01 avril 2016

Biển Đông và Đồng bằng sông Cửu Long: Từ xa lộ bão táp đến những cánh đồng hạn hán


         Đinh Hà Đăng


Mỹ và các nước khu vực sẽ triển khai tiếp các hoạt động trong khuôn khổ luật pháp quốc tế để đối phó với việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa trên Biển Đông. Tuy nhiên, việc Trung Quốc đã và đang xây rất nhiều đập thủy điện trên đầu nguồn sông Cửu Long là nguyên nhân chính làm cho hàng trăm ngàn hecta lúa và các loại cây khác chết khô, hàng triệu dân lành khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt, thì lại chưa được thế giới và khu vực quan tâm đúng mực. Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam lại đi phê chuẩn một báo cáo cho rằng, tác động dự kiến của 11 đập trên dòng chảy chính lên mực nước ở phần lãnh thổ Việt Nam vùng châu thổ là tương đối nhỏ (???)



Theo thông báo mới đây nhất của Hải quân Nhật Bản, lần đầu tiên từ 15 năm nay, một tàu ngầm của nước này, mang tên Oyashio, sẽ ghé thăm cảng Subic của Philippines. Sau khi tập trận xong với Hải quân Philippines, hai khu trục hạm hộ tống tàu ngầm Nhật Oyashio lần đầu tiên sẽ ghé thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam (cũng là lần đầu tiên) vào cuối tháng 4 tới đây. Oyashio được mô tả là một tàu ngầm huấn luyện, nhưng hộ tống tàu ngầm này có hai khu trục hạm. Ba chiếc tàu này được mời đến tham gia các cuộc tập trận chung với Hải quân Philippines, kéo dài từ ngày 19/3 đến ngày 27/4. Các cuộc tập trận này một lần nữa đánh dấu việc Tokyo quay trở lại Biển Đông, sau khi Manila vào tuần trước vừa loan báo sẽ thuê năm máy bay của Nhật để hỗ trợ việc tuần tra trên Biển Đông. Trên đường đi đến vịnh Subic, tàu ngầm Oyashio và hai khu trục hạm Nhật rất có thể sẽ đi ngang qua quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, mà Trung Quốc chiếm giữ phi pháp từ năm 1974. Hành trình của đội tàu Nhật Bản sẽ cách không xa đảo Scarborough, cũng đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ năm 2012.

“Xa lộ bão tố”

Việc quay trở lại Biển Đông của Nhật nằm trong bối cảnh là từ khi Hiến pháp nước này được sửa đổi, quân đội Nhật, kể từ nay có thể ứng cứu các đồng minh trong trường hợp những nước này bị tấn công. Việc mở rộng vai trò quân sự của Nhật Bản cũng chính là điều mà Mỹ yêu cầu lâu nay. Washington đã tuyên bố sẽ đưa ngày càng nhiều chiếm hạm đi ngang qua các khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng trên Biển Đông. Như tuyên bố của Tư lệnh Lực lượng của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương vừa qua: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đi trên biển, bay trên không và hoạt động ở tất cả những nơi mà luật pháp quốc tế cho phép”. Trong việc ngăn chận tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ rất cần sự hỗ trợ của những đồng minh như Nhật Bản. Nhưng không chỉ tập trận chung với Philippines, theo thông báo của bộ Quốc phòng Nhật Bản, một tàu ngầm của nước này, chiếc Soryu, cũng với hai khu trục hạm hộ tống, vào tháng tới sẽ đến Sydney để tham gia tập trận chung với Hải quân Úc.

