28 avril 2021

Cảnh báo: Tập thách thức vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ và phản công lại sự bao vây

Willy Wo-Lap Lam

(Lê Minh Nguyên lược dịch)

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công khai thách thức vai trò của Mỹ trong tư cách là nước thiết lập quy tắc toàn cầu. Chính quyền của Tập Cận Bình cũng thực hiện nhiều biện pháp nhằm chống lại những nỗ lực của “liên minh các nền dân chủ” do Mỹ lãnh đạo nhằm kiềm chế TQ.


Tại cuộc gặp ngoại giao cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và TQ ở Alaska ngày 18/3, Dương Khiết Trì nói với Ngoại trưởng Antony Blinken rằng “hầu hết các nước trên thế giới không thừa nhận các giá trị của Mỹ đại diện cho giá trị quốc tế…” và nói thêm rằng “Mỹ không đủ tư cách để nói chuyện với TQ một cách trên trứơc”. Cuộc nói chuyện cương cứng này nối tiếp theo chỉ thị của Tập tại Đại hội Nhân dân Toàn quốc vào tháng trước, rằng TQ hiện hùng mạnh có quyền ứng xử ngang hàng với thế giới. Ông ngụ ý rằng TQ sẽ sớm vượt qua Mỹ, tuyên bố "phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang suy tàn", "thời điểm và xu hướng phát triển đều đứng cả về phía chúng ta”, ông nói thêm rằng “các cơ hội của chúng ta vượt cao hơn những thách thức mà chúng ta phải đối mặt”.

Các khẳng định này trái ngược với những tuyên bố thường được lặp đi lặp lại trước đây rằng TQ không có ý định chống lại “quyền bá chủ” của Mỹ. Tại một cuộc nói chuyện ở New York vào cuối năm 2018, Vương Nghị nói rằng “TQ sẽ không thách thức hoặc tìm cách thay thế Mỹ”. Trong Sách trắng của TQ năm 2019 có tựa “TQ và thế giới trong kỷ nguyên mới”, cũng chỉ ra rằng “TQ không có ý định thách thức Mỹ, cũng không muốn thay thế Mỹ”. Và ông Tập đã nói trong bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc vào năm 2020 rằng đất nước của ông “không có ý định đánh nhau trong chiến tranh lạnh hay chiến tranh nóng với bất kỳ nước nào”.

TQ chống lại “Liên minh các nền dân chủ”

Những tuyên bố hung hăng của các lãnh đạo TQ dường như nhằm chống lại sáng kiến của Biden đang củng cố “liên minh các nền dân chủ” để kiềm chế sự bành trướng quyền lực mềm và cứng của TQ. Mỹ đã kêu gọi các đồng minh và bạn bè tham gia vào “cuộc cạnh tranh gay gắt” của Mỹ với TQ mà như Biden đã nói, TQ được dẫn dắt bởi một nhà lãnh đạo “không có chút xíu nào dân chủ, dù là một mãnh xương nhỏ trong người”. Vào ngày 12/3, Biden đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh online với Bộ Tứ - bao gồm Mỹ, Ấn, Nhật và Úc. Nhóm này kêu gọi Khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương phải “giữ vững các giá trị dân chủ”. Hội nghị ủng hộ các chuyến tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, lên án hành vi “ép buộc” và “gây hấn” của TQ. Mười hai ngày sau, Ngoại trưởng Blinken đến Brussels để hoạch định các chiến thuật chung với những viên chức Liên Âu và NATO nhằm đập mạnh vào cái mà ông gọi là “những hành động gây hấn và cưỡng ép của TQ, cũng như những thất hứa của TQ…trong việc duy trì các cam kết quốc tế”.

