11 mai 2020

VÌ SAO TẠI VIỆT NAM NGÀY CÀNG CÓ NHIỀU ÁN OAN?


Thảo Ngọc



Có thể nói Việt Nam gần đây sau khi được cho là “cường quốc dân oan” bởi các vụ cướp đất của các quan tham, biến hàng ngàn người dân trắng tay và đi khiếu kiện hàng chục năm trời tại Hà Nội và nhiều thành phố khác, thì  với những vụ án oan sai như  Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Hàn Đức Long và Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Lê Bá Mai (Bình Phước),  Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng), Nguyễn Minh Hùng(Tây Ninh)..v.v, và mới đây là vụ án Hồ Duy Hải (Long An), đã biến Việt Nam trở thành “cường quốc oán  oan”.


Vì sao vậy? 

Phía các ngành chức năng thì cho rằng do trình độ ngành tố tụng hạn chế trong việc đánh giá và thu thập chứng cứ, do áp lực công việc và án nhiều, do ý thức trách nhiệm của một số cán bộ chưa cao.v.v..

Nhưng dư luận cho rằng bản chất vụ việc dẫn đến tình trạng nhiều án oan này phức tạp hơn nhiều. Xin đơn cử một số nguyên nhân như sau:



1: Công an lạm quyền. Tại Việt Nam, ngành công an được cho là quyền lực vô biên và được hưởng rất nhiều đặc ân của chế độ, là lực lường  kiêu binh, nên dễ lạm quyền, chạy đua thành tích, lập công phá án nhanh để được khen thưởng, lên sao lên vạch. Ngoài ra một số cán bộ sau khi làm oan sai lại được bao che và bị xử lý quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Vì vậy dẫn đến nhiều sai phạm ngay trong bước đầu điều tra vụ án.



2. Áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội. Đây là  nguyên tắc cơ bản trong công tác điều tra. Nội dung  của nguyên tắc cho rằng mọi nghi can đều vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội.

 Theo đó: Khi chứng cứ buộc tội không đầy đủ, không vững chắc hoặc ở mức độ 50/50 thì cơ quan điều tra phải suy đoán theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo. Việc tìm bằng chứng đủ khả năng thuyết phục thuộc về bên công tố. Nhưng tại Việt Nam thì ngược lại. Trong đầu của các điều tra viên, hễ ai bị bắt là có tội, từ đó dẫn đến oan sai.


3.Trọng chứng hơn trọng cung. Có ý rằng trong việc xét xử tội phạm cần coi trọng chứng cứ hơn lời cung khai.

Điều  này rất quan trọng ở giai đoạn hiện nay khi mà vấn đề án oan sai đang là vấn đề nổi cộm và cần tìm ra nguyên nhân giải pháp khắc phục.

Thế nhưng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện tại thì người ta đã đánh đồng trộn lẫn chứng cứ và lời khai, khi quy định lời khai cũng chính là chứng. Từ đó dễ dẫn đến oan sai(1).

Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng: “Vật chứng trong vụ Hồ Duy Hải là cái thớt thì lại được đi mua cái khác giống như vậy. Nếu không đủ chứng cứ thì phải thả ra, tiếp tục theo dõi, thu thập chứng cứ chứ không thể xử ép”.

Chứng quan trọng nhất của vụ án là công cụ giết người bị tiêu huỷ rồi, thay vào đó dao thớt mua mới ở chợ lại được 17/17 vị quan toà cho là không ảnh hưởng bản chất của vụ án thì quả xứng đáng là “vinh quang muôn năm” và là “đỉnh cao trí tuệ”. Đúng là phiên tòa đáng khinh bỉ.



4. Vai trò luật sư. Vai trò của luật sư trong giai đoạn điều tra, truy tố giữ vai trò bảo vệ quyền lợi cho người bị tạm giữ không bị xâm phảm bởi các hoạt động sai trái, tiêu cực của cơ quan điều tra, như tham gia hỏi cung bị can cùng cơ quan điều tra để tranh việc ép cung, mớm cung gây bất lợi cho bị can, bị cáo.

Tại Việt Nam, mãi đến năm 2017, LS mới được tham gia bào chữa cho nghi phạm.