Reuters tuần qua cũng vừa dẫn lời người đứng đầu các hoạt động Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson, loan báo: Hoa Kỳ đang cân nhắc phản ứng đối với các leo thang mới nhất của Trung Quốc trên Biển Đông. Mỹ vừa phát hiện hoạt động mới đây của Trung Quốc xung quanh một rạn san hô mà Bắc Kinh chiếm từ gần bốn năm trước, một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể tiếp tục có thêm hoạt động bồi đắp đất ở Biển Đông. Đô đốc Richardson nói quân đội Mỹ trông thấy hoạt động của Trung Quốc xung quanh bãi cạn Scarborough ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, cách Vịnh Subic khoảng 200 km về hướng Tây. Ông Richardson cho hay phát hiện một số hoạt động của tàu Trung Quốc trên mặt biển đang tiến hành khảo sát. Vị Đô đốc này nói: “Đây là một khu vực đáng quan tâm, địa điểm kế tiếp có thể có hoạt động bồi đắp”. Vẫn theo lời ông, không rõ là liệu các hoạt động gần bãi Scarborough mà Trung Quốc chiếm hồi năm 2012 này có liên quan đến quyết định sắp tới của Tòa trọng tài Liên hiệp quốc về vụ Philippines kiện bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc hay không.

Chuyển ngữ từ cụm từ “Typhoons' Highway” thành “Xa lộ bão tố” để thấy cách mà các nhà nghiên cứu quốc tế mô tả tình hình Biển Đông hiện nay. Ngày 18/3/2016, Đô đốc John Richardson đã khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tuần tra trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các thực thế địa lý có tranh chấp tại Biển Đông để nhấn mạnh quan tâm về quyền tự do hàng hải. Vẫn theo lời ông, Mỹ hoan nghênh sự tham gia của các nước trong các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông và rằng quân đội Mỹ đã nhìn thấy cơ hội tốt để xây dựng và gầy dựng lại quan hệ với các nước như Việt Nam, Philippines và Ấn Độ. Đô đốc Richardson nhấn mạnh Hoa Kỳ đang khai thác các cơ hội để tăng cường sử dụng các cảng ở Philippines và Việt Nam, kể cả Vịnh Cam Ranh, nơi từng đặt căn cứ hải quân Mỹ trước đây. Ấn Độ và Nhật Bản đã tham gia cùng với hải quân Hoa Kỳ trong các cuộc tập trận Malabar kể từ năm 2014 và năm nay sẽ tham gia một lần nữa trong cuộc diễn tập phức tạp hơn diễn ra tại khu vực gần Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Cất trữ các thiết bị

Không chỉ Hải quân, Lục quân Mỹ cũng đang có kế hoạch cất trữ thiết bị ở Việt Nam, Campuchia và một số nước khác không được nêu tên ở vùng Thái Bình Dương, nhằm giúp các lực lượng Mỹ triển khai nhanh chóng hơn vì các thiết bị và tiếp liệu đã có sẵn tại chỗ. Động thái mới này sẽ diễn ra tại những nơi mà Trung Quốc cho khu vực họ có ảnh hưởng. Một số trang tin Mỹ hôm 16/3/2016 trích lời Chỉ huy Bộ Tư lệnh Hậu cần Lục quân, Tướng Dennis Via, nói tại một hội nghị của Hiệp hội Lục quân Mỹ ở Hunsville, bang Alabama, rằng: “Trên toàn vùng vành đai Thái Bình Dương, đó sẽ là các thiết bị thuộc loại phục vụ trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai, để khi có bão hoặc các thiên tai, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Lục quân có thể ứng phó nhanh chóng”. Vị tướng này nói Hoa Kỳ đang cân nhắc đặt một bệnh viện hỗ trợ dã chiến tại Campuchia. Tuy không phải là các thiết bị phục vụ chiến đấu, song động thái triển khai hàng tiếp liệu và thiết bị kể trên trong khu vực sẽ gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ về mối quan tâm và cam kết của Mỹ đối với Biển Đông.

