20 octobre 2020

Phát triển ồ ạt Thuỷ điện vừa và nhỏ: Thủ phạm “nuốt” rừng, gây lụt lội?


San ủi rừng phòng hộ để xây dựng Thủy điện Đăk Re (Ba Tơ- Quảng Ngãi) vừa phải tạm dừng thi công . Ảnh: Chí Đại

Nhiều năm qua, việc phát triển thuỷ điện vừa và nhỏ tràn lan ở nhiều địa phương đã được nhiều chuyên gia cảnh báo là có nguy cơ phá huỷ môi trường, phá rừng và xảy ra lụt lội. Cho dù thuỷ điện vừa và nhỏ cũng mang lại những lợi ích kinh tế nhất định, tuy nhiên trong bối cảnh người dân đang đối mặt với lũ lụt thì vấn đề quy hoạch, xây dựng các thuỷ điện vừa và nhỏ cũng cần đặt ra.


Nghị quyết 55 về Chiến lược quốc gia về năng lượng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của Bộ Chính trị ban hành đầu năm 2020 đã nêu định hướng đối với thuỷ điện: “Huy động tối đa các nguồn thuỷ điện hiện có và phát triển có chọn lọc, bổ sung một số thuỷ điện nhỏ và vừa, thuỷ điện tích năng. Có chiến lược hợp tác phát triển thuỷ điện gắn với nhập khẩu điện năng dài hạn từ nước ngoài”. 

Thuỷ điện vừa và nhỏ: Một tác nhân gây mất rừng?

Mỗi năm nước ta xảy ra khoảng 10-15 trận lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là tại các vùng núi phía Bắc, Trung Bộ và Tây Nguyên. Hàng trăm hécta hoa màu bị thiệt hại, nhiều nhà cửa bị phá hủy, hàng chục người thiệt mạng mỗi năm. Nguyên nhân được chỉ ra là do biến đổi khí hậu và nghiêm trọng hơn là do vấn nạn phá rừng đầu nguồn và... làm thủy điện.

Mỗi dự án thủy điện “nuốt chửng” hàng trăm hécta rừng!

Hơn 20 năm qua, nhiều dự án thủy điện có quy mô và công suất khác nhau đã được quy hoạch và xây dựng ồ ạt tại miền Trung, đặc biệt là từ Quảng Bình đến Phú Yên và các tỉnh ở Tây Nguyên. Nhìn chung, thủy điện hiện đang đóng góp khoảng 35% - 40% sản lượng năng lượng quốc gia. Nhưng sự phát triển ồ ạt các nhà máy thủy điện đã làm gia tăng các vấn đề môi trường - xã hội và chúng ta đang phải đối mặt với những hậu quả bất lợi, trong đó điển hình nhất là những hệ lụy thiên tai từ việc mất rừng.

Theo tính toán của một chuyên gia, để làm 160 dự án thủy điện, phải mất 20.000ha rừng, trung bình mỗi dự án thủy điện được hình thành, sẽ có 125ha rừng bị xóa sổ. Một thống kê khác cũng cho thấy, cứ 1 MW điện sẽ mất 10ha rừng. Từ thực tế xây dựng các nhà máy thủy điện: Sông Tranh 2, Krong Kma đã khiến cho diện tích rừng bị mất khá lớn, chưa kể nhiều hệ lụy khác như mất đất, tranh chấp nước giữa thủy lợi và thủy điện...

PGS-TS Lê Bắc Huỳnh - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường cho biết, xây dựng công trình thủy điện đều ở vùng núi cao đầu nguồn nên cùng với mất đất là kèm theo mất rừng ngay trong lòng hồ. Ngoài ra, nhiều diện tích đất rừng cũng bị cho xây dựng các hạng mục công trình khác (nhà điều hành, các công trình đập, tràn, nhà máy, nhất là đường giao thông lên công trình vào nhà máy, đường tải điện). “Mỗi nhà máy thủy điện được quy hoạch, kèm theo đó là mất rừng đầu nguồn, mất đất, di dân tái định cư và phát sinh nhiều vấn đề của di dân tái định cư” - PGS.TS Lê Bắc Huỳnh nhấn mạnh.

Theo phân tích của TS Lê Thị Thanh Hà - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, việc phát triển ồ ạt thủy điện trên các sông lớn của Tây Nguyên đã và đang gây ra nhiều hệ lụy lớn đến môi trường và hệ sinh thái tự nhiên. Tính trung bình 1MW thủy điện đã chiếm tới 14,5ha đất các loại, làm ảnh hưởng 5,5 hộ dân, trong đó 1,5 hộ phải di dời.

Mất rừng là mất tài nguyên, nhiệt độ tăng cao hơn, biến đổi khí hậu nghiêm trọng hơn, nhưng trước mắt là thảm họa lũ lụt đổ ập xuống nhanh hơn, khốc liệt hơn, thiệt hại ngày càng lớn hơn và sự phát triển chẳng khi nào bền vững được.

Trong trận lũ lụt lịch sử từ 6-13.10 vừa xảy ra tại miền Trung, một câu hỏi đã đau đáu được đặt ra: Nếu như rừng miền Trung và Tây Nguyên không mất, phải chăng lũ lụt sẽ giảm nhẹ bớt, thiệt hại sẽ bớt nặng nề hơn?

