26 octobre 2020

LÒNG TỐT VÀ NHỮNG QUY ĐỊNH

Phạm Quang Long

 Lũ và Hoa

Ai cũng biết một xã hội văn minh phải được điều hành bởi nhà nước pháp quyền. Không ai có quyền đứng cao hơn luật pháp và cơ quan hành pháp cũng như mọi người dân chỉ phục tùng những điều luật đã được thông qua.

Nhưng những gì ngoài pháp luật thì ứng xử thế nào bởi ở đất nước văn minh nhất thì luật pháp cũng không “ ôm” được mọi quan hệ và hành vi của con người. Vậy mỗi thành viên có quyền được làm những gì luật pháp không cấm và điều này luật pháp bảo vệ họ.


Ở ta đang ồn ào chuyện cô ca sĩ huy động được hơn trăm tỉ để ủng hộ bà con bị thiệt hại do mưa lũ. Nhiều tổ chức, đoàn thể, cá nhân cũng quyên góp nhưng được ít hơn. Nhân dân, tuỳ sức, tuỳ khả năng đã và đang góp tay giảm bớt khó khăn cho đồng bào gặp nạn. Nghĩa cử ấy thật đáng quý.

Không nói đến đám ăn chặn tiền cứu trợ quyên góp được vì đám rác rưởi ấy không cần bàn đến mà cần cho “ trôi theo dòng nước lũ” như có người nói để xã hội bớt đi những cặn bã. Nhưng cũng có người có chức quyền và người thường “băn khoăn” cô ca sĩ làm thế có “trái quy định” không? Có thế này, thế nọ không và yêu cầu có cơ quan nào đó nên quản lý số tiền này để sử dụng cứu hộ “đúng quy định” và mong cô ca sĩ tự nguyện làm như họ đề nghị...

Nghe chuyện này, Hóng tôi xin có mấy ngu ý sau:

1. Trong hoàn cảnh này nhà nước nên động viên và ủng hộ mọi sáng kiến, thiện chí góp sức vì đồng bào bị lũ lụt lấy đi cả sinh mạng, phá hoại hết cả tài sản gom góp được. Ngày hôm nay cũng cần và cả sau khi lũ lụt rút hết cũng cần để vực dậy cuộc sống đã bị tàn phá nặng nề.

2. Điểm quan trọng nhất của hành vi cứu trợ ( dù nhiều, ít, dù bằng các cách khác nhau) đều từ lòng tốt, mong muốn chia sẻ bớt những khó khăn của người khác... nên đừng nghĩ đến bất kỳ quy định nào ngăn trở điều đó mà chỉ nên nghĩ đến việc làm sao cho tốt hơn và hiệu quả hơn.

3. Có chuyện cơ quan này nọ cũng huy động cứu trợ nhưng người hảo tâm không muốn gửi sự giúp đỡ của mình vào đó vì người ta không tin vào những đại diện bày. Vì quan liêu, chậm chạp, bớt xén, tiêu cực. Những chuyện “dê đi nhầm vào nhà cán bộ”, gạo, tiền cứu tế không đến đúng đối tượng, người đáng được nhận thì không nằm trong danh sách, người không đáng được hưởng lại được nhận... đều do cán bộ thay mặt chính quyền làm, người nhận cứu trợ từ các tổ chức, cá nhân thiện nguyện xong lại bị cán bộ thu lại để chia theo cách khác v. v... Những việc này truyền thông chính thống đưa tin vì sự việc diễn ra giữa thanh thiên, bạch nhật thế khiến người ta nhìn thấy và mất lòng tin. Vậy những người tử tế, làm thật đành chịu thiệt thòi do đồng sự của họ đã làm điều xấu khiến xã hội nghĩ vậy. Biết làm sao?

4. Cô ca sĩ đã kêu gọi được số tiền lớn như thế là vô cùng đáng quý. Đáng quý hơn nữa là cô (đã và đang làm)thay mặt những nhà hảo tâm đem cứu trợ nhanh chóng đến những nơi cần đến. Việc tưởng dễ nhưng rất khó vì lúc này rất cần tỉnh táo và chuẩn mực. Người khác vì tin vào cô nên nhờ cô giúp họ. Tấm lòng của cô, người ta đã cảm nhận được. Chỉ mong cô càng được tin yêu hơn vì đã xứng đáng với sự tin cậy của mọi người. Mong mọi sự bình an đến với cô.

5. Có bác đem văn bản này nọ ra so rồi bảo cô ca sĩ sai. Vâng, nó không khớp với văn bản cụ thể ấy thực nhưng nó không trái luật. Vậy thì mấy nhà chuyên lo làm văn bản nên rà soát lại rồi loại bỏ cái lỗi thời, nhanh chóng cập nhật, làm thêm những điều mới cho phù hợp với cuộc sống đang vận động đi. Đừng giáo điều và vô cảm nữa. Cụ Hồ nói giản dị lắm “ cái gì có lợi cho dân thì cố làm. Cái gì hại cho dân thì cố tránh”. Cô ca sĩ đang làm lợi cho dân đấy. Còn những ai viện điều này, nọ ra bảo cô ấy sai thì chính họ đang sai từ gốc.

 Thứ sáu ngày 23 tháng 10 năm 2020 9:26 AM