31 octobre 2020

Việt Nam trước một thế giới bất an và bất định

Nguyễn Quang Dy

Để lý giải thế giới hiện tại trong cuốn “21 bài học cho thế kỷ 21” (21 lessons for the 21st century, 2018) Yuval Noah Harari trước đó đã viết hai cuốn “Lược sử loài người” (Sapiens: A Brief History of Humankind, 2014), và “Lược sử tương lai” (Homo Deus: A Brief History of Tomorrow, 2016). Chúng ta đang sống trong một thế giới rất bất ổn, đầy bất an và bất định. Vì vậy, muốn hiểu thế giới hiện tại, phải hiểu quá khứ và tương lai. 


Thế giới cũ đã qua

Trong nửa đầu của thế kỷ trước, dân tộc Việt Nam cũng như nhiều dân tộc khác, đã chịu hệ quả (trực tiếp hay gián tiếp) của hai cuộc đại chiến thế giới (WWI: 1914-1918 và WWII: 1939-1945) và một cuộc chiến tranh cục bộ tại Triều Tiên (1950-1953). Trong ba cuộc chiến tranh thông thường và tổng lực đẫm máu đó, các cường quốc đã trực tiếp tham chiến, trong khi thế giới hình thành hai phe (như phe “đồng minh” chống lại phe “trục phát xít”).

Trong nửa cuối của thế kỷ trước, Mỹ và Liên Xô đã đối đầu trong cuộc chiến tranh lạnh (dựa trên ý thức hệ). Trật tự thế giới đã hình thành theo khuôn khổ Liên Hợp Quốc (do Mỹ dẫn đầu). Các nước thuộc “thế giới thứ ba” đã tập hợp lại trong phong trào “Không Liên kết” (do Ấn Độ và Trung Quốc dẫn dắt). Trong bối cảnh đó, Việt Nam bị mắc kẹt vào một cuộc “chiến tranh ủy thác” (proxy war) mà thực chất là nội chiến (huynh đệ tương tàn).

Chiến tranh Việt Nam tuy là chiến tranh cục bộ nhưng kéo dài hơn (1965-1975) và đẫm máu hơn, với tổng số bom đạn và phương tiện chiến tranh lớn hơn so với các cuộc chiến tranh trước đó. Vết thương chiến tranh (về vật chất và tinh thần) đến nay vẫn chưa hàn gắn, vì hệ quả của nó quá lớn và tiềm ẩn. Bóng ma chiến tranh vẫn còn sống trong tâm thức nhiều người, và hận thù giữa hai cộng đồng người Việt (Bắc-Nam) vẫn chưa được hòa giải.

Trong khi đối đầu Mỹ-Xô trong chiến tranh lạnh đã kết thúc khi bức tường Berlin sụp đổ (1989), Washington vẫn tiếp tục theo đuổi chủ trương bắt tay Bắc Kinh, theo Shanghai Communique (1972) và chính sách “tham dự xây dựng” (Constructive Engagement). “Lá bài Trung Quốc” không chỉ để chống Liên Xô, mà còn vì lợi ích song trùng, giúp Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình”, bất chấp sự kiện Thiên An Môn (6/1989). Mãi gần đây, Mỹ mới tỉnh ngộ.

Trong cuốn “Cuộc chạy đua một trăm năm” (The Hundred-year Marathon, 2015) Michael Pillsbury đã gọi đó là “thất bại lớn nhất về tình báo của Mỹ” vì đã ngộ nhận và mắc sai lầm để Trung Quốc lợi dụng, thực hiện được chiến lược âm thầm thay thế Mỹ làm siêu cường đứng đầu thế giới. Dù nhiều người Mỹ ghét Donald Trump, nhưng phải thừa nhận rằng ông ấy là Tổng thống Mỹ đầu tiên (kể từ Richard Nixon) dám chống lại Trung Quốc.

