20 avril 2021

Không phải chỉ có tôi ngu !

Thiện Tùng

19/04/2021

 

Năm 2008, sau khi thay xương chậu chân trái bị gãy vì tai nạn giao thông, tôi di chuyển khó.  Đêm vắng canh buồn, thay vì viết hồi ký mà mình không có ý định, tôi viết tùy bút “CHẠY rồi in 20 bản gởi cho các bạn tâm giao – có cả đương chức và nghỉ hưu với dụng ý tham khảo. Không ngờ, tùy bút nói thẳng nói thật nầy rơi vào  vùng “nhạy cảm”, nhà cầm quyền sở tại cho Công an tìm thu hồi nó mà không bàn bạc gì với tôi. 


 Đầu năm 2011, giáo sư Trần Hữu Dũng  từ Mỹ điện cho tôi, xưng là đệ (em) và hỏi tôi 2 việc: Một là bà Nguyễn thị Hoài Thu,  đại biểu Quốc hội VN, bạn học xưa của ông  hiện giờ đang ở đâu? Hai là nhà của Ngoại và nhà Ba của ông ở Mỹ Tho hiện nay ai quản lý?. Quá bất ngờ, hỏi qua mới biết GS Trần Hữu Dũng là con trai của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, một bác sĩ tham gia kháng chiến vang danh một thời mà từng nghe qua. 

Khi biết ông Dũng là người thẳng ngay, đầu tháng 5/2011, tôi gởi cho ông tùy bút “CHẠY” với dụng ý tham khảo. Không ngờ ông Dũng cho đăng tùy bút “Chạy” nầy trên trang mạng điện tử Viet Studies của mình. Ông còn đóng khung “quảng cáo” trên đầu bài vắn tắt: “Dưới đây là tùy bút ‘CHẠY’ của Thiện Tùng, hãy đọc đừng bỏ qua”.

Tùy bút “Chạy” không phải tác giả “sám hối”, thật  sự nó như là một cáo trạng đối với chế độ đang cầm quyền. Qua theo dõi, tùy bút “chạy” tuy dài hơn 30 trang khổ giấy A4, nhưng có gần chục trang  mạng Xã hội đăng lại, được nhiều người đọc và bình luận ngắn dưới bài.

Nội dung bài “chạy” không ngoài sự thật, ít nhiều có đụng chạm đến chế độ đang cai trị. Có câu “Ăn cây nào rào cây nấy”, gánh Dư luận viên của chế độ nếu có chửi rủa tác giả đã đành, chỉ hơi buồn, có số ít người  bình luận có nội dung: chê tác giả ngu theo kháng chiến chi để giờ đây “sám hối”.

Nếu nói tác giả “ngu”  theo kháng chiến cũng không sai, nhưng hơi quá, nói ngây thơ là vừa.

Thôi thì ngu hay ngây thơ gì đó cũng được, vì sự thật nó đã là vậy. Có điều cần nói là ngu  hay ngậy thơ đâu phải chỉ riêng Tùng tôi, mà ngu cả đám, bao gồm cả  2 bên chủ chiến ở Nam Việt Nam lúc bấy giờ.

Nhớ lại xem, sau khi Mỹ rút quân khỏi Nam Việt Nam (1973) thì Bắc Việt Nam can thiệp sâu hơn vào cuộc nội chiến ở Nam Việt Nam. Việc “hòa giải, hòa hợp dân tộc”, tuy do Mặt trận Dân tộc đề xuất, nhưng sau nầy mới ngộ ra, đó là kế sách của Bắc Việt Nam. Khi cuộc chiến chấm dứt, 2 bên chủ chiến ở Nam Việt Nam cứ đinh ninh rằng: Việt Nam sẽ là nước thứ hai sau Mỹ trong việc kết thúc cuộc nội chiến Bắc-Nam bằng hòa giải giữa 2 phía êm đẹp. Nào ngờ, sau  khi kết thúc chiến tranh, mọi việc do Bắc Việt Nam định đoạt.

