01 avril 2021

Đe dọa bạo lực không sợ bằng đe dọa cấm vận


Thiện Tùng

30/3/2021

 

Nhìn vào diễn cảnh, dường như các cường quốc có sức mạnh quân sự, có sở hữu vũ khí hạt nhân lại là những nước sợ chiến tranh bạo lực hơn ai hết. Chạy đua chiến tranh đã lỗi thời, chạy đua cạnh tranh kinh tế mới là xu thế thời đại. Vũ khí lợi hại nhứt chứa đựng trong 6 chữ: “Cô lập, bao vây, cấm vận” là nỗi kinh hoàng đối với bất kỳ quốc gia nào vi phạm những điều luật quốc tế.


Từ khi nhậm chức, tổng thống Mỹ Joe Biden luôn tỏ rõ lập trường cứng rắn đối với Nga và Trung Quốc (TQ). Có phải chính vì lập trường cứng rắn ấy thúc đẩy cho Nga xích lại gần hơn với TQ,  tạo tiền đề cho cuộc “chiến tranh lạnh” tái diễn thông qua cuộc chạy đua vũ trang mà không phía nào muốn.

Theo Tin tức 24h,  Hôm 25/3/2021,Tổng thống  Mỹ Biden đã tổ chức cuộc họp báo đầu tiên với truyền thông Mỹ sau khi bị chỉ trích đã không chủ trì bất cứ cuộc họp báo trực tiếp nào từ khi nhậm chức vào ngày 20/1/2021.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước báo giới hôm 25/3/2021

Sau hơn 2 tháng nhậm chức, trong cuộc họp báo nầy, ông Biden “gieo thêm lời bão gió” với TQ và Nga:

 

 1/ Với Trung Quốc

 

Ông Biden kể lại 3 việc mà ông đã từng nói thẳng với ông Tập Cận Bình:

 

-  “Mỹ sẽ hạn chế đầu tư ra bên ngoài, ưu tiên đầu tư vào người lao động và vào nền khoa học Mỹ; 

 

-  “Mỹ sẽ nói chuyện với  27 người đứng đầu nhà nước để củng cố lại khối Đồng minh. Đó không phải là bài Hoa mà để đối phó với sự lộng hành của TQ;

 

-  “Không một  lãnh đạo nào có thể duy trì được địa vị của mình nếu họ không đại diện cho các giá trị của quốc gia họ. Nước Mỹ tôn trọng nhân quyền. Và chừng nào mà ông (Bình) và quốc gia của ông còn tiếp tục xâm phạm nhân quyền trắng trợn, chừng đó chúng tôi sẽ còn bền bỉ kêu gọi toàn thế giới quan tâm chống lại sự bất công, bất lương ấy”.

Đại sứ Trung Quốc tại Pháp

 

Từ phát biểu của ông Biden tại cuộc họp báo, lửa giận bốc lên, đại sứ TQ đến BNG Pháp nói nặc "mùi thuốc súng” : Chính sách về Trung Quốc của ông Biden  sẽ bị bóp chết ngay từ trong trứng nước"?.

 

2/ Với Nga

 

Theo Reuters, ông Biden nói: “Chúng tôi có nhiều biện pháp trừng phạt Nga đang trong “kho vũ khí” Mỹ:

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: ”Hiện chưa cần liên minh quân sự Nga-Trung. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, điều này có thể xảy ra". (AP)

Ông Biden nói 4 trong số những biện pháp trừng phạt Nga đang trong kho vũ khí” Mỹ:

 

 -  “Sắc lệnh Hành pháp 13848, theo đó chính phủ Mỹ có thể đóng băng tài sản ở Mỹ của bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài nào bị phát hiện là đã can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp vào một cuộc bầu cử của Mỹ;

 

-  “Các Sắc lệnh Hành pháp 13757 13694, cho phép Washington đóng băng tài sản của những người Nga tham gia vào các hoạt động “được kích hoạt trên mạng” từ nước ngoài đe dọa đến an ninh quốc gia,  đến chính sách đối ngoại,  đến sức khỏe kinh tế hoặc sự ổn định tài chính của Mỹ;

 

- “Sắc lệnh Hành pháp 13818, thực hiện Đạo luật Trách nhiệm Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act) và cho phép Washington đóng băng tài sản ở Mỹ và cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với những người nước ngoài vi phạm nhân quyền hoặc tham nhũng;

 

-  “Đạo luật kiểm soát Vũ khí Sinh học,  Hóa học và Xóa bỏ Chiến tranh năm 1991, cho phép tổng thống cấm các ngân hàng Mỹ cho vay đối với một quốc gia đã sử dụng vũ khí hóa học”.