Thủy điện nhỏ, nhưng hệ lụy phá rừng rất ghê gớm!

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, thời tiết cực đoan, mưa lớn, mưa kéo dài là nguyên nhân kích hoạt lũ quét và sạt lở đất, cuốn theo cây cối, đất đá, thậm chí tính mạng, tài sản của con người. Mưa bão lũ xảy ra ở nước ta ngày càng tăng; trở thành mối đe dọa nguy hại đến cuộc sống con người và nền kinh tế đất nước. Trong một thời gian dài, hậu quả của việc phá rừng đã khiến diện tích rừng phòng hộ, đầu nguồn tại các tỉnh thành tại miền Trung bị san bằng để làm thủy điện, gây khó khăn khiến cho việc điều tiết nước ở khu vực thượng nguồn bị ảnh hưởng khi mưa lớn. Diện tích rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn bị chặt phá gây mất khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn khi xảy ra mưa lớn. Đây chính là nguyên nhân khiến mưa lũ, lũ lụt… nghiêm trọng hơn. Rừng đầu nguồn bị chặt phá cũng khiến cho cường độ của nước dâng lên cao hơn, lũ đi nhanh hơn.

Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về bảo vệ môi trường tự nhiên, tránh việc phát triển công nghiệp “không kiểm soát”. Thực tế thì từ 7-8 năm gần đây, Chính phủ đã có những động thái để ngăn chặn “hội chứng làm kinh tế” bằng thủy điện. Cách đây 3 năm, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ về tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Phải tạm dừng chuyển đổi rừng tự nhiên làm dự án thủy điện nhỏ. Thủy điện nhỏ đóng góp không bao nhiêu nhưng phá rừng ghê gớm. Trừ trường hợp quá đặc biệt, hiệu quả kinh tế quá đặc biệt thì báo cáo Chính phủ xem xét quyết định từng trường hợp cụ thể.

Mới đây UBND tỉnh Đắk Lắk đã từ chối cấp phép dự án thủy điện Ea Tour và Giám đốc Vườn quốc gia Yook Đôn cũng đã dũng cảm tuyên bố sẽ từ chức nếu dự án thủy điện Đrăng Phook được duyệt. Bộ Công Thương cũng đã đề nghị Chính phủ loại bỏ 424 dự án, tạm dừng 136 dự án và không đưa vào quy hoạch tiềm năng thủy điện 172 vị trí.

Việc ồ ạt phát triển các thủy điện nhỏ phải xem lại

Rừng bị lấy đi quá nhiều là nguyên nhân làm cho lũ lụt ngày càng gia tăng. Thủy điện có thể không làm tăng lũ, nhưng thủy điện đã làm rừng bị mất đi, khiến lũ dữ hơn và tàn phá nặng nề hơn. Lũ lụt xảy ra thường xuyên và tàn khốc hơn còn do các nhà máy thủy điện xả lũ vì nguy cơ vỡ đập trong mùa mưa bão. Các trận lũ từ năm 2009 trở lại đây đã chứng minh điều này. Chẳng hạn, tại Quảng Nam, trong cơn bão lũ tháng 11.2013, huyện Đại Lộc đã phải hứng chịu đồng loạt cả 4 thủy điện đầu nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn là A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung 4, Sông Bung 5 xả lũ, khiến cả huyện ngập sâu trong nước.

Trong hơn 1 thập niên gần đây, Quảng Nam được xem là “xứ sở thủy điện” ở khu vực miền Trung, với hơn 30 dự án thủy điện được quy hoạch phân bố trên khắp 10 huyện miền núi của tỉnh với tổng công suất lắp máy lên tới hơn 1.500MW. Trong đó, để xây dựng Thủy điện Sông Bung 4, cả một diện tích rừng gần trăm hécta tại huyện Nam Giang tại địa bàn này đã “biến mất”.

Theo TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam), theo quy định, công trình thủy điện chiếm bao nhiêu diện tích rừng thì phải trồng đền bù bấy nhiêu. Thế nhưng bất cập là không có đất để trồng bù. “Đến nay, chưa có chủ đầu tư nào thực hiện việc trồng rừng này đúng quy trình. Việc trồng cũng chỉ cho có, trồng được một vài cây lưa thưa để gọi là cũng có trồng” - TS Đào Trọng Tứ thẳng thắn nêu ý kiến.

Từ những hệ lụy nêu trên, GS Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội điện lực Việt Nam cho rằng, cần xem xét lại quy hoạch theo kiểu “phân công”, Nhà nước chỉ quản lý các công trình thủy điện từ 30MW trở lên, còn các công trình thủy điện nhỏ giao về cho địa phương quản lý bởi đội ngũ chuyên gia ở địa phương không thể bằng trung ương.

Phong Nguyễn

LĐO | 01/10/2020 | 16:45

https://laodong.vn/xa-hoi/phat-trien-o-at-thuy-dien-vua-va-nho-thu-pham-nuot-rung-gay-lut-loi-845511.ldo?fbclid=IwAR0lcZuMeL0PYyqDgqFjlF8Lh0aTYzYNdgOfvpr4dnLmJOlyL5Sd74okVdU