29 octobre 2020

Những Lá Cờ Trắng ở San Jose

Giao Chỉ San Jose


Sống hay là chết với Covid 19:

Khi tôi viết bài phiếm luận này thì chỉ còn 10 ngày nữa là đến ngày bầu cử chính thức của nước Mỹ. Tác giả không viết vì hận thù giữa hai đảng chính trị. Cũng không viết vờ vịt vì lòng yêu nước Mỹ nồng nàn. Tại sao tôi viết trước kết quả bầu cử mà không chờ vài tuần nữa cho tinh thần ổn định và trắng đen rõ ràng. Nhân danh không đảng phái vợ chồng tôi đã bỏ phiếu bằng thư cho Dân Chủ nhưng xin công khai ghi nhận rằng nếu quả thực đại đa số dân Mỹ  muốn tổng thống Trump lãnh đạo thêm 4 năm, chúng tôi cũng không oán hận và chắn chắn không dọn đi nơi khác. Tôi viết bài này vì Covid 19.


Trong kỳ tranh luận cuối cùng,  tổng thống đương nhiệm nói rằng dân Mỹ sẽ phải sống với Convid 19. Ông phó Biden già nua lẩm cẩm nhưng đã kịp thời đáp lời hết sức thương cảm. Ông nói rằng, không phải, nước Mỹ đang phải chết với Convid. Đệ nhất phu nhân Malania quanh năm kiệm lời đã tuyên bố hết sức thành thực sau khi cả hai mẹ con bị dương tính và bình phục. Bà nói rằng lần đầu tiên thông cảm với hơn 200 ngàn nạn nhân đã chết. Các khoa học gia cho biết Covid 19 đã lập danh sách giới cao niên. Trên 65 tuổi nguy hiểm gấp100 lần. Bị Covid hỏi thăm, năm mươi phần trăm mất hy vọng lãnh tiền già. Trên 75 gấp 200 lần và trên 85 tuổi là chịu 300% hiểm nghèo vì Covid 19.
 
Thế hệ trên 85 chúng tôi chào đời ngay sau năm 1918 là kỳ đại dịch thế giới cách đây 102 năm. Trận dịch mệnh danh Tây ban Nha thời đó giết chết nhiều người hơn thế chiến và làm điêu đứng cả Hoa Kỳ. Cũng chỉ có chừng đó vấn nạn. Khẩu trang, cách ly, đóng cửa thương xá và trường học. Nhưng năm 1918 lòng người không phân tán như nước Mỹ hiện nay. Bây giờ 102 năm sau, một nước Mỹ đau thương vì lòng người chia rẽ trước trận chung kết chính trị. Cả nước trở nên hết sức xấu xa sai lầm chỉ vì tranh nhau ngôi lãnh tụ độc tôn đang phá nát hồn dân chủ. Đúng 10 ngày trước cuộc bầu cử, tin thời sự ghi nhận con số người nhiễm bệnh tại Mỹ là tám triệu và 500 ngàn (8,568,625). Riêng trong ngày hôm nay 24 tháng 10-2020 con số nhiễm bệnh kỷ lục mới là 80 ngàn. Số người Mỹ đã chết vì Covid 19 là 224,751. Con số dẫn đầu thế giới một cách không vẻ vang.
  
Thiên hạ loan truyền rằng thực sự chỉ chết có 9 ngàn người. Ở tuổi 87 tôi cũng rất yêu con số 9 ngàn tử vong như tổng thống Trump và sẽ vui lòng sống với Covid 19. Nhưng sự thực tôi không còn ngu si dại dột mà tin như thế. 224,751 là con số chết thực đấy các cụ ạ. Đó là lý do đối với chúng tôi niềm ám ảnh Convid 19 quan trọng hơn cuộc bầu cử tháng 11-2020 . Giới cao niên tưởng rằng đang sống trong thời bộ lạc bán khai. Bọn trẻ bắt ông bà già trèo lên cây rồi rung cây cho rơi xuống. Tuổi già như trái thối, rớt xuống là đem chôn. Hoàng hôn buông xuống, anh chị già nào còn sức ôm cây mà leo xuống thì cho sống tiếp. Ngày nay nhân loại bước vào thế kỷ 21 nhưng vẫn có cả trăm ngàn dân Mỹ chết vì bệnh dịch như trái cây rụng.
 
