13 avril 2021

TRÍ THỨC VÀ TIẾNG NÓI PHẢN BIỆN

Lao Ta

Trong bất cứ xã hội nào, thì bộ phận có học vấn luôn đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với mọi lĩnh vực. Điều đơn giản này thiết tưởng chẳng cần phải nhắc lại. Nhưng thực tế lịch sử luôn khiến chúng ta không được yên lòng, chủ quan với bất cứ nhận định nào.


Số phận của trí thức luôn gắn liền với số phận của những cộng đồng, quốc gia cụ thể, nơi anh ta là thành viên. Trong những xã hội lạc hậu, bảo thủ, trí thức luôn bị dị nghị, bị nghi ngờ, bị lánh xa, thậm chí bị coi thường, bị biến thành kẻ thù nguy hiểm, như chúng ta từng thấy, đang thấy và chắc chắn sẽ còn thấy. Các đấng quân vương, những kẻ độc tài thường đòi hỏi mọi thần dân đều phải nhất nhất tin theo ông bà ta, cấm bàn cãi. Mọi lời ông bà ta ban ra là chân lý cuối cùng, bất khả tư nghị, không ai có quyền nghi ngờ tính đúng đắn tuyệt đối của nó. Trí thức trong những xã hội ấy thường đóng vai trò làm vật trang trí, không có tiếng nói, hoặc quay sang quy phục quyền lực để vinh thân phì gia, chấp nhận làm cái loa cho nó, trở thành những kẻ xu nịnh hèn mạt.

Trong khi đó, trí thức là “kho trí khôn” là “túi càn khôn”, là “mỏ trí tuệ” của những xã hội văn minh, nơi đề cao tiếng nói phản biện. Tại đó, trí thức và giới trí thức không chỉ là những người cung cấp ý tưởng, tư tưởng, các sáng kiến, vạch ra kế sách, can dự vào các chính sách, mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn những giá trị tinh thần cao quý như đạo đức, lẽ phải, sự tiến bộ, định hình chiến lược giúp quốc gia hướng tới tương lai.

Vậy trí thức thực chất là ai?

Có khá nhiều định nghĩa thế nào là một trí thức? Theo tiêu chí học vấn và có vẻ cũng dễ được chấp nhận nhất, thì trí thức là người có bằng cấp, có học hàm học vị. Theo tiêu chí công việc, thì trí thức là những người chuyên nghiên cứu, phát minh, sáng chế, quản lý, truyền thụ kiến thức....nghĩa là làm việc bằng cái đầu. Rồi với mỗi chế độ xã hội lại có những định nghĩa khác nhau, theo quan niệm riêng của mình, về trí thức.

Một trí thức lớn (mà tôi không nhớ tên) có một cách nói rất hay, làm nổi bật chân dung của một trí thức. Ông bảo rằng: Người nghĩ ra bom hạt nhân, chắc chắn phải là một bác học. Nhưng nếu anh ta không thấy trước để cảnh báo về tai họa của bom hạt nhân với nhân loại, thì anh ta chưa phải là một trí thức!”

Một người học đầy mình, có đủ kiến thức đông tây kim cổ nhưng nếu thiếu trách nhiệm với cộng đồng, thiếu đạo đức, vô cảm với nỗi đau đồng loại, thì vẫn chưa phải là một trí thức.

Sự quan trọng của trí thức trước hết bởi họ vốn là những người luôn có óc hoài nghi. Người bình thường, những kẻ ít học, có thể yên phận tin theo số đông, nhưng một trí thức thì không, hoặc không dễ tin theo. Thậm chí anh ta sẵn sàng chống lại tất cả để bảo vệ quan điểm, chính kiến của mình.

Nhưng giá trị đích thực, giá trị lớn nhất của trí thức lại ở chính cái phẩm chất ấy?

Thứ hai, trí thức là những người có tầm nhìn xa, có tư duy sắc bén, nhạy cảm với mọi thay đổi. Họ là những người đoán định được tương lai dựa trên những suy tưởng mang tính triết học.

Nhưng có lẽ quan trọng nhất, trí thức là nguồn ánh sáng dẫn dắt sự phát triển lành mạnh của xã hội. Một xã hội không phát triển, chắc chắn là một xã hội không có tương lai. Nhưng sự phát triển thiếu dẫn dắt, thiếu trí tưởng tượng lại rất dễ gây thảm họa, tạo ra thứ chúng ta gọi là nhân tai, thậm chí còn nguy hiểm cả hơn thảm họa thiên tai, như chúng ta vẫn thấy.

