09 octobre 2020

Dự báo Đại hội XIII: Vượng nắm Tổng bí thư; Trọng tiếp tục Chủ tịch nước

Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ

 08/10/2020


Đã có những tiếng nói muốn Nguyễn Phú Trọng tiếp tục đứng đầu Đảng sau khi triệt được Nguyễn Tấn Dũng ở đại hội 12?

Ngày 5/10 vừa qua, Hội nghị 13 của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) khóa XII đã khai mạc và dự kiến kết thúc sau năm ngày. Điểm nổi bật của hội nghị là bàn thảo về danh sách nhân sự ứng cử Trung ương Đảng khóa 13 (2021-2026) dự kiến là 200 ủy viên gồm 180 chính thức và 20 dự khuyết (giống khóa XII). Tuy nhiên đây sẽ mới chỉ là tạm kết cuộc khởi tranh giành ghế trong cơ quan chính trị đầu lĩnh này của Việt Nam được chính thức bắt đầu tại Hội nghị Trung ương 9 họp cuối tháng 12 năm ngoái. Theo Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, số ứng cử viên sẽ là 227, được Bộ chính trị Đảng này “chốt hạ” sau 4 lần “nâng lên đặt xuống”.


Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất nằm ở chỗ những ai sẽ được quy hoạch cho “Tứ trụ” gồm Tổng bí thư Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội. Dĩ nhiên, gay cấn, quyết liệt nhất là chức vụ Tổng bí thư Đảng.

Đã có những tiếng nói muốn Nguyễn Phú Trọng tiếp tục đứng đầu Đảng, dựa trên quyết tâm “đốt lò” chống tham nhũng hay đúng ra, “quyền lực không bị thách thức” của ông kể từ sau khi đánh bại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc đua vào chức Tổng bí thư Đảng tại Đại hội XII đồng thời loại nhân vật này bị cáo buộc gây thất thoát nghiêm trọng tài sản Nhà nước tại các tập đoàn kinh tế do ông ta lập ra và chỉ đạo (Vinashin, Vinalines, AVG…) ra khỏi chính trường. Mặc dầu vậy, tôi không cho rằng khả năng này sẽ xảy ra do có trở ngại cả về nguyên tắc lẫn thực tiễn.

Trước hết, Điều 17 Điều lệ Đảng hiện hành (Đại hội XI thông qua ngày 19/01/ 2011) quy định: “Đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”. Điều 48 quy định: “Chỉ Đại hội đại biểu toàn quốc mới có quyền sửa đổi Điều lệ Đảng”. Như vậy, nếu Đại hội XIII quyết định Tổng bí thư Đảng có thể giữ chức quá hai nhiệm kỳ thì quyết định này cũng sẽ chỉ có hiệu lực kể từ Đại hội sau.

Tiếp theo, bản thân Nguyễn Phú Trọng đã có một quá trình lựa chọn và bồi dưỡng người kế vị mình.

Người đầu tiên là Đinh Thế Huynh, sinh năm 1953 tại Nam Định, với việc ông này được Bộ Chính trị phân công giữ chức Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng vào tháng 2/2016 ngay sau Đại hội XII. Người tiếp theo là Trần Quốc Vượng, cùng tuổi với ông Huynh, sinh tại Nam Định, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao,.

Lý do ông Huynh bị thay thế là vì ông này bị trọng bệnh. Tuy nhiên theo tôi, không bị trọng bệnh thì ông Huynh cũng khó đảm đương cương vị đứng đầu Đảng.

Sở dĩ ông Huynh là người đầu tiên được “chấm” là vì ông này “có lý luận”, rất hợp tạng “kiên định chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” của Tổng bí thư Trọng. Thực vậy, ông Huynh đã là Tổng biên tập báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương kiêm Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, một chức vụ mà bản thân ông Trọng từng đảm nhiệm. Thế nhưng trớ trêu thay, tham nhũng, mà ông Trọng xác định là kẻ thù của chế độ, lại được thực hiện bởi những kẻ có chức, có quyền trong bộ máy Đảng và Nhà nước, tức những kẻ luôn ra rả “kiên định chủ nghĩa xã hội”. Do đó, để chống tham nhũng thành công thì bên cạnh liêm khiết, năng lực và kinh nghiệm đóng vai trò quyết định. Điều này giải thích vì sao Trần Quốc Vượng, một người được dư luận đánh giá là “sạch sẽ” và hơn thế nữa, đã và đang nắm những cương vị “nội chính” (1) chủ chốt cả trong Nhà nước lẫn trong Đảng, không chỉ trở thành người kế vị tất yếu mà còn là lựa chọn tối ưu của Tổng bí thư Trọng. Kết quả là đầu tháng 8/2017, ông Vượng đã được Bộ Chính trị dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Trọng phân công tạm thời làm Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng để đến đầu tháng 3 năm sau thì chính thức thay thế ông Huynh ở cương vị quan trọng thứ nhì trong Đảng.

