Hôm 21/4, Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) ra phúc trình năm 2021 về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam, cho biết chính quyền vẫn liên tục bách hại các nhóm tôn giáo độc lập, vi phạm tự do tôn giáo có hệ thống, và dùng Hội Cờ Đỏ để công kích các chức sắc tôn giáo có quan điểm khác với quan điểm của nhà nước. USCIRF cũng tái đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC).
Mở đầu báo cáo, USCIRF viết: “Trong năm 2020, các điều kiện tự do tôn giáo ở Việt Nam nhìn chung có xu hướng giống như năm 2019.” USCIRF nhận định rằng chính phủ Việt Nam vừa thực thi Luật Tín ngưỡng Tôn giáo nhưng cũng vi phạm tự do tôn giáo một cách có hệ thống, đặc biệt đối với các nhóm tôn giáo độc lập và kể cả đối với các nhóm tôn giáo được nhà nước công nhận.
Liên quan đến nhóm tín hữu Tin lành ở Tây Nguyên, USCIRF cho biết uớc tính có khoảng 10.000 người Hmong và người Montagnard vẫn không có quốc tịch vì chính quyền địa phương đã từ chối cấp sổ hộ khẩu và chứng minh thư cho họ - mà nguyên chính là để trả đũa việc họ không đồng ý từ bỏ đức tin của mình.
Vào tháng 2/2020 chính quyền đã can thiệp việc thu xếp tang lễ của cố Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Thích Quảng Độ; vào tháng 8/2020 các tay côn đồ được nhà nước chỉ đạo đã tấn công các tu sĩ ở Đan viện Thiên An ở xã Thủy Bằng, tỉnh Thừa Thiên Huế, đòi cơ sở tôn giáo này trả đất cho xã, theo phúc trình của USCIRF.
Báo cáo cũng nêu trường hợp tù nhân tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển tuyệt thực yêu cầu được chăm sóc y tế và tù nhân tôn giáo Lê Đình Lượng liên tục bị khước từ việc đọc sách kinh thánh trong trại giam.
Liên quan đến Hội Cờ Đỏ, USCIRF nhận định: “Năm 2020, Hội Cờ đỏ được nhà nước hậu thuẫn cùng với các tổ chức nhà nước làm nhiệm vụ tuyên truyền trực tuyến trên mạng, đã gia tăng việc phân biệt đối xử và không khoan dung chống lại các nhóm tôn giáo độc lập, các linh mục Công giáo, các nhóm Tin lành người Thượng, và các tín đồ Cao Đài độc lập.”
Hội Cờ Đỏ đã hoạt động từ năm 2017 và đã tham gia vào các vụ tấn công bạo lực nhằm vào cộng đồng Công giáo. Mặc dù được cho là đã giải thể vào năm 2018, nhưng hội này đã chuyển sang hoạt động trên mạng ngày càng mạnh hơn.
Báo cáo 2021 của USCIRF
“Hội Cờ Đỏ đã hoạt động từ năm 2017 và đã tham gia vào các vụ tấn công bạo lực nhằm vào cộng đồng Công giáo. Mặc dù được cho là đã giải thể vào năm 2018, nhưng hội này đã chuyển sang hoạt động trên mạng ngày càng mạnh hơn,” USCIRF cho biết thêm.
USCIRF đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC), cùng với các quốc gia khác là Nga, Ấn Độ, Syria. Hiện tại đã có 10 nước nằm trong danh sách CPC, trong đó có Myanmar, Trung Quốc, Triều Tiên.
Từ Kon Tum, mục sư Tin lành Đấng Christ A Đảo, nói với VOA rằng ông đồng tình với phúc trình của USCIRF. Ông cho biết thêm rằng Hội thánh Tin lành Đấng Christ do ông làm quản nhiệm liên tục bị chính quyền sách nhiễu:
“Họ vẫn gây khó khăn do Hội thánh Tin lành Đấng Christ, họ chưa công nhận, chưa cho phép chúng tôi thờ phượng Chúa một cách yên ổn.”
“Hội thánh Tin lành Đấng Christ ở tỉnh Phú Yên bị họ ngăn trở, không cho nhóm thờ phượng, họ ngăn trở niềm tin tôn giáo của người dân.”
USCIRF đề nghị chính phủ Hoa Kỳ khuyến khích Việt Nam chỉnh sửa Luật Tín ngưỡng Tôn giáo và tạo điều kiện tốt hơn cho các nhóm tôn giáo chưa được công nhận; đề nghị ngưng sách nhiễu các nhóm tôn giáo độc lập, đặc biệt là nhóm tôn giáo người Hmong theo đạo Tin lành ở Tây Nguyên.
Ngoài ra, USCIRF còn đề nghị Quốc hội Hoa Kỳ cử các đoàn phụ trách nhân quyền và tự do tôn giáo đến Việt Nam, thăm gặp các tù nhân lương tâm và tôn giáo, điển hình như trường hợp của ông Nguyễn Bắc Truyển, và kêu gọi Việt Nam phóng thích họ.
22/04/2021
Phúc trình USCIRF 2021: Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo có hệ thống (voatiengviet.com)
Úc ngày 21/4 hủy hai thỏa thuận giữa bang Victoria với Trung Quốc liên quan tới Sáng kiến Vành đai-Con đường của Bắc Kinh khiến tòa đại sứ Trung Quốc tại Canberra cảnh báo quan hệ song phương, vốn đã căng thẳng, sẽ xuống dốc.
Theo quy định mới của Úc, Ngoại trưởng Marise Payne có quyền duyệt xét các thỏa thuận mà các tiểu bang hay các trường đại học Úc đạt được với các nước.
Bà Payne loan báo quyết định hủy 4 thỏa thuận, trong đó có 2 thỏa thuận giữa bang Victoria với Trung Quốc, vào năm 2018 và 2019, về hợp tác với Sáng kiến Vành đai-Con đường vốn là dấu ấn của Chủ tịch Tập Cận Bình về thương mại và hạ tầng cơ sở.
“Tôi xem 4 thỏa thuận này không phù hợp với chính sách ngoại giao của Úc hay đối nghịch với các quan hệ ngoại giao của chúng tôi,” bà nói trong một tuyên bố.
Tòa đại sứ Trung Quốc tại Úc lên tiếng “hết sức bất bình và cực lực phản đối” động thái này vào cuối ngày 21/4.
Quan hệ song phương căng thẳng từ năm 2018 khi Úc trở thành nước đầu tiên công khai loại công ty công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc ra khỏi mạng lưới 5G của Úc. Các mối quan hệ tiếp tục tệ đi vào năm ngoái khi Úc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc virus corona bùng phát.
Vào tháng 12 năm ngoái, Quốc hội liên bang Úc ban quyền phủ quyết các thoả thuận của các tiểu bang với nước ngoài giữa những tranh cãi sâu sắc về ngoại giao với Trung Quốc, vốn dẫn tới một loạt các chế tài thương mại lên hàng xuất khẩu của Úc từ rượu vang cho đến than đá.
Một số nước lo ngại là chương trình cho vay trong Sáng kiến Vành đai-Con đường sẽ đưa đến các món nợ không bền vững cho các nước đang phát triển, trong đó có các đảo quốc ở khu vực Thái Bình Dương.
22/04/2021
Úc hủy các thỏa thuận Vành đai-Con đường, Trung Quốc phẫn nộ (voatiengviet.com)