Diễm Thi, RFA
2020-10-07
Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang - Photo: facebook Pham Doan Trang |
Đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ thường niên lần thứ 24 được tổ chức qua mạng vào ngày 6 tháng 10 năm 2020, kéo dài ba giờ đồng hồ. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cuộc đối thoại đề cập đến nhiều vấn đề nhân quyền, bao gồm hợp tác song phương về pháp quyền, tự do ngôn luận và hội họp, tự do tôn giáo và quyền của người lao động. Phía Hoa Kỳ nhấn mạnh việc thúc đẩy nhân quyền và các quyền tự do căn bản vẫn là cốt lõi quan trọng trong chính sách ngoại giao của Mỹ.
Chỉ vài giờ sau khi cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ kết thúc, vào lúc khoảng 23:30 phút đêm 6 tháng 10 năm 2020, Cơ quan An ninh và tổ công tác thuộc Bộ Công an đã vào thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang và di lý ra Hà Nội vào hôm sau.
Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang đồng thời là một nhà hoạt động nhân quyền. Cô đã viết nhiều cuốn sách về nhân quyền, chính trị được xuất bản ở nước ngoài. Cô cũng nhận được nhiều giải thưởng về nhân quyền như giải Tự do Báo chí 2019 của tổ chức Phóng viên Không Biên Giới, giải Homo Homini 2017 từ tổ chức People In Need.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam sáng 7 tháng 10 năm 2020 cho biết, Phạm Đoan Trang bị khởi tố với cáo buộc ‘tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam’ theo điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999; và cáo buộc ‘làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam’ theo điều 117 Bộ luật Hình sự VN năm 2015.
Vì sao Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bị bắt giữ ngay sau đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ như vậy?
Theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì đây là trò mà an ninh Việt Nam thường xuyên làm. Họ không bắt sớm hơn vì như thế phía Việt Nam sẽ ‘khó ăn nói’ khi trong những cuộc đối thoại nhân quyền, những vấn đề vi phạm nhân quyền, vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm chính hiến pháp Việt Nam sẽ được phía Mỹ nêu ra. Họ cũng không bắt trễ hơn vì 12 tháng tới đủ dài cho sự việc mờ nhạt đi trước khi vòng đối thoại nhân quyền 25 diễn ra.
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt giữ Đoan Trang chỉ mấy tiếng sau đối thoại nhân quyền Việt Mỹ diễn ra chứng tỏ chính quyền Hoa Kỳ không có ảnh hưởng lên Hà Nội về nhân quyền. - Ông Vũ Quốc Ngữ
Ông Nguyễn Quang A nói thêm, bốn năm qua, từ khi ông Nguyễn Phú Trọng tái cử và có thêm quyền lực thì tình hình nhân quyền ở Việt Nam tồi tệ một cách rõ rệt. Ông giải thích:
“Ở đây có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng nhân quyền của Việt Nam tệ đi trong mấy năm qua. Thứ nhất là bản thân người dân ý thức rõ hơn về vấn đề nhân quyền. Nhiều người đấu tranh cho nhân quyền hơn. Hay nói cách khác là phong trào đấu tranh dân sự cho nhân quyền và dân chủ nó mạnh lên. Khi phong trào này mạnh lên thì chính quyền sợ và họ thẳng tay đàn áp. Tôi cho đây là nguyên nhân chính.
Nguyên nhân thứ hai là sau đại hội 12 của đảng cộng sản Việt Nam bốn năm trước, những người theo đường lối cứng rắn bảo thủ lên nắm quyền. Họ còn có thêm nhiều bạn hữu khác mới xuất hiện. Đấy là những nhà dân túy khác từ châu Âu cho đến cả nước Mỹ. Và những nhà dân túy này cũng không coi trọng nhân quyền lắm.
Tức họ thấy có nhiều bạn bè hơn nhưng tiếng nói phản đối có vẻ ít đi thì họ dễ vi phạm nhân quyền hơn.”
Ông Vũ Quốc Ngữ, giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) nêu nhận xét của mình:
“Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt giữ Đoan Trang chỉ mấy tiếng sau đối thoại nhân quyền Việt Mỹ diễn ra chứng tỏ chính quyền Hoa Kỳ không có ảnh hưởng lên Hà Nội về nhân quyền.