Cho dù cùng ý kiến là Nguyễn Phú Trọng sẽ thôi Tổng bí thư Đảng sau Đại hội XIII, một số nhà quan sát nước ngoài cho rằng cương vị này rất có thể được tiếp quản bởi một “người miền Nam”. Đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sinh năm 1954 tại Quảng Nam, theo David Hutt (2), Lê Hồng Hiệp (3), Nguyễn Hồng Hải (4), Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sinh năm 1954 tại Bến Tre theo David Hutt, Nguyễn Hồng Hải (đã dẫn). Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, sinh năm 1953 tại Trà Vinh, theo Carl Thayer (5)…

Theo tôi, những dự đoán trên, nhất là liên quan đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một người được Mỹ và các nước phương Tây khác khá ưa chuộng vì được cho là “ít giáo điều”, chắc chắn là trật bởi đi ngược với lịch sử bầu lãnh đạo tối cao của ĐCSVN.

Thực vậy, nếu xác định “người miền Nam” là người sinh ở Nam Kỳ (Bà Rịa – Vũng Tàu đến Cà Mau), đối lại với Trung kỳ (từ Quảng Bình đến Bình Thuận) và Bắc kỳ (từ biên giới với Trung Quốc đến Hà Tĩnh) thời thuộc Pháp thì trong 12 người đã và đang đứng đầu ĐCSVN (còn biết dưới các tên Đảng cộng sảng Đông Dương và Đảng lao động Việt Nam) không có “người miền Nam” nào. Còn nếu xác định miền Bắc và miền Nam theo vĩ tuyến 17 mà Hiệp định Genève 1954 về đình chỉ chiến sự tại Việt Nam lấy làm ranh giới thì có một “người nửa Bắc nửa Nam” là Lê Duẩn. Nói như vậy là vì Lê Duẩn sinh ra tại huyện Triệu Phong, Quảng Trị, một tỉnh nằm cả phía Bắc lẫn phía Nam vĩ tuyến 17. Hơn thế nữa, nguyên quán của ông là huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Cụ thể, thân thế các lãnh đạo ĐCSVN như sau.

Hồ Chí Minh (tên thật là Nguyễn Sinh Cung), sinh tại Nghệ An, sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam. Chủ tịch Đảng lao động Việt Nam từ 19 tháng 2 năm 1951 – 2 tháng 9 năm 1969, Tổng bí thư Đảng lao động Việt Nam từ tháng 10/1956 đến tháng 9/1960.

Trịnh Đình Cửu, sinh tại Hà Đông, Phụ trách Ban Chấp hành Trung ương Lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam từ 3/2/1930 đến 27/10/1930.

Trần Phú, sinh tại Hà Tĩnh, Tổng Bí thư của Đảng cộng sản Đông Dương từ 27/10/1930 đến 19/4/1931.

Lê Hồng Phong, sinh tại Nghệ An, Tổng Bí thư của Đảng cộng sản Đông Dương từ tháng 3/1935 đến tháng 7/1936.

Hà Huy Tập, sinh tại Hà Tĩnh, Tổng Bí thư của Đảng cộng sản Đông Dương từ tháng 07/1936 đến tháng 3/1938.

Nguyễn Văn Cừ, sinh tại Bắc Ninh, Tổng Bí thư của Đảng cộng sản Đông Dương từ tháng 3/1938 đến tháng 5/1941.

Trường Chinh (tên thật là Đặng Xuân Khu) sinh tại Nam Định, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Đông Dương và Đảng Lao động Việt Nam từ tháng 5-1941 đến tháng 10/1956 và từ tháng 12/1986 đến tháng 9/1988.

Lê Duẩn (tên thật là Lê Văn Nhuận) sinh tại Quảng Trị, nguyên quán Hà Tĩnh, Bí thư thứ nhất Đảng lao động Việt Nam và Tổng bí thư ĐCSVN từ tháng 9/1960 đến tháng 7/1986.

Nguyễn Văn Linh (tên thật là Nguyễn Văn Cúc) sinh tại tỉnh Hưng Yên, Tổng bí thư ĐCSVN từ tháng 12/1986 đến tháng 6/1991.

Đỗ Mười (tên thật là Nguyễn Duy Cống) sinh tại Hà Nội, Tổng bí thư Tổng bí thư ĐCSVN từ tháng 6/1991 đến tháng 12/1997.

Lê Khả Phiêu, sinh tại Thanh Hóa, Tổng bí thư ĐCSVN từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001.

Nông Đức Mạnh, sinh tại Bắc Kạn, Tổng bí thư ĐCSVN từ tháng 4/2001 đến tháng 1/2011.

Nguyễn Phú Trọng sinh tại Hà Nội, Tổng bí thư ĐCSVN từ tháng 1/2011 – nay.

Tóm lại, chắc chắn Tổng bí thư ĐCSVN khóa XIII sẽ gọi tên Trần Quốc Vượng. Cũng chắc chắn rằng tân Tổng bí thư sẽ không làm Chủ tịch nước theo công thức “hai trong một” của người tiền nhiệm vì chức vụ này vẫn sẽ do ông Trọng nắm. Có ba lý do sau đây.

