Đoàn Hưng Quốc / Việt Báo
I. Ba Mô Hình Kinh Tế
Ba nền kinh tế lớn nhất toàn cầu hiện là Mỹ-Trung-Âu. Theo cách hiểu thông thường thì Hoa Kỳ gắn liền với Tư Bản và thị trường tự do (free market), Âu Châu với nền Dân Chủ Xã Hội (Social Democracy) còn Trung Quốc với Chuyên Chế Tư Bản (Authoritarian Capitalism.) Ba mô hình này không chỉ đơn thuần về kinh tế mà còn liên quan đến tổ chức nhà nước và xã hội (dân chủ, độc đảng, bình đẳng v.v…), cũng như đang tranh đua ráo riết để trở thành hình mẫu chinh phục phần còn lại của thế giới chọn lựa noi theo, cho nên phần dưới đây sẽ tìm hiểu sự khác biệt giữa 3 mô hình nói trên.
* * *
Thị trường tự do gắn liền với tên tuổi của Adam Smith – người Tô Cách Lan (Scotland) vốn được xem như cha đẻ của bộ môn kinh tế học. Ông viết quyển sách luận bàn về Của Cải Của Các Quốc Gia (The Wealth Of Nations, 1776 tức là vào cùng năm với Hoa Kỳ tuyên bố độc lập) trong đó ông phân tích rằng một nước giàu mạnh không phải do tích trữ vàng bạc châu báu mà khi mỗi người dân có tự do để làm việc, tạo ra của cải và trao đổi hàng hóa. Mỗi người tuy sống vì tư lợi (self-interest) nhưng khi sinh hoạt tập quần trong thị trường tự do lại được một bàn tay vô hình (the invisible hand) điều phối để mang lại lợi ích và thịnh vượng chung đến cho toàn thể xã hội.
Một thí dụ của bàn tay vô hình là giữa hàng ngàn người trồng lúa và mua gạo lại dần dần đi đến một thỏa thuận chung về giá cả khiến mọi người đều hài lòng. Trái lại chính quyền không thể quy định phải trồng bao nhiêu cây lúa, mỗi gia đình được mua bao nhiêu ký gạo với giá tiền là bao nhiêu bởi vì bàn tay hữu hình (the visible hand, còn gọi là bàn tay lông lá) của nhà nước sẽ bóp méo (distort) sự vận hành của thị trường tự do. Cho nên vai trò của chính quyền chỉ giới hạn vào giám sát và an ninh (như ngăn ngừa gian lận và trộm cướp) mà không thể can thiệp vào thị trường tự do.
Xã hội Âu Châu đang công nghiệp hóa trong thời đại của Adam Smith. Ông quan sát một hảng xưởng làm kim (pin factory) để nhận xét rằng năng suất sẽ tăng khi công việc được phân phối ra cho nhiều người. Từ đó ông kết luận giữa các nước phải có tự do mậu dịch để sản xuất được phân công theo lợi thế của từng quốc gia nhằm mang đến lợi ích cho toàn thể nhân loại thay vì bị rào cản bởi thuế má, chính sách bế quan (isolationism) hay trục lợi (mercantilism.) Cho nên tên tuổi của Adam Smith ngày nay gắn liền với thị trường tự do (free market) và tự do mậu dịch (free trade.)
* * *
Trước khi bàn về Dân Chủ Xã Hội (Âu Châu) và Chuyên Chính Tư Bản (Trung Quốc) tưởng cũng nên nhắc đến chủ nghĩa Cộng Sản và Karl Marx bởi vì mô hình kinh tế này tuy đã lổi thời và biến mất nhưng thuyết cộng sản vẫn còn ảnh hưởng rất mạnh với các lý luận hùng hồn công kích chế độ Tư Bản.
Marx viết quyễn Tư Bản Luận (Das Kapital) năm 1867 tức là gần 100 năm sau Adam Smith. Ở Âu Châu vào thời đại của Smith chỉ gồm các hảng xưởng vừa và nhỏ nhưng đến Marx đã thành hình những đại xí nghiệp thu dụng vô số công nhân từ nông thôn ra thành phố. Âu Châu ở vào giai đoạn đỉnh điểm của tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa.
Marx quan sát chủ nghĩa tư bản không mang đến lợi ích đồng đều cho mọi người mà trái lại thợ thuyền sống cơ cực trong khi giới chủ ngày càng giàu sang hưởng lợi. Trái với Adam Smith, Marx nhận định không thể tách rời chính quyền ra khỏi kinh tế bởi vì nhà cầm quyền chính là công cụ đàn áp đa số bị trị nhằm bảo vệ thiểu số thống trị. Marx hô hào cách mạng vô sản nhằm lật đổ tư bản và thay thế kinh tế thị trường (market economy) bằng kinh tế chỉ huy (control economy.) Nhà nước vô sản sẽ nắm giữ toàn bộ các phương tiện và tương quan sản xuất để rồi phân phối của cải đồng đều ra toàn xã hội.
Nói tóm tắt thì Tư Bản tạo ra của cải (wealth creation) trong khi Cộng Sản phân phối của cải (wealth distribution.) Tư Bản sinh ra giàu nghèo và bất công xã hội nhưng Cộng Sản thất bại vì không có của cải để phân phối.
