãnh đạo của Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga.


Trở lại năm 2003, nữ sinh Chan có thể đã không hi vọng về khả năng thay đổi dự luật an ninh quốc gia. Tuy nhiên, 4 ngày sau cuộc biểu tình, chính quyền đã nhượng bộ và hủy dự luật.


Vào hôm qua, dù những người biểu tình tỏ ra không lạc quan, nhưng họ nói rằng họ xứng đáng nhận được sự phản hồi thích hợp từ chính quyền.


Một phụ nữ nội trợ họ Wong, 70 tuổi, nói thay nhiều người, rằng chính quyền phải tôn trọng những người biểu tình. Bà thề sẽ tiếp tục biểu tình chừng nào chính quyền vẫn im lặng.

“Đây là một luật hà khắc. Nó sẽ ảnh hưởng tới thế hệ tương lai của chúng ta”, bà nói.


An Bình
https://dantri.com.vn/the-gioi/vi-sao-nguoi-hong-kong-o-at-bieu-tinh-khong-don-thuan-vi-du-luat-dan-do-20190610175308998.htm