24 avril 2021

QUAN THAM NHŨNG BẮT DÂN ĐỠ ĐẠN


Phạm Trần


Ở Việt Nam, người dân không hiểu tại sao công tác phòng, chống Quốc nạn tham nhũng cứ “vẫn còn nghiêm trọng và tinh vi” mãi sau 16 năm có Luật phòng, chống tham nhũng đầu tiên (2005), 3 năm sau có Luật thứ nhì (2018) và sau 9 năm (2012) Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được chuyển từ Chính phủ sang Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban.


Cho đến nay, Đảng và Nhà nước Cộng sản Việt Nam (CSVN) chưa có bất cứ lời giải thích nào khả dĩ trả lời được thắc mắc chính đáng này của nhân dân và các Doanh nghiệp, những con mồi của đội ngũ tham nhũng  trong đàng và nhà nước.


LỜI  ÔNG TRỌNG


Trước hết, hãy nghe ông Trọng thú nhận :”
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế như Báo cáo đã nêu. Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.”

(Trích Diễn văn tại tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc, tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, ngày 12-12/2020)

Điểm quan trọng trong câu nói này của ông Trọng là “việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu”. Điều này cho thấy sự lơ là, hay cố tình làm ngơ với tham nhũng đang diễn ra trong nội bộ đảng và hệ thống quyền lực của nhà nước.

Đáng chú ý hơn là tình trạng đã có những người đứng đầu không quan tâm, hay cố tình né tránh tham nhũng trong tổ chức hay nơi làm việc của mình. 

Tình trạng này được ông Nguyễn Phú Trọng xác nhận rằng:” Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực mình quản lý; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm, thiếu bản lĩnh, dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh, thậm chí bao che cho cán bộ, đảng viên vi phạm.”

Bên cạnh những thiếu sót này, theo lời ông Trọng, vẫn còn:”Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao còn thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng. Cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức; việc thực thi pháp luật nói chung và các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng nói riêng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nghiêm.”

Tại sao lại có tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, hay “trên nóng dưới lạnh” như vậy. Hay là lãnh đạo cũng đã “cá đối đã bằng đầu” với nhau từ trên xuống dưới nên coi thường lệnh của nhau  ?

VẪN PHỨC TẠP

Cũng trong Diễn văn này, người đứng đầu đảng CSVN còn nhìn nhận công tác phòng, chống tham nhũng, dù đã qua 16 năm như "chống giặc nội xâm" và “thường xuyên”, nhưng “khó khăn, phức tạp, lâu dài” nên phải “kiên quyết, kiên trì, liên tục, "không ngừng", "không nghỉ" ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực”.

Vì thật sự tham nhũng vẫn nhan nhản trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên nên ông Nguyễn Phú Trọng đã tự an ủi rằng:”Tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chế độ ta. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xoá tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn.”

Nói vậy là ông Trọng muốn “tự chữa cháy” thay vì nhận thất bại, nhưng ông vẫn khoe:”Trong giai đoạn 2013 - 2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 4 Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.”

Về vấn đề thu lại những gì đã mất, theo lời ông Trọng thì:”
Từ năm 2013 đến nay (2020), qua công tác thanh tra, kiểm toán, đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700 nghìn tỷ đồng, hơn 20 nghìn ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14 nghìn tập thể, nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý gần 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.”

Bên cạnh đó, Ban Nội chính Trung ương cho biết trong năm 2020 :”Cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 531 vụ án, 1.245 bị can phạm tội về tham nhũng (tăng 70 vụ, 101 bị can so với cùng kỳ năm 2019). Đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 253 vụ, 760 bị can; tạm đình chỉ điều tra 30 vụ, 52 bị can; đình chỉ điều tra 03 vụ, 03 bị can; xử lý khác 14 vụ, 23 bị can; hiện đang điều tra 231 vụ, 407 bị can.