* * *
Mô hình Dân Chủ Xã Hội có thể được xem như con đường trung đạo nhằm bù đắp cho các thất bại của Tư Bản mà không dẫn đến Cộng Sản. Tên tuổi gắn liền với nền Dân Chủ Xã Hội là John M. Keynes, người vốn được xem là 1 trong 3 cột trụ trong kinh tế học ngang hàng với Adam Smith và Karl Marx.
Keynes sống ở Anh vào đầu thế kỷ 20 trong giai đoạn cực kỳ hổn loạn của Âu Châu. Ông chứng kiến cuộc cách mạng Nga năm 1917 và sự ra đời của nhà nước Xô Viết năm 1922 để kết luận rằng chủ nghĩa Cộng Sản mang lại nghèo đói và tước đoạt tự do. Keynes tham dự hoà đàm Versailles chấm dứt Thế Chiến Thứ Nhất nhưng ông phản đối các điều kiện nghiệt ngã do Anh-Pháp đặt ra nhằm trừng phạt nước Đức bại trận vì sẽ khiến dân Đức phẩn uất mà sau này dẫn đến trào lưu dân túy, Phát-Xít và Chiến Tranh Thế Giới Lần Thứ Hai. Keynes chứng kiến cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế Toàn Cầu năm 1929 để kết luận rằng nếu nhà nước không can thiệp để bù đắp cho các thất bại của thị trường (market failures) thì dân chúng sẽ nổi loạn để rồi dẫn đến các chủ nghĩa dân tộc, phát xít hay cộng sản, hoặc mang lại chiến tranh hay đánh mất tự do.
Keynes viết quyển Lý Thuyết Tổng Quát Về Việc Làm, Lãi Xuất và Tiền Tệ (The General Theory Of Employment, Interest And Money[1]) năm 1936. Ông nhận xét rằng kinh tế thị trường trải qua các chu kỳ thăng trầm. Khu vực tư nhân chủ động đầu tư khi tăng trưởng nhưng gặp lúc suy thoái thì đến phiên nhà nước phải chi tiêu đão chu kỳ (countercyclical spending) nhằm bù đắp cho các thiếu hụt, giúp tạo công ăn việc làm và thúc đẩy nền kinh tế tái khởi động. Ngày nay thường gọi đây là các gói kích cầu (stimulus). Thâm thủng ngân sách (deficit spending) trong khủng hoảng là bắt buộc do chi tiêu công tăng trong khi thuế má thu vào giảm cho đến khi kinh tế trở lại chu kỳ tăng trưởng thì thuế má lại tăng để lắp đầy khoảng thiếu.
Một thí dụ dễ hiểu là cổ xe kinh tế đang chạy ngon trớn trên xa lộ (chu kỳ tăng trưởng) lại sụp ổ gà (chu kỳ khủng hoảng). Chi tiêu nhà nước là ống nhúng tự động (automatic stabilizer) giúp không gảy sường xe để rồi xe tiếp tục chạy.
Mô hình Dân Chủ Xã Hội khai triển từ Keynes với trách nhiệm của nhà nước không chỉ nhằm giải quyết khủng hoảng mà còn phải mưu cầu an sinh xã hội như bảo vệ người lao động, trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm y tế và hưu trí đến cho mọi người tức là những thứ mà thị trường tự do không cung cấp. Theo cách nhìn thông thuờng thì Mỹ theo mô hình thị trường tự do nên kinh tế tăng trưởng nhanh và năng động nhưng về an sinh xã hội lại không bằng so với nền dân chủ xã hội của Âu Châu.
Sang đến thế kỷ 21 mô hình Dân Chủ Xã Hội lại phát huy theo một khuynh hướng mới là nhà nước không những chỉ thụ động bù đắp cho các khiếm khuyết của thị trường tự do mà còn phải tích cực huy động nền kinh tế giải quyết các vấn đề lớn của thời đại (như bất bình đẳng xã hội, đại dịch toàn cầu hay biến đổi khí hậu) mà khu vực tư nhân không thể nào đảm trách nổi. Nói cách khác, vai trò của nhà nước ngày càng bành trướng, bắt đầu từ cấp cứu (khủng hoảng kinh tế) đến bao thầu (an sinh xã hội) và nay là chủ động. Chi tiêu nhà nước ngày càng tăng nên thuế má và nợ công cũng vì đó nhảy vọt.
Để tóm tắt, Adam Smith chủ trương bàn tay vô hình điều phối thị trường tự do; Karl Marx hô hào bàn tay sắt của nhà nước chỉ huy nền kinh tế; John M. Keynes đưa ra giải pháp bàn tay hữu hình của nhà nước bù đắp cho các thất bại của thị trường. Phe ủng hộ cho rằng Keynes cứu sống Tư Bản (save capitalism) còn bên chống đối tố cáo bàn tay lông lá của nhà nước rồi sẽ bóp nghẹt thị trường tự do. Nước Mỹ hiện đang chứng kiến trận chiến quyết liệt giữa hai khuynh hướng này.
