Lê Minh Nguyên
Báo Cáo Nhân Quyền của Mỹ, được Ngoại trưởng Antony Blinken công bố hôm 30/3 về tình hình nhân quyền của gần 200 nước trên thế giới, nhấn mạnh tình hình sa sút về nhân quyền trên toàn cầu, chỉ ra việc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, người Hồng Kông..., Nga nhắm vào các nhà bất đồng chính kiến như Alexei Navalny..., Việt Nam độc tài dưới sự cai trị duy nhất của Đảng Cộng sản, người dân không có khả năng thay đổi chính phủ một cách ôn hoà thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Phần VN dài khoảng 50 trang cho biết người dân VN không có tự do để bầu chọn ra chính phủ mà họ mong muốn cũng như bị hạn chế tham gia chính trị, và nhiều vấn đề nhân quyền nghiêm trọng khác – từ việc “sát hại phi pháp bởi chính phủ” cho đến thiếu tự do ngôn luận và hội họp.
Dân VN không có quyền tự do ngôn luận và ý chí của người dân không được tôn trọng, trong khi chính quyền CSVN đã nhận hàng trăm triệu đô la viện trợ từ Hoa Kỳ.
Các quy định của hiến pháp và pháp luật của chế độ đã “thiết lập sự độc quyền về quyền lực chính trị cho Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng giám sát tất cả các cuộc bầu cử.
Việc ông Nguyễn Phú Trọng được bầu chọn làm tổng bí thư nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp dù quá giới hạn tuổi và quá 2 nhiệm kỳ cho phép, lại được truyền thông của chế độ ca ngợi là đã “thể hiện ý Đảng lòng dân” trong khi rõ ràng là không có “lòng dân “.
Có hơn 160 người tự ứng cử đại biểu quốc hội năm 2016, nay đã giảm xuống hơn phân nửa, còn 76 người trong năm nay. Đã thế, họ còn bị bắt và bị truy tố như ngày 10/3, chính quyền Ninh Bình bắt giam ông Trần Quốc Khánh sau khi ông bày tỏ ý định ra tranh cử với tư cách ứng viên độc lập, và Lê Trọng Hùng, thành viên của nhóm truyền thông mạng xã hội Chấn Hùng TV, bị chính quyền Hà Nội bắt giam ngày 27/3 sau khi nộp đơn xin làm ứng cử viên độc lập.
Trong số các vấn đề nhân quyền “đáng lưu ý” khác của VN, vụ án Đồng Tâm được nhắc đến nhiều, từ xét xử cho đến tự do ngôn luận. Đây là ví dụ mà báo cáo chứng minh cho nhận định về “sự sát hại phi pháp và tuỳ tiện bởi chính phủ” VN.
Trong báo cáo, Mỹ nhắc lại nhận định của Uỷ ban Chống Tra tấn và Uỷ ban Nhân quyền LHQ về tình trạng bao che ở mức độ nghiêm trọng trong nội bộ lực lượng công an, an ninh CSVN.
Báo cáo nêu lên quan ngại của Mỹ về tình trạng cơ quan tư pháp VN hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Đảng thông qua Bộ Công an, và cho rằng những phiên toà mang tính chính trị, như vụ xử Đồng Tâm các luật sư bị ngăn cản tiếp xúc và trao đổi với thân chủ, cùng vấn nạn cướp đất bằng bạo lực mà không có bồi thường thoả đáng.
Theo nhận định của các tổ chức nhân quyền quốc tế, CSVN kiểm duyệt chặt chẽ các phương tiện truyền thông, không chấp nhận bị chỉ trích, tăng cường đàn áp người bất đồng chính kiến, số lượng tù nhân chính trị đã gia tăng kỷ lục trong những năm gần đây, với những án tù nặng nề hơn và các nhà hoạt động bị quấy rối nhiều hơn.
Trong thông báo về báo cáo này, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội khẳng định rằng “cam kết đối với những quyền không thể bị tước bỏ là nền tảng cho chính sách đối ngoại của chúng tôi.”
CSVN sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội khóa 15, diễn ra vào ngày 23/5.
Sự ứng xử về nhân quyền của CSVN sẽ định hình mối bang giao Mỹ-Việt trong những vấn đề khác, từ thương mại cho đến an ninh biển đảo.