Thế nhưng vai trò và tiếng nói LS không được tôn trọng. Như vụ LS Trần Hồng Phong trong vụ Hồ Duy Hải bị đuổi về sau khi tham dự buổi đầu tiên, mặc dù giấy mời ông tham dự phiên tòa 3 ngày là ví dụ điển hình.


5. Quyền im lặng. Tại các nước dân chủ văn minh, LS luôn nói với nghi can rằng: "Anh có quyền im lặng, những gì anh nói sẽ là bằng chứng chống lại anh trước Toà". Tại Việt Nam chưa có quy định trực tiếp, cụ thể về “quyền im lặng”. Chỉ có một số quy định gián tiếp trong một số điều ở Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 được hiểu chung là quyền im lặng. Và mới chỉ có 2 trường hợp giữ quyền im lặng, là  hoa hậu Trương Hồ Phương Nga và bác sĩ Hoàng Công Lương sử dụng mà thôi.


6. Tính độc lập. Một nguyên tắc cơ bản của Tòa án là luôn giữ tính độc lập. Khi Tòa án ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN thì không có thế lực nào có thể chi phối được Tòa án.

Nhưng thực tế tại Việt Nam: Trước khi xử một vụ án chính trị hoặc vụ án dư luận quan tâm thì Cơ quan nội chính của Đảng triệu tập 3 cơ quan liên quan là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án họp đề ra một ý kiến thống nhất về cách xử lý vụ án.

Khi đưa ra xử, Hội đồng xét xử chỉ tuyên án y như nội dung cuộc họp nói trên(gọi là án bỏ túi).

Dư luận cho rằng vụ án Hồ Duy Hải là ví dụ điển hình về việc Tòa án không có tính độc lập, khi mà người ngồi ghế chánh án là ông Nguyễn Hòa Bình, trước đây từng là Viện trưởng VKSNDTC, trước đó nữa là Thiếu tướng, Phó Tổng  cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công An, nghĩa là “3 trong 1”. Vậy làm sao mà độc lập được?



7. Những nguyên nhân khác. Không loại trừ những tiêu cực trong các phiên tòa. “Trả lời nghi vấn của đại biểu Quốc hội về tiêu cực chạy án, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình thừa nhận, không loại trừ có tiêu cực trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Trong ngành tòa án hiện nay cũng có vụ thẩm phán nhận hối lộ, sửa án, hủy án, chất lượng xét xử chưa cao, gây mất lòng tin trong nhân dân”(2).

Hãy nghe người tù oan Nguyễn Thanh Chấn kể lại việc gọi là “Thực nghiệm hiện trường” thì sẽ biết phiên tòa đã được đạo diễn và dàn dựng như thế nào để cho phù hợp với việc bị cáo đã nhận tội giết người của ông ấy:

"Gần 2 tuần tôi tập tành giết người. Hàng ngày họ đưa tới 1 phòng, trong phòng có 1 hình nộm, 1 con dao giả, cứ tập 8h bắt đầu, 11h30 nghỉ, chiều 14h tới 16h30. Mấy ngày đầu còn người đứng trông, sau đó tự tập, tập đến khi thành thục, thì thực hiện, tức biểu diễn, rồi họ chụp ảnh...

Lúc đó thì việc giết người quá thành thục, quá chuẩn xác, đúng là 1 kẻ giết người, rồi tòa xử, tuyên - Nhân danh Nước CHXHCNVN.... tử hình. Vì có suất bố là liệt sỹ, nên hạ xuống là chung thân. 10 năm sau, phát hiện ra kẻ giết người của vụ án... Nhận bồi thường 7 tỷ..."(3).



Tóm lại: Bao giờ có Tam quyền phân lập tại Việt Nam thì mới có thể hy vọng vào những phiên tòa gọi là Độc lập, Trung thực, Khách quan.

Một khi những kẻ “vừa đá bóng vưa thổi còi” ngồi ghế chánh án  thì đừng hy vọng vào một phiên tòa xét xử đúng người đúng tội. Và do đó đừng hy vọng rằng các vụ án oan sẽ được chấm dứt.



Chú thích: