24 avril 2021

Út Minh – đời lính, đời thường


Bút ký

Thiện Tùng

Đời lính, đời thường - Ảnh minh họa


Đời lính


Mặt trời trườn lên khỏi ngọn cây, những tia sáng rọi thẳng vào khối sương mù đang trùm lên rừng mắm Thừa Đức. Thoạt nhìn cả khu rừng như nồi nước khổng lồ đang bốc hơi. Từ bìa rừng vang lên tiếng bìm bịp báo nước lớn.

Hôm ấy ngày 1/1/1963, men theo bờ đập, anh Chín Thành, cán bộ đặc công, dẫn theo sau đứa em út mồ côi cha mẹ khi vừa lên tám vào gởi cho trường Công binh Đặc công Vũ Tấn Nhứt đang đóng ở rừng mắm Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Sau bước chào hỏi, Chín Thành nói : “Đây là thằng Út Minh, thường gọi là Minh Xệ, em ruột tôi, đã mười lăm tuổi, xin gởi nhờ các anh đào tạo cho nó biết đánh đấm”.

Anh Hoàng Quốc Thanh, hiệu trưởng trường tóm tắt : “Mười lăm tuổi mà sỏi đấy chớ ... đã biết bơi, lặn gì chưa, học lớp mấy ?”

Chín Thành vỗ  nhẹ  vai Thanh cười nói : “Dân miền sông nước mà anh, nó bơi như Rái, lặn như Còng cọc, còn học thì mới lớp bốn”.

Quốc Thanh xen vào giữa, choàng tay qua cổ anh em Chín Thành vừa đi vừa nói: Vậy là tốt rồi... nghề nầy bơi lặn, gan dạ là tiêu chuẩn hàng đầu”.

Sau ba tháng làm học viên chính thức của trường, Út Minh được giao nhiệm vụ làm bảo vệ trường và là thành viên đội mẫu cho các lớp tiếp sau.

 

Gần bốn năm (1963-1967), trường di dời nhiều nơi: hết Cù Lao An Hóa sang Cù Lao Bảo đến Cù Lao Minh. Khi về Giồng Trôm trường giao cho Út Minh nghiên cứu đánh cầu Bình Chánh thuộc Xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm  để chặt đứt giao thông phục vụ chiến dịch ở Huyện Ba Tri. Cầu Bình Chánh tuy không lớn nhưng nó là huyết mạch giao thông của Cù Lao Bảo. Đối phương thường xuyên cử một tiểu đội giữ cầu. Mỗi giề rác hay cụm lục bình trước khi trôi ngang qua cầu đều phải nếm mùi lựu đạn của lính gác tung xuống. Thế mà Út Minh cũng có cách dẫn anh em đột nhập đánh sập cầu đúng thời điểm cần thiết hỗ trợ cho chiến dịch. Cầu Bình Chánh bị đáng sập, nhân dân ngỡ ngàng thán phục, đối phương lúng túng, hoang mang.

 

Sau trận đánh cầu nói trên, trường dời về Xã Bảo Thạnh, Huyện Ba Tri. Trường tổ chức trận đánh thử nghiệm. Qua điều nghiên đi đến quyết định đánh . Đêm 1/1/1967 Út Minh dẫn một tổ đánh chìm hai tàu chiến của đối phương ở Tiệm Tôm, Xã Tân Thủy, Huyện Ba Tri. Nhờ mưu trí, dũng cảm... tiêu diệt được đối phương và bảo toàn được lực lượng của mình. Sau trận đánh nầy Út Minh được kết nạp vào Đảng Nhân Dân Cách Mạng Việt Nam và được phân công về đơn vị đăc công thủy do anh Châu Công làm thủ trưởng.

 

Sư 9 Mỹ đã vào Bình Đức (Mỹ Tho) thiết lập căn cứ Đồng Tâm, sông Hàm Luông trở thành đường thủy huyết mạch của sư 9 Mỹ. Sau những trận đánh chìm 37 tàu ở kinh Nguyễn Văn Tiếp B (Ngả sáu, Xã Mỹ Lợi - Mỹ Tho) và những trận đánh tàu trên sông Giồng Trôm (Bến Tre) - lúc bấy giờ gọi là “Bạch Đằng thời đại, Mỹ điều tới sông Hàm Luông (địa phận Bến Tre) một hạm sửa chữa mang số 833 với chức năng một cơ xưởng  tu sửa tàu phục vụ  cho chiến thuật “Hạm nhỏ trên sông”. Do tính chất quan trọng của hạm sửa chữa 833 nầy, đối phương cho canh phòng nghiêm ngặt. Ngoài việc thường xuyên thay đổi vị trí đậu, không cho xuồng ghe của dân đến gần. Ban đêm cứ 20 đến 30 phút, Mỹ quăng lựu đạn, châm điện cao thế xuống nước. Trên bộ, thường xuyên có một đại đội bảo an quân đội VNCH canh tuần cẩn mật. Trên hạm nầy thường xuyên có trên dưới ba trăm sĩ quan, chuyên viên kỹ thuật.


Phải nhận chìm hạm 833 dưới đáy sông Hàm Luông là mệnh lệnh thôi thúc các chiến sĩ đặc công thủy. Sau một tháng điều nghiên. Đơn vị đặc công giao nhiệm vụ cho trung đội trưởng Hoàng Lam và ba tiểu đội phó là Hoàng Ba, Minh Trắng, Minh Xệ (Út Minh) thực hiện trận đánh. 

 

Ngày 23/11/1967, trời nhá nhem tối tại bến cây Dừa, Xã Sơn Phú  (Giồng Trôm), anh Ba Đào, tỉnh đội trưởng, thay mặt Tỉnh ủy, đến với các anh trước giờ vào trận. Hoàng Lam thay mặt anh em đọc bản hạ quyết tâm và công bố tổ tác chiến : Hoàng Lam trực tiếp chỉ huy cùng ba đồng đội Hoàng Ba, Minh Trắng, Minh Xệ (Út Minh) đến diểm hẹn. Đúng giờ hẹn, anh tư Nheo, cán bộ hậu cần giao cho tổ hai gói thuốc nổ với trọng lượng 100kg mỗi gói, 500 thước dây điện và một khối pin, tất cả đều đấu sẵn, gói kỹ chống ướt, các mối dây điện của mỗi gói chìa ra ngoài khoảng gang tay. Thuốc nổ và pin được cột chặt trên những phao cao su nổi là đà ngang mặt nước.

 

Sau  cả tiếng đồng hồ ém quân trong lùm cây dưới nước. Thời cơ đến, theo sự điều khiển của Hoàng Lam, hai khối thuốc nổ được điều xuôi theo dòng nước và áp nhanh vào mạn hạm. Sau khi nối kỹ những mối dây, các anh vừa lặn vừa xả dây điện. Cách hạm 500 thước theo quy định, các anh thổi phình bao cao su cho lồng ngực hỏng trên mặt nước để tránh tức nước khi nổ. Họ thận trọng nâng khối pin và điểm hỏa. Hai tiếng nổ thành một làm dậy sóng Hàm Luông, một vầng lửa bốc lên từ hạm rồi sang các tàu và bo bo đeo xung quanh. Tiếng nổ và vầng lửa làm cho các anh quên đi mình đang ngâm dưới nước trong tiết lạnh tàn Đông.

 

Mặt xác tụi bây, làm gì đó thì làm, khóc tiếng Anh, tiếng Pháp gì cũng được, bốn anh thư thả ôm phao bơi vào bờ rồi đổ bộ lên điểm hẹn dưới anh sáng của trái sáng từ những chiếc trực thăng tung ra. Anh Đào, anh Châu Công vòng tay ôm chặt bốn anh như ôm những báu vật. Họ chủ yếu dùng động tác, cử chỉ thay lời để nói lên nỗi lòng mình.

 

Trực thăng như những con thiêu thân, cố chữa nhưng chẳng ăn thua gì. Đêm ấy chẳng những các anh mà cả dân chúng hai bên đoạn sông Hàm Luông nầy thức trắng - thức chứng kiến cảnh ngoạn mục “cháy rồi nổ, nổ rồi cháy”, cứ thế suốt đêm và cho đến sáng hôm sau. Cháy nổ cho đến khi không còn gì để nổ, cháy. Chiếc hạm, hai chiếc trực thăng, mười hai tàu và bo bo, hai muơi bốn khẩu pháo hết “bà hỏa” liếm đến “bà thủy” gọi về tận đáy sông Hàm Luông - Gần đây mới biết toàn bộ số người trên hạm 833 chỉ còn sống sót hai tên nhờ lúc đó rời tàu bằng bo bo đi tuần tra. Hai gã Mỹ  sống sót ấy trở lại Bến Tre năm 2000 cốt để tìm hiểu cách tiếp cận đánh hạm 833 được canh tuần nghiêm ngặt. (họ có để lại danh thiếp cho lãnh đạo tỉnh Bến tre).

 

Phát huy chiến hỏa, các anh bắt tay ngay vào việc điều nghiên đánh hạm đổ bộ 821 đậu ở vàm Sơn Đốc (gần Cù Loa Mít) – cũng trên sông Hàm Luông.

 

Qua gần một tháng điều nghiên, kết luận đánh được nhưng sẽ khó khăn hơn do địch canh phòng cẩn mật hơn. Ra quân lần nầy cũng do đội trưởng Hoàng Lam  trực tiếp chỉ huy một tổ bốn người gồm : Minh Xệ (cũ), Tám Hòa, Thắng Lợi và Hữu Tâm (mới). Chất lượng và số lượng vũ khí như cũ, cũng do anh Tư Nheo thiết kế giao.

 

Đêm 25/12/1967 xuất phát đi đánh. Lần nầy anh Ba Đào và anh Châu Công ra tận lùm ngoài mé sông quan sát. Những người thực hiện cũng dũng cảm, khéo léo điều hai gói thuốc nổ ra hạm an toàn. Hai tiếng nổ nối liền nhau, chiếc hạm, hai trực thăng, hàng chục tàu, bo bo, hai chi đội M.113, hai muơi bốn khẩu pháo ... hết cháy rồi chìm sâu đáy nước và chỉ có Bộ Quốc phòng Mỹ mới nói chính xác được số người thiệt mạng trên hạm đổ bộ 821 nầy.

 

Trong vòng chỉ  32 ngày (23/11 đến 25/12/1967), đội  Đặc công thủy đánh chìm hai hạm 833 và 821. Từ đó, đơn vị đặc công thủy do anh Châu Công chỉ huy nổi tiếng như cồn, tên tuổi Minh Xệ (Út Minh) như một thần tượng.

 

Trong cuộc họp kỷ niệm thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam (20/12) và ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) năm 1967, Bí thư chi bộ đơn vị đặc công thủy công bố và trao tặng riêng cho Minh Xệ (Út Minh) hai huân chương chiến công giải phóng hạng ba và ba huân chương chiến công giải phóng hạng nhất, nhì, ba và một quyết định mời Út Minh đi dự Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua Miền (Miền Nam).

Vui chưa đầy hai mươi bốn tiếng đồng hồ thì nỗi đau lại đến với Út Minh: anh Chín Thành, người anh ruột của Út Minh đã dũng cảm hy sinh. Lần đầu tiên trong đời bộ đội, Út Minh khóc vì thương anh và tủi cho thân phận đơn côi của mình !

 

Nỗi bồn chưa dứt, chưa kịp chuẩn bị đi Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua, 15 giờ chiều ngày 29/12 (âm lịch) năm 1967, đơn vị giao cho anh Hoàng Lam và Út Minh chỉ huy một cánh quân vượt sông Cái Cối (đoạn Cát Lở) bí mật đột nhập vào Thị xã Bến Tre để làm ngòi nổ thực hiện cuộc Tổng tiến công và Nổi dậy Tết Mậu thân 1968.  

 

Vừa khuất mình, Hoàng Lam và Út Minh đã có mặt ở bờ sông, canh giờ hai anh điều lực lượng vượt sông và tìm cách chui êm đến điểm qui định. Đúng 0 giờ (gọi là ngày N  giờ G) các anh có mặt và “nở hoa” trong lòng thị xã Bến Tre.

 

Vốn là Đặc công thủy, nhưng Út Minh sử dụng súng bộ binh đánh trên bờ chưa hẳn kém ai. Khẩu AK.47 và những quả thủ pháo từ tay anh khiến cho các chốt chặn của của đối phương phải tháo chạy trong nỗi kinh hoàng.   

Tám giờ sáng, đơn vị nầy giao chiến với chiến xa của trung đoàn 10, sư 7 quân đội VNCH. Hoàng Lam hy sinh, Út Minh bị trúng đạn vào đầu gối, vào bụng, vào đầu, gãy cánh tay trái nên ngã quỵ tại trận.

