Mạc Văn Trang
Thiều Thị Tân bảo, từ 1972 đến nay, 49 năm đã qua rồi, xem hồ sơ bệnh phạm, nhớ đến các y bác sỹ, nhân viên y tế của BV Tâm Trí Biên Hoà và Trại 13, vẫn xúc động nghẹn ngào. Chị bảo, kể những câu chuyện này chỉ cốt nói với các bác sĩ, các nhân viên y tế rằng, dù ở dưới chế độ nào thì các thầy thuốc hãy giữ đúng lời thề Hippocrate để cứu chữa bệnh nhân đúng với lương tri của người thầy thuốc.
Đó là chuyện của nữ biệt động Sài Gòn nổi tiếng THIỀU THỊ TÂN.
Thiều Thị Tân và Thiều Thị Tạo (2017) |
Thiều Thị Tân và tác giả |
Sau khi đọc “THƯ GỬI CÁC THẦY THUỐC CÓ LƯƠNG TRI” của tôi trên FB nói về sự nghiệt ngã của các tù nhân lương tâm vừa qua và hiện nay bị đưa vào bệnh viện tâm thần, chị đã gọi điện cho tôi, muốn gặp để ghi lại giúp câu chuyện của chính bản thân chị đã từng vào “NHÀ THƯƠNG ĐIÊN BIÊN HÒA” (BV Tâm Trí) của Việt Nam Cộng hòa ra sao.
Chuyện chị Thiều Thị Tân và chị gái là Thiều Thi Tạo trở thành biệt động Sài Gòn như thế nào, bị bắt, bị tù ra sao, các “báo chí cách mạng” đã viết nhiều rồi. Tuy nhiên, ở đây cũng cần nhắc lại một chút bối cảnh của câu chuyện liên quan đến Thiều Thị Tân.
Thiều Thị Tân sinh ngày 31/01/1953 và chị gái Thiều Thị Tạo lớn hơn 3 tuổi. Cha mất sớm, mẹ mua gánh bán bưng, nhưng một sự khác thường là từ Mẫu giáo và Tiểu học các chị chỉ học tiếng Pháp ở Trường Tây như tiếng mẹ đẻ và đến Trung học thì vào trường Lycée Marie Curie tại Sài Gòn, nhưng trực thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục bên Pháp.
Chịu ảnh hưởng tư tưởng Tự do, Bình đẳng, Bác ái và được dạy dỗ tinh thần thượng tôn dân tộc, 11 tuổi đã được học Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, nên khi 12 - 13 tuổi Tân đã muốn phải làm gì để ngăn chặn người Mỹ đem máy bay ném bom Miền Bắc và tàn phá làng mạc Miền Nam. Nhiều đêm Tân khóc về thảm trạng đó của đất nước mình. Bạn bè “tây con, đầm con” của Tân quan tâm hỏi han vì sao Tân khóc sưng mắt, Tân đem 2 tấm bản đồ Việt Nam và Pháp ra cho bạn bè bu lại coi và giải bày tâm sự u uất không dám nói cùng ai: “Tao khổ lắm. Nè, tụi bay thấy hông? Nước Pháp của tụi bay bự như cái bánh, còn nước Việt Nam tao mỏng dánh như cái lá lúa, ngang đây là Vĩ tuyến 17 chia cắt hình chữ S nước tao ra làm 2, máy bay Mỹ cứ ném bom từ cái đường ngang này trở lên thì phân nửa nước tao sẽ rơi xuống biển. Mai mốt tao lớn lên, nước tao sẽ chỉ còn lại phân nửa hình chữ S mà thôi“! Và Tân “khóc hụ hụ dưới tàng cây cổ thụ giữa sân trường”… Các bạn nhỏ của Tân mới 11-12 tuổi, ôm Tân an ủi, chia sẻ nỗi đau buồn.
Báo chí Sài Gòn ít đưa hình ảnh tốt về người chiến binh “Việt Cộng“, nhưng học sinh trường này lại thường xuyên được xem các báo Le Monde, báo Time, báo Life, báo ảnh nước ngoài và bắt gặp những hình ảnh các anh chị du kích Miền Nam với mũ “tai bèo" và chiếc khăn rằn duyên dáng; anh lính phòng không Miền Bắc với pháo cao xạ, tên lửa cùng những cành lá ngụy trang rung rinh trên đầu… càng ngắm nhìn càng hấp dẫn, sống động tuyệt vời ...
Thế là hai chị em Tân chủ động đi tìm Việt Cộng xin được “bắn máy bay Mỹ”! “Nhưng mấy chú bảo, nhiệm vụ của các con là làm công tác binh vận trong hàng ngũ đối phương. Chiến trường của các con là nội đô Sài Gòn. Sau đó được mấy chú giảng giải về lý luận và phân tích "Tương quan Ta và Địch" vô cùng hấp dẫn, thuyết phục... Rồi huấn luyện kỹ năng hoạt động”... “Các chú bảo đưa một người từ nông thôn vào nội thành vô cùng gian nan, còn các con thì ngon lành quá rồi, vốn quý của nội đô đó"!...
Thiều Thị Tân nhờ học giỏi, nhà nghèo được học bổng toàn phần, lại năng động nên được nhiều bạn học cùng trường Tây là con các tướng lĩnh, các viên chức cao cấp chơi thân; Tân thường được ông bà, cha mẹ của các bạn nhỏ cho phép về nhà chơi, thậm chí còn được vào cả trong Dinh Độc lập, Bộ Tổng Tham mưu một cách dễ dàng khi có yến tiệc.
“Công tác binh vận” thì chưa sao, nhưng đến khi thực hiện nhiệm vụ đem chất nổ đánh vào Nha Cảnh sát Quốc gia thì bị phản vận, bị bắt cả hai chị em vào ngày 05/11/1968, lúc thiều Thị Tân mới 15 tuổi.
Thiều Thị Tân vừa kể chuyện vừa lật từng trang của bộ hồ sơ dày mấy chục trang, rất chi tiết, cụ thể và khá ly kỳ…
Theo báo cáo KHẨN của “Nha cải huấn gửi ông Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ ngày 21/12/1972 về việc bà dân biểu Kiều Mộng Thu yêu cầu cho biết nơi giam giữ, số đính bài và sức khỏe của 5 can phạm đặc biệt”, trong đó có Thiều Thị Tân thì được biết: “Thiều Thị Tân tự là Danielle có đính bài 17083/HC bị bắt 5/11/1968, TAQS… xử ngày 27/6/1969 phạt một năm tù treo về tội “bình vận phân khu 2 cộng sản”, bị an trí và gia hạn an trí tất cả 4 lần cộng 36 tháng, đáo hạn an trí 20/6/ 72. Y can thuộc thành phần ngoan cố hiện bị giam giữ tại Trung tâm cải huấn Côn Sơn, tình trạng sức khỏe kém“...
Còn quá trẻ, bị đầy ra Côn Đảo, chế độ nhà tù khắc nghiệt, với quá nhiều áp lực, khiến Thiều Thị Tân suy kiệt cả thể chất lẫn tinh thần nên được đưa về Trung tâm Cải huấn Tân Hiệp, Biên Hòa (TTCH).
- Ngày 29/2/72 Bác sĩ Brown của Sứ quán Hoa Kỳ đến thăm tình hình hai phạm nhân mà báo chí nói đến nhiều là Thiều Thị Tân và Thiều Thị Tạo. Hai chị em nói tiếng Pháp, tiếng Anh tốt, nên đã lên án sự khắc nghiệt của nhà tù và kể về bệnh tình cho Bác sĩ Brown biết. Sau đó báo chí quốc tế cũng lên tiếng, khiến Bộ Ngoại giao yêu cầu Bộ Nội vụ cho biết cụ thể về về hai trường hợp nữ tù nhân nhỏ tuổi này…
Trước tình hình đó Nha Cải huấn đã chỉ thị TTCH đưa Thiều Thị Tân vào BV Tâm Trí Biên Hoà.