Một phần tư của triệu dân Mỹ chết vì Covid 19 nhưng không hề thấy hình ảnh một tang lễ. Hỏi ai là người trách nhiệm, vị tổng thống vĩ đại lắc đầu chỉ sang bên Tàu. Trách cứ mãi ông lãnh tụ hành pháp cũng chán. Tôi muốn phàn nàn về tổ chức tam quyền phân lập huyền thoại của nước Mỹ. Ngay khi dịch Covid 19 ở Vũ Hán bùng nổ, báo chí đã loan truyền tin tức nhưng ông tổng thống ấm ớ đã không hành động kịp thời. Tại sao cả nước văn minh nhất thế giới lại án binh bất động. Thượng và hạ viện già nua thẩy đều câm như thóc chỉ giả vờ ngồi nghiên cứu làm luật. Tối cao pháp viện với những bộ óc thần thánh có tư tưởng và thân thể được bảo vệ suốt đời chỉ ngồi chờ xử những vụ án không bao giờ chung kết. Ngũ giác đài với các tham mưu trưởng liên quân vẫn ngồi chờ cuộc đại chiến chưa xảy ra. Toàn bộ hệ thống tình báo quốc gia của hải lục không quân cho đến CIA và FBI đều ngậm miệng như loài ốc hến mùa Đông. Tất cả đều chờ đợi ông tổng thống tâm thần toàn quyền múa gậy vườn hoang làm trò cười cho thế giới. Nền dân chủ Hoa Kỳ đã bị tê liệt vì nguyên tắc hành chánh, việc ai nấy làm. Tuyệt đối không thấy cá nhân và tổ chức nào có được tinh thần cách mạng để nhảy ra giải quyết kịp thời trận Covid 19. Để cho trăm ngàn dân chết oan và có thể còn chết nhiều hơn nữa.
 
Lỗi lầm vì ai. Sai lầm lớn lao nhất là người lãnh đạo độc tôn tự nhận siêu hơn các chuyên viên khoa học và những người đã bầu ra ngài. Nhưng thất bại chung là toàn thể guồng máy cai trị nước Mỹ. Đó là lý do tôi chọn Covid là chuyện hàng đầu. Tôi tưởng niệm trên 200 ngàn nạn nhân Covid 19. Những người không phải chiến binh mà đã chết như tử sĩ. Thân xác bỏ trong bao plastic và không có tang lễ, chết như kẻ vô danh. Thương cho nạn nhân nên thương cho chính tuổi già. Bầu cử ra sao thì chúng ta vẫn còn trận đại dịch phải đương đầu.
 

Cuộc nội chiến Hoa Kỳ ngày nay của thế kỷ 21:   
 
Muốn tìm hiểu những niềm đau chậm tiến từ một quốc gia dân chủ tiền phong của nhân loại, chúng ta phải đọc lại vài hàng lịch sử Hoa Kỳ. Sau cuộc chiến tranh dành độc lập và lập quốc năm 1789 ông Washington lên ngôi tổng thống thứ nhất. Di dân Anh quốc chống lại nước Anh và trở thành người Mỹ. Nước Mỹ trẻ trung hùng mạnh với hai phe Nam Bắc, giữa nông thôn và thành thị. Với nền chính trị thuộc đảng Dân Chủ Cộng Hòa rồi chia đôi thành 2 đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Bản tuyên ngôn Độc Lập và Hiến Pháp Hoa Kỳ ban hành với khuôn vàng thước ngọc làm rung động cả trăng sao toàn thế giới.
 
Nhưng suốt 16 đời tổng thống Mỹ trải qua 71 năm vẫn là quốc gia vô cảm thi hành chế độ nô lệ. Cậu bé Washington lúc 14 tuổi sống trong điền trang cùng cha mẹ cũng đã có riêng người hầu là nô lệ da đen. Những đứa trẻ sinh ra dưới mầu da khốn khổ suốt đời làm nô lệ cho đến đời tổng thống thứ 16 là ông Lincoln. Cuộc nội chiến xảy ra giữa 23 tiểu bang miền Bắc theo Cộng Hòa và 13 tiểu bang miền Nam theo Dân Chủ. Phe miền Nam là thành phần đa số nông thôn sống chết với chế độ nô lệ vì nhu cầu canh tác sinh tử của cuộc sống. Nội chiến kéo dài 5 năm tại các vùng chiến địa danh tiếng là Missouri, Kansas, Akansas và Virginia … Tổng số cả hai bên hy sinh là 620 ngàn chiến binh trải qua 338 trận đánh.
 