Đối phương  bắt, trị thương và giam Út Minh ở Bến Tre một tháng. Sau đó, họ chuyển anh về Vùng bốn chiến thuật (Cần Thơ). Những vết thương vừa lành, họ đày anh ra đảo Phú Quốc. Lợi dụng dáng vóc nhỏ người, từ đầu đến cuối anh khai mình là học sinh dẫn đường cho bộ đội đánh vào Thị xã Bến Tre. Hàng chục lần bị hỏi cung anh đều khai như thế, và có lẽ họ cũng lập án anh như vậy.

 

Ở tù Phú Quốc chưa đầy một năm, khi các vết thương tạm ổn, Út Minh rủ Lê Văn Hạnh, quê tỉnh Quảng Nam, cùng binh chủng, cùng ở tù như anh, vượt ngục. Vừa vượt ra khỏi trại, đối phương phát hiện đuổi theo. Hạnh trúng đạn chết, Út Minh bị thương vào đùi, bị bắt trở lại. Họ nhốt Minh vào lồng kẽm giữa trời, không mái che ở sân vận động (coi như biệt giam). Họ tra khảo Út Minh để tìm người tổ chức vượt ngục, anh  thản nhiên nói: “Do đói khổ hai đứa rủ nhau trốn chớ chẳng ai tổ chức”.

 

Ngày hai bữa, họ đựng cơm trong cà mèn với ít muối hột và một thau nhỏ nước ngọt đưa vào cho anh là xong. Các vết thương nhất là vết thương ở đầu, nhân cơ hội nầy, nó hành lại căng nhức ghê gớm, đôi lúc anh khùng khùng điên điên. Anh cố cắn răng chịu gần cả tháng trời họ mới cho anh trở lại trại.

 

Sau Hiệp định Paris, Út Minh được trao trả ở Thạch Hản (Quảng Trị). Ít lâu sau xe chở anh ra Quảng Ninh (Quân khu Tả Ngạn). Gần một năm sau anh cùng với anh Bảy Bé (tiểu đoàn trưởng 261A bị bắt trao trả như anh) được chuyển về Quân khu Trung Nam Bộ, bổ sung vào tiểu đoàn 261A. Anh bảy Bé giữ lại chức tiểu đoàn trưởng, còn Út Minh vừa thương tật vừa không rõ cội nguồn nên chỉ là lính trơn trong đơn vị.

 

Cô Cao Thị Bền đầu bếp (gọi là chị nuôi) thấy tình cảnh, nết na của Út Minh đem lòng thương. Út Minh thương lại. thế là đơn vị đứng ra tác hôn cho hai người. Từ đó, Út Minh thấy đời mình bớt trống trải cô đơn.

 

Tháng 1/1979, sau khi hình thành trung đoàn 2, sư 330, Út Minh theo trung đoàn 2 đánh sang Campuchia, truy quét bọn diệt chủng Pôn-Pốt ở một số tỉnh rồi góp phần giải phóng Thủ đô Nam Vang.

 

Tháng 8/1979, vì sức khỏe ngày một kém, đơn vị cho Út Minh phục viên với quân hàm thiếu úy và với tên họ chính thức Nguyễn Út Minh.

 

Đời thường:

 

Út Minh ra quân với hai bàn tay trắng, chỉ với giấy chứng thương “thương binh hạng 1”, không nơi nương tựa, chẳng có người thân nào khác hơn người vợ mới cưới trước đó không lâu đang sống nhờ bên vợ. Anh xin lãnh đạo trung đoàn cho vợ chồng  anh được ở trong hậu cứ trung đoàn thuộc Phường 6, Thành phố Mỹ Tho (căn cứ thiết giáp của VNCH trước kia).

 

Các anh Tư Trung, Bảy Bé, Tư Tươi trong Ban chỉ huy trung đoàn thấy tình cảnh Út Minh, chỉ đạo cho bộ phận hậu cần cất cho vợ chồng anh căn nhà bằng gỗ thông (gỗ phế của Mỹ ở căn cứ Đồng Tâm) bên ngoài hậu cứ trung đoàn, đồng thời chỉ cho Út Minh phần đất ngoài rào để anh khai phá sử dụng. Khi chỉ đất các anh căn dặn: “Phải cẩn thận lúc khai phá, mìn, lựu đạn... địch gài thập cẩm trong đó”.

