Xuân Dương : "Lực lượng lãnh đạo trở nên vững mạnh không phải nhờ vào số lượng nhiều hay ít thành viên mà vào uy tín của từng thành viên với cộng đồng.
Ngày xưa, dân tự nguyện che giấu, nuôi dưỡng cán bộ, nhiều trường hợp hy sinh tính mạng bảo vệ cán bộ, ngày nay dân buộc phải “lót tay”, “bôi trơn” một số cán bộ để được việc, vậy thì có thể hy vọng họ sẽ vẫn hy sinh tính mạng bảo vệ cán bộ? "
Nghe nói khắp Thiên đình chỉ có duy nhất một chiếc lò, đó là Lò Bát quái của Thái thượng Lão quân.
Lão quân dùng lò để luyện linh đan nhưng cũng dùng nó để trừng trị bọn ngỗ nghịch.
Con khỉ đá Tôn Ngộ Không khinh nhờn các bậc trưởng thượng, đại náo thiên cung, bị bắt cho vào Lò Bát quái, cứ tưởng thế là sẽ thiêu chết được nó, không ngờ nó lại tìm được cung Tốn, đây là cung gió, giống như cửa hút gió vào lò nên có người gọi là “cửa Tốn”, thế là khỉ đá chỉ bị khói quyện theo gió làm cho vàng mắt chứ không bị thiêu cháy thành tro bụi.
Tác giả Tây Du Ký thực là giỏi, đừng tưởng cứ cho vào lò của Lão quân là tất sẽ bị cháy.
Trông người mà nghĩ đến ta, vẫn có một bộ phận cá nhân làm bậy, hay chúng hy vọng củi nhiều mà “cửa Tốn” lại nhỏ nên lò sẽ bớt nóng?
Chuyện hơi cũ là đường ống dẫn nước sạch Sông Đà riêng năm 2020 vỡ 04 lần, đến nay vỡ hơn 20 lần và hình như chẳng ai hơi đâu mà đòi xử lý hình sự;
Chuyện hơi cũ, kéo dài chừng chục năm nay là chưa biết khi nào đoạn “đường sắt thế kỷ” Cát Linh – Hà Đông chính thức vận hành chở khách,…
Chuyện mới thì nhiều nên chỉ liệt kê vài vụ:
Công an tỉnh Đồng Nai thông báo đã bắt tạm giam nghi can Ngô Văn Thụy, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan để điều tra về tội nhận hối lộ;
Lãnh đạo bệnh viện tâm thần trung ương số 1 “không biết” tội phạm được cấp căn phòng làm cơ sở buôn bán ma túy ngay trong khuôn viên bệnh viện;
Hai “cán bộ thuộc diện quản lý của Thường vụ Thành ủy Đà Lạt” bị đình chỉ công tác 15 ngày vì cùng sử dụng ma túy trong một căn hộ;
Huyện ủy huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai phát hiện 9 cán bộ cấp xã dùng bằng trung học phổ thông “rởm”;…
Có rất nhiều quy định, quy trình và văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác cán bộ, chẳng hạn Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”.
Với cá nhân lãnh đạo, Quy định 205-QĐ/TW ghi rất rõ:
“Chịu trách nhiệm cá nhân trong việc đề xuất nhân sự và trong việc nhận xét, đánh giá, xác nhận hồ sơ, lý lịch, các giấy tờ có liên quan của nhân sự thuộc thẩm quyền phụ trách.
Với tư cách là thành viên, chịu trách nhiệm liên đới đối với từng quyết định không đúng về công tác cán bộ của tập thể lãnh đạo, trừ trường hợp đã có ý kiến không đồng ý trong quá trình thực hiện quy trình công tác cán bộ và báo cáo cấp có thẩm quyền bằng văn bản (hoặc ý kiến đã được ghi nhận trong biên bản cuộc họp)”.
Quy định là như thế nhưng khi Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh buộc phải miễn nhiệm chức vụ Bí thư Thành ủy thành phố Bắc Ninh với Bí thư Nguyễn Nhân Chinh chỉ sau 13 ngày bổ nhiệm thì hình như chẳng thấy ai phải chịu trách nhiệm và vị Bí thư này ít lâu sau đã ung dung làm Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh.
Có ý kiến cho rằng “Để nâng cao trách nhiệm trong giới thiệu nhân sự thì phải giới thiệu nhân sự bằng văn bản có chữ ký đầy đủ. Ví dụ như một đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khi giới thiệu nhân sự lại đưa ra Ban Thường vụ; sau đó Ban Thường vụ nhất trí hết.
Khi người được đề cử sai phạm, đồng chí Bí thư đó lại đổ lỗi rằng đây là ý kiến của tập thể và như thế là hòa cả làng. Vì thế, người đề xuất đầu tiên phải giới thiệu bằng văn bản, chịu trách nhiệm người mình giới thiệu”. [1]
Đề xuất trên có vẻ hợp lý chỉ khi chiến dịch đốt lò chuyển sang dùng lò điện.