Sau khi chấm dứt nội chiến, Hoa Kỳ tuyên bố bãi bỏ chế độ nô lệ nhưng từ đó nước Mỹ nẩy sinh vấn nạn kỳ thị chủng tộc đặc biệt giữa đen và trắng. Vấn nạn kéo dài cho đến năm 2008 nước Mỹ lần đầu tiên bầu vị tổng thống da đen Obama của phe Dân Chủ cấp tiến trong khi đảng Cộng Hòa đổi vai trở thành bảo thủ. Tổng thống Obama tương đối thành công với hai nhiệm kỳ. Nhưng 8 năm cầm quyền của ông Obama là 8 năm xây dựng hận thù trong lòng một thương nhân da trắng thượng đẳng là ông Trump. Thực sự từ trong lòng đất nước, người Mỹ trắng nông thôn miền Nam cũng đã mang mối hận thù ngàn năm chưa nguôi. Họ chống da đen và chống cả di dân.
 
Bằng những lá phiếu tại các tiểu bang còn tranh chấp đã tạo thành tích hết sức bất ngờ đưa vị tổng thống ngang tàng lên ngôi tổng thống thứ 45 vào năm 2016. Bốn năm trước với 340 triệu dân, 240 triệu cử tri, nước Mỹ chỉ có 55% đi bầu và kết quả như sau: 63 triệu phiếu bầu cho ông Trump Cộng Hòa và 66 triệu phiếu của bà Clinton Dân Chủ. Nhưng ông Trump đã thắng nhờ 304 phiếu cử tri đoàn theo phương cách rất khác biệt về bầu cử Mỹ được phác họa từ trăm năm trước. Phải thành thực ghi nhận, những người Mỹ da trắng gốc Âu Châu đã có những lý do riêng khi nghĩ rằng họ mới chính là những di dân con cháu của tiền nhân da trắng thượng đẳng mở nước trăm năm trước xây dựng nên quốc gia này. 
 
Tôi sống để thù ghét : 
 
Đó là lời báo động khẩn thiết của con trai người lãnh tụ phong trào cổ vũ quyền lực của người da trắng. Chúng ta hẳn còn nhớ Timothy McVeigh, tên khủng bố nội địa tàn nhẫn của nước Mỹ cũng là người da trắng sống để thù ghét. Ngày 20 tháng 4 năm 1995, đã đánh bom thảm sát toà nhà liên bang chin tầng Alred P. Murrah thành phố Oklahoma City. 168 người chết bao gồm 19 trẻ em. Đây l à 1 trong hàng trăm thảm kịch tại Hoa Kỳ đang sống với lòng thù ghét và súng đạn.


Chúng ta cũng là di dân nhưng đã đến vào cuối thế kỷ 20 khi nước Mỹ đã hoàn tất các xa lộ và đô thị. Toàn bộ hệ thống xã hội đã sẵn sàng giúp đỡ di dân hội nhập vào các thành phố. Trong khi dân da trắng ở miền Đông Nam nước Mỹ vẫn còn là nông dân, thợ mỏ và phần lớn bỏ ngang trung học. Họ hoàn toàn coi như bị bỏ quên cho đến khi thần tượng Trump xuất hiện nói lên tất cả những nỗi niềm quá khứ và tương lai của họ. Với Trump, nước Mỹ của người da trắng là ước mơ thầm kín trở lại thành giai cấp thượng đẳng.

Bản hiến pháp lạ lùng của Hoa Kỳ kết hợp 50 tiểu bang đã có những điều khoản văn minh đi trước sự tiến bộ của nhân loại nhưng cũng có những điều khoản rất đặc thù và lạc hậu. Hiến pháp Mỹ vốn là cuốn Thánh Kinh của nền dân chủ Hoa Kỳ cũng đã từng phải sửa chữa với rất nhiều tu chính án. Cuộc bầu cử tổng thống 4 năm một lần đã gây nhiều trở ngại. Tam quyền phân lập để tránh độc tài nhưng với quyền hạn rộng rãi dành cho tổng thống trong trường hợp cùng 1 đảng chiếm đa số trong quốc hội và bổ nhậm nhiều thành viên tối cao pháp viện thì mục tiêu quân bình quyền hạn không đạt được.
 