Vào giữa tháng 3, Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã gặp những người đồng cấp của họ ở Hàn Quốc và Nhật Bản trong cái gọi là cuộc họp “2+2”, truyền thông TQ coi đó là nỗ lực phối hợp phản ứng trước sự trỗi dậy của TQ. Sau đó trong cùng chuyến đi, Austin cũng thăm Ấn Độ để củng cố hợp tác quốc phòng. Bất chấp những căng thẳng chiến lược lâu dài giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, Mỹ đã gặt hái được một số cam kết của hai bên để hợp tác chống lại TQ. Các quan chức cấp cao của Mỹ và Hàn Quốc cam kết “phản đối tất cả các hoạt động phá hoại và gây mất ổn định trật tự quốc tế dựa trên pháp luật”. Một thông cáo được ban hành sau cuộc họp Tokyo 2+2 nhắm thẳng vào TQ, thông cáo nhấn mạnh rằng “Hành vi của TQ không phù hợp với trật tự quốc tế hiện có, gây ra những thách thức về chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ đối với liên minh và cộng đồng quốc tế.” Mỹ và Nhật tuyên bố ủng hộ "hòa bình và ổn định" ở eo biển Đài Loan và chống lại các yêu sách lãnh thổ của TQ ở Biển Đông. Mỹ cũng nhắc lại sự ủng hộ về tuyên bố chủ quyền của Nhật trên quần đảo Senkaku.

Kết quả có được trong cuộc tấn công trên nhiều mặt của chính quyền Biden thì rất ấn tượng. Cùng với Hòa Lan và Canada, Mỹ đã tuyên bố rằng chính sách của TQ nhằm đàn áp dân thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là diệt chủng. Lần đầu tiên kể từ sự kiện Thiên An Môn 1989, Liên Âu đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức TQ được cho là chịu trách nhiệm ban hành các chính sách nói trên ở Tân Cương vào cuối tháng Ba. Mỹ, Anh và Canada đã ban hành các lệnh trừng phạt tương tự. Các quốc gia Tây Âu bao gồm Pháp, Đức và Anh sẽ tham gia cùng Mỹ trong các chuyến đi tuần tra ở Biển Đông và Mỹ đã tăng cường cho tàu hải quân đi qua eo biển Đài Loan. Hơn nữa, một số quốc gia Liên Âu đã tuân theo sáng kiến của Mỹ về việc cắt nguồn cung cấp microchips và các sản phẩm công nghệ cao khác cho các công ty công nghệ của TQ. Nhật đã tăng cường hợp tác quốc phòng, bao gồm cả việc bán vũ khí cho các nước như Ấn Độ, Nam Dương và Việt Nam.

Đáp trả lại, TQ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các viên chức chính phủ và những người khác ở Mỹ và ở Liên Âu. Quân đội TQ đã tăng tần suất "tuần tra" của họ ở Biển Đông cũng như các cuộc tấn công của không quân và hải quân vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan và các vùng biển xung quanh. Theo ông Yu Maochun, cố vấn về TQ cho cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, thì những tuyên bố gần đây của Dương Khiết Trì và Vương Nghị cho thấy “ngay cả các quan chức hàng đầu của TQ cũng đã áp dụng chính sách ngoại giao chiến lang”.

Ông Tập đóng vai trò chủ chốt trong việc cố gắng gây chia rẽ quan hệ Mỹ và Liên Âu vào cuối năm 2020, mà đỉnh điểm là ký kết online hồi cuối tháng 12/2020 Hiệp định Đầu tư Toàn diện TQ-LÂ, bất chấp những lo ngại của chính quyền Biden sắp nhậm chức. Ông Tập nói với Thủ tướng Đức Merkel trong một cuộc điện đàm đầu tháng 4/2021 rằng “Sự phát triển của TQ là cơ hội cho L”. Không nhắc tên nhưng ngầm loại Mỹ, ông Tập kêu gọi châu Âu “nên có các quyết định đúng đắn, độc lập và thực sự đạt được quyền tự chủ chiến lược”. TQ cũng tăng cường mối quan hệ gần như đồng minh với Nga. Sau khi hội đàm với người đồng cấp Vương Nghị tại Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây vào cuối tháng 3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định “quan hệ đối tác toàn diện” giữa hai nước láng giềng. Trong một đề cập rõ ràng về sức ép của Mỹ, ông Lavrov nói: “Chúng tôi bác bỏ các trò chơi chính trị có tổng số bằng không (thắng-thua) và các lệnh trừng phạt đơn phương bất hợp pháp, mà các đồng nghiệp phương Tây ngày càng sử dụng thường xuyên hơn”. Ông nói thêm rằng sự can thiệp của các quốc gia phương Tây vào công việc nội bộ của các quốc gia khác là "không thể chấp nhận được đối với đời sống quốc tế".