Chính vì những điều đó mà tiếng nói của trí thức luôn vô cùng quan trọng. Nó cần thiết vào mọi thời điểm, mọi không gian quyền lực chính trị, văn hóa, với mọi thể chế xã hội. Trước mỗi vấn đề lớn của quốc gia, liên quan đến hàng triệu người, thì tiếng nói của trí thức càng phải được lắng nghe một cách nghiêm túc và chân thành.

Trên thực tế, thì tiếng nói quan trọng nhất của trí thức thể hiện ở những ý kiến phản biện.

Tuy được nhắc đến hàng ngày, nhưng không nhiều người hiểu thấu đáo từ phản biện, hành động phản biện. Vì nó có từ “phản” (luôn được hiểu là chống lại) nên thường phản biện bị gán cho nghĩa tiêu cực. Tiêu cực nhất mà người ta hay quy cho phản biện, là nó làm thất tán sự tập trung, phá rối, gây mất đoàn kết của cộng đồng khi thực hiện một công việc, một chính sách nào đó!

Vậy phản biện cần được hiểu thế nào?

Trước hết, phản biện là một tư duy, một thái độ và một quyền. Trong từ điển Đào Duy Anh, thì phản có nhiều nghĩa: Trái; Trả lại; Trở về; Tự xét. Còn từ biện có các nghĩa: Xét rõ để phân biệt; Tranh luận phải trái; …Ghép hai từ lại với nhau thành Phản biện, có thể hiểu là đưa ra một cái nhìn trái chiều mang tính tranh luận, trên cơ sở học thuật và trách nhiệm, để tìm ra những chỗ sai, những chỗ chưa hợp lý, những chỗ chưa chuẩn xác, chưa khôn ngoan, chưa hợp thời… (của một quan điểm, một chính sách nào đó) rồi cùng nhau đạt đến mức hoàn thiện nhất có thể. Như vậy từ sâu trong bản chất, phản biện mang tính trách nhiệm và tinh thần xây dựng, chứ không như nhiều người cho rằng nó nhằm chống lại, phá rối?

Đã phản biện thì đòi hỏi đầu tiên phải có chính kiến. A dua, nói theo thì còn phản biện nỗi gì! Bởi vì a dua là một hình thức xu thời, chắc chắn mang động cơ vụ lợi cá nhân.

Tiếp theo, muốn phản biện, phải có nền tảng học vấn tốt, có tư duy độc lập, không chấp nhận bất cứ CHỈ ĐẠO định hướng nào, của bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào.

Cuối cùng, người đưa ra ý kiến phản biện phải là người có tư cách đạo đức, có tinh thần tự do.

(Chiếu theo các tiêu chí này, thì liệu chúng ta có bao nhiêu trí thức, bạn đọc hãy tự trả lời. Rất nhiều người có bằng cấp đầy mình, có hàng chục danh hiệu sang trọng về học vấn đi kèm nhưng thực sự họ chỉ là KẺ GIÚP VIỆC).

Vì sao cần tiếng nói phản biện?

Trên thực tế không có bất cứ thứ gì là hoàn hảo, vì thế bất cứ thứ gì muốn tiến tới hoàn hảo, cũng cần được soi xét nhiều chiều. Một mô hình phát triển, một đường lối, một chính sách, một điều luật, một chủ trương… có ảnh hưởng lớn đến xã hội, cho dù nhóm soạn thảo có tài giỏi đến đâu, cá nhân nào đó có là thiên tài, thì vì đặc tính “nhân vô thập toàn” của con người, không thể nào bao quát được toàn bộ sự đúng đắn. Sự giới hạn về mặt không gian, thời gian, văn hóa… cũng luôn là một vật cản chắn tầm mắt của những người trong cuộc.

Khi đó nó cần các nhà phản biện, như những người có thể giúp họ thoát ra khỏi vấn đề để nhìn nó từ bên ngoài, từ nhãn quan khác, từ phía ngược lại. Bởi vì mục tiêu cuối cùng của phản biện không phải là để tranh hơn tranh kém về tầm vóc học vấn, không phải nhằm tìm cách bôi nhọ, giễu cợt nhau, không nhằm xóa bỏ vô lối, vô lý mà để hoàn thiện thứ bị phản biện.

Viết đến đây tôi lại nhớ đến lời của một vĩ nhân: “Dân tộc nào thiếu vắng những nhà phản biện lớn, thì đó là dân tộc đại vô phúc”.

Một đảng phái, một chính thể luôn tuyệt đối hoá mình, tự coi mình là đỉnh cao trí tuệ, là chân lý thời đại để từ đó coi mọi ý kiến không giống mình là sai trái rồi tìm mọi cách đàn áp bằng bạo lực, sẽ không bao giờ có tương lai.

  Ai đang dùng điện ảnh thao túng chính trị? Mày hả bưởi?

Vũ Kim Hạnh

Ngày 25/4/2021, lễ trao giải điện ảnh thường niên Oscar của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ lần thứ 93 sẽ diễn ra tại Los Angeles.

Tại đây, một bộ phim nói tiếng Quan thoại được đề cử phim quốc tế hay nhất, đồng thời, một nữ đạo diễn sinh trưởng ở Hoa Lục có triển vọng giành được giải đạo diễn xuất sắc nhất. Vậy là giải Oscar năm nay 2021 sẽ là thắng lợi rực rỡ của điện ảnh Trung Quốc?


Thế nhưng chính quyền TQ đã quyết định không cho phép các đài truyền hình, cơ quan truyền thông và mạng xã hội nước này (kể cả Hong Kong) tường thuật trực tiếp hoặc tiếp sóng buổi lễ này.

Vì sao không cho phép truyền hình trực tiếp lễ trao giải?

Báo The Washington Post cho biết đài truyền hình TVB của Hong Kong – được Bắc Kinh hậu thuẫn – vừa thông báo sẽ không truyền hình trực tiếp lễ trao giải và đây là lần đầu tiên trong 50 năm qua. Trang mạng Bloomberg cũng cho biết TQ cấm đề cao giải Oscars nói chung, nhất là không được đề cập tới phim tài liệu “Đừng chia rẽ” (Do Not Split) và tới nữ đạo diễn Chloe Zhao.

Vì sao?

Đừng chia rẽ” (Do Not Split) là một bộ phim tài liệu ngắn Mỹ-Na Uy năm 2020 của đạo diễn Anders Hammer (người Na Uy) về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông 2019–20. 

Poster của phim "Do not split"

Phim đã được đề cử cho Giải Oscar cho Phim tài liệu ngắn chủ đề hay nhất tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 93. Phim trình bày những hình ảnh sinh động về vụ bao vây tấn công Trường Đại học Trung Hoa Hong Kong, cung cấp một góc nhìn chân thực về vụ đàn áp sinh viên biểu tình của nhà cầm quyền Hong Kong. 

Một cảnh trong phim tư liệu "Do not split"

Cảnh đàn áp biểu tình ở Hồng Kông năm 2019 trong phim "Do not split"

Chính quyền Bắc Kinh cũng lo ngại trường hợp nữ đạo diễn Chloe Zhao, người đang là ứng viên sáng giá cho giải Oscars đạo diễn xuất sắc nhất. Bà Chloe Zhao, tên tiếng Trung Quốc là Zhao Ting (Triệu Đình), 39 tuổi, sinh ra ở Trung Quốc, mẹ là nghệ sĩ TQ nổi tiếng và cha là doanh nhân thành đạt. Bà lớn lên ở Hoa Kỳ. Hồi tháng 02-2021 khi phim Nomadland của bà giành được những giải thưởng danh giá Sư tử vàng (Golden Lion) ở Liên hoan phim Venice (Ý) và Toronto Film Festival thì báo chí Hoa Lục ngợi khen. Nhưng rồi, cư dân mạng phát hiện ra một bài phỏng vấn năm 2013 trên tạp chí Filmmaker Magazine, trong đó bà Zhao nói: Trung Quốc là “một nơi dối trá tràn lan”. Thế là dân mạng TQ lập tức lên án bà, rút phim Nomadland khỏi mạng internet TQ.

Một bộ phim khác có triển vọng đoạt giải Oscar nữa là phim “Thiếu niên đích nhĩ” (tiếng Trung “少年的你”, tiếng Anh “Better Days” do Derek Tsang (Tằng Quốc Tường, 曾國祥) – một nghệ sĩ Hong Kong, làm đạo diễn. Phim tình cảm lãng mạn tuổi thiếu niên phi chính trị này không có vấn đề nhưng ông Tằng mới đây đã bị cấm làm giám khảo một show truyền hình thực tế rất ăn khách chỉ vì ông có tham gia Phong trào Dù Vàng!

Hollywood & chiến lược “tá thuyền xuất hải” của TQ

Quyết định không cho phép tường thuật trực tiếp giải Oscars lần thứ 93 cũng là một cách “răn đe” Hollywood.

Gần đây các hãng phim Hoa Kỳ đã cố gắng chiều chuộng nhà cầm quyền Bắc Kinh để được phép kinh doanh ở thị trường xem phim lớn nhất thế giới này, đến mức dân Mỹ đã phê phán Hollywood “khấu đầu” trước Bắc Kinh, “bán rẻ các giá trị Mỹ cho Trung Quốc”.