* * *
Chuyên chế tư bản được dùng để mô tả Trung Quốc và Việt Nam là hai nước có nền kinh tế thị trường (cạnh tranh kinh tế) nhưng chuyên chế độc đảng (không có cạnh tranh chính trị.) Cách nói thông thường là đảng cầm quyền ổn định chính trị để phát triễn kinh tế. Cho nên “màu sắc Trung Quốc” hay “định hướng xã hội chủ nghĩa” đều mang cùng là ý nghĩa chuyên chế độc đảng. Mô hình này hiện do Bắc Kinh phô trương dựa vào thành tích tăng trưởng ngoạn mục trong gần nửa thế kỷ như một khuông mẫu cho các nước đang mở mang noi theo thay vì nền dân chủ hổn loạn giống như kiểu cách mạng hoa nhài ở Trung Đông rồi nay lan tràn sang cả Âu-Mỹ.
Một tên gọi khác là Tư Bản Nhà Nước (State Capitalism) trong đó nhà nước chủ động nền kinh tế. Nhưng Chuyên Chế Tư Bản (Authoritarian Capitalism) nhấn mạnh nơi không có cạnh tranh chính trị cho dù cạnh tranh kinh tế. Mô hình tuy này bị các kinh tế gia phê bình là chứa đầy nghịch lý nên không thể phát triển lâu dài nhưng trên thực tế thì nền kinh tế Trung Quốc (và Việt Nam) tăng trưởng chóng mặt trong gần 40 năm mặc dù lúc nào cũng bị tiên đoán là sẽ sụp đổ vì những mâu thuẩn nội tại. Vì lý thuyết phải phù hợp với thực tế chớ không thể bẻ cong hiện thực để phục vụ lý luận cho nên mô hình chuyên chế tư bản phải có những điểm mạnh và yếu của nó (sẽ được phân tích sau này) thì mới thành công ngoạn mục như vậy.
Theo nhiều dự đoán gần đây nhất GDP của Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ vào khoảng năm 2026-2030. Nếu quả thực vậy đây sẽ là một khúc quanh trọng đại trong lịch sử nhân loại không kém gì lúc Mỹ qua mặt Anh để trở thành siêu cường số một trong thế kỷ 20, và sẽ là một chiến thắng tuyên truyền rực rở cho Bắc Kinh hơn 100 năm sau ngày đảng Cộng Sản Trung Hoa thành hình năm 1921.
Nhiều người cho rằng mức thu nhập đầu người Hoa sẽ không bao giờ sánh bằng Âu-Mỹ cho dù GDP có vượt trội. Nhưng trên phương diện địa chính trị thì chính GDP mới thể hiện sức mạnh và trọng lượng kinh tế của một quốc gia trên thế giới. Thí dụ dễ hiểu là mức thu nhập đầu người dân Na-Uy cao hơn Mỹ nhưng Na-Uy không là một siêu cường vì tỷ trọng GDP quá nhỏ so với toàn cầu. Giữa các nước buôn bán bằng USD nên GDP (tính theo USD) càng lớn thì sức hút càng mạnh để những quốc gia còn lại rơi vào quỹ đạo kinh tế, rồi đến chính trị và văn hóa của mình.
Một nhận xét cuối cùng liên quan đến nền chuyên chế tư bản là Bắc Kinh không cần xây dựng một mô hình kinh tế toàn hảo mà chỉ cần đẩy GDP lớn hơn Mỹ thì cũng đủ để thực hiện thế kỷ Trung Hoa (the China Century.) Còn tiên đoán mô hình chuyên chế tư bản sẽ sụp đổ cũng giống như thầy bói đoán “anh sắp chết” rồi thì phải đúng bởi vì ai cũng sẽ chết, nhà nước nào rồi cũng lụn bại.
Từ đầu thế kỷ thứ 21 nhiều kinh tế gia đã nói đến một trận đại hồng thủy (titanic shift) với trọng tâm kinh tế toàn cầu di chuyển từ Tây Phương sang Đông Á với tầm ảnh hưởng đến địa cầu không khác gì giai đoạn Âu-Mỹ công nghiệp hoá để rồi dẫn đến Tư Bản, Thực Dân và Dân Chủ. Cho đến cuối thập niên đầu tiên người ta mới bắt đầu thấy các hậu quả khủng khiếp bao gồm từ sự trổi dậy của Trung Quốc, cuộc Đại Suy Thoái 2007-08, trào lưu dân túy ở Âu-Mỹ vốn dẫn đến Brexit, Trump rồi nay đão ngược sang Biden, và tương lai GDP của Trung Quốc qua mặt Mỹ không còn xa. Kinh Tế Dễ Hiểu sẽ tiếp tục trình bày các vấn đề này một cách…dễ hiểu!
II. Thị Trường
Ba nhân vật trụ cột của bộ môn kinh tế học là Adam Smith, Karl Marx và John M. Keynes. Chương 2 trình bày những lý luận kinh tế đi sau ba vị này ở Mỹ, lý do chọn Hoa Kỳ vì là nền kinh tế lớn nhưng thay đổi qua nhiều thời tổng thống với các chính sách kinh tế khác nhau. Nhưng trước hết để tóm tắt:
Adam Smith chủ trương thị trường có tự do thì dân chúng mới hăng hái làm việc, tạo ra của cải và trao đổi hàng hóa để rồi tất cả mọi người được hưởng lợi ích từ giá trị lao động của chính mình.