Thứ nhất, nếu Nguyễn Phú Trọng không thể làm Tổng bí thư Đảng nhiệm kỳ thứ ba vì lý do đã rõ thì điều này không mặc nhiên có nghĩa vị Giáo sư chuyên ngành Lịch sử và Xây dựng Đảng cộng sản Việt Nam này sẽ rũ nốt chức vụ Chủ tịch nước. Ngược lại là đằng khác.

Trao đổi với cử tri Hà Nội trước khi được Quốc Hội bầu vào chức vụ Chủ tịch nước vào ngày 23/10/2018, đúng với gợi ý mà tôi đưa ra hơn hai năm trước đó (6), Tổng bí thư Trọng nói rõ: “Chúng ta không nên nói Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước vì đây là 2 cơ chế, 2 cơ quan khác nhau. Nếu nói “kiêm” thì không chuẩn vì vai nào chính, vai nào phụ? Đồng thời, cũng không nên nói đây là nhất thể hoá” (7). Phát biểu này của ông Trọng hẳn mở đường cho việc ông tiếp tục làm Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ tới, chức vụ mà ông nắm chưa được nửa nhiệm kỳ sau khi người tiền nhiệm Trần Đại Quang đột ngột qua đời.

Thứ hai, nói gì thì nói Nguyễn Phú Trọng chưa thể yên tâm Trần Quốc Vượng có thể triển khai một cách hoàn bị chiêu thức “đánh rắn phải đánh dập đầu” để bảo đảm công cuộc chống tham nhũng thắng lợi mà không có ông ở bên, cụ thể là trong cùng Bộ chính trị. Trong một kịch bản như vậy thì việc ông Trọng tiếp tục làm Chủ Tịch nước là điều không phải bàn cãi.

Thứ ba, bản thân Trần Quốc Vượng cũng thấy việc Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nắm Chủ tịch nước là có lợi nhất cho việc củng cố quyền lực của ông trong cương vị mới, ít nhất trong giai đoạn trước mắt. Đó là chưa nói khả năng ông sẽ được ông Trọng chuyển giao nốt chức vụ nguyên thủ quốc gia, nhất là trong bối cảnh ông Trọng không thể tiếp tục vì lý do sức khỏe.

Ngược lại, có một điều không chắc chắn rằng Nguyễn Xuân Phúc, một đồng minh thân cận của Nguyễn Phú Trọng trong cuộc lật đổ Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội Đảng lần trước, sẽ không đòi hỏi đền bù quyền lực tương xứng cho việc nhường chức Thủ tướng cho Bí thư thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, sinh năm 1957 tại Nghệ An, một nhà kỹ trị được khẳng định (8), và nhất là, cũng như Trần Quốc Vương, được đích thân Nguyễn Phú Trọng bảo trợ (9).

Để nói, “trường hợp đặc biệt”, tức quá 65 tuổi, mà Bộ chính trị sẽ đưa ra để Hội nghị trung ương 13 và tiếp đó Đại hội XIII xem xét và thông qua cho chức vụ chủ chốt của ĐCSVN và Nhà nước Việt Nam không thể chỉ là một, cụ thể là Nguyễn Phú Trọng, như đã diễn ra tại hai Đại hội trước đó.

Chú thích:

  1. “Nội chính” là “lập và giải quyết án”, tức mang bản chất tư pháp, không phải “chính sách nội bộ” hay nội vụ, mang bản chất hành chính)
  2. Đại hội Đảng 13 và ‘Cuộc đua Tam Mã’ vào ghế tổng bí thư – BBC Tiếng Việt, 15/9/2020.
  3. Dự báo thay đổi nhân sự cấp cao tại Đại hội 13 – Nghiên cứu Quốc tế, 08/05/2020.
  4. Ai sẽ vào 'tứ trụ' ở Đại hội XIII và bước tiếp của 'Đốt lò' – BBC Tiếng Việt 22/1/2020.
  5. Carl Thayer: VN có truyền thống bí mật tin lãnh đạo – BBC Tiếng Việt, 22/4/2019.
  6. Cù Huy Hà Vũ: Nguyễn Phú Trọng phải làm Chủ tịch nước..., Nhật báo văn hóa California, 23/6/2016.
  7. Tổng Bí thư ứng cử Chủ tịch nước không phải "kiêm" hay "nhất thể hóa", An ninh Thủ đô, 08/10/2018.
  8. Vương Đình Huệ đã trải qua các chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội, Phó rồi Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài Chính, Trưởng Ban kinh tế trung ương, Phó Thủ tướng phụ trách kế hoạch, tài chính, giá cả, tiền tệ ngân hàn, thị trường chứng khoán, các nguồn đầu tư tài chính; dự báo và chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.
  9. Tháng 5/2013, tại Hội nghị Trung ương 7 Khóa XI, đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giới thiệu Vương Đình Huệ, Trưởng Ban kinh tế Trung ương cùng Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Ban Nội chính Trung ương, ứng cử vào Bộ Chính trị. Tuy nhiên dưới ảnh hưởng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Hội nghị đã bầu hai ứng viên khác là Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Thị Kim Ngân.

Tác giả là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam.