Ngàn Hương
Đó là câu hỏi được dư luận đưa ra lâu nay, khi chứng kiến rất nhiều vị mang tiếng là đại diện cho dân, nhưng lại không mang tâm tư nguyện vọng của dân để phản ánh lên QH hay HĐND. Mà thấy họ có nhiều phát biểu rất ngớ ngẩn, rất tào lao, thậm chí là rất ngu xuẩn. Đúng là nghị gật theo nghĩa đen chứ không phải nghĩa bóng nữa.
Chúng ta đã chứng kiến một vị Tiến sỹ đề xuất việc TP.HCM nên trang bị cho các hộ gia đình những chiếc lu đựng nước để chống ngập, điều mà mấy chục năm nay, thành Hồ đã bỏ ra hàng chục ngàn tỷ để mà vẫn chưa khắc phục được, nên mỗi khi có mưa lớn là biến sân bay thành…sân bơi.
Tháng 6/2019, ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng đưa ra một đề nghị gây bàn tán khi đề xuất thu phí chia tay từ 3USD đến 5USD mỗi người, đối với mỗi công dân khi xuất cảnh.
Tháng 11/ 2019, dư luận ngán ngẩm khi ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương đề xuất quy định ‘không để xe ở hầm chung cư vì… sợ cháy.”
Gần đây trong Kỳ họp QH 11 khóa 14 vừa qua, cũng xuất hiện không ít những ý kiến “chệch đường ray”. Thay vì QH mỗi ngày ngốn hàng tỷ đồng tiền thuế của dân, lẽ ra phải dành thời gian bàn về việc xây dựng và hoạch định chính sách làm cho dân giàu nước mạnh, thì một số vị đại diện cho dân lại hoặc là đọc diễn văn ca tụng ông này ông nọ là “có “mái đầu bạc trắng hiên ngang, với gánh sơn hà nặng trĩu hai vai”..vv.
Nữ ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh lại đề xuất xây dựng luật để nam giới và nữ giới đều mặc áo ngũ thân truyền thống. Làm cho các cử tri cảm thấy xấu hổ vì những người đại diện cho mình mà phát biểu trên nghị trường như trẻ trâu ngoài đồng.
Cái đau là ở chỗ những kẻ ấy đa số có học hàm học vị đầy mình. Như ĐBQH Nguyễn Anh Trí là Giáo sư-Tiến sỹ. Bà Trần Thị Quốc Khánh là Tiến sỹ Luật, Cử nhân báo chí. Bà Phan Thị Hồng Xuân là Phó giáo sư-Tiến sĩ…
Chúng ta đừng ngạc nhiên vì sao những người này lại được chọn làm đại diện cho dân? Vì họ không phải do dân bầu mà thực chất là do đảng chọn, đảng cử.
Vì vậy họ chẳng tâm huyết gì với việc nước việc dân, mà chui vào các cơ quan quyền lực để lo cho lợi ích của phe nhóm họ. ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng từng nói: “Không được biến QH thành phòng kín để gom góp lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân và chia chác quyền lực của đất nước”. Chứng tỏ QH đã từng là nơi như thế. Vì người ta lên tiếng phản đối những việc đã và đang diễn ra.
Vì vậy bà CTQH Kim Ngân đã phải than vãn rằng: “ Họp Quốc hội, có ngày vắng trên dưới 100 người, có đoàn vắng 50%”, như báo Lao Động ngày 16-07-2019 đưa tin.
Vì sao những kẻ đại diện cho dân lại có những phát biểu ngớ ngẩn như vậy?
Tại vì những đề nghị đó không liên quan gì đến chuyện họ có trúng cử hay không. Vì không phải người dân quyết định số phận của họ. Là vì họ không cần biết trách nhiệm trong phát biểu của mình có thể ảnh hưởng đến dư luận như thế nào? Cho nên họ chỉ cần nói để được lòng ai đó mà thôi.
QH là nơi hoạt động lập pháp, giám sát các hoạt động hành pháp và tư pháp... trong việc thực hiện các nghị quyết do QH đề ra. Ngoài ra, QH còn là nơi đề xuất, thảo luận các vấn đề mang tầm vĩ mô về kinh tế-xã hội, quốc kế dân sinh. Các đại biểu khi họp QH không được sa vào bàn luận những tiểu tiết hay quá cụ thể, vì những công việc này sẽ do Chính phủ quy định cụ thể theo đặc thù từng ngành. QH không phải là nơi để bàn về quần áo, váy dài, váy ngắn hay ăn mặc như thế nào vì vấn đề này đã được Chính phủ quy định tại Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg.
Tóm lại, việc đề xuất như bà ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh như trên là vô bổ, làm mất thời giờ họp QH mà không mang lại một chút hiệu quả nào. Họp QH mà không phát biểu gì thì cũng dở và sẽ bị cử tri cho là dốt nên nhiều ĐBQH cứ phát biểu đại, trúng đâu thì trúng!
Nhà văn Mark Twain từng nói: “Thà không nói để người ta tưởng mình ngu còn hơn nói ra để người ta không còn nghi ngờ gì về điều đó nữa!”
Điều đó cho thấy rằng, đây là một sự cựa quậy mang tính tuyệt vọng của các nhà lập pháp trong bối cảnh xã hội càng mất quyền dân chủ, và người dân hoàn toàn không còn vai trò gì nữa trong một xã hội.
Bótay.Com |