Cuộc hôn phối Mỹ-Trung (coupling) theo chủ trương “tham dự xây dựng” đã kéo dài hơn bốn thập kỷ, đủ cho Trung Quốc trỗi dậy như “con quái vật Frankenstein”, theo lời Richard Nixon nói với nhà báo William Safire (NYT, 1994). Nhưng phải sau gần năm thập kỷ, người Mỹ mới phản tỉnh và “ly hôn” với Trung Quốc (decoupling) khi đã quá muộn, vì Mỹ và thế giới lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc về cung ứng (hơn 90% nhu cầu y tế và dược).

Thế giới mới đang tới

Trong nhiệm kỳ đầu, Donald Trump đã làm mất lòng nhiều người, gồm hầu hết giới tinh hoa (mà Trump gọi là “đầm lầy Washington”) và giới báo chí (mà Trump gọi là “kẻ thù của nhân dân”). Trump là một Tổng thống bất bình thường (unconventional) và khó đoán (unpredictable) dùng twitter như một công cụ truyền thông để điều hành trực tiếp, bỏ qua các thông lệ của bộ máy chính quyền chuyên nghiệp. Trong thế giới bất an và bất định, người Mỹ và đồng minh phải làm quen với tính khí đó của Trump (như với biến đổi khí hậu).

Tại khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc đã tranh thủ thời cơ để thay đổi thực địa ở Hoàng Sa và Trường Sa như chuyện đã rồi (fair accompli), nhằm kiểm soát Biển Đông “như cái ao của họ”. Trung Quốc đã vươn các vòi bạch tuộc ra các châu lục, với “sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI). Họ định vượt Mỹ về công nghệ, với kế hoạch thâu tóm “một ngàn nhân tài” (thousand talents plan), và chiến lược “Made in China 2025”. Trung Quốc đã từ bỏ hơi sớm chủ trương “giấu mình chờ thời”, đang đẩy Mỹ và đồng minh co cụm chống lại.

Đại dịch Covid-19 đã làm thế giới bị động đối phó, với những tổn thất nặng nề, không chỉ về người mà còn suy thoái về kinh tế. Nó làm cho đối đầu Mỹ-Trung càng quyết liệt, vượt xa chiến tranh thương mại trước đó. Trong năm 2020, thế giới bị phân hóa nhiều hơn các năm trước, và Trung Quốc đang bị cô lập, không chỉ với phương Tây mà còn với khu vực. Lần đầu tiên trên thế giới đang hình thành mặt trận chung chống Trung Quốc, gồm các nước có cùng quan điểm (like-minded) dựa trên tầm nhìn Indo-Pacific và “Bộ Tứ Mở Rộng”.

Đáng chú ý là các bài diễn văn của Tổng thống Donald Trump tại Liên Hợp Quốc (22/9) cũng như của Ngoại trưởng Mike Pompeo (23/7), Bộ trưởng Tư pháp William Barr (16/7), Giám đốc FBI Chris Wray (7/7), và Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien (26/6) khác hẳn với những phát ngôn bất thường lâu nay trên twitter. Những tuyên bố cứng rắn đó của Chính quyền Trump không chỉ đối phó nhất thời với Trung Quốc, mà được chuẩn bị khá chặt chẽ và có hệ thống, như “xa luân chiến”, để nhắm vào Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP).

Thái độ cứng rắn hơn của chính quyền Trump đánh dấu một bước ngoặt mới trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, chứ không phải chỉ để lấy điểm tranh cử. Dù ai đắc cử Tổng thống Mỹ sau ngày 3/11/2020 (dù là Cộng hòa hay Dân chủ), chắc vẫn phải theo xu thế cứng rắn đó trong những năm tới, tuy mức độ và sách lược có thể khác nhau. Các nước đồng minh hay đối tác của Mỹ cũng có thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc, tuy mức độ khác nhau, và hầu hết các nước đó vẫn phải dè chừng tại ngã ba đường (như “hedging game”).

