29 octobre 2020

Nhân “hiện tượng Thủy Tiên”

Mạc Văn Trang

Hiện tượng cô ca sỹ Thuỷ Tiên đứng ra kêu gọi cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, chỉ trong vòng hơn một tuần thu được 150 tỉ đồng, gây xôn xao dư luận xã hội. Sự kiện đó nói lên nhiều điều.

ca sỹ Thuỷ Tiên


1. Tình yêu thương đồng bào của dân ta thật quý giá.

Trải qua bao nhiêu biến động “long trời lở đất", xã hội bị xô đẩy vào những cơn “lốc xoáy” tàn khốc, tình người đã tan nát bao phen, nhiều người lo lắng, con người bây giờ vô cảm với đồng loại… Nhưng lòng dân không phải thế! Truyền thống yêu nước thương nòi, “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, “lá lành đùm lá rách,”, “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ“... vẫn là mạch ngầm âm ỉ trong lòng dân tộc, khi có tình huống là nó bùng phát lên.

Thủy Tiên chỉ là trường hợp điển hình. Có lẽ lúc đầu Thuỷ Tiên cũng không nghĩ lại nhận được đến hơn 150 tỉ đồng, khiến cô cũng bối rối và nhiều người lo lắng cho cô….

Còn hàng ngàn hàng vạn những cá nhân, nhóm cứu trợ tự phát khác nữa tìm nhiều cách cứu giúp đồng bào miền Trung. Rồi kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới, chẳng đợi ai kêu gọi, đã tự động cùng nhau với nhiều hình thức giúp đồng bào miền Trung trong hoạn nạn. Cái gì tự phát, tự động, tự nhiên đó chính là tấm lòng chân thật nhất.

Trong cứu nạn thì lực lượng của nhà nước vẫn phải là chủ yếu, có tính quyết định. Nhưng sự tham gia tự nguyện của người dân cứu giúp đồng bào hoạn nạn, cho thấy tình yêu nước, nghĩa đồng bào của dân ta thật lớn lao, quý giá; đó là một giá trị vô giá, thiêng liêng cần được trân quý, nuôi dưỡng mãi mãi trong lòng dân tộc.

2. Một phép thử khách quan không ai chối cãi được.

Từ hiện tượng Thuỷ Tiên, ai biết suy nghĩ cũng phải tự hỏi: Tại sao người dân lại gửi tiền cứu trợ cho ca sỹ Thuỷ Tiên nhiều đến thế mà không gửi vào các quỹ cứu trợ của các hội đoàn do Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý?

Câu trả lời thật rõ ràng: Toàn hệ thống chính trị đã không còn uy tín với người dân! Người dân đã chứng kiến quá nhiều điều bất tín từ hệ thống này: Quan liêu, quá nhiều tầng nấc, hình thức tuyên truyền, ban ơn, ăn chặn, ăn bớt, như bà Nguyễn Thị Doan Phó Chủ tịch nước từng nói: “Họ ăn của dân không chừa thứ gì!” Đảng, Nhà nước hãy tự trách mình, tự hỏi mình: Tại sao lại đến nông nỗi này?
Tất nhiên Đảng, Nhà nước vẫn huy động được toàn hệ thống chính trị đồng loat “hưởng ứng", góp mỗi người một ngày lương, xếp hàng bỏ vào thùng cứu trợ; vẫn huy động được các doanh nghiệp “sân sau" đóng góp những khoản tiền lớn và xuất kho bạc, kho lương thực dự trữ ra cứu trợ rất lớn. Nhưng “mua" lại được NIỀM TIN của dân thì khó lắm.