Quyết định của Mỹ về triển khai thiết bị ở khu vực được đưa ra vào lúc Bắc Kinh tiếp tục đẩy mạnh sự lấn át phi pháp của họ ở Biển Đông. Trung Quốc đã tôn tạo đảo, xây đường băng và lắp đặt radar, hỏa tiễn ở vùng biển, bất chấp phản đối từ các nước láng giềng. Việc các nước triển khai các hoạt động nói trên báo hiệu với Trung Quốc rằng, việc họ tiếp tục leo thang quân sự hóa ở Biển Đông, nơi nhiều tuyến hàng hải quốc tế quan trọng đi qua, sẽ gặp phải sự chống đối ngày càng tăng của cả Mỹ lẫn các nước láng giềng. Khi các nước lân cận với Trung Quốc lo lắng về hành xử hung hăng của nước này, việc họ chấp nhận để Mỹ cất trữ các thiết bị là một cách gửi đi tín hiệu chính trị. Tướng Via cho hay các thiết bị sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện địa phương, có thể bao gồm cả các tàu thuyền để ứng phó với đặc điểm hậu cần của vùng Thái Bình Dương. Đây phần lớn sẽ là thiết bị “nhẹ”, ông Via nói. Việc triển khai các thiết bị như vậy sẽ hình thành cơ sơ cho các đợt triển khai luân phiên binh sỹ tạm thời trên toàn khu vực. Sự hiện diện các thiết bị của lục quân Mỹ ở Việt Nam, nếu được tiến hành như tuyên bố, sẽ có ý nghĩa rất đặc biệt.

Cửu Long cạn dòng

Trong khi đó, những đập nước ở Trung Quốc và Lào được cho là có tác động trực tiếp tới khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam, làm tổn hại vựa lúa của quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, thì chưa được công luận quan tâm đúng với mức độ nguy hiểm của nó. Dù tác hại về việc xây đập trên dòng Mekong đã được chỉ rõ, nhưng Ủy ban sông Mekong (MRC/Mekong River Commission), với 4 thành viên là Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam, đã không thể tìm được tiếng nói chung trong việc ngừng xây dựng các công trình thủy điện ấy. Các nước hạ nguồn kêu gọi đánh giá minh bạch, độc lập về tác động của những công trình thủy điện tới môi trường và xã hội. Tuy nhiên, nhà chức trách Trung Quốc đã phớt lờ lời kêu gọi hoãn xây dựng đập thủy điện trên dòng chảy chính của sông Mekong. Những gì xảy ra trên sông Mekong không chỉ tác động tới khu vực mà còn có ý nghĩa toàn cầu. Dòng sông tạo ra những đồng bằng trù phú, cung cấp lượng cá nước ngọt dồi dào cũng như đóng vai trò điều hòa khí hậu thế giới. Dòng sông còn mang tính biểu tượng và ý nghĩa văn hóa đối với các quốc gia nó chảy qua. Việc đề cao giá trị năng lượng trên dòng Mekong có thể đã làm tổn hại nhiều lĩnh vực khác nữa cần nghiêm túc đánh giá.

Tác phẩm “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng” của nhà văn Ngô Thế Vinh là một trong các hướng đi như vậy. Tác phẩm đã đưa người đọc đi từ thượng nguồn ở Tây Tạng, vượt qua các ghềnh thác và sóng gió của lịch sử từng quốc gia, xuống đến vùng châu thổ ra các cửa sông tỏa nước ra biển. Dưới thể tài “dữ kiện tiểu thuyết” độc đáo, tác phẩm của Ngô Thế Vinh đã thể hiện một công trình nghiên cứu công phu theo chiều sâu của từng vấn đề nêu lên. Tác phẩm là đã thành công, xuyên qua các dữ kiện, cung cấp những thông tin giá trị về quá khứ phức tạp của từng khu vực sông Mekong chảy qua, để từ đó dẫn người đọc tiếp cận với các vấn đề môi sinh được đặt ra cho toàn vùng và xây dựng một tầm nhìn chiến lược bao quát, thoát khỏi những vướng bận cục bộ địa phương chỉ khư khư biết có riêng mình. Trong vấn đề dòng sông Mekong, một Trung Quốc to lớn đang ngự trị ở thượng nguồn, độc quyền nắm thế thượng phong, lặng lẽ xây dựng hàng loạt đập thủy điện bậc thang, biến các đoạn dòng sông Mekong thành ô nhiễm quá mức do chất thải của các nhà máy nằm dọc theo bờ sông, mà không có một biện pháp xử lý nào cả.