 

 “Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân đã khởi tố điều tra 04 vụ/04 bị can. Số tiền thiệt hại do tham nhũng là trên 27,7 tỷ đồng; thu hồi trong giai đoạn điều tra 2,16 tỷ đồng; chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 03 vụ/03 bị can.” (Báo cáo ngày 18/01/2021)

Như vậy rõ ràng tham nhũng đã không bị “nhốt vào lồng cơ chế” như ông Nguyễn Phú Trọng hy vọng mà nó đã ăn sâu, bám rễ trong cả lực lượng điều tra tham nhũng là Công an và trong nội bộ Quân đội, nơi được coi có kỷ luật cao nhất trong Lực lượng võ trang nhân dân.

NHÌN TỪ BÊN NGOÀI

Ông Trọng cũng từng cảnh giác tình trạng Tham nhũng là mối lo “song sinh” với nguy cơ “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” về mặt tư tưởng trong hàng ngũ đảng viên, đe dọa sự sống còn của chế độ, nhưng ông chưa biết phải cứu như thế nào.

Vì vậy ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị  khóa VIII và IX, Thường trực 
Ban Bí thư khóa IX, đã tiết lộ :“Đã có lúc tình hình (tham nhũng) rất nghiêm trọng, khiến nhân dân rất lo lắng”. (theo báo Chính phủ, ngày 12/12/2020)

Ông Phan Diễn không nói khi nào trong qúa khứ đã xẩy ra như thế, nhưng ông nói thêm:”Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, tình hình tiêu cực, tham nhũng ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp. Không nói đâu xa, ngay trong năm 2020, khi tình hình COVID-19 đang hoành hành, gây thiệt hại, lo lắng cho người dân cả nước, vậy mà vẫn có kẻ đang tâm lợi dụng nâng giá thiết bị y tế lên gấp nhiều lần để trục lợi.

Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn được tin cán bộ nơi này, nơi khác ăn chặn cả tiền Nhà nước cho các gia đình có công với nước, cho người nghèo. Và những tiếng kêu, tiếng chê trách về nạn “hành dân”, “hành doanh nghiệp” ở nơi này, nơi khác vẫn còn nhiều. Đủ thấy cuộc đấu tranh này còn lâu dài, gian khổ, không lúc nào được lơi lỏng.”

Nhưng tại sao, và ai đã dung dưỡng những thói hư, tật xấu này của cán bộ, đảng viên ? Ông Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị có biết không, hay biết mà không làm gì nổi ?

CHỐNG VÀ CHE THAM NHŨNG

Để phần nào lý giải thắc mắc này, hãy đọc những tiết lộ của báo Quân đội Nhân dân (QĐND), cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Báo này viết:”Chưa bao giờ, công tác PCTN được Đảng ta lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả như nhiệm kỳ XII của Đảng; tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn. Nhưng thành công chỉ là bước đầu, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, mà cụ thể là công tác PCTN ở một số địa phương, bộ, ngành chuyển biến chưa rõ rệt. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là việc kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị còn yếu; tình trạng tham nhũng trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi.”

(QĐND, ngày 15/04/2021)


Sau đó, QĐND viết:”Câu hỏi đặt ra là: Tại sao Đảng và toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc với quyết tâm chính trị cao độ như vậy mà công tác PCTN vẫn chưa đạt kết quả tương xứng?

Báo này tự trả lời:”Trước đây, chúng ta vẫn nêu lý do cơ chế PCTN chưa hoàn thiện. Nhưng giai đoạn 2013-2020 vừa qua, chúng ta đã chứng kiến nỗ lực rất lớn để hoàn thiện cơ chế PCTN của cả hệ thống chính trị. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu của Đảng đã ban hành hơn 200 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và PCTN; Quốc hội khóa XIII và XIV ban hành hơn 250 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 2.600 nghị định, quyết định, chỉ thị; cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương ban hành hơn 45.000 văn bản; các bộ, ngành, địa phương ban hành gần 88.000 văn bản để cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện PCTN. Rõ ràng, thể chế PCTN của chúng ta tương đối đầy đủ, bộ máy (thanh tra, kiểm tra, nội chính, công an, viện kiểm sát, tòa án...) PCTN từ bên trong rất mạnh mẽ, hùng hậu. Vậy nhưng, điểm cốt lõi là phát hiện tham nhũng để xử lý thì chưa nhiều.”

