Thanh Phương
Chủ tịch Cuba, Raul Castro tại Đại hội đảng Cộng Sản Cuba, La Habana, ngày 16/04/2016. AP - Ismael Francisco |
Trong vài ngày nữa sẽ không còn một người nào mang họ Castro trong ban lãnh đạo Cuba. Đại hội đảng Cộng Sản Cuba, khai mạc hôm nay, 16/04/2021, chính thức chấm dứt gần 6 thập niên cầm quyền của anh em Fidel Castro, nhường chỗ cho một thế hệ lãnh đạo mới.
Sau khi Fidel Castro qua đời năm 2016, người em Raul đã thay ông lên nắm quyền điều hành Cuba, nhưng nay sắp 90 tuổi, đến lượt ông cũng phải về hưu, giao lại chiếc ghế bí thư thứ nhất đảng Cộng Sản Cuba, tức là vị trí lãnh đạo cao nhất, cho chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel, 60 tuổi. Ông Diaz-Canel sẽ chính thức được bầu vào chức vụ này vào thứ Hai tuần tới, tức là ngày cuối của Đại hội Đảng. Trước đó, vào tháng 04/2018, ông Raul Castro cũng đã giao chức chủ tịch Cuba cho ông Diaz-Canel.
Cùng với ông Raul Castro, một số nhân vật kỳ cựu, những người đã cùng với Fidel Castro tham gia cuộc cách mạng 1959, cũng sẽ rút lui, trong đó có lãnh đạo số hai của Đảng, José Ramon Machado Ventura, 90 tuổi, và tư lệnh Ramiro Valdés, 88 tuổi.
Nhưng chính phủ của Cuba hiện nay không phải toàn là những thành phần trẻ, ví dụ như hôm qua, chính phủ La Habana vừa bổ nhiệm tân bộ trưởng Các Lực lượng Vũ trang Cách mạng mới, nhưng người lên thay tướng Leopoldo Cintra Frias, 79 tuổi, trong chức vụ này lại là một viên tướng kỳ cựu khác, đó là Alvaro Lopez Miera, 77 tuổi.
Đối với Norman McKay, nhà phân tích của The Economist Intelligence Unit, được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, sự ra đi của Raul Castro dầu sao cũng là một sự kiện đáng chú ý, « không chỉ bởi vì nó đánh dấu sự kết thúc của một triều đại đã kéo dài hơn 50 năm, mà còn bởi vì nó diễn ra trong một giai đoạn đầy những khó khăn và xáo trộn kinh tế ».
Theo nhà phân tích này, sẽ không có những thay đổi căn bản trong cách lãnh đạo của đảng Cộng Sản Cuba, nhưng « Internet sẽ thúc đẩy những đòi hỏi về minh bạch và tự do, tạo ra những thách đố đối với chính phủ mà đảng Cộng Sản sẽ khó mà bỏ qua. »
Trên mạng Twitter hôm thứ Ba 13/04, thượng nghị sĩ Mỹ gốc Cuba Marco Rubio đã viết: « Việc ông Raul Castro nhường lại quyền lãnh đạo Đảng không phải là một sự thay đổi thật sự. Nhưng sự thay đổi thật sự dầu sao cũng đang diễn ra ». Thượng nghị sĩ Rubio muốn nói đến những thay đổi xã hội ở Cuba hiện nay.
Hãng tin AFP nhắc lại là trong những tháng gần đây, nhờ tác động của mạng điện thoại di động, một phong trào phản kháng chưa từng có đang trỗi dậy ở Cuba, thể hiện qua các cuộc tập hợp, biểu tình của giới nghệ sĩ, trí thức, những nhà bất đồng chính kiến, cũng như sự huy động của các tổ chức xã hội dân sự, chẳng hạn như những người bảo vệ súc vật. Các mạng xã hội cũng phản ánh những đòi hỏi của giới trẻ muốn được hành xử quyền tự do chính trị và tự do ngôn luận.
Đối với nhà phân tích chính trị Harold Cardenas, « có một tâm lý mệt mỏi trong xã hội Cuba, một phần là do tác động của chính sách của chính quyền Trump gây áp lực tối đa với Cuba, và một phần cũng do người dân không tin tưởng vào các dự án và những lời hứa hẹn của các lãnh đạo Cuba. »
Trước mắt, những thay đổi về cơ chế của Cuba tiếp tục diễn ra theo nhịp độ của một đất nước vẫn trung thành với chủ nghĩa xã hội : Mãi cho đến hôm thứ Tư 14/04, chính quyền La Habana mới thông báo là kể từ nay, các nhà chăn nuôi ở Cuba sẽ được quyền giết mổ gia súc của họ để ăn hoặc bán, sau khi đã cung cấp đủ lượng thịt được quy định cho Nhà nước ! Cho tới nay, những người nào tự ý giết mổ gia súc bị phạt rất nặng, thậm chí lãnh án tù 10 năm.
Với việc ông Raul Castro ra đi, trên nguyên tắc, tân bí thư thứ nhất của đảng Cộng Sản Cuba Diaz-Canel sẽ có một khuôn khổ hành động rộng hơn. Tuy nhiên, theo lời Carlos Alzugaray, nguyên là một nhà ngoại giao Cuba, « Raul sẽ vẫn còn đó ». Ông Alzugaray cho rằng có thể Cuba sẽ theo mô hình giống như tại Trung Quốc : Đặng Tiểu Bình không còn nắm chức vụ gì, nhưng khi nào ông còn sống thì vẫn phải tham vấn ông về tất cả mọi việc, ông vẫn là người quyết định cuối cùng.
16/04/2021