3. Vấn đề đặt ra là gì?

3.1. Hãy tạo điều kiện để hình thành phát triển xã hội dân sự

“Hiện tượng Thuỷ Tiên” đã làm bùng phát các quan điểm đối nghịch: Một số đầu óc xơ cứng, lỗi thời, hủ bại, vội la lên: Các cá nhân và các nhóm tự phát lợi dụng cứu trợ đồng bào để “đánh bóng tên tuổi”, gây “ảnh hưởng xấu”; cảnh giác với nguồn tiền của các “thế lực phản động”... Một số người khác thì lo ngại việc cứu trợ tự phát sẽ lộn xộn, không kiểm soát được, cần phải được quản lý thông qua các tổ chức của hệ thống chính trị, như tiền của Thuỷ Tiên phải đưa vào Mặt trận Tổ quốc hay Hội chữ thập đỏ… Nhưng đa số dư luận xã hội phản ứng mạnh mẽ, đòi mỗi người dân, mỗi tổ chức dân sự có quyền làm thiện nguyện, nhất là cứu trợ đồng bào lúc nguy cấp.

Trong việc cứu trợ, cứu nạn trước các thảm họa thì trách nhiệm của nhà nước là chính, các nguồn lực dự trữ của quốc gia xuất ra là chính, lực lượng quân đội là quan trọng…. Nhưng sự đóng góp sức người, sức của của các tầng lớp xã hội vô cùng cần thiết: nó mau lẹ, kịp thời, thiết thực, rộng khắp, lâu bền… Đặc biệt nó khơi dậy và nuôi dưỡng lòng yêu nước, nghĩa đồng bào, trách nhiệm xã hội của mỗi công dân.

Qua việc cứu trợ miền Trung cũng như nhiều hoạt động “tự phát" của các cá nhân, nhóm xã hội tự nhiên, tự nguyện như vậy đã và đang diễn ra lâu nay thực sự là hiện tượng xã hội phổ biến, là nhu cầu thực sự của người dân. Do đó việc ban hành Luật về Tự do lập hội, Tự do phát triển các hoạt động của các cá nhân, nhóm, hội, đoàn vì phát triển cộng đồng là việc cấp thiết, cần làm ngay. Thủ tướng đã chỉ đạo sửa Nghị định 64 về làm thiện nguyện, nhưng đó vẫn chưa phải thay đổi căn bản khi chưa có Luật về Tự do lập hội, như Điều 25 Hiến pháp 2013 đã khẳng định.

3.2. Mặt khác cho thấy, các hội, đoàn “quốc doanh" đã tồn tại bao lâu nay, là “cánh tay nối dài của Đảng", tiêu tốn tiền thuế của dân, phung phí thời gian sức lực làm những chuyện vô bổ, nay không còn sức sống nữa; chính ông Nguyễn Phú Trọng phải thốt lên hiện tượng “khô Đoàn", “nhạt Đảng" đáng lo ngại… “Phép thử Thuỷ Tiên" cho thấy, chẳng còn mấy ai tin tưởng, trông cậy vào cái hệ thống hội, đoàn “quốc doanh" này nữa!

Vì vậy, kiến nghị: Hãy giải thể tất cả hệ thống này, tổ chức lại theo Luật Tự do lập hội của xã hội dân sự; các Nghiệp đoàn, các Hội, Đoàn, Câu lạc bộ… hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự túc, vì hứng thú và lợi ích cá nhân, không trái pháp luật. Nhà nước quản lý các tổ chức Phi chính phủ này theo Luật pháp và hỗ trợ cho những Dự án, những hoạt động mang lại lợi ích xã hội thiết thực.

Khi “toàn hệ thống chính trị" không cùng “mút cạn bầu sữa" ngân sách nhà nước, sẽ có điều kiện tăng lương cho công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước để họ sống đàng hoàng, bớt dần hiện tượng “làm nghề gì ăn nghề ấy" một cách bất hảo.

Tóm lại

“Hiện tượng Thuỷ Tiên" cho thấy cần có tư duy mới về sự hình thành và hoạt động của các cá nhân, nhóm, hội, đoàn theo phương thức xã hội dân sự; cần giải thể các hội, đoàn “quốc doanh" tiêu phí sức người, sức của vào những hoạt động hình thức, phô trương, vô bổ, không còn sức sống, và ban hành Luật Tự do lập hội để phát triển xã hội dân sự theo phương thức văn minh, hiện đại.

Đó là việc làm hợp lòng dân, hợp với truyền thống dân tộc, khơi dậy sức sống mới để chấn hưng dân tộc, phát triển xã hội.

27/10/2020

M.V.T.

Nguồn: FB Mạc Văn Trang