Karl Marx phê bình trong chủ nghĩa tư bản giới chủ bóc lột giá trị lao động của thợ thuyền. Lenin duy trì khu vực tư nhân và thị trường nhưng kinh tế do nhà nước lãnh đạo (New Economic Policy 1921-1928.) Đến thời Stalin hoàn toàn loại bỏ thị trường tự do để thay thế bằng nền kinh tế chỉ huy.
John M. Keynes phân tích thị trường lên xuống theo chu kỳ thăng trầm nên nhà nước phải bù đắp vào những khiếm khuyết của thị trường nhằm ổn định xã hội.
Như vậy ba kinh tế gia lổi lạc mỗi người đều có một cái nhìn khác nhau về mối tương quan giữa nhà nước và thị trường. Mục tiêu phần này nhằm trình bày các trường phái tiếp nối Smith, Marx và Keynes mà không đi đến kết luận bởi vì cuộc tranh cải này sẽ còn kéo dài thêm vài trăm năm nữa (nhằm tạo công ăn việc làm cho các kinh tế gia!)
Adam Smith và Karl Marx cùng được gọi chung là kinh tế cổ điển (classical economy) tức là lao động (labour) tạo ra giá trị (value.) Khác ở chổ Smith quan niệm thị trường tự do giúp mọi người hưởng thụ giá trị lao động còn Karl Marx lên án giá trị lao động của công nhân bị tư bản bóc lột.
Vào đầu thế kỷ thứ 20 xuất hiện một cách nhìn mới là giá trị (value) do nơi tiện ích (utility) thay vì từ lao động (labour). Thí dụ một người đang khát uống ly nước đầu thì thật ngon, ly thứ nhì vừa vừa còn ly thứ ba đầy bụng nuốt không vô, tức là giá trị của mỗi ly nước giảm khi nhu cầu tiện ích hạ thấp. Quan điểm này gọi là Giá Trị Biên Tế hay Marginal Value.
Thị trường định đoạt giá trị (giá cả, lương bổng) để trao đổi hàng hóa (sản phẩm, lao động.) Một người có thể bỏ ra công sức lao động tạo ra một món hàng không giá trị vì không ai mua (giống như Kinh Tế Dễ Hiểu viết mà chẳng ai đọc!) Giá trị của mỗi người ở chổ làm ra tiền nhiều hay ít là do nơi khả năng của họ đáp ứng nhu cầu của thị trường giỏi hay dở (người Mỹ gọi là “sell yourself”, tức là tìm giá tự bán khả năng mình.
Nhà tư bản để dành tiền dùng làm vốn đầu tư (capital), tức là họ nhịn không hưởng thụ tiện ích ngay bây giờ thay vào đó chuẩn bị cho tiện ích trong tương lai mặc dù gặp nhiều rủi ro thua lổ mất vốn. Cho nên khi nhà tư bản sau này gặt hái lợi lộc từ tiền đầu tư thì không thể bị xem là bóc lột giá trị lao động của thợ thuyền mà ngồi không hưởng lợi. Thương gia tạo ra giá trị bằng cách môi giới và quảng cáo hàng hóa nhằm mang tiện ích đến cho người tiêu dụng (cho dù không trực tiếp lao động tạo ra sản phẩm) nên cũng không thể bị gọi là bóc lột giá trị lao động của công nhân.
Cho nên theo cánh Giá Trị Biên Tế (Marginalists) thì trong thị trường tự do không ai bị ép buộc phải mua hay bán nên tuy có giàu nghèo do nơi mỗi người tạo ra giá trị cao hay thấp nên không có bóc lột.
Quan điểm về thị trường tự do (Adam Smith) phối hợp với trường phái Giá Trị Biên Tế (Marginalists) được gọi chung là cánh tân cổ điển (neo-classical), nôm na là Tư Bản Mỹ. Thị trường tuy chênh lệch giàu nghèo nhưng không bất công vì giá trị tiện ích cao thấp khác nhau. Nhà nước đừng viện dẫn lý do công bằng xã hội mà thò bàn tay lông lá bẻ cong (distort) thị trường hoặc tìm cách đánh thuế (tịch thu) của nhà giàu cho nhà nghèo (bỏ tiền vào túi nhà nước.)
Nhưng như John M. Keynes nhận xét thị trường trải qua các chu kỳ thăng trầm gây ra rất nhiều xáo trộn nên cần đến bàn tay hữu hình của nhà nước can thiệp nhằm ổn định xã hội. Để trả lời cho vấn nạn này kinh tế gia Milton Friedman (Nobel 1976) chứng minh cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế 1929 do chính nơi nhà nước kém cõi tăng lãi xuất quá sớm khiến một cuộc khủng hoảng thuộc loại xoàn xoàn (garden variety crisis) trở thành một cuộc Đại Khủng Hoảng[1]. Nói cách khác nhà nước phá hỏng thị trường trước rồi sau này tự khen là cứu vớt thị trường!