Trong bốn năm qua, tình hình nhân quyền Việt Nam ngày càng đi xuống một cách rất nghiêm trọng. Số lượng những người hoạt động bị bắt tăng lên rất nhiều. Bản án họ phải nhận cũng rất nặng nề. Nếu so với khoảng 15 năm trước, bản án cho cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước chỉ khoảng ba, bốn năm. Bây giờ lên đến tám, chín, thậm chí 11 năm. Tôi nghĩ việc này có phần nào đó làm chùn bước nhưng về lâu dài thì những bản án nặng nề không là yếu tố ngăn cản sự đấu tranh của người Việt.”
Quốc tế phản ứng
Ngay sau khi tin tức về Phạm Đoan Trang bị bắt được công an Hà Nội xác nhận và truyền thông Nhà nước Việt Nam loan đi vào sáng 7 tháng 10 năm 2020, các tổ chức nhân quyền lên án mạnh mẽ việc bắt giữ này.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (Human Rights Watch) ra thông cáo lên án vụ bắt giữ này và gọi đây là việc "gây ô nhục cho chính phủ”. Ông Phil Robertson - Phó Giám đốc phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi các chính phủ trên khắp thế giới và Liên Hợp Quốc ưu tiên yêu cầu chính phủ Hà Nội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Phạm Đoan Trang.
Cùng ngày, Tổ chức Ân Xá Quốc tế (Amnesty International) cũng ra thông cáo lên án việc bắt giữ cô Phạm Đoan Trang. Thông cáo mô tả Đoan Trang là một khuôn mặt hàng đầu trong công cuộc đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam. Bản thân cô đã truyền cảm hứng cho nhiều nhà hoạt động trẻ khác để lên tiếng cho một đất nước Việt Nam công bằng, trọn vẹn và tự do hơn. Tổ chức này kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Phạm Đoan Trang.
Vào những lần đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ thì phía Việt Nam, cụ thể là Bộ Ngoại Giao, lại tự nhận là có tiến bộ về nhân quyền và giải thích là hoàn cảnh Việt Nam có sự khác biệt với các nước, nhưng luôn khẳng định Việt Nam không có tù nhân lương tâm, không có tù nhân chính trị.
Thể chế cộng sản luôn dối trá, tàn bạo với chính họ thì đối con dân họ cũng chẳng coi ra gì. Hình ảnh nhân quyền Việt Nam chỉ là những lời nói suông mà không thấy được sự thật. - Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình
Cựu Tù nhân lương tâm - Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, người từng bị án 6 năm tù giam và 3 năm quản chế theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam khẳng định Việt Nam không hề có nhân quyền:
“Sẽ không có nhân quyền cho Việt Nam nếu các nước dân chủ đặt lên bàn cân nhân quyền đối với cộng sản Việt Nam cho người dân. Thể chế cộng sản luôn dối trá, tàn bạo với chính họ thì đối con dân họ cũng chẳng coi ra gì. Hình ảnh nhân quyền Việt Nam chỉ là những lời nói suông mà không thấy được sự thật. Qua biến cố Đồng Tâm chúng ta thấy rõ không có nhân quyền. Tôi lập lại, Việt Nam cho tới ngày hôm nay không có nhân quyền!”
Trong một lần trao đổi với RFA về vấn đề nhân quyền, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói rằng, Việt Nam ký Công ước về nhân quyền và Tuyên bố phổ quát về nhân quyền năm 1948 vào năm 2007. Chuyện vận động để Việt Nam ký hai văn bản này có ý nghĩa rất lớn vì lúc đó Việt Nam hiểu nhân quyền theo tiêu chuẩn chung của thế giới, là dựa trên nền tảng về phẩm giá con người. Thế nhưng từ đó tới nay là mười mấy năm rồi mà theo đánh giá của quốc tế, trong đó có cả Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc, thì Việt Nam chưa có tiến bộ về nhân quyền.
Theo thống kê của Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, cho đến cuối tháng 9, con số tù nhân lương tâm bị giam giữ ở Việt Nam là 258 người. Đây là con số thống kê chưa đầy đủ bởi có rất nhiều trường hợp người theo đạo Tin Lành ở Tây nguyên đấu tranh về quyền tự do tôn giáo mà bị bắt không được công bố.
Riêng trong năm 2020 đã có 54 người bị bắt và kết án. Trong đó có 25 nhà hoạt động và 29 người dân Đồng Tâm.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/arrest-people-right-after-human-rights-dialogue-why-dt-10072020132746.html