..v.v… 

 

*

 

 Lịch sử cũng ghi nhận, từ lâu Nga và TQ tuy “đồng sàng” nhưng  “dị mộng”. Quan hệ Trung- Xô trước kia hay Trung-Nga sau nầy, cả đôi bên luôn cảnh giác nhau và  luôn phật  lòng nhau,  vì ai cũng muốn làm anh cả của phe và ai cũng muốn xí phần vùng Viễn Đông mà Nga đang sở hữu.  Đôi khi cãi nhau bằng miệng chưa đủ, họ cãi nhau bằng phương tiện, chẳng hạn như, vào tháng 3/1969, hai bên chạm súng với nhau ở biên giới hai nước, phía Liên Xô thiệt mạng 59 người, phía Trung Quốc thiệt mạng từ 200 đến 800 người (theo Bách khoa toàn thư mở - Wikipedia). Sự đắn đo liên minh hay không liên minh của Putin đã nói lên phần nào điều đó. Nếu vì sức ép của đối phương, buộc họ phải liên minh với TQ để tồn tại . Dầu đó  là sự liên minh “ma quỷ”, nhưng lại là mầm móng của chiến tranh quy ước hay chiến tranh thế giới.

 

Năm 1972,  Mỹ đi đêm với TQ cốt để kéo TQ về phía đồng minh Phương Tây, cô lập Liên Xô (Liêng ban Xô viết). Tuy Mỹ phạm phải sai lầm “dưỡng hổ di họa”,  nhưng cũng phải thừa nhận, khi tách được Trung-Xô ra,  Liên Xô yếu đi, dẫn đến “tan đàn rã nghé” vào đầu thập niên 90; vô hiệu hóa chủ thuyết Cộng sản nơi sản sinh ra nó.  

 

Nên mềm hơn với Nga, cứng hơn với Trung Quốc, vì lẽ:

 

 Khi Thế chiến lần thứ Hai nổ ra, cuộc chiến ý thức hệ Tư bản và Cộng sản tạm thời gác lại, cùng nhau hình thành Đồng Minh chống trục phát xít Đức, Nhựt, Ý (Italia). Khi dẹp xong trục phát xít, cuộc chiến ý thức hệ giữa 2 phe Tư bản và Cộng sản lại tái hiện ngày một căng thẳng hơn. Để phòng vệ, hết chiến tranh nóng đến lạnh, 2 phe chạy đua vũ trang mòn hơi mỏn sức, tiêu tốn biết bao tiền của: cho những cuộc chiến tranh cục bộ như ở Triều Tiên hay Việt Nam chẳng hạn; cho việc tăng quân số, cải tiến vũ khí, phương tiện chiến tranh; cho thiết lập căn cứ quân sự khắp nơi; cho sản xuất vũ khí hạt nhân..v.v…

 

Trách người cũng phải nghĩ tới mình, riêng ở Châu Âu, khi Liêng bang Xô viết (Liên xô) chưa sụp đổ, Mỹ và các nước Tây Âu thành lập khối Bắc Đại Tây Dương (Nato), Liên Xô (gồm các nước CS Đông Âu) thành lập khối quân sự Vacsava  để  phòng thủ, đối phó với Nato. Khi Liên Xô tan rã, các nước trong liêng bang Xô Viết trở về vị trí độc lập của mình thì khối Vacsava cũng giải tán. Thế mà khối Nato vẫn cứ tồn tại cho đến ngày nay. Phải chăng, đó là lý do khiến nước Nga, tuy không còn là Cộng sản, luôn tăng cường sức mạnh quân sự để đủ sức đi phó với Nato khi có biến – đó là hơi nóng còn đọng lại ở Châu Âu?. Câu hỏi đặt ra: Tại sao các nước Phương Tây không chủ động “hòa giải” với Nga ngừng chạy đua vũ trang để đôi bên cùng có lợi, tập trung sức đối phó với sự ngông cuồng của Trung Quốc và Bắc Hàn(1) ở Châu Á?.

 

Nước Nga, một dải đất rộng mênh mông, chiếm 1/6 diện tích thế giới; dân số cả liên bang Nga chỉ có 145,8 triệu dân (tính đến 2020 –theo Wikipedia); nền kinh tế đứng hàng thứ 11 thế giới. Dân tộc Nga, một dân tộc bất hạnh, chịu nhiều đau thương: 

 

-  Khi làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Staline thay đổi đường lối kinh tế mới  (thị trường) của Lénine bằng đường lối kinh tế chỉ huy tối đa, từ năm 1937-1941, Staline giết chết 11 triệu người bất đồng chính kiến với  đường lối kinh tế của ông. ( số liệu nầy do Tổng Bí thư Đảng CS Liên Xô Gorbachov cho thống kê và công khai tố cáo Staline đã tắm máu).  

 

- Trong thế chiến thứ 2, người Nga bị giết 27 triệu người - phân nửa là quân, phân nửa là dân; và 3 triệu binh sĩ Nga bị phát xít Đức bắt  (Theo phương Tây tổng hợp, đăng trên báo Liên Xô phát hành vào Sài Gòn năm 1975).

 

Tôi vốn không thích vẻ mặt ghì ghì, vừa độc tài, vừa thâm hiểm của Tập Cận Bình và Putin…. Nhưng tôi đánh giá: Tập Cận Bình có tham vọng bành trướng bá quyền thế giới, còn Putin chỉ  nỗ lực phòng thủ để cho nước Nga được vẹn toàn.

