11 avril 2021

Cam kết ‘không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế’ và cho phép phá rừng làm sân golf

Diễm Thi

Ảnh minh họa: một sân golf ở Việt Nam - AFP

Dự án sân golf 36 lỗ tiêu chuẩn quốc tế tại huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai thời hạn khai thác trong 50 năm vừa được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng duyệt chủ trương đầu tư. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf này.

Sân golf này sẽ do Công ty cổ phần tập đoàn FLC làm chủ đầu tư với quy mô hơn 174 ha.


Thủ tướng giao UBND tỉnh Gia Lai chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ dự án, các nội dung giải trình, tiếp thu của nhà đầu tư và các nội dung đã thẩm định; chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng cho nhà đầu tư thực hiện dự án.

Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, việc bảo vệ môi trường, nguồn nước.

FLC chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác các thông tin, số liệu, nội dung hồ sơ dự án.

Chuyên gia quản lý tài nguyên Đặng Hùng Võ phân tích sự kiện này với RFA:

“Về nguyên tắc thì Việt Nam có chủ trương bảo vệ rừng, phát triển rừng, tăng diện tích rừng. Đến nay thì tổng diện tích rừng đạt 49% diện tích đất nước. Trước kia cái tiêu chuẩn rừng nó rất cao. Cây phải lớn, không tính các cây bụi nhưng sau đó lại cứ rút dần tiêu chuẩn thế nào gọi là rừng, đồng thời cũng coi một số các loại rừng đặc biệt được gọi là rừng nhưng lại không đạt tiêu chuẩn nào.

Thế nhưng lại có một cái nghị quyết của Bộ Chính trị là Nghị quyết 30 về việc tiếp tục đổi mới các nông lâm trường quốc doanh. Trong đó có đưa ra một chủ trương, là đối với những rừng tự nhiên mà nghèo kiệt thì có thể chuyển sang mục đích sử dụng khác mang lại hiệu quả cao hơn.

Có thể đây là chủ trương dẫn đến chuyện xem xét một số rừng tự nhiên nghèo kiệt ở Gia Lai không thể khôi phục, không thể phục hồi được nên được chuyển mục đích sử dụng, mà cụ thể là làm sân golf với ý nghĩa phát triển du lịch Việt Nam.”

Nghị quyết 30 có đưa ra một chủ trương là đối với những rừng tự nhiên mà nghèo kiệt thì có thể chuyển sang mục đích sử dụng khác mang lại hiệu quả cao hơn. Có thể đây là chủ trương dẫn đến chuyện xem xét một số rừng tự nhiên nghèo kiệt ở Gia Lai không thể khôi phục, không thể phục hồi được nên được chuyển mục đích sử dụng, mà cụ thể là làm sân golf với ý nghĩa phát triển du lịch Việt Nam. - GS. Đặng Hùng Võ

Ông Võ cho rằng, tất cả chỉ là giả thiết. Nếu muốn đánh giá chính xác phải đến tận nơi mới biết rừng có thật sự nghèo kiệt đến mức không thể phục hồi được hay không, và nếu có thì phải xem tại sao không phục hồi được. Chủ trương cho chuyển các khu rừng tự nhiên nghèo kiệt không có khả năng phục hồi sang mục đích khác thì phải kèm theo các tiêu chuẩn kỹ thuật, các tiêu chuẩn định lượng xem thế nào là nghèo kiệt không thể khôi phục. Ông nhận định rằng chính sách đôi khi rất đúng nhưng lại bị bẻ cong đi ở cấp thực hiện dẫn đến chuyện làm ngược lại chính sách đó.

Tháng 12 năm 2020, khi dự án được đề xuất, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng việc triển khai dự án sân golf này sẽ làm biến mất rừng thông ba lá gần 50 tuổi quý giá và thảm thực vật tại đây, dẫn đến mất cân bằng môi trường sinh thái của địa phương.

Tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và 63 tỉnh thành về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới, diễn ra vào sáng 14 tháng 10 năm 2017, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Bác Hồ nhiều lần nói rừng là vàng, vì thế Tây nguyên muốn chặt một cây gỗ thì phải thắp hương mà lạy cây. Nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng phải được quán triệt mạnh hơn trong mọi cấp chính quyền, trong cả hệ thống chính trị”.

Ông Phúc đề nghị các bộ ngành, địa phương đồng tâm làm cho diện tích rừng cả nước tiếp tục tăng lên.

Nên cho tư nhân hóa đất rừng? 