- Ngày 05/4/72, TTCH chuyển Thiều Thị Tân đến BV Tâm Trí Biên Hòa.
Số nhập Viện trên Giấy Thâu nhận và trên “Chứng Chỉ 24” giờ là 240972 và được đưa về Trung tâm Dưỡng Trí Biên Hòa (tức Trại 13, thuộc BV Tâm Trí) có biên bản thu nhận bệnh phạm Thiều Thị Tân.
- Ngày 6/4/72 Trại 13 ghi “CHỨNG CHỈ 24 GIỜ" như sau: “Trung tâm cải huấn Tân Hiệp gởi bệnh nhân Thiều Thị Tân vô: La lớn, múa may chân tay, cười vô cớ, kích thích nhiều. Hiện: Nói, cử chỉ bất bình thường, la lớn, cơ thể rất yếu, xanh xao, không đi được, 2 chân yếu (run run)”… Và mỗi ngày đều có ghi “Chứng chỉ 24 giờ”.
- Ngày 02/5/72 (và ngày 19/6/72) Luật sư Nguyễn Long, Tòa Thượng Thẩm gửi văn thư yêu cầu BV cho biết chi tiết tình trạng bệnh của Thiều Thị Tân để có thể đề nghị cho tại ngoại hầu tra.
Bệnh Viện đã phúc đáp LS Nguyễn Long “Không thể cho biết các chi tiết bịnh trạng của BN Thiều Thị Tân nếu không có tờ triêu dụng của Ống Dự Thẩm”...
Chị Tân kể: “Những ngày ở Trại 13 BS điều trị và tất cả các nhân viên y tế đều hết lòng tận tình chăm sóc người bệnh. Họ không cho các nhân viên an ninh đến gần, vì làm bệnh nhân bị kích động, ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Trong khi đó, người nhà được vào thăm hỏi, chăm sóc. Tân sung sướng nhất là mẹ được vào Trại chăm nom và có đêm ngủ cùng với Tân. Chưa đầy hai tháng mà sức khoẻ Tân hồi phục; Tân được đọc báo chí, rất thoải mái tinh thần”…
Giờ đây kể lại những câu chuyện về sự quan tâm chăm sóc của bác sĩ, các nhân viên y tế ở Trại 13, Tân vẫn còn xúc động nghẹn ngào rơi nước mắt…
- Ngày 01/6/72 TTCH gửi Công điện do Quản đốc Bùi Thanh Tâm ký và nhân viên an ninh Nguyễn Hữu Hoàng cầm tay đến BV Tâm Trí: “Trân trọng yêu cầu quý Viện cho biết tình trạng sức khỏe của Bệnh phạm Thiều Thị Tân… Nếu hết bệnh cho chúng tôi lãnh về”...
Nhưng BS điều trị và BS Bệnh viện trưởng đi vắng, ba nhân viên an ninh của TTCH đã đến Trại 13 nói với nhân viên phụ trách Trại cho lãnh Tân về. Sau nhiều trao đổi căng thẳng, nhân viên phụ trách Trại đã ký biên bản giao Tân cho bên an ninh.
- Được tin này bác sĩ điều trị và bác sĩ Bệnh viện trưởng BV Tâm Trí rất bất bình, yêu cầu Trưởng trại phải phúc trình rõ sự việc.