(Ảnh cắt trong phim Tây du ký đăng trên Nguoiduatin.vn) |
Còn với “lò đốt củi” bình thường thì lẽ nào không cần “cửa Tốn” để hút gió? Và nếu gió đã tìm được “cửa Tốn” thì dùng giấy (văn bản) liệu có bịt nổi?
Có câu “Nước lấy dân làm gốc”, vậy nên lực lượng nắm quyền lãnh đạo quốc gia ngoài chuyện dựa vào dân còn phải lấy tổ chức cơ sở của chính mình làm gốc.
Vậy cái “gốc” ấy hiện ra sao?
Báo điên tử Dangcongsan.vn trong bài “Tham nhũng vặt: Hậu quả không hề “vặt” ” nêu nhận định:
“Ở nước ta hiện nay, công cuộc phòng chống tham nhũng đang ngày càng quyết liệt và đã thu được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.
Nhiều vụ việc được đưa ra ánh sáng liên quan đến nhiều quan chức các cấp, trong đó có cả đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị làm tăng niềm tin của nhân dân ta với Đảng …
Tuy nhiên, nhân dân hài lòng với công cuộc “đốt lò” phòng chống tham nhũng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bao nhiêu thì chưa hài lòng với tình trạng “tham nhũng vặt” bấy nhiêu”. [2]
Có thể thấy tình trạng “tham nhũng vặt trong xã hội” chủ yếu do đội ngũ cán bộ cơ sở chứ không mấy khi do những người có địa vị cao gây ra.
“Tham nhũng vặt” xuất hiện ở nhiều nơi, trong nhiều cơ quan, tổ chức và ở những vị trí khác nhau liên quan trực tiếp đến đội ngũ cán bộ công quyền tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân. Sự nhũng nhiễu của một số cán bộ, nhân viên tại cơ quan công quyền tạo ra một thói quen rất xấu khi đến “cửa quan” là phải “lót tay”, phải “bôi trơn”. [2]
Vậy là nơi xảy ra tham nhũng vặt thường là cơ quan công quyền;
Hình thức tham nhũng vặt thường là “lót tay”, “bôi trơn”;
Đội ngũ “ăn vặt” thường là một số “cán bộ công quyền” được giao giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến quản lý trật tự giao thông đô thị, y tế, giáo dục, hải quan, thuế, tuyển dụng, đề bạt, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ công chức,...
Năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Đi làm gì cũng phải phong bao phong bì, lót tay, gợi ý. Tham nhũng vặt như ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu chứ không phải chỉ có tham nhũng lớn”.
Số liệu thống kê từ Bộ Nội vụ cho thấy trong số 295.536 công chức, số lượng Đảng viên là 191.980 người, chiếm khoảng 2/3 tổng số công chức toàn quốc. [3]
Từ các trích dẫn nêu trên, liệu có thể cho rằng khu vực cơ sở đang là khâu yếu nhất của hệ thống?
Nói cách khác, chúng ta nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu nhưng liệu đã đánh giá hết tầm quan trọng của “cái gốc”, tức là các thành viên tổ chức cơ sở.
Lực lượng lãnh đạo trở nên vững mạnh không phải nhờ vào số lượng nhiều hay ít thành viên mà vào uy tín của từng thành viên với cộng đồng.
Ngày xưa, dân tự nguyện che giấu, nuôi dưỡng cán bộ, nhiều trường hợp hy sinh tính mạng bảo vệ cán bộ, ngày nay dân buộc phải “lót tay”, “bôi trơn” một số cán bộ để được việc, vậy thì có thể hy vọng họ sẽ vẫn hy sinh tính mạng bảo vệ cán bộ?
Muốn hết “ghẻ ruồi” thì phải dẹp bỏ vấn nạn “Bốn cờ, năm ệ”, dẹp bỏ chuyện lợi dụng giới thiệu, đề cử mà thực hiện các cuộc thi tuyển công bằng, minh bạch.
Tiếc rằng chủ trương thí điểm thi tuyển cán bộ (cấp sở và tương đương) đến nay vẫn còn thí điểm và chưa biết bao giờ mới chính thức đưa vào hệ thống.
Và chiến thuật của con khỉ đá Mỹ Hầu Vương “Hãy tìm cửa Tốn” trong chiếc Lò Bát quái của Thái Thượng Lão quân có phải vẫn nguyên giá trị?
Tài liệu tham khảo:
[1]http://cand.com.vn/Van-de-hom-nay-thoi-su/Rang-buoc-chat-che-trach-nhiem-cua-nguoi-de-cu-tien-cu-can-bo-594488/
[2] https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/tham-nhung-vat-hau-qua-khong-he-vat-524426.html
[3] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/cong-chuc-ngay-cang-co-hoc-720844.html
05/04/2021
Xuân Dương