03 septembre 2014

Cầu hiền và sử dụng năng lực trí tuệ (Phần 2)




Nguyễn Thị Từ Huy

Nếu không tin đã không hỏi, mà có hỏi thì cũng sẽ không nghe theo.
Tôi nhắc lại câu này, đã viết ở đoạn cuối của phần trước về thái độ trọng tài của Nguyễn Huệ đối với Nguyễn Thiếp, để nối sang hai sự kiện có lẽ vẫn còn chưa mất tính thời sự: hiến pháp Việt Nam năm 2013, và giàn khoan Trung Quốc 981. Và từ hai sự kiện này để nói thêm một vài điều về thực tế sử dụng nguồn năng lực trí tuệ hiện nay; mặc dù hiện tượng chảy máu chất xám ở Việt Nam đã trở thành báo động, chẳng ai lạ gì, báo chí, các diễn đàn, các hội thảo, các nghiên cứu… đã nói mãi, nói từ lâu, mà chẳng thay đổi được gì.

Trước khi đề cập tới những chuyện này cần nhắc lại một ví dụ nữa về thái độ cầu hiền trong lịch sử Việt Nam. Đó là trường hợp của Nguyễn Trãi, một nhân vật chủ chốt trong công cuộc chống quân Minh¨giành độc lập dân tộc. Trong “Chiếu cầu hiền tài” do Nguyễn Trãi soạn thay Lê Lợi, có một tư tưởng rất hiện đại, đó là khuyến khích những người có tài năng tự tiến cử. Nguyễn Trãi viết:
“Tuy nhiên, người tài ở đời vốn không ít, mà cầu tài không phải chỉ một đường, hoặc người nào có tài kinh luân mà bị khuất ở hàng quan nhỏ, không ai tiến cử, cùng người hòa kiệt náu ở nơi đồng nội, lẩn ở hàng binh lính, nếu không tự mình đề đạt thì trẫm bởi đâu mà biết được ! Từ nay về sau, các bực quân tử, ai muốn đi chơi với ta đều cho tự tiến. Chiếu này ban ra, phàm các quan liêu đều phải hết chức vụ, tiến cử hiền tài. Còn như những kẻ sĩ quê lậu ở xóm làng, cũng đừng lấy điều « đem ngọc bán rao » làm xấu hổ, mà để trẫm phải than đời hiếm nhân tài.”

Bản thân Nguyễn Trãi cũng đã hành xử đúng như vậy. Khi Lê Lợi dấy binh, ông không đợi được mời, mà tự mình, cùng với Trần Nguyên Hãn, tìm đến Lam Sơn xin gia nhập nhóm khởi nghĩa, và ông cũng chủ động tự dâng Bình Ngô sách cho Lê Lợi, cùng Lê Lợi đánh thắng giặc Minh; dù rằng để rồi sau khi thắng lợi Trần Nguyên Hãn bị Lê Lợi hại chết và Nguyễn Trãi bị Lê Lợi bỏ tù, rồi về sau còn bị tru di tam tộc, bản án oan thảm khốc mà tất cả chúng ta đều biết.
Nguyễn Trãi kêu gọi những người có năng lực hành động theo ý thức trách nhiệm của mình, không cần phải câu nệ vào sự khiêm tốn.
Ngày nay năng lực trí tuệ đang được sử dụng như thế nào
Trở lại với câu chuyện hiến pháp 2013. Các trí thức đương thời được mời “góp ý kiến” cho dự thảo hiến pháp sửa đổi. Chủ trương đăng công khai trên các phương tiện truyền thông chính thống, ngoài ra các cuộc họp lấy ý kiến được tổ chức trên toàn quốc, và chủ trương đó được tương đối đông đảo trí thức đáp ứng.
Ngoài ra một số trí thức đã chủ động viết các bản góp ý, gửi trực tiếp đến Văn phòng Quốc hội. Họ không lựa chọn cách hành xử của Nguyễn Thiếp, mà chọn thái độ mà Nguyễn Trãi kêu gọi. Dĩ nhiên họ không tự tiến cử bản thân (Nguyễn Trãi khuyến khích người có năng lực tự tiến cử, nhưng bộ máy lãnh đạo hiện nay thì không, chẳng ai có thể tự tiến cử, chỉ có đảng mới có quyền lựa chọn và chỉ định). Họ chỉ đề xuất các ý tưởng, kèm theo các phân tích duy lý về việc vì sao họ có các đề nghị đó. Nhiều ý kiến được đưa ra trong đó tiêu biểu là kiến nghị 72 (bản kiến nghị này đã trở thành nổi tiếng, có thể dễ dàng tìm thấy trên google, nên không cần phải nhắc lại cụ thể ở đây).
Khác với Quang Trung, những người điều hành đất nước ngày nay hỏi mà không nghe, không thực hiện. Theo một số phân tích, bản hiến pháp được Quốc hội thông qua năm 2013 còn tệ hơn cả bản Dự thảo sửa đổi hiến pháp được ban hành năm 2012.
Tại sao phải sửa đổi hiến pháp vào thời điểm đó? Và tại sao phải thông qua hiến pháp một cách vội vã như vậy? Hoặc đặt câu hỏi theo cách khác: động cơ sửa đổi hiến pháp là gì? Câu trả lời trên truyền thông chính thống là: “Sửa đổi Hiến pháp 1992 để tạo đà cho sự phát triển của đất nước”. Chúng ta đã thấy sau khi hiến pháp 2013 ban hành đất nước đã “phát triển” như thế nào(!)…
Trong thực tế, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ dân chúng, điều 4 đã được bảo lưu, và hai điểm mới quan trọng nhất, không có trong hiến pháp 1992, được Quốc hội và ban soạn thảo bằng mọi giá đưa vào hiến pháp 2013 là hai điểm liên quan đến sở hữu toàn dân (điều 53), và quân đội (điều 65): đảng được đưa lên thành đối tượng phục vụ của quân đội, đối tượng mà quân đội phải thể hiện lòng trung thành (điều này hoàn toàn không tồn tại trong các bản hiến pháp trước đó)
Nếu theo dõi một số mốc thời gian, ta sẽ thấy:
Hiến pháp mới được thông qua ngày 28-11-2013.
Ít lâu sau, từ ngày 10 đến ngày 12-3-2014 đã diễn ra Chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung tại hai thành phố giáp biên là Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây. Các báo chính thống đưa tin về sự kiện này đều khẳng định “tình hữu nghị thắm thiết” giữa Việt Nam và Trung Quốc, giữa quân đội hai nước, khẳng định mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện của hai nước trên cơ sở 16 chữ vàng và 4 tốt.
Và chỉ hơn một tháng sau khi trình diễn màn kịch cảm động đó của quân đội hai nước, vào ngày 3-5-2014, Trung Quốc đã chứng minh “tình hữu nghị thắm thiết” này bằng cách đưa giàn khoan 981 cắm vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Như nhiều người đã phân tích, một trong các ý nghĩa biểu tượng của giàn khoan 981 là ở chỗ Trung Quốc muốn khẳng định chủ quyền của mình ngay trên vùng lãnh hải của Việt Nam. Giàn khoan 981 đã được sử dụng như một lá cờ của Trung Quốc.
Hiến pháp 2013 có thể liên quan gì đến việc này?
Điều 65 của hiến pháp 2013 cho phép Quân đội Việt Nam đặt việc bảo vệ đảng thành một trong những nhiệm vụ hàng đầu của mình. Xin nhắc lại, đây là điểm mới đưa vào so với các hiến pháp trước đó. Những người có chút suy nghĩ nhìn thấy ngay sự nguy hiểm của một quy định như vậy khi nó được thể hiện ở điều 70 của dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 (“Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân”), nên đã vô cùng lo lắng và tha thiết, mạnh mẽ đề nghị hủy bỏ nó, trong đó có cả tướng quân đội là ông Nguyễn Trọng Vĩnh. Có những người đã chấp nhận thỏa hiệp với việc giữ điều 4 của hiến pháp để đòi bỏ bằng được điều luật ấy về quân đội. Tuy nhiên, tất cả những ý kiến, những lo lắng và tâm huyết của tướng lĩnh, trí thức và nhân dân đều không có giá trị đối với những người soạn thảo và thông qua hiến pháp. Điều 70 của dự thảo sửa đổi hiến pháp trở thành điều 65 của hiến pháp 2013, quy định quân đội phải tuyệt đối trung thành với đảng, với một chút nhượng bộ về câu chữ, xếp đảng sau tổ quốc và nhân dân, nhưng về bản chất không có gì thay đổi, vì đảng nắm quyền lãnh đạo tuyệt đối.
Giả định rằng, đảng, trong tư cách là bộ phận lãnh đạo đất nước tuyệt đối và toàn diện (tư cách này được quy định ở điều 4 của hiến pháp), vẫn cương quyết con đường “hợp tác chiến lược toàn diện”, giữ “mười sáu chữ vàng, bốn tốt” với Trung Quốc, và đặt sự tồn vong của đảng lên trên sự tồn vong của quốc gia, thì quân đội dĩ nhiên phải bảo vệ quyết định ấy của đảng. Hiến pháp muốn rằng quân đội phải tuyệt đối trung thành với đảng. Vậy, câu hỏi cần đặt ra là: “Ai là người thực sự muốn đưa một điều khoản như điều 65 vào trong hiến pháp? Ai là người được lợi nhất từ điều 65 này? Ai là người thực sự muốn nhanh chóng thông qua một hiến pháp như vậy?”. Theo logic thì câu trả lời là : đảng, dĩ nhiên ở Việt Nam chỉ có một đảng. Nhưng câu hỏi chưa dừng lại đó: ngoài đảng cộng sản Việt Nam ra, còn ai muốn áp đặt một điều khoản như thế vào hiến pháp Việt Nam?
Chỉ một thời gian ngắn sau khi hiến pháp 2013 được thông qua, Trung Quốc cho đặt giàn khoan 981. Trước một sự xâm hấn quá hiển nhiên như vậy, trước việc quốc thể bị làm nhục đến như vậy, rất nhiều nhóm người Việt Nam khác nhau đã đồng loạt có hành động phản ứng, bằng nhiều hình thức khác nhau. Và các trí thức Việt Nam một lần nữa chọn cách ứng xử của Nguyễn Trãi, tự nguyện đóng góp ý kiến cho lãnh đạo, tiêu biểu nhất là những người đề xuất kiến nghị kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, và những người đề xuất các biện pháp thoát Trung [mở ngoặc bình luận thêm: xét về mặt chữ nghĩa, so với “Bình Ngô sách” ngày xưa, thì “thoát Trung sách” (nếu có) ngày nay, ở một vị thế kém chủ động hơn nhiều, nó cho thấy, trong việc giải quyết mối tương quan với Trung Quốc, bản lĩnh và tài năng của trí thức chúng ta ngày nay kém hơn tiền nhân của chúng ta ngày xưa rất nhiều.]
Và một lần nữa, cũng như các góp ý cho hiến pháp, các nỗ lực đóng góp về trí tuệ trong vụ giàn khoan đã không được sử dụng. Trong khi thượng viện Mỹ ở đâu xa xôi bên bờ Đại Tây Dương ra nghị quyết về Biển Đông thì Quốc hội Việt Nam, Quốc hội của đất nước đang bị xâm lăng, không ra nổi một nghị quyết. Giàn khoan đã được rút đi, nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ dừng lại.
Nếu lãnh đạo không đủ hiểu biết, không đủ trách nhiệm và không đủ tự do để sử dụng những người có năng lực trí tuệ và các thành quả của trí tuệ thì tất yếu sẽ không giải quyết được các vấn đề của đất nước. Nếu cơ chế chính trị và cơ chế quản lý không cho phép những người có năng lực đứng vào vị trí của họ, đồng thời lại đặt những người không đủ năng lực vào vị trí không phải của họ, thì hậu quả tất yếu sẽ là sự suy thoái toàn diện của quốc gia. Việt Nam hiện nay đang ở vào tình trạng như vậy.
Nhìn các động thái gần đây của Trung Quốc thì có vẻ như họ cho rằng đã tới hồi cuối của tiến trình đưa Việt Nam và quỹ đạo của Trung Quốc. Cái quỹ đạo này thì không phải là suy đoán, mà có thể chứng minh được qua hàng loạt vụ việc: Hoàng Sa, Trường Sa, bô-xít Tây Nguyên, Vũng Áng Hà Tĩnh, thuê rừng đầu nguồn, các hợp đồng kinh tế, các hợp đồng xây dựng, sự phổ biến của hàng lậu và các sản phẩm văn hóa Trung Quốc… Và có cả hội nghị Thành Đô.
Có vẻ như Trung Quốc đánh giá rằng tình trạng Việt Nam đã chín muồi cho Trung Quốc tiến tới xác lập một cách công khai vị thế của họ đối với Việt Nam. Đấy chẳng phải là một trong những ý nghĩa của giàn khoan 981 mà nhiều người đã nói đến hay sao ? Sau giàn khoan 981 là gì, những người dân Việt Nam không (hoặc chưa) biết được. Cũng như người dân Việt Nam vẫn chưa biết được nội dung thỏa thuận của hội nghị Thành Đô và các hệ lụy cùng với thỏa thuận đó.
« Những người bình thường không biết rằng mọi việc đều có thể ». Tôi dẫn lại câu này của David Rousset mà Hannah Arendt dùng làm lời đề từ cho một chương trong cuốn « Hệ thống toàn trị » (Le système totalitaire).