Trong 4 năm cầm quyền, tổng thống Trump đã có cơ hội nắm trong tay cả quốc hội và tối cao pháp viện. Ông lại chủ trương dân túy với trên 60 triệu cử tri nhiệt thành nên đã thẳng tay lãnh đạo hết sức ngang ngược trên sân khấu chính trường. Vấn nạn số 1 hiện nay của tổng thống là tinh thần kỳ thị cao độ. Ông đã từng nói thẳng ra miệng là chỉ muốn nhận di dân da trắng Âu Châu từ Na Uy. Ông Trump rất ngần ngại khi phải trả lời dứt khoát việc lên án các tổ chức Mỹ trắng thượng đẳng chủ trương kỳ thị. Trong kỳ tranh luận vừa qua, tổng thống đã công khai bày tỏ rằng ông là người kỳ thị ít nhất. Nhưng kỳ thị là kỳ thị. Không có ít hay nhiều. Rất tiếc phải viết ra sự thật rất đơn giản. Đường lối của tổng thống Trump cố giữ sự trung thành của hơn 60 triệu cử tri năm 2016. Như vậy ông chỉ là tổng thống của 1 phần tư dân Mỹ trong khi nhiệm vụ là lãnh tụ của cả nước.
 
Chỉ trong 4 năm ngắn ngủi, vị tổng thống thứ 45 đã đưa nước Mỹ vị tha, thực hành bài học nhân bản trăm năm qua nay trở về với một xã hội v ị k ỷ chia rẽ, vô trách nhiệm, gian dối và chụp mũ vô tội vạ. Về đối ngoại với chủ trương tất cả cho nước Mỹ, ông đã bỏ hết tình nghĩa đồng minh mà 13 vị tổng thống và nhân dân Hoa Kỳ đã dày công xây dựng gần 100 năm qua. Với ông Trump sẽ không bao giờ lính Mỹ hy sinh tại Âu châu trong 2 thế chiến. Nhưng điều quan trọng vô cùng là khi bày tỏ công khai tình thân thiện và cảm phục các lãnh đạo Nga, Tầu, Triều Tiên và cả Việt Nam, ông Trump đã giúp kẻ thù món quà vô giá là xây dựng vững chắc địa vị độc tài của những nhân vật này trên đất nước khốn nạn của họ. Từ nay hàng tỷ người sống dưới chế độ độc tài cộng sản không còn hướng về niềm hy vọng Hoa Kỳ đã tắt nghẽn ở chân trời. Kỳ bầu cử này, rất may mà dân Mỹ có thể đã bừng tỉnh giấc “động kinh” đồng loạt. Nhưng sự thực, không ai có thể đánh bại được ông Trump ngoại chính đương sự.   

Hòa giải chính trị giữa cộng đồng Việt Nam.   

San Jose vốn là miền đất hiền nhất so với toàn thể Cali. Ngày xưa đây là đất nhà quê. Chỗ nào có vườn ruộng thì nhà nông làm chủ. Còn đất hoang của chính phủ bát ngát hoa vàng. Khi thế giới chuyển mình bước vào thời đại On Line thì San Jose chợt trở thành kinh đô điện tử.

Dân Việt kéo đến San Jose đúng lúc từ cuối thập niên 70. Suốt 40 năm qua di dân Việt đến Mỹ không hề thắc mắc ông nào là chánh và ông nào là phó tổng thống. Nếu có xem tin thời sự thì nhớ rằng từ 75 ông Ford đón trẻ em Việt mồ côi. Đến ông Carter cho lệnh vớt thuyền nhân. Ông Reagan chụp hình với bà Khúc Minh Thơ nhân dịp nhận HO qua Mỹ. Tiếp theo dù là tổng thống Cộng Hòa hay Dân Chủ lần lượt di dân Việt dưới mọi hình thức đều được đón vào Mỹ. Cá nhân chúng tôi vào Mỹ năm 75 và làm công việc trong cơ quan di trú nhưng không hề nghe nhắc nhở gì đến chuyện ông Biden chống tỵ nạn Việt Nam. Tiếp theo trong suốt thời Obama với Biden cũng chẳng ai nhắc đến chuyện ông phó chống di dân. Cho đến khi ngài Trump đương đầu với ông Biden buồn ngủ thì mới có chuyện. Nhưng xin vui lòng bỏ qua chuyện cũ. Phải thành thực ghi nhận rằng, dù nỗ lực dành cho phe xanh dân chủ hay phe đỏ cộng hòa thì kết quả của dân Việt hải ngoại cũng rất giới hạn.