 

Như đã nói,  nước Nga, một liên bang rộng lớn, có lịch sử đau thương như vậy, từ giới lãnh đạo cho đến người dân Nga, chắc chẳng mấy ai mong  muốn mở mang thêm bờ cõi và cũng chẳng ai muốn tiếp tục khổ đau. Họ  tự giải  tán Liên bang Xô Viết, tự từ bỏ chủ  thuyết Cộng sản để “ta về ta tắm ao ta (về lại nước Nga, với văn hóa Nga), có nghĩa là họ đả có ý từ bỏ “bành trướng. Họ không chiếm đất nước Ukraine mà chỉ chiếm lại cảng Crimea vốn thuộc Liên Xô cũ chắc cũng cốt để phòng thủ. Vì vậy, việc Phương Tây thương thuyết với Nga không chạy đua vũ trang nữa có tính khả thi?. Khi Nga thấy mình đã an toàn thì mắc mớ gì phải liên minh với Trung Quốc – “kẻ sớm đầu tối đánh”?

 

 **

 

Dư luận nghi ngờ cũng có lý:  Bắc Hàn không đủ trình độ và khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân. Sở dĩ họ làm được những gì như họ đã làm, đó chẳng qua là có  Trung QuốcIran đứng sau, đở đầu - chẳng những cung cấp vốn liếng, chuyên  gia kỹ thuật sản xuất vũ khí hạt nhân mà còn bao cấp cho dân Bắc Hàn khỏi chết đói. Vì vậy, dầu sản xuất vũ khí hạt nhân trên đất Bắc Hàn, nhưng Kim Jong Un không thể tự quyền xuống thang hạt nhân, rơi vào cảnh “cùi không sợ lở”.

 

Nếu không phải chạy đua vũ trang với Nga ở Châu Âu, không để Nga buộc phải liên minh với Trung Quốc thì chiến tranh khó có thể xảy ra, việc kềm chế hay trừng phạt tham vọng bành trướng bá quyền của Trung quốc và Bắc Hàn ở Châu Á không mấy khó. Với bùa trừ: 

 

 -  Đặt nhiều điểm tên lửa hạt nhân hướng về lãnh thổ hai nước TQ và Bắc Hàn,   sẵn sàng ấn nút khi họ “tra giáo tiên”.

 

-  Cảnh báo và thúc giục cho nhân dân 2 nước nầy “dội nước lạnh” lên đầu của giới cầm quyền của mình cho nguội lại, bằng không họ phải gánh chịu hậu quả khi lãnh đạo họ ngông cuồng.

 

Vì sự sống của mình, người dân 2 nước nầy ắt sẽ phải có biện pháp kềm chế giới cầm quyền của mình - đó là phong trào nhân dân nổi dậy chống nhà cầm quyền hiếu/gâychiến. 

 

Hiểu thế nào câu nói của tổng thống Mỹ Joe Biden: “Tôi không coi việc Bắc Hàn phóng tên lửa tầm ngắn trong khi tôi nhậm chức là một hành động khiêu khích,  đó là việc làm bình thường của họ”.

 

Diễu võ vươn oai về sức mạnh quân sự trong hiện tại chỉ là đòn tâm lý. Chỉ có kẻ cuồng tính mới dám “tra giáo tiên”. Đó chẳng qua là “rung cây nhát khỉ - nếu khỉ không sợ thì… thôi. Những nước vi phạm điều luật quc tế ngăn cấm chỉ sợ “cô lập, bao vây, cấm vận” thật sự. Họ vẫn cười tươi khi nghe những cụm từ sáo rỗng: “vô cùng quan ngại”, “cực lực lên án”, “phải thả ngay những người bất đồng chính kiến” và phải ..v.v…

 

 “kho vũ khí” của Mỹ mà ông Biden (người hành pháp) nói với các nhà báo vừa kể trên là những “Sắc lịnh Hành pháp” được Lập pháp thông qua, không ngoài 6 chữ “cô lập, bao vây, cấm vận”.  Nếu ông Biden nói đi đôi với làm thì đây là đòn đánh vào tử huyệt đối với bất cứ người nào, nước nào vi phạm những điều luật quốc tế hiện hành?. -/-

-----

Chú thích

(1)  Hàn là tên nước khi còn thuộc Trung Quốc, khi đòi được độc lập lấy tên là Triều Tiên. Sau cuộc nội chiến, Triều Tiên chia thành 2 miền Nam-Bắc. Gọi cho gọn mà vẫn chính xác là Bắc Hàn hay Nam Hàn hoặc Bắc Triều hay Nam Triều. Bắc Triều vẫn lấy danh xưng Triều Tiên với ngụ ý tự cho mình là đại diện cho dân/nướcTriều Tiên. Để đối phó lại, Nam Triều tự đặt tên cho mình là Hàn Quốc, với ngụ ý mình là đại diện cho dân/nước Hàn nguyên thủy – lồng chính trị vào tên gọi.