Như vậy rõ ràng là do “yếu tố con người” trong đội ngũ cán bộ đảng viên,  đã không làm theo lệnh Trung ương. Vì vậy, QĐND (15/04/2021) mới nói thẳng ra:” Số lượng các cuộc họp bàn về PCTN ở các cấp gấp rất nhiều lần số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý. Trong đó, số vụ việc tham nhũng do nội bộ các cơ quan công quyền tự phát hiện thông qua tự kiểm tra, tự phê bình và phê bình hầu như không có. Hầu hết các vụ tham nhũng là do người dân và báo chí phản ánh, tố giác. Như vậy, xét đến cùng, người dân là lực lượng nòng cốt, chủ yếu phát hiện ra tham nhũng.”


Ô hay, như vậy có phải cán bộ vừa ăn lương dân lại vừa tham nhũng của dân thành ra các tổ chức đảng và cơ quan nhà nước mới không tìm ra manh mối để tha hồ “ăn hại đái nát”  từ bấy lâu nay ?

Việc này được báo QĐND dẫn chứng:”Ông Jairo Acuna, cố vấn chính sách của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, một nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy có hơn 85% cán bộ, công chức và gần 80% người làm trong doanh nghiệp khi được hỏi đều trả lời rằng họ không quan tâm đến tố cáo tham nhũng . Một khảo sát khác của Tổ chức Minh bạch quốc tế về quan điểm của người dân Việt Nam đối với tham nhũng thì chỉ có 38% số người được hỏi sẵn sàng tố cáo tham nhũng; 51% người dân sợ rằng tố cáo tham nhũng không thay đổi được gì và 28% sợ phải gánh chịu hậu quả . Một báo cáo của dự án chống tham nhũng của Ban Nội chính Trung ương thì mức độ phát hiện các vụ tham nhũng ở nước ta chỉ khoảng 5%” . (QĐND, ngày 16/04/2021)

Báo của Bộ Quốc phòng lại tự hỏi:”Tại sao người dân lại chưa mặn mà, chưa sẵn lòng tự giác tham gia chống lại một thứ “giặc” mà nhân dân ngàn đời khinh ghét như vậy?”

Bài viết  nêu ra bằng chứng khó phủ nhận trách nhiệm thuộc về  đảng và nhà nước với:”Câu chuyện của cụ Lê Đạo, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, nguyên Bí thư Huyện ủy Đức Trọng chống tham nhũng “từ lúc tóc còn xanh cho đến khi tóc bạc” là một ví dụ về những rủi ro mà người PCTN phải thường xuyên đối mặt. Cụ Đạo cùng hai cán bộ hưu trí phát hiện, đấu tranh với cán bộ huyện Đức Trọng tham nhũng, cố ý làm trái; qua đó đã thu lại lô đất 6.000m2 và 30 tỷ đồng cho công quỹ. Khi được tuyên dương, cụ bày tỏ: “Tôi đấu tranh 10 năm, từ lúc tóc còn xanh, nay tóc đã bạc trắng nhưng chẳng xử lý được quan tham nào. Tôi nghiệm ra, đây là cuộc đấu tranh không cân sức. Khi bước vào cuộc đấu tranh, họ đe dọa, trả thù cả đời con cháu, đến nỗi một cán bộ cấp cao cùng tôi đấu tranh được nửa đường phải rút lui”.

(QĐND, ngày 16/04/2021)

DÂN-BÁO-MTTQ

Để tìm ra ngõ thoát cho thế bí chống tham nhũng, báo QĐND dẫn chứng đã có nhiều vụ tham nhũng lớn được đưa ra ánh sáng, kẻ phạm tội bị bắt tù, tài sản ăn cướp bị thu hồi là kết qủa hợp tác giữa dân và báo chí. Nhưng có mới là những trường hợp tự nguyện của dân, bất kể đe dọa của kẻ phạm tội và thiếu bảo vệ người tố cáo của đảng.

Mặt trận Tổ quốc là tổ chức ngoại vị của Đảng, nơi quy tụ những Tổ chức Chính trị và Xã hội bên ngoài đảng vẫn tự hào là nơi nương tựa của  dân. Nhưng dù ăn lương dân, MTTQ đã không làm tròn nhiệm vụ như quy định, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng.

