11 mai 2020

Những tên hề đóng vai ác

canhco

Trên sân khấu “tòa án” của Việt Nam vừa hạ màn vở tuồng giết người bằng cách giơ tay của 17 “thẩm phán”. Mười bảy chiếc áo thụng đen có tròng vải đỏ ở cổ và tay cho thấy những nhân vật này rất giống nhau, không những qua chiếc áo thẩm phán mà chúng cũng giống nhau ở nhân cách: hèn, ác, bất lương và thích đóng những vai tượng trưng cho công lý. Bọn chúng từng vỗ ngực cho rằng mình đại diện công lý và hôm nay chúng đồng lòng bỏ phiếu cho những ai tin vào nền công lý mù của chúng.

Hơn 12 năm về trước khi Hồ Duy Hải lãnh án tử hình thì dư luận báo chí đã bùng lên những bằng chứng tố cáo Tòa án Nhân dân Tối cao đã tránh không đề cập tới hơn 40 bằng chứng cho thấy Hồ Duy Hải vô tội và chỉ cần một vài trong các bằng chứng ấy đủ để một tòa án buộc phải đình chỉ vụ án chờ bổ xung chứng cứ nhưng nó không cho phép ngừng vì nếu ngừng xử thì sẽ phát sinh những chứng cứ buộc tội cho “kẻ khác”, mà kẻ khác ở đây rất nguy hiểm khi đụng tới.
“Kẻ khác” ấy chứng tỏ còn rất quyền lực cho tới 12 năm sau, khi vụ án Hồ Duy Hải được Giám đốc thẩm, nơi mà nền tư pháp Việt Nam rất tự hào là tuyệt đối quyền lực và dĩ nhiên nó rất trong sạch, không một chút bụi bẩn nào làm ô nhiễm được nó, ít ra là từ ba ngày trước.

Nhưng cái hội đồng Giám đốc thẩm đã lộ bài. Nó cũng trơ tráo, một chiều và bất cần công lý như mọi tòa án khác trên khắp đất nước buồn thảm này. Nó mở ra ba ngày để 17 tên hề mặc áo thụng đen diễn tuồng, có điều lạ cả 17 tên hề cả nam lẫn nữ ấy đều cùng đóng vai ác, không kẻ nào dám len lỏi ra khỏi cái đám đông hèn hạ ấy để tìm cho mình một không gian lành mạnh khác để nói không với bản án.
Nguyễn Hoà Bình

Một cái đưa tay là một lưỡi dao chém vào chiếc tượng gỗ công lý. Tượng tuy không biết đau nhưng nhân dân chứng kiến những vết chém ấy lại cảm thấy như mình bị chém. Có bốn người bị chém thê thảm nhất là Hồ Duy Hải, mẹ, dì và người chị bất hạnh của anh, tất cả bị chém ngang lưng, cách hành xử mọi rợ của thời phong kiến.
Dư luận xã hội đồng lòng lên án Nguyễn Hòa Bình vì chính tên này là nguồn cơn cho vở bi hài kịch ngày hôm nay. Trước đó trong vai trò là viện trưởng VKS Tối cao Nguyễn Hoà Bình đã khước từ giám đốc thẩm bản án từ hình do Chánh án tối cao Trương Hòa Bình quyết định.
Ngồi trên vị trí cao nhất của Hội đồng Giám đốc thẩm hôn nay Nguyễn Hòa Bình chắc chẳng cần trừng mắt nhìn 16 tên khác đang lẳng lặng ngồi nghiêm trang chờ lúc giơ tay vì trước đó bọn chúng đã họp với nhau nghe chỉ thị phải làm gì. Cái mà cả 17 khuôn mặt phường hề thiếu nhất là một giây cảm xúc. Dù chỉ một giây thôi để nhân dân còn biết chúng là người.
Dư luận xã hội đã bị lừa một lần nữa như từng bị lừa trước đây qua các vụ án mà tâm điểm do Đảng ra lệnh. Lần này trước khi đại hội 13 mở màn Đảng không muốn nhìn thấy một Trương Hòa Bình, hiện đang là ủy viên bộ chính trị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ và được cho là sẽ trở thành một trong tứ trụ trong đại hội sắp tới thì bản án Hồ Duy Hải không thể nào bôi bẩn y qua Giám đốc thẩm, vì nếu làm như vậy chẳng phải kéo gã chánh án từng quyết định tử hình Hồ Duy Hải ra làm bia cho dân chúng mạt sát hay sao?
Còn Nguyễn Hòa Bình là người đã khước từ Giám đốc thẩm trước đó nay vì cớ gì lại được Nguyễn Phú Trọng “cho phép” ngồi ghế chủ tọa Giám đốc thẩm một lần nữa? Không lẽ y có đủ liêm sỉ để bác bỏ những gì mà trước đó y từ chối? Nếu làm như vậy thì những kẻ vô lại khác trong Đảng phải xử lý sao đây?
17 gã hề kia sau khi vào hậu trường sân khấu cởi chiếc áo thụng hề ra sẽ lộ nguyên hình là những ông bà khát máu. Bọn chúng không lo sợ cũng không hối hận vì những cái giơ tay giết người. Với những cái đầu trống rỗng như họ thì câu hỏi duy nhất nếu có sẽ tập trung vào nội dung: Tại sao nhà nước lại tốn công viết kịch bản dài dòng như vậy? Chẳng phải dân tình đều đã tin vào nền công lý của “chúng ta” hay sao?
Ông Nguyễn Phú Trọng trong vai trò là Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư đã nghĩ ra kế sách này nhằm tô hồng chiếc ghế mà ông ta đang ngồi. Chủ tịch nước bảo mở lại Giám đốc thẩm nhưng Tổng bí thư lại nhắc nhở không được làm xấu mặt Đảng.
Rồi đây Chủ tịch nước sẽ được tiếng thơm khi ký lệnh ân xá án tử hình cho Hồ Duy Hải và Tổng bí thư lại có dịp khen nền công lý Việt Nam chưa bao giờ tốt đẹp như thế này.