Dùng thí dụ cho dễ hiểu, thị trường như cơ thể cần đến trái tim (ngân hàng) bơm máu huyết (tiền.) Thiếu máu thì suy thoái (tiền lưu hành ít khó vay mượn đầu tư); dư máu sinh lạm phát (tiền lưu hành nhiều thành ra mất giá); còn nghẹt tim (ngân hàng kẹt vốn) mà không cấp cứu thì chết! Cho nên cần một Ngân Hàng Trung Ương (NHTƯ) độc lập để giám sát hệ thống ngân hàng, để bơm hay hút tiền và kiểm soát lãi suất nhằm giúp cơ thể mạnh khỏe thay vì trông cậy vào nhà nước siết chặt không cho uống rượu, hút thuốc, v.v…bởi vì nhà nước sẽ lạm dung.
Xin lưu ý là NHTƯ Mỹ (Central Bank hay Federal Reserves – Quỹ Dự Trữ Liên Bang, gọi tắt là the Feds) tuy do Tổng Thống và Quốc Hội bổ nhiệm nhưng độc lập (ít nhất là trên nguyên tắc) với chính quyền (gồm Hành Pháp và Lập Pháp.) NHTƯ quyết định chính sách tiền tệ (monetary policy) trong khi chính quyền quyết định ngân sách (fiscal policy) và thuế khóa (tax policy.) Ngân sách và thuế khóa lại là hai quyết định chính trị (political decisions) ưu đãi phe này thiệt thòi phía kia nên chậm chạp, gặp nhiều chỉ trích và sai phạm. Ngược lại NHTƯ do một nhóm chuyên gia độc lập quyết định mà không bị áp lực của lá phiếu bầu nên đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế một cách nhanh chóng và hữu hiệu. Cho nên bàn tay hữu hình (the visibible hand, hay bàn tay lông lá) nhằm chỉ vào chính quyền thay vì NHTƯ.
(Ngược lại NHTƯ của các nước chuyên chế tư bản gồm Trung Quốc và Việt Nam không độc lập vì là cánh tay của nhà nước sai bảo cho công ty quốc doanh hay tư nhân nào vay mượn thì phải vâng lời.)
Hai trường phái Giá Trị Biên Tế (Marginalists) và Tiền Tệ (Monetarists) đặt nền tảng lý thuyết cho kinh tế thị trường và NHTƯ ở Mỹ trong suốt 40 năm từ 1981-2021. Thống Đốc NHTƯ Paul Vocker nổi tiếng nhờ cắt lượng tiền lưu hành chận đứng lạm phát phi mã năm 1979. Tổng Thống Ronald Reagan tuyên bố “Nhà nước tạo ra vấn đề thay vì giải quyết vấn đề” (Government is not the solution to our problem, government is the problem) năm 1981, tức là nhà nước không can thiệp vào thị trường tự do, đồng thời chủ trương giảm thuế để tư nhân có thêm tiền đầu tư hay tiêu xài (nghịch lý là giảm thuế nhưng vẫn tăng chi, lý do một khi nhà nước đã mập thì ngay cả Reagan cũng không dám mổ bụng hút mỡ!)
Cho nên từ 1981-2021 nước Mỹ tuy áp dụng kinh tế thị trường tự do (free market economy) nhưng vai trò của NHTƯ rất lớn. Nếu trên sân khấu thị trường tự do là cô đào thì NHTƯ là kép 1 còn chính quyền (Hành Pháp và Quốc Hội) là kép 2. Dù vậy NHTƯ bị chỉ trích là có bàn tay nhám nhúa ưa sờ soạn, trong khi bàn tay lông lá của nhà nước lúc nào cũng đòi bóp…mạnh hay nhẹ tùy theo đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ.
Donald Trump là Tổng Thống không giống ai nên công khai hù dọa NHTƯ trên Twitter khi Thống Đốc Jerome Powell tăng lãi suất quá nhanh. Báo chí phản đối Trump đe dọa tính độc lập của NHTƯ (nhưng kết quả cho thấy Trump đúng Powell sai.) Dù vậy Trump vẫn thuộc cánh thị trường tự do vì bớt giám sát (de-regulation) và giảm thuế cho dù ngân sách tiếp tục tăng.
Cho đến năm 2021 khi Biden làm Tổng Thống và đảng Dân Chủ nắm Quốc Hội thì NHTƯ mới sẽ nhường chổ cho nhà nước làm kép chánh trên sân khấu, tức là Milton Friedman cùng hai trường phái Giá Trị Biên Tế và Tiền Tệ bị thay thế bởi lý thuyết John M. Keynes cùng với thuyết Tân Tiền Tệ (Modern Monetary Theory – Stephanie Kelton) Hơn thế, nhà nước không chỉ can thiệp (government intervention) mà nay phải chủ động (government activism – Mariana Mazzucato) vào nền kinh tế. Thập niên 2020 là thời đại của các kinh tế gia phụ nữ!
III . Bàn Tay Hữu Hình Của Nhà Nước Dưới Thời Biden
Dù Smith hay Keynes thì nhà nước vẫn giữ vai trò hổ trợ dù nhiều hay ít nhưng chỉ có tư nhân mới tạo ra của cải và sự thịnh vượng. Do Keynes chú trọng đến sự can thiệp tích cực của nhà nước nên phe tán đồng cho rằng ông cứu vớt Tư Bản vì ngăn ngừa không cho những xáo trộn của thị trường dẫn đến khủng hoảng kinh tế rồi sau đó là bạo loạn, cách mạng để cuối cùng đi đến Cộng Sản hay Phát Xít. Phe chống đối cảnh giác mô hình Dân Chủ Xã Hội kiểu Keynes rồi sẽ trở thành xã hội chủ nghĩa, bởi vì bàn tay thô bạo của nhà nước mỗi ngày sẽ tăng thuế má và quyền lực để rồi bóp chết thị trường tự do, cho nên họ lên án chính sách kinh tế của Biden đang đi trên con đường thứ 2 này. Ngược lại những người ủng hộ giải thích Biden mở rộng vai trò của nhà nước chính vì những bất cập của thị trường.