TQ tăng cường hỗ trợ ở khắp Trung Đông và Đông Nam Á

Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị cũng bắt đầu chuyến thăm chạy nước rút ở Trung Đông với các cuộc gặp những người đồng cấp từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - những quốc gia ASEAN này nằm ngoài hệ thống liên minh truyền thống của phương Tây. Vương Nghị bắt đầu chuyến công du 6 quốc gia, đến Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain và Oman vào ngày 24/3. Dù Trung Đông không nằm trong khu vực TQ thường quan tâm, nhưng thương mại TQ-Ả Rập trong nửa đầu năm 2020 được định giá là 115 tỷ đôla, đưa TQ thành đối tác thương mại hàng đầu của các nước Ả Rập. Tờ China Daily đưa tin TQ đang “tìm kiếm sự ủng hộ của các nước ở Trung Đông để chống lại sức ép đang được Mỹ và các đồng minh áp dụng”. Khi bắt đầu chuyến đi, Vương Nghị nói rằng “các lực lượng bên ngoài khu vực Trung Đông nên gác lại sự tính toán riêng của họ và ngừng coi khu vực như một bàn cờ trong việc điều động chiến lược của họ”.

Đặc biệt quan trọng là một thỏa thuận được ký giữa Vương Nghị và người đồng cấp Iran là Mohammad Javad Zarif xác nhận “quan hệ đối tác chiến lược” của hai nước trong 25 năm tới. Chính phủ Iran chuẩn bị phá bỏ lệnh cấm vận trừng phạt của phương Tây bằng cách cung cấp dầu và khí đốt cho TQ. TQ cũng cho biết sẵn sàng đầu tư vào “các dự án phát triển thuợng và hạ nguồn của những ngành năng lượng” ở nước này trong thông cáo báo chí về thỏa thuận được công bố. Rất nhiều liên doanh hợp tác tiềm năng trong các lĩnh vực từ ngân hàng và khai thác mỏ đến cơ sở hạ tầng và khám phá không gian cũng đã được nêu ra. Với nguồn tài chính từ các ngân hàng TQ, Iran đã bày tỏ quan tâm đến việc ký kết các dự án Vành đai Con đường trong khu vực.

Một mặt, TQ thúc giục chính quyền Biden tái tham gia Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung năm 2015 quy định các hoạt động hạt nhân của Iran, mà cựu TT Trump đã rút khỏi năm 2018. Mặt khác, Vương Nghị củng cố mối quan hệ đặc biệt để tăng cường ảnh hưởng của TQ ở Iran bằng cái giá Mỹ trả, chứng tỏ cách mà TQ muốn đi bước trước trong việc bảo vệ quyền lợi của họ trong khu vực. Mạng Truyền hình Hoàn cầu của nhà nước TQ đã đăng một đoạn quan điểm nói rằng thỏa thuận TQ-Iran sẽ “làm thay đổi hoàn toàn bối cảnh địa chính trị hiện hành ở khu vực Tây Á vốn từ lâu đã thuộc quyền bá chủ của Mỹ”.

TQ phải nắm chắc rằng thế giới Hồi giáo không chỉ trích cách họ đối xử với người Hồi giáo ở Tân Cương và các nơi khác. Trong cuộc gặp với Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman, Vương Nghị đã lặp lại nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. Thái tử Salman nói rằng đất nước của ông “kiên quyết ủng hộ lập trường hợp pháp của TQ về các vấn đề liên quan đến Tân Cương và Hồng Kông…và bác bỏ nỗ lực của một số bên nhằm gây bất hòa giữa TQ và thế giới Hồi giáo”. Với mối quan hệ thân thiết lâu đời giữa Mỹ và Ả Rập Saudi, khó có khả năng TQ có thể làm suy yếu mối quan hệ của Mỹ-Saudi này. Tuy nhiên, giới lãnh đạo ĐCSTQ muốn đảm bảo nguồn cung dầu đáng tin cậy từ Trung Đông. Vuơng Nghị cũng đã cố gắng làm xói mòn “quyền bá chủ của đồng đô la dầu” bằng cách thuyết phục các nước Trung Đông mà TQ mua dầu chấp nhận thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.

