14 octobre 2020

Tính đạo đức nhân bản của sự công bằng

Lê Học Lãnh Vân


Ngô Văn Hiếu (trái) 10 năm cõng bạn Nguyễn Tất Minh (phải) đi học

Cậu học sinh cõng bạn đó, khi thi tuyển vào Trường đại học Y Hà Nội, đạt được số điểm 28,1. Cậu chỉ thiếu có 0,25 điểm để được đậu. 0,25 trên 28,1, nghĩa là 0,89%!

Báo Tuổi Trẻ Online, ngày 6.10.2020, cho biết “Ngô Văn Hiếu, học sinh 10 năm cõng bạn đi học, đạt 28,15 điểm, không đủ điểm để đỗ ngành y đa khoa, ngành có điểm chuẩn cao nhất của Trường đại học Y Hà Nội”. Ngô Văn Hiếu là người bạn đặc biệt vì đã cõng bạn thân của mình đi học trong suốt mười năm dài.


Không ít người đặt câu hỏi tại sao Trường đại học Y Hà Nội không tuyển đặc cách người thí sinh đặc biệt này? Trường “cho biết không có căn cứ để xét đặc cách”!

Ngô Văn Hiếu đã lên tiếng rằng việc cậu giúp bạn đi học không phải để nhận những ưu đãi đặc biệt của xã hội, rằng cậu không muốn được xét đậu khi năng lực mình chưa đủ! Bài viêt này không thảo luận về tình bạn cao cả và khí phách độc lập của Ngô Văn Hiếu, mà thảo luận về xã hội đối đãi với cậu thí sinh đặc biệt này như thế nào!

1) Tuyển sinh là công việc của một trường. Việc hành xử đặt câu hỏi xã hội hiểu và thực thi tự chủ đại học như thế nào!

Vẫn biết trong xã hội việc nào cũng có ảnh hường trên việc khác, việc nào cũng đem lại hiệu ứng của “con bướm rừng Amazon”, nhưng mỗi việc phải có mức độ tự chủ khác nhau. Lãnh đạo có trách nhiệm xác định mức độ tự chủ tới đâu và chịu tác động qua lại tới đâu. Lãnh đạo và quản lý cũng có trách nhiệm tổ chức sao cho sự tự chủ và sự chịu ảnh hưởng lẫn nhau đó được thực thi, vận hành một cách uyển chuyển, mềm dẻo mà vẫn có thứ tự lớp lang, mang tới lợi ích tối ưu cho cộng đồng.

Trường đại học là nơi đào tạo tầng lớp tinh hoa cho xã hội, quốc gia, cho nên phải là nơi có độ tự chủ rất cao.

Các anh chị đã từng tiếp xúc với hệ thống đào tạo các nước phương Tây đều thấy đây là những việc thuộc về phạm vi tự chủ của trường. Từ việc tuyển sinh tới phong Giáo sư đều thuộc phạm vi tự chủ của trường đại học.

Dù cho rằng trường hợp xét tuyển đặc cách cho thí sinh Ngô Văn Hiếu là “đáng được xem xét”, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, phó hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, cho biết: “Quy chế tuyển sinh đại học do Bộ GD-ĐT công bố trước mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia không có quy định xét cho những trường hợp đặc biệt như Ngô Văn Hiếu”!

Việc tuyển sinh là việc mà trường đại học cũng không thể tự làm chủ được, thì đủ thấy môi trường giáo dục cứng nhắc tới chừng nào. Sản phẩm của hệ thống đào tạo đại học đó, những thành viên của tầng lớp tinh hoa, sẽ như thế nào? Sẽ là con người có tư tưởng thụ động và an thân trên lối mòn tri thức hay là con người tự do sáng tạo luôn tìm tòi để cùng xã hội tiến về chân trời nhân bản, phát triển, văn minh?

2) Y đức, từ mấy chục năm nay, đã là nỗi đau của xã hội!

Với mức thu nhập quốc gia hiện nay, để quá nhiều bệnh viện công mà hai, ba người bệnh nằm một giường, giường bệnh thì đặt choáng ra cả hành lang, là bộ máy y tế có vấn đề y đức trầm trọng. Việt Nam hiện nay có khá nhiều người từng tiếp xúc, biết bệnh viện ở các nước chung quanh. Những người này có cảm nhận bệnh viện Việt Nam quá nhếch nhác không?

Có mấy phần trăm số bệnh viện mà việc xây dựng công trình y tế, mua sắm thiết bị y tế, dụng cụ y tế, mua thuốc men cùng các chi tiêu y tế khác được xã hội cảm nhận là trung thực?  

Song song đó, các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế nói chung, có được đãi ngộ xứng đáng với lương tâm chức nghiệp và công sức của họ?

Bạo hành y tế có là mối lo cho tương lai của các sinh viên trường y không?

Còn biết bao nhiêu việc đau lòng… vì thiếu Y Đức!

3) Rõ ràng, y tế Việt Nam đang rất cần chữ TÂM và chữ ĐỨC.

Việc cậu học sinh cõng bạn đi học ròng rã mười năm trời là một tấm gương xiển dương nhiều đức tính. Lòng Nhân Ái, tính Chung Thủy, tính Chịu Khó… Tất cả những đức tính đó có cần thiết cho ngành Y không?

Cậu học sinh cõng bạn đó, khi thi tuyển vào Trường đại học Y Hà Nội, đạt được số điểm 28,1. Cậu chỉ thiếu có 0,25 điểm để được đậu. 0,25 trên 28,1, nghĩa là 0,89%!

Trường đại học Y Hà Nội không thể lấy đậu cậu thí sinh quá đặc biệt này sao? Những Đức Tính cậu đang bền bỉ chứng tỏ cho xã hội không thể lớn hơn con số dưới 1% điểm số sao?

Có người nói tấm lòng tốt của cậu cần được tưởng thưởng. Đúng, nhưng chưa đủ, vì chấm đậu cho cậu không chỉ là một sự tưởng thưởng hay ban ơn, mà quan trọng hơn bởi vì xã hội đang cần những con người với các Đức Tính đó.

Nếu không xúc động vì tấm gương sáng ngời đức tính đó thì người ta xúc động vì cái gì? Vì các vị giám đốc ra trước vành móng ngựa với tội bán thuốc giả? Vì các vị anh hùng giám đốc bệnh viện lớn nhất nước bị lôi ra tòa vì tôi nâng khống thiết bị y tế một cách quá tàn nhẫn? Vì các y bác sĩ làm khống hàng loạt kết quả xét nghiệm?...

Có người lại nói nếu tuyển cậu vào thì không công bằng vì cậu thiếu điểm. Chao ôi, chữ công bằng thật đắc địa! Có công bằng hơn chăng vụ án gian lận điểm thi hàng loạt và trên nhiều tỉnh phía bắc? Có công bằng hơn chăng những điểm cộng thêm vì thành phần gia đình, vùng miền mà số điểm cộng thêm là vài chục phần trăm tổng số điểm?

Vả lại, như đã nêu trên, bài viết này cho rằng Đạo Đức của cậu thí sinh kia là quá đủ để bù vào 0,89% số điểm cậu thiếu. Đạo Đức là một thành phần quan trọng tạo nên giá trị một con người. Cho nên, việc cậu có một chỗ ngồi trong Trường đại học Y Hà Nội là rất công bằng. Sự công bằng của một xã hội biết rằng những giá trị đạo đức nhân bản là cần thiết. Rất cần thiết! 

08/10/2020

Lê Học Lãnh Vân

https://1thegioi.vn/tinh-dao-duc-nhan-ban-cua-su-cong-bang-40647.html