Trong Tư Bản Mỹ thì tư nhân tạo ra giá trị (value) nhờ mang lại tiện ích (utility) khi sản xuất hàng tiêu dùng. Giá cả (price) lại là thước đo giá trị: hàng đắt vì giá trị cao nên nhiều người muốn mua; một người được trả lương lớn vì thỏa mãn nhu cầu tiện ích của xã hội. Quan điểm này tuy hợp lý về kinh tế nhưng lại sinh chuyện lấn cấn về đạo đức bởi vì giá trị của một người thành ra họ làm tiền nhiều hay ít (người Mỹ gọi là make money dịch sát tiếng Việt là làm tiền nên đúng cả nghĩa đen lẫn bóng.)
Nói rộng ra thì giá trị (hay tính chính đáng – legitimacy) của nhiều nhà nước như Trung Quốc và Việt Nam ngày nay đặt nơi GDP tăng trưởng nhanh hay chậm, tức là nhà nước có thành công đẩy quốc gia làm ra tiền nhiều hay ít thay vì chú trọng đến hạnh phúc, bình đẳng và an sinh xã hội (môi trường, giáo dục, y tế, v.v…)
Bên cạnh đó giá cả không phải lúc nào cũng phản ảnh giá trị thực tế bởi vì thị trường có thể bơm lên bong bóng. Những ngành nghề chuyên môn “làm tiền” như thị trường tài chánh ở Mỹ ngày nay chiếm đến gần 8% GDP mà không hề sản xuất ra một vật dụng tiêu dùng nào. Các công ty tài chánh phân bua họ mang đến tiện ích nhờ cung cấp vốn cho doanh nghiệp và cơ hội đầu tư cho dân chúng (điều này đúng) nên khi giá địa ốc và chứng khoáng bay bổng thì họ thu vào lợi nhuận khổng lồ. Nhưng ngược lại lúc các ngân hàng đầu tư cẩu thả như trong lần Đại Suy Thoái năm 2007 lại không gánh chịu trách nhiệm đã hũy hoại giá cả trên thị trường (value destruction) khiến hàng chục triệu dân chúng mất nhà mất việc và suýt làm sụp đổ nền kinh tế. Cho nên “làm tiền” không hẳn đã tạo ra giá trị.
Tài sản của 26 người giàu nhất thế giới hiện ngang bằng 50% phần còn lại của nhân loại . Riêng ở Mỹ vào năm 2017 của cải của 3 nhà giàu nhất nước nhiều hơn 50% dân chúng còn lại . Những tỷ phú như Jeff Bezos hay Mark Zuckerberg quả tình mang đến tiện ích cho hàng tỷ con người qua các dịch vụ trên Amazon và Facebook, nhưng khó lòng giải thích tài sản hàng trăm tỷ của họ 100% là đến từ giá trị tiện ích mà không phải nhờ các công ty này bẻ cong luật pháp và bóp méo thị trường nhằm tránh thuế và giết chết cạnh tranh.
Ở Mỹ hay nhiều nước khác ngày nay tuy không bóc lột lao động (mất việc hay không chịu đi làm thì lãnh trợ cấp nhà nước) nhưng vô cùng chênh lệch: nhiều gia đình làm việc quần quật nhưng vẫn sống chật vật với đồng lương thấp trong khi một số khác hưởng lợi to nhờ giá nhà và chứng khoán tăng vọt. Một khi quần chúng phẩn nộ cho là bất công thì mô hình kinh tế phải thay đổi, bởi vì mô hình kinh tế phải phục vụ con người chớ xã hội không thể bị bẻ cong vì lý thuyết kinh tế
Cho dù thị trường tự do có những khuyết điểm như trên nhưng nhiều người e sợ bàn tay thô bạo của nhà nước một khi can thiệp để lấp bớt hố sâu giàu nghèo sẽ khiến mọi người cùng nghèo như nhau (equality = equally poor.) Tuy nhiên bài học của Nam Hàn, Đài Loan, Trung Quốc cho thấy có những trường hợp bàn tay hữu hình của nhà nước đưa quốc gia trở nên cường thịnh trong thời gian kỷ lục. Một thực tế khác nữa là các công ty Âu-Mỹ-Nhật đều không thể cạnh tranh với nhà nước Cộng Sản trong thị trường ở Trung Quốc, tức khu vực tư nhân cần đến sự hổ trợ tích cực của chính quyền trong thương mại quốc tế.
Cuối cùng, có những vấn nạn của thời đại như đại dịch Vũ Hán và biến đổi khí hậu đòi hỏi quy mô ở tầm vóc quốc gia hay quốc tế mà khu vực tư nhân không thể nào đảm trách nổi, cho nên cần đến bàn tay của nhà nước huy động nhân vật lực của cả một nước hay phối hợp toàn cầu để đối phó.