Có lẽ cấp bách hơn là việc TQ lo lắng muốn ngăn cản chính quyền Biden thành lập một mặt trận thống nhất với các nước châu Á để đẩy lùi việc TQ chiếm đóng các đảo tranh chấp ở Biển Đông. Phần lớn các bãi đá trơ trụi này cũng được Việt Nam, Phi, Mã, Nam Dương, và Đài Loan tuyên bố chủ quyền. Ông Vương cũng nôn nóng thúc đẩy một giải pháp TQ-ASEAN cho cuộc khủng hoảng ở Miến Điện, đây cũng là vấn đề mà Mỹ đang cố gắng thu phục sự ủng hộ của các đồng minh. Từ ngày 31/3 đến 2/4, ông Vương đã gặp gỡ ngoại trưởng của Singapore, Mã Lai, Nam Dương và Phi ở Phúc Kiến.

Trên bề mặt, ông Vương và các vị khách dường như đồng ý rằng một giải pháp cho Biển Đông là đẩy nhanh việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử COC giữa TQ và ASEAN để làm rõ việc sử dụng các tuyến đường biển xung quanh các điểm gây tranh cãi trong đại dương bao la. Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Mã Lai là Hishammuddin Hussein vào ngày 1/4, ông Vương nói: “TQ và Mã Lai đồng ý tăng cường đối thoại và hợp tác về các vấn đề hàng hải và quản lý đúng đắn những khác biệt”. Ông nói thêm rằng cả hai bên nên “thúc đẩy tham vấn ngoài luồng về COC.” Ông Vương cũng ngụ ý rằng các nước phương Tây không nên gây áp lực với chính quyền quân sự ở Miến Điện bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt: “Kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, TQ và Mã Lai nhất trí rằng cộng đồng quốc tế nên duy trì quy tắc cơ bản là không can thiệp vào các vấn đề nội bộ, và tạo môi trường tốt để hòa giải chính trị trong nước”. Hussein đồng ý, nhấn mạnh rằng “Mã Lai và TQ là thành viên của cùng một gia đình”. Quay sang ông Vương, ông Hussein nói: "Anh mãi mãi là người anh lớn của tôi.” Mặc dù không đề cập trực tiếp đến Miến Điện, Hussein cũng được trích dẫn trong phát biểu chính thức là ủng hộ việc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước châu Á. Hussein nói: “Những nỗ lực của các thế lực bên ngoài nhằm chia rẽ các nước trong khu vực sẽ không thành công.” Câu nói này đã được truyền thông TQ nhắc lại.

Kết luận

Liệu chính sách của Tập phản công sự bao vây của Mỹ có thành công? Một yếu tố nổi cợm là liệu TQ - nước có tổng số nợ lớn gấp 3 lần tổng sản lượng quốc nội - có đủ khả năng tiếp tục hỗ trợ tài chính hào phóng cho các dự án liên quan đến Vành Đai Con Đường và các dự án khác ở các khu vực như Trung Đông và Ấn Độ-Thái Bình Dương hay không? Đầu tư gần đây của TQ vào các chính sách Vành Đai Con Đường đã bị thu hẹp do tình trạng thiếu ngoại hối của đất nước. Một yếu tố lớn hơn nữa là, liệu các hành xử trong “ngoại giao chiến lang” của TQ có thể kích hoạt một cuộc đối đầu quân sự hay thậm chí là một cuộc chiến tranh nóng ở các khu vực sôi động như eo biển Đài Loan và Biển Đông hay không? Trong các phát biểu của ông Tập năm qua với quân đội, người cũng giữ chức vụ Tổng tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự trung ương, đã nhấn mạnh “sự sẵn sàng chiến đấu quân sự” và khả năng “chiến đấu và chiến thắng trong các cuộc chiến tranh” của quân đội TQ. Đầu tháng 4/2021, TQ cử nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đến tập trận ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tàu khu trục USS John McCain đã ở khu vực đó trong cùng thời gian, làm tăng nguy cơ leo thang xảy ra. Với xu hướng củng cố sức mạnh của TQ bằng vũ lực, các biện pháp của TQ nhằm chống lại sự “ngăn chặn” của Mỹ có thể dễ dàng đe dọa hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

https://bit.ly/3tFqABf