- Ngày 1/6/72, Giám thị Trưởng trại 13, bà Nguyễn Thị Xuân làm phúc trình gửi cấp trên về chi tiết 3 nhân viên TTCH đến lãnh bệnh nhân trái phép như thế nào. Nhưng mấy nhân viên an ninh khám xét thấy Tân có giữ 100.000 đồng, và đọc rất nhiều báo chí, họ cho rằng Tân chỉ giả vờ, chứ đã hết bệnh…
- Ngày 1/6/72 BV Tâm Trí Biên Hòa đã gửi ngay công văn cho Quản đốc TTCH V/v bệnh nhân Thiều Thị Tân, nội dung :
“Kính ông Quản đốc, phúc đáp công điện ngày 1.6.72 số 205/ TTCH/TH, chúng tôi xin báo quý Trung tâm biết BN Thiều Thị Tân chưa khỏi bệnh, nhưng ngày 1.6.72 nhân viên của Trung tâm đã lãnh BN ra mà không có ý kiến của chúng tôi. Về phương diện y khoa, chúng tôi thỉnh cầu quý Trung tâm cho bệnh nhân được tiếp tục điều trị thêm cho lành bệnh / Trân trọng kính chào Ông Quản đốc/”.
Để tránh rắc rối, bên an ninh đã quyết định đưa Thiều Thị Tân ra nhà tù Côn Sơn ngay ngày 2/6/72. Chị đâu có biết những chuyện rắc rối giữa bên y tế và an ninh với bao nhiêu “công điện”, “phúc trình” “Tờ trình” “Mật”… qua lại giữa các cơ quan hữu trách.
- Ngày 3/6/72 Trưởng ban bệnh nhân Nguyễn Văn Dữ, BV Tâm Trí Biên Hòa làm “Tờ Trình” cho cấp trên v/v đã “nhiều lần giải thích” cho nhân viên TTCH v/v lãnh bệnh nhân ra, nhưng họ cố ý làm trái.
Ngày 03/6/72 TTCH gửi báo cáo lên Nha Cải huấn tường trình việc lãnh Thiều Thị Tân về là có được sự đồng ý của nhân viên quản lý Trại 13 đã ký vào biên bản…
- Ngày 9.6.72, Bệnh viện Tâm trí Biên Hòa lại có tiếp công văn thứ 2 cùng nội dung nhưng lời lẽ bắt đầu có phần gay gắt hơn: “Kính gởi Ông Quản đốc Trung tâm Cải huấn Tân Hiệp / trích yếu: V/v bệnh nhân Thiều Thị Tân / Nội dung: “Kính Ông Quản đốc, Phúc đáp công điện ngày 1.6.72 số 205/ TTCH/TH, chúng tôi xin báo Ông Quản đốc hay: BN Thiều Thị Tân chưa khỏi bệnh.
Cùng ngày nói trên, nhân viên cầm công điện của Trung Tâm đã rước bệnh nhân TÂN ra mà không đợi sự đồng ý của y sĩ điều trị và sự chấp thuận của bệnh viện theo thủ tục xuất viện thường lệ.
Trên phương diện y khoa, chúng tôi thỉnh cầu Trung Tâm cho bệnh nhân TÂN được tiếp tục điều trị cho đến khi lành bệnh.
Trân trọng kính chào Ông Quản đốc.”
- Do phản ứng của BV, ngày16/6/72, nhân viên Nguyễn Hữu Hoàng của TTCH đã phải làm “Tờ trình” gửi cấp trên về sự việc đi lãnh Thiều Thị Tân như thế nào.
- Ngày 13/6/72, Giám đốc Nha Cải huấn gửi công văn đến chỉ huy Trưởng CSQG Biên Hòa trích yếu: “v/v nữ can phạm Thiều Thị Tân điều trị tại BV Tâm Trí Biên Hòa, đồng kính gửi Ô Giám đốc BV Tâm Trí Biên Hòa để kính tường“...
Ngày 17.6.72, TTCH phải làm công văn 3 trang (đóng dấu MẬT) gửi cấp trên là Nha Cải huấn và đồng kính gửi BS Giám Đốc BV Tâm Trí Biên Hòa “để kính tường” .
Ngày 18.6.72, Chỉ huy trưởng Cảnh sát Quốc gia Biên Hòa phải gửi công văn 2 trang (đóng dấu MẬT) đến Trung tá Giám đốc Nha Cải huấn về trường hợp bệnh nhân Thiều Thị Tân, đồng kính gửi Ông Giám đốc BV Tâm Trí Biên Hòa “để kính tường”...