Cuộc chiến hy sinh quân dân Nam Bắc Hoa Kỳ cả triệu người nhưng rồi cũng phải tìm cách hòa giải. Bây giờ là lúc cộng đồng người Việt phải hòa giải sau trận đấu tranh hết sức ồn ào nhưng cũng không kém phần cay đắng . Cộng đồng chia đôi, đảng phái chia đôi, tôn giáo chia đôi, ái hữu chia đôi, cùng khóa chia đôi, đồng hương chia đôi và thậm chí gia đình cũng chia đôi..

Nhà thơ Ngu Yên lần đầu tiên phát hành tập thơ chính tri. Tác phẩm có tên: Một người lưu vong mang bệnh động kinh.  Anh chàng lưu vong này là tôi hay là quý vị. Ủng hộ hay chống đối ông Trump vì chuyện hận thù ngàn năm Bắc Thuộc hay vì chống Cộng. Hay là chống phá thai, chống súng dan, chống di dân ? Không thể giải thích được tại sao các bạn tôi lại yêu Trump và các bạn tôi lại ghét Trump.

Với Ngu Yên Động kinh là câu trả lời. Nhà thơ viết ra những lời đứt ruột. Tại sao Tố Hữu, nhà thơ nổi danh miền Bắc lại làm thơ khóc Stalin? Tại sao những phụ nữ Việt Nam hải ngoại lại không khóc thương cho những anh hùng dân tộc Việt Nam mà khóc thương ông Trump đi gây quỹ ngày đêm vất vả. Tôi đọc thơ và đã viết cho tác giả đôi giòng: Đáng lẽ đã ngủ lúc 1 giờ. Đọc thơ Ngu Yên lại một đêm mất ngủ. Ai đem thơ vào chính trị. Cắt nát hồn Việt Nam. Tháng 10 năm nay dân VN có 3 ngày giỗ các vị anh hùng dân tộc. Ngày 6 Bắc Kỳ giỗ ông Trần Hưng Đạo, Ngày 8 Trung Kỳ giỗ ông Lê Lợi, ngày 12 Nam Kỳ giỗ ông Ng.TrungTrực. Nhưng Covid làm cho chẳng ai nhớ đến tiền nhân. Từ trong nước ra đến hải ngoại. Người ta chỉ nói đến ông Trump. Đọc thơ Ngu Yên thấy ra mình là dân mất gốc.  
 
Góp thêm câu chuyện thời sự Việt Nam.


Miền Bắc quê Thái Bình cô luật sư Phạm hồng Thêu trong vụ Đồng Tâm phổ biến lá thư tuyệt mệnh: Thư rằng khi tôi chết xin cho bác sĩ khám nghiệm thi thể tìm vết tra tấn để lên án. Xin giúp đứa con trai nhỏ của tôi. Hà nội đã tìm thấy xác cô rồi, dưới gầm cầu tan nát hết. 
  
Miền Nam có cô nhà báo Phạm Đoan Trang đã từng bị công an đánh què chân cũng viết thư phổ biến. Thư rằng khi tôi bị bắt, sau 3 năm hãy tranh đấu cho tự do cùng với đòi hỏi giải thể chế độ. Công an Thành Hồ đã bắt  cô ngay sau khi Mỹ và Việt họp bàn về vấn đề nhân quyền. Ai sẽ khóc cho những anh thư nước Việt. Ai sẽ khóc cho tổng thống Hoa Kỳ? 

Nhưng rồi đây cuộc bầu cử sẽ qua đi. 
 