Ngược lại, nhiều cán bộ Mặt trận đã quay lưng, phản bội quyền lợi của dân nên báo QĐND đã tố cáo:”Hiện nay, ở một số nơi, MTTQ và các tổ chức thành viên hoạt động còn mang tính “hành chính hóa” hơn là đi sâu, đi sát lắng nghe ý kiến nhân dân, từ đó đề nghị chính quyền điều chỉnh, sửa đổi chính sách, pháp luật, dự án kinh tế-xã hội phù hợp với lợi ích chung của nhân dân và đất nước. MTTQ và các tổ chức thành viên chưa huy động được đông đảo nhân dân tham gia đấu tranh PCTN (phòng, chống tham nhũng). Thậm chí, còn có hiện tượng cán bộ MTTQ và các tổ chức thành viên né tránh trách nhiệm, ngại va chạm, không bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ MTTQ và các tổ chức thành viên còn nhiều bất cập, việc thực hiện chức năng giám sát việc thực thi pháp luật về PCTN còn thiếu sâu sát, thiếu sáng tạo.”

Chuyện Tổ chức MTTQ và các Tổ chức thành viên đã thất bại chống Tham nhũng không có gì lạ từ xưa đến bây giờ. Giống như “truyện dài chống quan tham bằng mồm” của các Tổ chức đảng, cán bộ Mặt trận cũng là đảng viên nên chuyện nể nang, quay mặt làm ngơ hay “anh sao tôi vậy”, hoặc “nay anh mai tôi” trong cái lò tham nhũng vẫn cứ quay tròn từ năm này qua năm khác.

NGỒI MÁT ĂN BÁT VÀNG

 

Vậy mà, MTTQ và các Hội đoàn của đảng, dù chắng làm ra tiền bạc cho dân, hàng năm vẫn được nhà nước chi ngân sách khổng lồ.

Bằng chứng như báo Giáo Dục viết ngày 06/09/2018 rằng:”Các hội đoàn không thuộc cơ quan nhà nước, phi sản xuất, không kinh doanh vẫn ngốn của ngân sách Việt Nam tới 68 nghìn tỷ VND (Việt Nam Đồng) một năm.”

Tài liệu
của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)  cũng cho biết:”Năm 2016 ngân sách Việt Nam chi ra tới 1,6 nghìn tỉ đồng chỉ cho bảy sáu tổ chức chính trị - xã hội gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên CS HCM, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Tổng liên đoàn Lao động và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.”

Chi tiết hơn:” Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam được (92,435 tỉ đồng); Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (551,505 tỉ đồng); Trung ương Hội LHPN Việt Nam (158,685 tỉ đồng); Hội Nông dân Việt Nam (346,515 tỉ đồng); Hội CCB Việt Nam (80,830 tỉ đồng); Tổng LĐLĐ Việt Nam (273,770 tỉ đồng). Nếu tính luôn cả dự toán ngân sách cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thì tổng chi lên đến 1.615,710 tỉ đồng.”

Về lương bổng, tin chính thức cho hay:

1. Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được hỗ trợ sinh hoạt phí, mức: 460.000 đồng/người/tháng.

2. Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh được hỗ trợ sinh hoạt phí, mức: 230.000 đồng/người/tháng.

3. Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện được hỗ trợ sinh hoạt phí, mức: 120.000 đồng/người/tháng.

4. Trường hợp một người tham gia Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở nhiều cấp thì hưởng mức hỗ trợ sinh hoạt phí ở cấp cao nhất.

Với bổng lộc như vậy thì dù chẳng làm gì cũng đầy túi, cần gì  phái tất tưởi xông vào chống tham nhũng cho mệt ?

Nhưng  không phải chỉ có MTTQ được ngồi mát ăn bát vàng mà còn hàng chục ngàn Hội đoàn khác cũng ăn lương mà chưa hề làm ra tiền của cho dân. Theo tin của Đài tiếng nói Việt Nam năm 2014 thì Việt Nam "có khoảng 460 hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp cấp quốc gia, 20 tổ chức công đoàn ngành; trên 36.000 tổ chức hội, hiệp hội, câu lạc bộ ở các địa phương".

 

Như vậy thì nếu không phải là tham nhũng thì cũng là những kẻ cướp cơm dân. -/-


Phạm Trần

(04/021)