Mặc cho những công điện, công văn của nhiều cơ quan hữu quan gửi đi cho nhau và gửi cho BV “để kính tường“ nhưng các y bác sĩ đã không chấp nhận vì BN của mình không được đưa trở về để điều trị tiếp theo yêu cầu của Bệnh viện .
Và ngày 27.9.72, bệnh viện trưởng BV Tâm Trí đã thảo một “Phúc trình MẬT, chỉ trình riêng cho Ông Tổng trưởng Y tế”. Bản Phúc trình viết:
… “Về phương diện tâm trí, Tân nói chuyện vẫn cứng cỏi, thỉnh thoảng lên cơn kích thích khi nhân viên an ninh của Trung tâm xâm nhập trại 13 bất hợp pháp để theo dõi (sự việc này bệnh viện cần phản đối vì như thế trái với tinh thần trị bệnh).
Tân nói rành mạch, tỏ vẻ thông minh, biết gây cảm tình với các nhân viên Trại. Tân thích ở Trại 13 hơn là về Trung tâm cải huấn, mặc dù trại này chật chội và không được ra ngoài (trại an trí).
Các y sĩ điều trị và nhân viên đều có thiện cảm với Tân có lẽ do hiện tượng đồng hóa (identification); ai cũng ngạc nhiên thấy Tân bị nhốt từ 15 đến 19 tuổi mà vẫn bất khuất, cứng cỏi mặc dầu tâm trí bắt đầu bất thường. Các kết luận chung của y sĩ điều trị bệnh viện Tâm Trí khi đem Tân ra trình hội đồng, là Tân cần được săn sóc thêm về thể chất cũng như về tinh thần.
Nhốt Tân thêm quả là phí phạm công của quốc gia lại mang tội là không chiêu hồi nổi cô gái 15 tuổi trong suốt bốn năm liền”...
Chị Tân bảo, viết những điều trên đây, rất có thể nguy hiểm cho BS, nhưng họ không hề ngần ngại, luôn nghĩ đến số phận của bệnh nhân là trên hết.
Thiều Thị Tân còn kể, năm 1968 trong cuộc tấn công vào Sài Gòn có 3 cán bộ Việt Cộng bị bắn trọng thương, xe nhà binh chở đến BV Chợ Quán. Các bác sĩ khám nghiệm và thông báo: một phụ nữ và một người đàn ông đã chết, còn một phụ nữ vẫn còn sống. Viên sĩ quan rút súng lục ra định bắn người nữ Việt Cộng còn sống cho chết luôn, nhưng bác sĩ đã quát lên: Không! Đây là bệnh viện! Quân đội không có quyền gì ở đây, các ông đi ra! Đây là việc của bác sĩ! Vậy mà mấy người lính chấp hành. Người phụ nữ sống sót đó là chị Phùng Ngọc Anh, nay còn sống; người phụ nữ đã chết là Lê Thị Riêng, nay được đặt tên cho một con đường ở TP Hồ Chí Minh...
Thiều Thị Tân bảo, từ 1972 đến nay, 49 năm đã qua rồi, xem hồ sơ bệnh phạm, nhớ đến các y bác sỹ, nhân viên y tế của BV Tâm Trí Biên Hoà và Trại 13, vẫn xúc động nghẹn ngào. Chị bảo, kể những câu chuyện này chỉ cốt nói với các bác sĩ, các nhân viên y tế rằng, dù ở dưới chế độ nào thì các thầy thuốc hãy giữ đúng lời thề Hippocrate để cứu chữa bệnh nhân đúng với lương tri của người thầy thuốc.
Với tôi còn thấy: Từ một câu chuyện nhỏ mà gợi ra biết bao điều lớn lao đáng suy ngẫm.
Mấy hình chụp từ “Hồ sơ bệnh phạm” của Thiều Thị Tân |
Sài Gòn, ngày 23/4/2021
M.V.T.