 Chúng ta cùng đứng lên làm lại cuộc tình. Tình đồng hương. Tôi cảm ơn các bạn yêu Trump nhưng không nặng lời mắng chửi tôi vì không đồng cảm. Tôi với quý vị cùng một lứa bên trời lận đận. Đã ở bên nhau lâu dài trong quá khứ, từ quân trường đến binh đoàn và bên nhau khi sống hải ngoại bao năm qua. Quan điểm chính trị làm chúng ta xa cách. Phía anh chị em đông hơn nên tôi trở thành người lẻ loi và quay lưng lại anh em. Chung quanh tôi từ 4 năm qua toàn là những bạn yêu Trump. Tôi xin gửi lời cáo lỗi.
 
Tôi cảm ơn các bạn ghét Trump đã chỉ dẫn cho tôi rất nhiều tin tức và nhận định hết sức đồng cảm. Phần lớn phe ta còn trẻ trung. Tuổi của tôi lạc lõng thành ông già cô đơn từ hình ảnh đến ngôn từ tranh luận.Tiếng nói và nhận định của các bạn thể hiện phẩm chất thế hệ tương lai, nhưng vẫn có cơ hội làm nhịp cầu nối tiếp vì khả năng song ngữ. Quả thực các bạn là tương lai trong khi chúng tôi là quá khứ ăn theo. Cả hai phe Trump và Biden đều muốn bày tỏ thái độ nhưng ông Trump cao xa quyền quý như quốc vương trên từng không và chẳng hề quan tâm đến thiên hạ. Phía thân hữu ông già Biden hiền lành nên các bạn trẻ uy tín tiếp cận thành công mới có được lá thư của Biden Dân Chủ gửi cộng đồng Việt Nam. Đã từ lâu tôi quan niệm đơn giản là muốn đấu tranh cho dân quyền và dân chủ tại quê nhà, người Việt phải trở thành công dân gương mẫu Hoa Kỳ. Đó là con đường chính danh của các bạn trẻ đã trở thành tướng lãnh trong Hải Lục Không quân. Chuyện đó đã đạt được. Con đường khó khăn và hợp lý là phải trở thành dân cử từ thành phố qua tiểu bang và lên đến liên bang. Phía Dân chủ đã đạt được một phần. Bây giờ là lúc tuổi trẻ mở đường cho phía Cộng Hòa.   
 
Câu chuyện sau cùng là 73 lá cờ trắng tại San Jose.
   
 
Hơn 40 năm trước thành phố San Jose có ý thực hiện một khu tưởng niệm cựu chiến binh. Không biết vì sao các ông bà nghị viên lại đồng ý dựng kỳ đài bên cạnh nhà hát lớn CPA ở giữa thành phố. Tại sao lại là 73 lá cờ trắng và những tấm kính khắc hình các chiến binh nam nữ trải qua các thời đại. Quả thực là một khu tượng đài thiếu ý chí tích cực và mang mầu phản chiến. Những dự án đã được chấp thuận và hình thành. Khu vực này bây giờ  mang biểu tượng hòa bình. Cờ trắng không phải là đầu hàng mà là tiêu biểu của tưởng niệm, hòa giải. Quả thực sự tranh chấp chia rẽ tại Hoa Kỳ giữa hai chính đảng trong 4 năm quá tàn nhẫn và dữ dội nhưng không thể so sánh với 6 năm nội chiến trăm năm trước. Civil War Hoa Kỳ thiệt hại 1 phần tư đất nước và cả quân lẫn dân hy sinh một triệu người. Cuộc chiến tranh chính trị 4 năm qua gần như chưa có chiến binh nào thực sự hy sinh ngoài số tử vong vì Covid.
 
Riêng phần Việt Nam hải ngoại chúng ta học được bài học là biết được lòng người. Khi gặp lúc thử thách căng thẳng chúng ta có thể biết rằng đấu tranh chính trị có thể làm con người xấu xa đến chừng nào. Bây giờ cơn Động Kinh chính trị đã hết, xin mời các bạn đến thăm khu cờ trắng hòa bình hòa giải ở San Jose. Nếu muốn gọi là cỏ trắng đầu hàng xin tùy tiện. Thử xem khi bình tĩnh lại người Việt hải ngoại có thể đối xử tốt với nhau đến mức độ nào.

27/10/2020

https://vietbao.com/a305504/nhung-la-co-trang-o-san-jose?fbclid=IwAR293yk3ZVfr_7p5RKEc0NCG4teTNwiZBJqWA4XsbROQKemr4GREiY6RoVI#.X5gv5OI0jNp.facebook