 

Sợ nguy hiểm không cho vợ vào, một mình Út Minh suốt mấy tháng trời mò mẫm “tảo thanh” xong mìn, lựu đạn, M.72... lớp gài, lớp quăng bỏ trong sậy và cỏ hoang vu. Út Minh tập trung các loại nguy hiểm đó lại một chỗ rồi gọi Phường đội cho xe ba bánh đến chở. Ít lâu sau, tại ngôi nhà đơn sơ nầy, vợ Minh sinh đứa con gái đầu lòng. Anh và chị gắn cho nó cái tên thanh nhã : Nguyễn Thị Kim Ngân (không phải Ngân CT Quốc hội hiện nay) và rồi cứ hai năm chi Bền sinh thêm cho anh một nữ, với những tên gọi  Kim Kha, Kim Phượng. Anh chị vừa lòng và khóa sổ ở con cố 3 con, dầu cho tất cả đều là gái. 

 

Nhà cả thảy năm người, cuộc sống dựa chính vào tiền thương binh hạng 1 của Út Minh và ao rau nhút sau nhà. Bí quá, Minh bung ra đồng móc đất dưới hố sâu san lấp cái bưng lạn trước đây VNCH lấy đất đắp sân bay. Phần sâu dưới hồ anh trồng sen lấy ngó, phần cạn cấy lúa, sau đó anh mượn tạm bên vợ mấy chỉ vàng sang thêm 450 thước vuông đất liền ranh, hình thành miếng ruộng có diện tích 1.600 thước vuông, làm lúa hai vụ đủ gạo ăn cho gia đình. Thế là tiền thương binh, tiền bán rau nhút và ngó sen tạm chi phí hàng tháng trong gia đình. Khi cuộc sống tạm ổn, cả gia đình đổ sức vào cải tạo miếng vườn. Mấy năm gần đây, có chủ trương “chuyển đổi cây trồng”, anh chuyển phần đất ruộng thành vuờn để tăng lợi nhuận và tiện canh tác.

 

Ngoài cắt, làm giấy tờ cho chị em Lục Thị Tuyết và Lục Văn Bình (con liệt sĩ) 200 thước vuông đất để cất nhà ở, Minh còn cho sáu người có công với cách mạng và cô đơn cất sáu cái chòi không thời hạn, không thu tiền ở trong vuông vườn của mình. Hỏi vì sao anh dể dãi như thế ? Út Minh đơn giản: “Chẳng qua  bầu bí  thương nhau”. Đến nay chủ  của sáu cái chòi ấy số chết, số tìm về với người thân. Họ trả đất lại cho anh với lòng kính trọng biết ơn.

 

Trừ phần đất cắt cho chị em Tuyết và Bình, gia đình Út Minh còn lại cả thảy tám ngàn thước vông (8 công) trồng cây ăn trái đã cho hoa lợi gồm 170 gốc nhãn, 185 gốc bưởi, 15 gốc dừa, 100 gốc mận, 90 gốc đu đủ, hai hồ rau nhút 600 thước vuông. Dưới muơng nuôi ba loại cá : Tai tượng, Điêu hồng và cá Tra.

 

Út Minh không thích nói về mình, do vậy hơn 20 năm sống ở Phường 6, Thành phố Mỹ Tho gần như không ai biết về quá khứ của Út Minh, chỉ biết đại khái anh là thương binh lam lũ, không đòi hỏi đãi ngộ, tự chòi đạp vươn lên. Và ba mươi mốt năm qua (1969 – 2000), trừ một ít người thân, ở Bến Tre ai cũng ngỡ rằng Minh Xệ đã chết mất xác trong trận đánh vào Thị xã Bến Tre hồi Tết Mậu Thân 1968. Gần đây, nhân lúc hai người Mỹ sống sót trong trận đánh hạm 833 sang Bến Tre, muốn gặp những người trực tiếp đánh hạm còn sống. Không biết từ đâu mà các lãnh đạo  Bến Tre phát hiện ra Minh Xệ là một trong những nhân vật đánh chìm hạm sửa chữa 833 và hạm đổ bộ 821 của Mỹ còn sóng sót ở phường 6 TP Mỹ Tho.  Khi liên lạc được với Út Minh thì 2 người Mỹ nói trên đã về nước.

