Thiện Tùng
3/4/2021
Sáng ngày 31/3/2021, ông Vương Đình Huệ tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội. - VnExpress |
Các vị đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam ta thường đưa ra nhận xét: “Toàn đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam luôn trên dưới một lòng…”.
“Trên dưới một lòng” ở những lĩnh vực nào thì tôi chưa rõ, chưa dám khẳng định, chớ ở lỉnh vực bầu cử Quốc hội lần thứ XV nầy chưa hẳn thế. Dư luận cho rằng bầu cử Quốc hội kỳ nầy “đặt cày trước trâu”. Bài viết nầy, tôi chỉ kê ra những tranh luận mang tính chất hỏi đáp mà mình nghe thấy (chữ nghiêng thắc mắc, chữ đứng giải đáp):
- Sao chưa bầu lại cử?
- Không cử dựa vào đâu mà bầu ! .
- Tôi không nói cử người ra ứng cử mà nói cử người đảm nhận chức vụ trước khi bầu Quốc hội khóa mới (XV)?
- Bổ nhiệm người thay thế đảm nhận chức vụ trong khuôn khổ nhiệm kỳ XIV thì đâu có sai/vi phạm?
- Cuối tháng 3 đầu tháng 4/2021 bắt đầu bãi nhiệm, bổ nhiệm. Ngày 23/5/2021 bầu cử Quốc hôi mới. Thời gian cách nhau chi gần 2 tháng, tại sao không đợi kết quả bầu cử Quốc mới rồi sẽ bổ nhiệm cho chắc ăn?. Nếu những người vừa mới bổ nhiệm rớt cử trong kỳ bầu cử sắp tới tính sao? – Những câu hỏi nầy mọi người “đứng râu”, chỉ có thượng cấp mới có thể trả lời.
- Bãi nhiệm đồng nghĩa “tước quyền thi đấu” – coi như bị thẻ đỏ?.Vậy thì tại sao những người bị bãi nhiệm còn bám lấy quan trường, hô hào tăng cường cái nầy, đẩy mạnh cái kia, ra sức cái nọ…?.
Vương Đình Huệ sẽ tiễn “Nữ kiệt xứ dừa”. Ảnh: Quang Phúc/ SGGP |
- Còn trong nhiệm kỳ họ phải tiếp tục làm nhiệm vụ chớ?
- Vậy những người mới bổ nhiệm ghế đâu mà ngồi?
- Thì 2 người ngồi một ghế. Nếu chật thì thay phiên nhau người ngồi người đứng, cứ xớ rớ cho ngày lụn tháng qua, dầu có nằm ngủ cũng đâu mất phần mền?.
- Chắc có phạm phải sai lầm khuyết điểm gì đó lớn lắm nên họ mới bị bãi nhiệm trước nhiệm kỳ?
- Đó là việc “nhạy cảm” mang tính chất nội bộ, thuộc diện “bí mật quốc gia”, hãy kín miệng, liệu hồn!?.
- Những người bị bãi nhiệm riu ríu chấp nhận chắc chắn có lỗi lầm?
- Không hẳn vậy đâu, hầu hết họ là đảng viên, Đảng đặt đâu ngồi đó, bảo nghỉ thì nghỉ, bảo làm thì làm. Trong việc nầy, hãy noi gương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau kết quả bầu cử tại Đại hội XIII, ông nói đại ý: “Tôi tuổi cao, sức yếu, muốn nghỉ, nhưng Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu tôi ở lại làm thêm 1 nhiệm kỳ nữa nên tôi phải cố gắng”. Khi làm thủ tướng, chắc có sai phạm gì đó, Quốc hội yêu cầu Nguyễn Tấn Dũng từ chức, ông nói đại ý: “Chức Thủ tướng do Đảng bổ nhiệm chớ tôi không có đòi, nếu Đảng bảo từ chức thì tôi mới từ, bằng không tôi vẫn phải tiếp tục”.
- Đảng đã bổ nhiệm ghế đẳng trong Quốc hội đầy đủ hết rồi còn tổ chức bầu cử chi cho hao tốn tiền của công sức của nhân dân?
- Bậy à! – Đó mới ý Đảng, còn lòng dân thể hiện trên lá phiếu nữa chớ!?
..v.v… và ..v.v…
Không phải tôi phịa chuyện để “móc lò” đâu. Những gì tôi vừa kể đang là đề tài đàm luận nóng hổi không chỉ trong công chúng mà có cả trong một số đảng viên. Họ cho đó là vi phạm pháp luật, vi phạm quyền của người dân (dân quyền) - Nếu không tin cho điều tra xem thử.
Để cho “ý Đảng lòng Dân, trên dưới một lòng”, nên chăng, hệ thống “Truyền thông đại chúng” và đội ngũ “Dư luận viên” đừng cứ ở đó mà “bắn bỗng” nữa, hãy vào cuộc khai thông những thắc mắc như tôi vừa kể trên để cho công chúng hài lòng, vui vẻ tham gia cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 23/5/2021 sắp tới -/-