  - “Đám ngu” phía Cách mạng miền Nam: Chính phủ Cách mạng miền Nam, Mặt trận Dân tộc,  Mặt trận Liên Minh… bị xem là hết hạn sử dụng – được xem như  cái chết “tự chọn”. Những nhà trí thức như Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Trịnh Đình Thảo lãnh đạo các tổ chức vang danh một thời nầy bị vô hiệu hóa. Ngay như tướng Trần văn Trà, Trần Bạch Đằng, Huỳnh Minh Siêng, Dương văn Diêu,  Nguyễn thị Bình, Nguyễn thị Định, Búi thị Mè, Dương Huỳnh Hoa… bị vô hiệu hóa, chờ ngày nghỉ hưu. Đặc biệt tướng Trần văn Trà và chính trị gia Trần Bạch Đằng bị loại ngay vòng đầu,  vì quá say sưa về “hòa giải hòa hợp dân tộc”. Trần văn Trà chết về câu nói trước bầu đoàn Dương văn Minh tại dinh Độc lập:“Mỹ thua Mỹ rút quân, còn chúng ta là những người chiến thắng”. Còn Trần Bạch Đằng chết về đề nghị “Thành lập Liên bang VN gồm Bắc-Trung-Nam”.

 

Thượng tướng Trần Văn Trà - Người nổi tiếng . Ảnh minh họa


 - “Đám ngu” phía Việt Nam Cộng hòa: Ngoài cả tin Mỹ để rồi bị Mỹ bỏ rơi; Cả tin về “hòa giải hòa hợp dân tộc” để cuối cùng số thì tìm đường đào tẩu, số thì bị đưa vào đề lao “cải tạo” dài hạn.

Tổng thống Dương văn Minh- Ảnh minh họa

Vậy thì xúm nhau “ngu” chớ đâu phải một mình tôi?. 

Xã hội loài người đang áp dụng 3 môn khoa học:  Khoa học Tư nhiên, khoa học Xã hội, khoa học Kỹ thuật. Khoa học Tự nhiên có chức năng nghiên cứu về sự biến đổi thiên nhiên. Hai môn khoa học Xã hội và khoa học Kỹ thuật phải luôn nhìn về phía trước. Khoa học kỹ thuật phát triển không ngừng từ điện khí hóa, công nghiệp hóa, tin học hóa, Số học hóa thì, Khoa học xã hội cũng vậy, luôn phát triển không ngừng từ  chế độ Nông nô, Nô lệ, Phong kiến và đang Tư bản xen lẫn Cộng sản. Vậy thì chọn một trong hai (TB hay CS) hoặc phủ định tất?. Nếu phủ định tất thì phải có thể chế chính trị ưu việt hơn chúng để lấp vào chỗ tróng – Đó là nhiệm vụ của môn Khoa học Xã hội? .

Nói đi rồi cũng phải nói lại: Theo quan điểm “Cách mạng không ngừng”,Cái tiến bộ hôm nay là cái lạc hậu ngày mai. Sám hối chẳng qua là tự thấy sai, tự sửa sai để đổi mới về nhận thức ít nhứt cũng cho bản thân mình, cho thích hợp với trào lưu tiến về phía trước.  

Cách mạng là “thay cũ đỗi mới, cái mới phải tiến bộ hơn cái cũ”. Người ta thường nói “Cái tiến bộ hôm nay lại là cái lạc hậu ngày mai”. Bảo thủ, dẫm chân tại chỗ được xem là phản Cách mạng. Sám hối về việc làm đã qua để mở đường tìm ra cái mới tiến bộ hơn cái hiện có, đó là sự tối cần. Sám hối chưa hẳn là tội, nó là tia sáng   trong bóng tối. Dầu đã muộn, trước khi lìa trần, nhà văn Nguyễn Khải cũng để lại cho đời hồi ký “Đi tìm cái tôi đã mất”“Có hơn không, có chồng hơn ở góa”.

Vậy “sám hối” là người không chịu ngu dai, đã tỏ ra sáng mắt sáng lòng, thuộc hạng người cấp tiến, hơn hẳn những người bảo thủ và an phận?. -/-