Việt Nam phải làm gì

Trong những năm qua, Việt Nam và Mỹ đã có những bước tiến lớn, đẩy quan hệ “đối tác toàn diện” đến gần hơn “đối tác chiến lược”. Tuy là cựu thù trong Chiến tranh Việt Nam, nhưng 25 năm sau bình thường hóa quan hệ, hai nước đã trở thành đối tác chiến lược “trên thực tế” (de facto). Năm 2020, khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực của HĐBA LHQ, hai nước đã trở thành đối tác ở Biển Đông, theo tầm nhìn Indo-Pacific, và khuôn khổ hợp tác “Bộ Tứ Mở Rộng” (với Việt Nam, Hàn Quốc, Tân Tây Lan).

Đại dịch Covid-19 là một thách thức lớn, nhưng cũng là một cơ hội mới để Việt Nam thoát Trung, nếu biết “biến nguy thành cơ”. Sau bầu cử Tổng thống Mỹ, thì Đại hội Đảng XIII của Việt Nam (đầu năm 2021) đứng trước một bước ngoặt mới. Tuy Việt Nam đã kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, nhưng đang phải chống bão lụt “như chống giặc”, khi cơn bão số 9 đang ập tới như “họa vô đơn chí”. Việt Nam trước ngã ba đường, phải đổi mới thể chế để tháo gỡ ách tắc do lỗi hệ thống, nhằm thoát hiểm và phát triển bền vững.

Trong khi nhà nước “xã hội hóa” cho tư nhân làm thủy điện (với nhiều rủi ro), nhưng không muốn “xã hội hóa” cho tư nhân cứu trợ nhân đạo (vì sợ rủi ro). Đó là một nghịch lý, bộc lộ sự bất cập và lỗi thời của tư duy độc quyền, cần phải đổi mới thể chế. Kinh nghiệm cứu trợ nhân đạo trên thế giới cho thấy các nước nghèo (như Việt Nam) càng phải “xã hội hóa” để khuyến khích tư nhân tham gia cứu trợ nhân đạo, và huy động được nguồn lực của các tổ chức phi chính phủ (NGO). Nhà nước không thể độc quyền công tác cứu trợ nhân đạo.

Nhiều người ngạc nhiên tại sao MC Phan Anh có thể kêu gọi được hơn 20 tỷ VNĐ (cách đây 4 năm),và nay ca sỹ Thủy Tiên có thể kêu gọi được hơn 150 tỷ VNĐ. Thứ nhất, đó là do nhân cách (personality) của người nghệ sỹ chiếm được lòng tin của các mạnh thường quân, Thứ hai, đó là do sức lôi cuốn của người nghệ sỹ (appeal) đối với công chúng. Thứ ba, đó là do sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu, trong đó có các nghệ sỹ thuộc “giai cấp sáng tạo” (creative class). Quốc gia nào muốn phát triển, phải biết thu hút và trọng dụng nhân tài.

Quốc gia nào bảo thủ, muốn trì hoãn đổi mới sẽ bị tụt hậu. Vốn quý nhất của một quốc gia không phải các mỏ dầu khí, mà là “mỏ người” còn quý hơn vàng. Tài nguyên thiên nhiên có thể bị khai thác đến cạn kiệt, nhưng tài nguyên sáng tạo của con người là vô hạn. Việt Nam có mỏ người lớn gần 100 triệu dân, nhưng vẫn chưa biết cách khai thác. Muốn trở thành “chính phủ kiến tạo” thì phải biết quản trị năng lượng sáng tạo như một tiêu chí lãnh đạo. Muốn làm chủ “công nghệ 4.0” thì không thể duy trì mãi thể chế theo “hệ quy chiếu 0.4”.

***

Tóm lại, điều quan trọng nhất và thiết yếu nhất lúc này này là năng lực ứng phó. Không phải chỉ ứng phó với hệ quả bão lụt do thiên tai hay nhân họa, với nạn tham nhũng do các nhóm lợi ích, với ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc... mà đó là năng lục ứng phó trước các biến động khôn lường trong một thế giới bất an và bất định. Nhưng không thể có năng lực ứng phó đó nếu không chịu đổi mới tư duy và thể chế kịp thời để tháo gỡ các nút thắt đang gây ách tắc trong một xã hội đang chuyển đổi, cũng như trong tâm thức con người.

N.Q.D.

28/10/2020