Lưu lượng nước sông Cửu Long đã giảm từ 30% đến 60% được cho là vì Trung Quốc đã xây nhiều đập trong tỉnh Vân Nam, trữ nước cho các công trình thủy điện ở thượng nguồn sông. Trung Quốc dự tính xây dựng tại thượng lưu sông Mekong một chuỗi 14 đập nước; hiện đang sử dụng các đập nước đã hoàn tất, như Manwan (1996), Dachaosan (2003), Gonguoqiao (2008) và đập Cảnh Hồng, Jinghong. Hai đập lớn khác là Xiaowan đã hoạt động từ năm 2013 và Nuozhadu sẽ hoàn tất năm 2017, phải mất hàng chục năm mới làm đầy hai hồ trên dài hàng trăm cây số. Vì số nước trên nguồn về giảm bớt, không còn áp lực như cũ cho nên nước mặn từ ngoài biển đã lấn sâu hơn vào đất liền. Người dân ở ĐBSCL đang gánh chịu hai tai họa: đất bị khô hạn và ruộng bị nhiễm nước mặn. Năm 1988, nước mặn đã xâm nhập lên vào sâu thêm 70 km vào vùng ĐBSCL, hiện vẫn còn tiếp tục gia tăng. Các đập thủy điện với các hồ chứa lớn ở đầu nguồn còn làm giảm lượng phù sa bồi đắp từ 30% đến 40% cho vùng dưới và giảm cả số lượng cát đáy sông, gây tình trạng bờ sông bị sạt lở nhiều nơi. Từ Ðại học Cần Thơ, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Lê Anh Tuấn từng lên tiếng cảnh báo về sự chậm trễ đối phó với tai họa đang diễn ra trong vùng sông Cửu Long.

Trong khi chờ đợi các nghiên cứu tổng hợp, trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn thì Bộ Tài nguyên và Môi trường lại đi phê chuẩn báo cáo của dự án “Nghiên cứu tác động của các đập thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mekong lên châu thổ sông Mekong”, trong đó có ĐBSCL (MDS, Mekong Delta Study) mà Ủy ban sông Mekong Việt Nam cùng bên tư vấn là Viện Thủy lợi Đan Mạch trình bày tại “Diễn đàn sông Mekong mở rộng về nước, thực phẩm và năng lượng” ở Phnom Penh (ngày 21/10/2015). Theo GS. Nguyễn Ngọc Trân, kết luận của báo cáo này là rất nguy hiểm khi đánh giá rằng: “Tác động dự kiến của 11 đập trên dòng chính lên mực nước ở phần lãnh thổ Việt Nam vùng châu thổ là tương đối nhỏ... Các thay đổi về độ mặn là tương đối nhỏ ở châu thổ, khoảng dưới 1g/l...”, hay “11 đập dự kiến trên dòng chính không tác động một cách có ý nghĩa đến sự xói lở bờ sông trên phần lãnh thổ Việt Nam của châu thổ”. Kết luận này của Ủy ban sông Mekong Việt Nam gần như đi ngược kết luận của Báo cáo “Đánh giá môi trường thủy điện trên dòng chính sông Mekong” từ tháng 10/2010 cũng do chính MRC đưa ra và rất có thể đây sẽ là cơ sở để Trung Quốc chối bỏ trách nhiệm về nạn hạn hán và nhiễm mặn nghiêm trọng đang diễn ra ở ĐBSCL./.