Đan Thương
Luật Đặc Khu Bộ Chính trị đã dẹp rồi. Không làm luật nữa! |
1- Ông tôi nói lại chuyện đời xưa
Khi tôi đủ 18 tuổi, sắp đi bầu quốc hội, thấy vô số bài ca ngợi sự kế thừa truyền thống "đại diện trung thành lợi ích nhân dân" của các khoá tiền nhiệm.
Ông tôi nói: QH năm 1946 có tới 40-50% là ứng cử viên tự do. Trong đó, đại đa số ứng cử viên là người không đảng phái.
Nay, kiểm tra rất dễ nhờ mạng internet. Tuy các tin trên đều "đúng", nhưng tôi chỉ quan tâm tới chúng, tận khi nghe bà Kim Ngân (Vàng-Bạc) - chủ tịch QH - thông báo một tin mà lần đầu tiên tôi được nghe ở tuổi đã ngoại ngũ tuần.
2- Tỷ lệ 25/500, tức 5/100, tức 1/20
Nghe nói, bà Kim Ngân còn là UV BCT. Như vậy, bà không nói với tư cách cá nhân. Lời nói của bà giá trị như Vàng-Bạc của đảng để mua niềm tin từ cả trăm triệu dân.
Bà bảo: Sẽ phấn đấu để QH khoá này có 25 đại biểu ngoài đảng.
Nếu (may mắn) được vậy, tỷ lệ dân/đảng trong QH sẽ đạt 25/500, tức 1/20.
Ở nước ta, đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối. Do vậy QH chẳng qua chỉ là cơ quan đại diện cho dân mà thôi. Hiến pháp của QH chẳng qua chỉ là thứ "cụ thể hoá" cương lĩnh của đảng mà thôi. Do vậy, dân được ban tỷ lệ như trên là... phúc lắm rồi. Rát họng hô "ơn đảng đời đời" cũng đáng.
3- Lo chệch hướng là không thừa
Như vậy, tỷ lệ 1/20 đảm bảo rằng... hễ một đại biểu "thường dân" phát biểu, nếu sai trái, sẽ có dư đại biểu "đảng viên" lập tức uốn nắn cho khớp đường lối, khuôn phép. Nếu cả 25 người không vào khuôn phép, có mà loạn? Nguy cơ chệch hướng có ngay từ khi lập chế độ. Lo lắng không bao giờ thừa.
Trong khi đó, ở ngoài đời, trong 100 triệu dân, chỉ có gần 5 triệu đảng viên. Cũng tỷ lệ 1/20 (nhưng lộn ngược). Nói khác, trong xã hội, một đảng viên cai trị 20 người dân, cứ ngon ơ! Bởi vì, tỷ lệ 1/20 là quá đủ để đảng viên chiếm tất tần tật mọi vị trí quyền lực. Cứ nhìn cái toà án xử vụ Đồng Tâm, đủ rõ. Lời lẽ toà, chính là lời lẽ đảng. Mức án, do đảng chỉ đạo.
Nhưng trong QH thì không thể như vậy. Bởi vì, nước ta cũng buộc phải có QH (như các nước dân chủ khác) mà QH thì buộc phải có dân - không thể rặt đảng viên - như ở Chính phủ, hoặc Toà án mà được. Phải để quốc tế nhìn vào. Lần này chúng ta trưng bày một QH có tới 25 người ngoài đảng. Đây quả là tác phẩm do đảng tạo ra, giống như nghệ sĩ VN nặn ra bức tượng theo đúng ý mình, để triển lãm quốc tế. Để QH đi chệch hướng, có mà toi.
Vậy, ngu gì cũng phải thấy Đảng đã 50 năm công khai cách lãnh đạo QH. Sống dưới chế độ XHCN sao được phép ngu lâu?
3- Tại sao đáng ta (đầy quyền lực) và nhà nước ta (rất hùng mạnh) lại phải "phấn đấu" mới tạo được tỷ lệ trên?
Ai hỏi câu này là chưa thấm nhuần sự giáo dục của đảng. Cần tự vấn về nhiệm vụ công dân của mình và công ơn của đảng.
Chả là, "thế lực thù địch" đang nhan nhản, cứ hỏi google đủ biết. Đảng rất lo, mà sao dân dám thờ ơ?... Rất có thể, thế lực thù địch sẽ lọt vào con số 5% đại biểu ngoài đảng. Chữ "phấn đấu" (nói trên) có nghĩa là đảng phải chọn thật kỹ danh sách ứng cử ngoài đảng. Kinh nghiệm các lần bầu trước là cứ chọn những người... sắp kết nạp. Gương tày liếp là QH Đông Đức tuy chật ních đảng viên mà vẫn bỏ phiếu "đồng ý thống nhất nước Đức".
4- Cảnh giác không thừa
Tháng 5 mới bầu cử. Nhưng thực tế nhãn tiền là... ngay tháng 3 Đảng đã kịp gô cổ hai tên phản động dám có đơn tự ứng cử.
Bằng chứng? Thì đấy: Một tên vừa mới nộp đơn, đã công khai tuyên bố: Nếu trúng cử, tôi sẽ đưa Hiến pháp vào trường học. Thế đấy! Hiến pháp nước CHXHCN là để đối ngoại, sao dám tuỳ tiện dạy tuốt tuột cho 20 triệu học sinh, sinh viên? Phải chọn lọc chớ. Chưa biết chừng... cứ cái đà này, bọn phản động có thể đưa cả Tuyên Ngôn Nhân Quyền vào trường học... ấy chứ!
5- Đa số đại biểu QH "làm việc bằng hai"
Cha tôi nói, hồi chiến tranh, đảng kêu gọi "mỗi người làm việc bằng hai". Nhưng nay đã hoà bình, nếu vẫn làm việc bằng hai có mà chết nhăn răng.
Nhưng đại biểu QH thì không thể như vậy được. Mỗi vị phải làm việc bằng 2, bằng 2 rưỡi, hoặc 3. Cụ Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng. Cụ có tới 3 nhiệm kỳ tổng bí thư, lại kiêm chủ tịch nước. Và liên hồi làm đại biểu QH. Cụ bảo: Đây là nhiệm vụ đảng trao. Vậy, liệu các đại biểu QH có dám từ chối?
Chả là... theo cụ Hồ dạy, thì dân là chủ, mà cơ quan đại diện ông chủ chính là QH. Còn chính phủ là đầy tớ của dân. Lẽ thường, phải "chủ ra chủ, tớ ra tớ", phân biệt như Đen và Trắng. Nhưng đảng ta học cụ Hồ theo kiểu sáng tạo, đã tự ý tạo được một QH cực đẹp; trong đó, chủ - tớ hoà trộn, cứ lộn tùng phèo. Muôn đời, làm sao bọn tư bản theo nổi?
6- Hình tượng cụ thể
QH là cơ quan lập pháp. Thế mà thành viên chính phủ (hành pháp) và toà án (tư pháp) vẫn được phép xông vào ngồi chật nghị trường, để làm hai nhiệm vụ. Vừa ăn lương đầy tớ, lại vừa vỗ ngực là chủ. Vừa đá bóng, vừa thổi còi.
Ngoài ra, còn nhiệm vụ đảng trao riêng, không hở ra.
Ví dụ, khi đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phê bình Tư pháp, lập tức các đại biểu công an (hành pháp, tư pháp) phản ứng quyết liệt, để uốn nắn ông này vào khuôn phép.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - với tư cách đại diện ông chủ - có nhiệm vụ tâng bốc các vị "đầy tớ", cứ như họ là ân nhân của ông chủ, là các bậc sinh thành đối với con cái. Lẽ ra phát biểu của ông Trí phải đăng toàn văn trên các báo để nâng cao dân trí. Cả trăm triệu dân sẽ tận mắt thấy tính ưu việt của chế độ XHCN mà họ đang được hưởng.
7. Tôi vẫn chưa biết tại sao
Vì rất "quái". Tại sao QH chưa hết nhiệm kỳ mà đã miễn nhiệm các lãnh đạo để bầu chủ tịch và 2 PCT mới? Cứ như họ bị kỷ luật.
Tại sao nó dám bầu cả thủ tướng mới và chủ tịch mới - là quyền của QH kế nhiệm.
Tại sao báo chí cứ thể hiện sự mừng rỡ, cứ như đám cưới chạy tang?
8. Cần cảnh giác giới trẻ. Chúng đang nghĩ khác ta
Tôi dùng lý lẽ nêu ở trên để cắt nghĩa về QH VN cho đứa con. Nó gãi đầu, nói... Thế này thì... con thấy QH ta nó cứ... thế (đêk) nào ấy...
Tôi mắng nó về cái tội dùng từ thô tục. Nó đồng ý bỏ chữ "đêk". Do vậy, tôi đặt chữ này trong ngoặc đơn, để cấm mọi người đọc chữ ấy.
Đ.T.