Người dân bình thường chúng ta hàng ngày vẫn đọc câu khẩu hiệu chăng trên các đường phố: « Đảng cộng sản Việt Nam – người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam », nhiều người vẫn còn tin vào điều đó. Người dân bình thường không biết rằng Việt Nam liệu có bị biến thành một tiểu khu của Trung Quốc, như một số người đang lo lắng vì một thông tin trên tờ Hoàn cầu Thời báo mà chính phủ Việt Nam cho đến nay không hề cải chính. Chúng ta quả thật biết được quá ít về những quyết định liên quan đến đất nước, nghĩa là liên quan đến chính số phận của mỗi chúng ta.
Nhưng chúng ta biết rằng chất xám đang chảy máu ồ ạt, các nguồn lực trí tuệ bị lãng phí trầm trọng và bị hủy hoại không thương tiếc, các ý kiến tâm huyết bị vứt vào sọt rác. Và có chuyện đó là vì đảng, nhà nước, chính phủ không quý trọng năng lực trí tuệ, và không tin ở người dân của mình, luôn có xu hướng nhìn người dân thành ra kẻ thù, thành ra những kẻ phản động. Những người có suy nghĩ khác với đường lối của đảng thì ngay lập tức có thể bị quy thành phản động, và điều này được áp dụng đối với cả người trong đảng, chứ không riêng gì người ngoài đảng.
Nguyễn Huệ xưa kia, bất chấp Nguyễn Thiếp nhiều lần từ chối (không chỉ ba lần từ chối thư mời làm việc, mà còn những lần khác từ chối xem đất, từ chối bổng lộc…) vẫn tin rằng La sơn Phu tử sẽ giúp mình đánh ngoại xâm, và sẽ giúp mình quản lý tốt đất nước. Bởi cả hai người đó hiểu rằng cả hai đều hành động vì lợi ích của dân tộc. Nguyễn Thiếp có thể từ chối hợp tác với Nguyễn Huệ khi cho rằng sự hợp tác đó sẽ phục vụ cho lợi ích của Nguyễn Huệ, và làm phương hại đến nhà Lê. Nhưng khi nhà Lê đã bán nước cầu vinh, và hiểu rõ Nguyễn Huệ hành động vì đất nước, Nguyễn Thiếp đã hiến kế thật lòng, đã thật lòng viết các bản tấu đưa ra các lời khuyên cho bậc quân vương trong thuật trị nước. Còn Nguyễn Huệ tin Nguyễn Thiếp vì chính sự từ chối của bậc nho sĩ đã chứng tỏ nhân cách và tầm cỡ của ông, con người như thế không thể không hành động vì nước, vì dân.
Còn trong xã hội ngày nay, những người có nhân cách và có viễn kiến lại là mối đe dọa đối với hệ thống. Bởi hệ thống được vận hành và được duy trì dựa trên sự tha hóa của con người, dựa trên sự yếu kém, sự thiếu hiểu biết và sự sợ hãi của con người. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này vào một dịp khác. Ở đây chỉ nói ngắn gọn rằng: những ý kiến đóng góp nhằm làm lợi cho quốc dân, nhằm làm cho đất nước giàu mạnh lại trở thành nguy hiểm cho sự tồn tại của hệ thống, hay nói cách khác là nguy hiểm tới sự tồn tại của đảng cầm quyền, và ảnh hưởng tới lợi ích vật chất trước mắt của một số người và một số nhóm đang có quyền quyết định, ở mọi cấp độ xã hội, và mọi lĩnh vực xã hội. Đấy là lý do sâu xa khiến chất xám bị ruồng bỏ, trí tuệ bị kìm hãm, hậu quả là sức mạnh quốc gia bị hủy hoại.
Tuy nhiên, tình thế nguy ngập lúc này đặt những người lãnh đạo hiện nay trước những lựa chọn mang tính quyết định: hoặc là kiên trì giữ vững hệ thống để rồi lệ thuộc vào Trung Quốc, hoặc là phá vỡ hệ thống, tiến hành cải cách để giữ độc lập dân tộc và phát triển đất nước. Lãnh đạo Việt Nam sẽ chọn điều gì?
Cuối cùng, phải chịu trách nhiệm về tất cả các vấn đề đã nói ở trên không chỉ có những người quản lý, chính phủ và đảng, dĩ nhiên đảng phải chịu trách nhiệm lớn nhất và cao nhất, vì đảng giành quyền lãnh đạo toàn diện và trực tiếp, và người của chính phủ cũng là người của đảng, người đứng ở vị trí quản lý các cấp cũng là người của đảng. Mà nhìn chung, trách nhiệm thuộc về tất cả mọi người, về toàn bộ cộng đồng. Đây sẽ là chủ đề của bài tiếp theo.
Paris, 15/8/2014
Nguyễn Thị Từ Huy

·                Nguồn :  nguyenthituhuy's blog