Sân golf ở khu vực Vịnh Hạ Long. Reuters

Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 quy định, rừng tự nhiên là một hệ sinh thái gồm cây lâu năm thân gỗ, cau dừa có chiều cao vút ngọn từ năm mét trở lên. Tới năm 2018, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp 2017 lại quy định thêm: chiều cao trung bình của cây rừng từ một mét trở lên đối với các kiểu rừng ở điều kiện sinh thái đặc biệt khác cũng là rừng tự nhiên. Như vậy, nhà quản lý đã lùi tiêu chí thế nào là "rừng tự nhiên" để tăng số liệu về diện tích rừng.

Theo thống kê của Bộ Lâm Nghiệp, tính đến cuối năm 2020, thực tế 66% rừng tự nhiên đang là rừng nghèo suy kiệt; 30% là rừng trung bình; chỉ khoảng 4% là rừng giàu.

Ông Đặng Hùng Võ từng nhiều lần nêu quan điểm của ông với những cơ quan có trách nhiệm về rừng ở Việt Nam rằng, cần để tư nhân tham gia phục hồi rừng tự nhiên. Tư nhân quản lý thì sẽ tốt hơn, bởi họ mất tiền để được giao rừng thì họ sẽ chăm sóc đúng để phục hồi rừng tự nhiên. Tư nhân có động lực rất lớn trong vấn đề lợi ích. Ông nói thêm:

“Quan điểm của tôi thứ nhất là phải phục hồi tiêu chuẩn rừng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, thế nào gọi là rừng. Thứ hai, phải cương quyết hồi phục rừng tự nhiên, mà phải sử dụng động lực tư nhân để phục hồi.

Khi xây dựng Luật Lâm nghiệp 2017 tôi đã trình bày nhưng không được chấp nhận, và đến bây giờ vẫn không được chấp nhận.”

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, từng nhận định với RFA vào tháng trước rằng:

“Tôi nghĩ rằng bây giờ mình phải tìm cách khôi phục lại tự nhiên càng nhiều càng tốt, tránh chuyện chúng ta khai thác thiên nhiên quá mức. Điều này đòi hỏi một sự nỗ lực rất lâu dài, và tốn kém rất nhiều. Đồng thời phải xem xét lại vấn đề bố trí lại dân cư trong những cùng rủi ro như vậy, và điều này đòi hỏi một sự nỗ lực rất lâu chứ không thể một sớm một chiều.”

Tôi nghĩ rằng bây giờ mình phải tìm cách khôi phục lại tự nhiên càng nhiều càng tốt, tránh chuyện chúng ta khai thác thiên nhiên quá mức. Điều này đòi hỏi một sự nỗ lực rất lâu dài, và tốn kém rất nhiều.- Tiến sĩ Lê Anh Tuấn

Theo đề án đầu tư ngành Thể dục Thể thao của tỉnh Gia Lai, dự án sân golf Đak Đoa nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2016- 2025. Đây cũng là một trong 89 sân golf được quy hoạch theo Quyết định số 1946 ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 và Quyết định số 795 ngày 26/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh bổ sung danh mục các sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020.

Tháng 11 năm 2018, UBND tỉnh Gia Lai đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sân golf Đak Đoa. Theo đó, nhà đầu tư trúng thầu là công ty cổ phần Tập đoàn FLC. Điều đáng nói là dự án sân golf này chiếm đến hơn một phần ba diện tích rừng của cả huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai. Nếu dự án này được thực hiện thì phải phá rừng thông làm sân golf.

Đến hôm nay, Thủ tướng Việt Nam đã cho phép chuyển mục đích 156 ha đất rừng để FLC làm sân golf này.

Nói về sự phát triển sân golf ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho hay, tính đến năm 2015, Việt Nam có 58 sân golf nằm rải rác tại 24 tỉnh của ba miền Bắc- Trung- Nam.

Tuổi Trẻ Online hôm 5 tháng 4 năm 2021 dẫn lời Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam Phạm Thành Trí cho hay, hiện Việt Nam có 75 sân golf đang hoạt động. Thời gian gần đây, tính trung bình cứ hai tuần Việt Nam có thêm một sân golf được cấp phép. Sắp tới mỗi năm Việt Nam có thể có thêm từ 50 đến 100 sân golf nữa.

Ngoài chuyện phá rừng để làm sân golf, theo các chuyên gia môi trường, để vận hành một sân golf cần phải sử dụng nhiều loại hóa chất như acid silic, oxid nhôm, oxid sắt, acrylamide… Đây là những hóa chất độc hại đối với con người và các loại sinh vật khác.

2021-04-06

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-prime-minister-allows-deforestation-dt-04062021125300.html?fbclid=IwAR3lY6MjTL-US5NLt_OKnbllprCU6ejidFCEqwuTzv_eKRr13C8lJmNDXrU