 

Sau đó, lãnh đạo tỉnh Bến Tre gọi anh về cùng đến hiện trường đánh tàu năm xưa họp mặt kỷ niệm những trận đánh ấy. Một số bà con nơi đây gặp Út Minh sửng sốt thốt lên: “Minh Xệ !... Mầy còn sống à ?”... Người ta bao quanh Út Minh tay bắt mặt mừng . Có người nói : “Mầy xem kia, cây dừa hồi đó mầy trèo lên tuột xuống không biết bao nhiêu lần để quan sát hạm địch, bây giờ nó đã già cỗi, tật nguyền không khác gì mầy...” . Biết được chiến tích của Út Minh trong thời chống Mỹ, nhiều người Bến Tre (quê anh) và Phường 6 Mỹ Tho (nơi anh đang cư ngụ) càng nể trọng anh hơn, xem anh như một “anh hùng từ lâu nằm trong lá ủ”.

 

Hôm 10/10/2002, tôi gặp Út Minh đang lần xuồng, cặm cụi cắt rau nhút, bất chấp ý tôi, Minh ngưng cắt rau, triệt tôi vào nhà pha trà đãi. Với vẻ tự tin, Minh khoe với tôi: “Cuộc sống gia đình em ổn rồi, thuộc hạng trung bình khá trong xóm. Quả là đất không phụ người cần mẫn, ngoài ăn mặc, sắm vật dụng cần thiết trong gia đình, em còn mua được chiếc xe Honda 81 và cái tivi màu cho lũ nhỏ xem,. Tội nghiệp, từ lâu lũ nhỏ sang nhà bên xem ké, đôi khi người ta bận việc không bắt, chúng thất vọng ra về.”

 

Tôi hỏi về sức khỏe, Minh nói : “Vết thương đầu đôi khi nó nhức muốn khùng luôn. Vết thương phổi, khi xử lý cắt bỏ một chéo, bây giờ làm gì nặng mệt hả họng ngáp. Vết thương bụng, hồi đó cắt bỏ một đoạn đại tràng, trước đi ngang hông, sau 30/4/1975 đem vào gọn ghẽ rồi, có điều khi mắc... phải đi ngay, nếu không thì bê bối sẽ xảy ra. Tay trái anh xem nè, cong như trái me !  Chân đứng lâu run ... Nói chung từ khi em bị thương tới nay, bao giờ em cũng thuộc hạng người “Nắng không ưa, mưa không chịu, nhát gió, kỵ mù sương”. Anh thử nghĩ suốt hơn hai mươi năm qua, coi như em vét hết sức còn lại của mình lo cho gia đình. Em đã làm được những việc mà chính em cũng không ngờ. Thật tâm mà nói, bây giờ hay ngày nào đó, nếu em có mệnh hệ nào cũng không còn gì để nuối tiếc”. -/-

 

Chú thích

Theo Út Minh tóm tắt kể lại:

(1)  Khi không thể tiếp cận dùng chất nổ đánh cầu Bình Chánh, em nghĩ ra cách: Lên trên nước dùng cây dừa kết thành những cái bè lớn thả trôi theo nước. Khi những cái bè trôi vướng phải chân cầu chúng sẽ dựng đứng lên thành những tấm phên. Liền sau đó, tụi em và nhân dân trong xóm xả lá dừa nước và rác rưởi  tối đa xuống sông trôi sau những cái bè. Bè trở thành lá chắn, rác rưởi… tấp vào đó cản dòng nước. Với áp lực của nước ngày một tăng khiến cho cây cầu siêu vẹo, sụp đổ - ( cho kết quả như mong muốn).

(2)   Hạm địch canh tuần nghiêm ngặt làm sao mình tiếp cận được! Cho dầu tiếp cận được, nước chảy, những khối thuốc nổ neo, máng vào đâu để mình ra khỏi chỗ nguy hiểm điểm hỏa?.

Để gở khó, sau khi bàn bạc, Đội quyết định cánh đánh: “Ước tính chiều dài chiếc Hạm, dùng dây chắc, độ dài chừng ấy, cột chặt 2 gói thuốc nổ vào mỗi đầu dây, mỗi người bè một gói lên trên nước cách hạm khoảng 300m, khi cả 2 căng thẳng dây và canh đồng khi chiếc Hạm lọt vào giữa đoạn dây, thả cho nó trôi xuống vướng vào Hạm, hai khối thuốc nổ bị dây giữ lại, lực nước chảy buộc chúng phải ép sát vào giữa 2 bên hong Hạm trước khi điểm hỏa” - (cho kết quả như mong muốn).