* * *
Những khuyết điểm nói trên của thị trường tự do ngấm ngầm làm sôi sục lên hai làn sóng phản đối, một bên cánh hữu dân túy (Brexit, Trump) và bên kia cánh tả xã hội (Bernie Sanders, Elizabeth Warren). Chính sách kinh tế của Biden thể hiện sự đắc thắng của cánh tả, ít nhất là cho đến kỳ tái đấu bầu Quốc Hội năm 2022.
Trong suốt 40 năm từ thời Reagan (1981) cho đến Trump (2020) các tổng thống Mỹ đều tránh né để không bị gọi là Big Government, tức là bóng đen của một nhà nước to lớn che phủ lên toàn bộ nền kinh tế. Ngay khi nhà nước can thiệp mạnh bạo trong lần Đại Suy Trầm (Obama, 2007-09) hay Đại Dịch Vũ Hán (Trump, 2020) thì các chính quyền cũng chỉ giải thích do nhu cầu hổ trợ nền kinh tế. Tranh cãi giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ là nơi nhà nước “lấn” nhiều hay ít vào thị trường tự do.
Đến Biden thì nhà nước không chỉ can thiệp thụ động (government intervention) mà phải tích cực chủ động (government activism) nền kinh tế vì 3 lý do:
* Chính sách kinh tế của nhà nước phải chủ động mang lại công bằng xã hội (equality) và bình đẳng màu da, giới tính, v.v…(racial, gender equity) tức là những điều mà thị trường tự do không giải quyết.
** Chính sách kinh tế của nhà nước phải chủ động đối phó với Đại Dịch Vũ Hán và biến đổi khí hậu vốn là những vấn đề lớn của thời đại mà khu vực tư nhân không đủ sức cán đáng.
** Chính sách kinh tế của nhà nước phải chủ động tạo ra tiện ích và giá trị kinh tế.
Điểm thứ 3 là một thay đổi cực kỳ sâu rộng trong lý luận vì đi xa hơn cả John M. Keynes, tức không chỉ tư nhân mà nhà nước cũng tạo ra giá trị kinh tế. Hai thí dụ thường được nêu lên là nhà nước đã đầu tư khai sinh công nghệ bán dẫn (semiconductor) và Internet mà sau này các công ty tư nhân như Intel, Apple, Google,…khai thác làm thay đổi bộ mặt nhân loại. Cho nên theo kinh tế gia Mariana Mazzucato và các chính trị gia cánh tả như Bernie Sanders, Elizabeth Warren và Biden thì nhà nước không thể chỉ “rụt rè” hổ trợ mà phải “táo bạo” (cánh tả dùng chữ tiếng Anh là “bold”) đầu tư và điều khiển khu vực tư nhân vào những công trình làm biến đổi thế giới như năng lượng xanh (green energy), trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence) và vi sinh học (biotechnology.)
Kinh tế của các nước công nghiệp gồm Âu-Mỹ-Nhật đang ở trong tình trạng đình trệ lâu dài (secular stagnation – Larry Summers) từ đầu năm 2000 cho đến nay, tức là tư nhân không đầu tư vào sản xuất để tạo công ăn việc làm trong nước mà di dời hảng xưởng sang Đông Á nhằm khai thác nguồn nhân công rẻ và các quy định kiểm soát lỏng lẽo. Thu nhập của giới công nhân và thành phần trung lưu vừa và thấp không hề tăng trong suốt 30 năm kể từ ngày toàn cầu hóa. Như vậy thị trường tự do và tự do mậu dịch đã không đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội cho nên nhà nước phải chủ động đầu tư ào ạt vào giáo dục, hạ tầng và các công nghệ tiên tiến nhằm tạo công ăn việc làm và thúc đẩy nền kinh tế cạnh tranh với đà vươn lên của Trung Quốc. Nói cách khác, chính sách công nghiệp quốc gia (national industrial policy) và tư bản dân tộc là những quan điểm cấm kỵ trong suốt 40 năm từ thời Ronald Regan (1981) nay bắt đầu xuất hiện trở lại.
Nhà nước chủ động can thiệp nên phải…xài lớn (và xài bậy!) Chưa đầy 3 tháng từ khi nhậm chức mà Biden đã xài 1900 tỷ USD kích cầu (stimulus spending) rồi nay đề nghị thêm 2000 tỷ USD đầu tư hạ tầng (infrastructure spending). Đây là chưa kể đến những chương trình vô cùng tốn kém tiếp theo như hũy bỏ một phần nợ cho sinh viên (student loan cancellation), giữ trẻ miễn phí, y tế cho mọi người (medicare for all), giáo dục cho mọi người (education for all) và lương căn bản cho mọi người (UBI, hay Universal Basic Income.) For all dịch sang tiếng Việt là của toàn dân, tức là dân chúng đừng có no để nhà nước no. Câu hỏi ở đây là tiền đâu mà xài dữ vậy trong khi mà nước Mỹ đang mắc nợ như chúa chởm?