Hãng phim Disney là một ví dụ về nỗ lực quảng bá “đặc sắc văn hóa và lịch sử” Trung Quốc tới khán giả phương Tây mà bộ phim Mulan (Hoa mộc lan) thất bại là một kinh nghiệm cay đắng.

Phim Mulan được chào đón ở Hoa lục nhưng bị tẩy chay ở các nước châu Á: Thái Lan, Việt Nam, cả Hồng Kông, Đài Loan..., nhất là nữ diễn viên Lưu Diệc Phi, người từng viết trên trang mạng của mình là ủng hộ cảnh sát Hồng Kông đàn áp biểu tình.

Trung Quốc đang thao túng Hollywood và Bắc Kinh đang tìm cách biến Hollywood thành một thứ “cơ quan tuyên truyền” của họ, với chiến lược gọi là “tá thuyền xuất hải” (mượn tàu đi biển – 借船出海): dùng con tàu văn hóa khổng lồ Hollywood để “chuyên chở” những thông điệp tuyên truyền của Trung Quốc.

Phần Hollywood hiện nay phải có thêm một đội ngũ chuyên dò từng câu, từng cảnh, từng nhân vật… để đảm bảo Bắc Kinh không phiền lòng, hay hơn nữa còn phải mua chuộc giới kiểm duyệt Trung Quốc. Hollywood còn chấp nhận một việc hiếm khi họ làm trong lịch sử của mình: phân vai cho những “bình hoa di động” (“hua ping”) là người TQ.

“Tư duy làm phim” của Hollywood đã thay đổi nhiều từ khi họ hợp tác sản xuất với Trung Quốc. Sự đầu tư vốn của Trung Quốc đã thao túng Hollywood, làm thay đổi truyền thống làm phim tự do của Hollywood. Những hãng khổng lồ danh giá một thời như Paramount Pictures, DreamWorks Animation SKG và Walt Disney Co hiện đều có phần hùn vốn của đối tác Trung Quốc.

Tháng 9-2015, Warner Brothers tuyên bố hợp tác với China Media Capital. Hai tháng sau, nhà phân phối Trung Quốc Bona Film Group cho biết họ góp 235 triệu USD để sản xuất loạt phim của Twentieth Century Fox. Năm 2016, hãng phim Trung Quốc Perfect World Pictures góp 250 triệu USD vào Universal Pictures…

Đâu chỉ ở Hollywood, điện ảnh Hàn Quốc cũng bị thao túng

Cái chết yểu của phim truyền hình “Joseon Exorcist” (Phù thủy Joseon) của đài SBS cuối năm 2020 lại là sự thức tỉnh cần thiết gần đây đối với làng giải trí Hàn Quốc. Thực tế là nguồn vốn từ Trung Quốc đổ vào thị trường giải trí Hàn Quốc ngày càng nhiều, và vì thế sự can thiệp của nhà đầu tư Trung Quốc ngày càng lộ rõ.

Báo Korea Times chỉ ra rằng bàn tay thô bạo của nhà đầu tư Trung Quốc đã không ngừng chỉnh sửa kịch bản như bắt các nhân vật thời Joseon (1392-1910) mặc trang phục Trung Quốc, ăn các món Hoa và sử dụng kiếm Trung Quốc. Sự phản ứng giận dữ của người xem Hàn Quốc sau hai tập phim đã buộc đài SBS hủy bỏ bộ phim truyền hình này, dù rằng đã quay hơn 80% các tập phim.

Cảnh trong phim truyền hình của Hàn quốc Joseon Exorcist vừa phát hành cuối năm 2020, bị tẩy chay đã phải rút xuống nửa chừng vì nhiều cảnh trí, phục trang, tình tiết bị Trung quốc "chỉ đạo".

Korea Times cũng cảnh báo về chuyện các trang giải trí trực tuyến của TQ như như WeTV hay Youku hay Taobao của Trung Quốc thích mua các bản quyền các phim truyền hình Hàn Quốc để chiếu, vì người TQ cũng thích xem phim Hàn. Và muốn được trình chiếu trên các nền tảng này, nội dung phim có thể bị chỉnh sửa và cắt xén cho đúng “khẩu vị” nhà chức trách.

Nhà phê bình văn hóa Ha Jae-geun của Hàn Quốc kết luận. “Có nhiều khả năng là phim bộ Hàn Quốc có thể bị nguồn tiền Trung Quốc khuynh loát và rộng lớn hơn là bị chính sách kiểm duyệt của TQ thao túng. Các hãng phim hay đài truyền hình Hàn Quốc có thể phải đi theo sự dẫn dắt của Trung Quốc”.

Poster Oscar 2021 thể hiện tính đa dạng năm nay.
 

V.K.H.

Nguồn: FB Vu Kim Hanh