Câu trả lời thứ nhất là thế giới đang ngập lụt tiền tiết kiệm (savings glut – Ben Bernanke) do 4 nguyên nhân:
(1) hố sâu giàu nghèo – tiền của tích tụ vào nhà giàu xài không hết nên còn dư để dành;
(2) chênh lệch mậu dịch – các nước như Trung Quốc hay Việt Nam tích tụ những khoảng dự trữ ngoại tệ khổng lồ nhằm thao túng tiền tệ và đề phòng nạn tư bản tháo vốn;
(3) trong những năm giá dầu nhảy vọt thì khối các nước sản xuất dầu như Nga, Saudi và Na Uy thu về các khoảng lợi nhuận khổng lồ (nhưng khối tiền này đang vơi dần trong những năm gần đây);
(4) dân chúng Âu-Mỹ-Nhật để dành tiền trong các quỹ hồi hưu.
Vì tiền tiết kiệm ngập lụt nên nước Mỹ có thể tha hồ vay mượn với lãi xuất (negative interest rate, sau khi trừ lạm phát) dại gì không mượn để đầu tư hay tiêu xài…cho sướng!
Một hệ lụy là Mỹ nợ 100% hay 150% GDP không còn quan trọng miễn là giữ tiền trả nợ hàng năm dưới 2% GDP. Vì nếu tăng trưởng hay lạm phát cũng khoảng 2% thì nợ sẽ dần dần bốc hơi biến mất (Larry Summers và Jason Furman, tức hai tay đại phù thủy kinh tế gia “hô biến” thì nợ biến mất!)
Điểm cuối cùng nhưng quan trọng là thuyết Tân Tiền Tệ (Modern Monetary Theory hay MMT – Stephanie Kelton) lý luận rằng Mỹ mượn nợ bằng USD nên không bao giờ quịt nợ vì có thể in USD trả nợ! Mỹ chỉ không mượn được nợ ngày nào thế giới “chê” đô-la vì USD mất giá (như trước đây dân Việt “chê” tiền Bác Hồ mất giá quá nhanh nên chuộng vàng và USD.) Mỹ mượn nợ ào ạt từ 6% GDP năm 2000 nay tăng vọt lên 109% GDP năm 2020 vậy mà lãi xuất thực rơi từ 4.1% xuống chỉ còn -0.1% tức là ngày càng thêm nhiều người muốn cho Mỹ mượn tiền. Vì thế giá USD không giảm so với Euro, Yen, Nhân Dân Tệ (NDT) hay ngay cả Đồng Việt Nam (VND). Thí dụ cho dễ hiểu, Việt Nam hiện có khoảng 80 tỷ USD trong quỹ cọng với thu vào hàng năm trên 60 tỷ USD từ chênh lệch mậu dịch, vậy mà Việt Nam tuy dư thừa USD nhưng vẫn không “chê” USD, trái lại chỉ sợ Mỹ không chịu in tiền hay mượn tiền để mua hàng Việt Nam. Việt Nam không lo USD cao giá chỉ sợ USD mất giá!
Nước Pháp có lần tức giận gọi Mỹ được hưởng tiện nghi quá đáng (exorbitant privilege) nhờ vai trò đồng đô-la. Ngược lại nhiều chuyên viên kinh tế cho rằng Mỹ mang gánh nặng quá đáng (exorbitant burden) cũng vì USD – nhưng đây là câu chuyện sẽ bàn về sau. Còn nay trở lại với thuyết MMT thì Mỹ cứ tiếp tục in tiền hay vay tiền cho đến khi lạm phát tức là USD bắt đầu mất giá!
—-
04/04/2021
Chú thích
Tư Bản (Capitalism) : thị trường tự do (free market); bàn tay vô hình (invisible hand); Adam Smith; Mỹ
Cộng Sản (Communism): kinh tế chỉ huy (control economy); bàn tay sắt của nhà nước vô sản (dictatorship of the proletariat); Karl Marx
Dân Chủ Xã Hội (Social Democracy): bàn tay hữu hình (the visible hand, hay bàn tay lông lá) của nhà nước can thiệp bù đắp cho các thất bại của thị trường; John M. Keynes; Âu Châu
Chuyên Chế Tư Bản (Authoritarian Capitalism): kinh tế thị trường nhưng chuyên chế độc đảng; cạnh tranh kinh tế nhưng không có cạnh tranh chính trị; Trung Quốc và Việt Nam
[1] Tựa đề Lý Thuyết Tổng Quát…của Keynes 1936 dựa theo tên gọi Lý Thuyết Tổng Quát về thuyết Tương Đối (General Theory of Relativity) của Albert Einstein 1915 cho thấỳ kỳ vọng của Keynes là thay đổi kinh tế học từ nền tảng của Smith và Marx cũng giống như Einstein thay đổi vật lý học từ nền tảng của Newton. Quyễn Lý Thuyết Tổng Quát…của Keynes cực kỳ khó hiểu nên Nobel Kinh Tế Paul Krugman có lần nhận xét giống như miếng thịt bíp-tết thật ngon nhưng nấu chưa chính nên nhai mãi nuốt không trôi (dịch thoát ý.)
[2] Phái Cổ-Điển (Classical Economic) Adam Smith và Karl Marx: lao động (labour) tạo ra giá trị (value). Marx lên án tư bản bóc lột giá trị lao động.
https://vietbao.com/p112a307569/2/kinh-te-de-hieu-ban-tay-huu-hinh-cua-nha-nuoc-duoi-thoi-biden-chuong-3-